10 quy định về tiền lương, thuế, BHXH có hiệu lực từ 01/01/2018 (Phần 1)

Từ ngày 01/01/2018, rất nhiều quy định về tiền lương, thuế, BHXH chính thức bắt đầu có hiệu lực. Sau đây, Thư Ký Luật xin điểm qua 10 quy định nổi bật nhất, bao gồm:

 

1. Tăng mức lương tối thiểu vùng từ 180.000 –  230.000 đồng/tháng

Nghị định 141/2017/NĐ-CP quy định về việc tăng lương tối thiểu vùng vừa được Chính phủ ban hành. Theo đó, bắt đầu từ ngày 01/01/2018, mức lương tối thiểu vùng sẽ được tăng thêm từ 180.000 – 230.000 đồng/tháng, mức lương cụ thể như sau:

  • Vùng I: 3.980.000 đồng/tháng;

  • Vùng II: 3.530.000 đồng/tháng;

  • Vùng III: 3.090.000 đồng/tháng;

  • Vùng IV: 2.760.000 đồng tháng.

2. Chính thức áp dụng xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi gian lận về BHXH, BHYT

Bộ luật Hình sự 2015 (BLHS 2015) chính thức có hiệu lực từ ngày 01/01/2018. Trong đó, đáng chú ý là lần đầu tiên áp dụng việc xử lý trách nhiệm hình sự đối với các hành vi gian lận về BHXH, BHYT.

Cụ thể, Điều 214, 215 BLHS 2015 quy định người nào có các hành vi gian lận về BHXH, BH thất nghiệp, BHYT như lập hồ sơ giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ hoặc dùng hồ sơ giả để lừa dối cơ quan Nhà nước nhằm chiếm đóng tiền BHXH, BHYT thì bị xử lý hình sự theo một trong các hình phạt sau đây:

  • Phạt tiền từ 20 triệu đến 100 triệu;

  • Phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm;

  • Phạt tù từ 3 tháng đến 2 năm.

Ngoài ra, nếu người nào có hành vi trốn đóng BHXH, BHYT cho người lao động thì có thể bị truy cứu TNHS theo quy định tại Điều 216 BLHS 2015, với mức phạt tù cao nhất là 5 năm. Đối với pháp nhân phạm tội trốn thuế thì phải chịu phạt tiền, mức phạt là từ 200 triệu đến 3 tỷ đồng.

 

3. Hợp đồng lao động từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng phải tham gia BHXH bắt buộc

Đây là nội dung đáng chú ý được đề cập tại Luật BHXH 2014. Theo đó, từ ngày 01/01/2018, các quy định tại Điểm b, Khoản 1 và Khoản 2 Điều 2 Luật BHXH 2014 bắt đầu có hiệu lực, quy định bổ sung 2 đối tượng tham gia BHXH bắt buộc, cụ thể là:

  • Người làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn từ đủ 01 tháng đến dưới 03 tháng;

  • Người lao động là công dân nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam có giấy phép lao động hoặc chứng chỉ hành nghề hoặc giấy phép hành nghề do cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp được tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc theo quy định của Chính phủ.

4. Thay đổi điều kiện về độ tuổi nghỉ việc hưởng lương hưu

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì từ năm 2018 trở đi, người lao động bị suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%, đã có từ đủ 20 năm đóng BHXH trở lên được nghỉ hưởng lương hưu khi có đủ điều kiện về tuổi đời như sau:

 

Năm nghỉ hưu

Tuổi đời đối với nam

Tuổi đời đối với nữ

2018

Từ đủ 53 tuổi trở lên

Từ đủ 48 tuổi trở lên

2019

Từ đủ 54 tuổi trở lên

Từ đủ 49 tuổi trở lên

2020 trở đi

Từ đủ 55 tuổi trở lên

Từ đủ 50 tuổi trở lên

 

5. Cách tính mới về tiền lương tháng đóng BHXH bắt buộc

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH thì tiền lương tháng đóng BHXH từ ngày 01/01/2018 trở đi bao gồm:

  • Mức lương, phụ cấp lương theo quy định tại khoản 1 Điều 30 Thông tư 59/2015/TT-BLĐTBXH;

  • Các khoản bổ sung khác theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 4 của Thông tư 47/2015/TT-BLĐTBXH.

 

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
6050 lượt xem
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;