Tôi muốn biết khi khai thác vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước thì tổ chức, cá nhân có các trách nhiệm nào? - Đức Mạnh (Quảng Nam)
Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước (Hình từ Internet)
Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:
1. Vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước là vùng nào?
Theo khoản 2 Điều 3 Nghị định 48/2019/NĐ-CP, vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước là vùng nước mà phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước được phép hoạt động trong phạm vi ranh giới an toàn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền chấp thuận hoặc công bố.
Trong đó, vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước gồm 02 vùng:
- Vùng 1: Là vùng nước trên tuyến đường thủy nội địa, vùng nước cảng biển hoặc khu vực hàng hải;
- Vùng 2: Là vùng nước khác không thuộc vùng 1, được đánh dấu, xác định vị trí bằng phao hoặc cờ hiệu có màu sắc dễ quan sát.
(Khoản 1 Điều 5 Nghị định 48/2019/NĐ-CP)
2. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân khai thác vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước
Cụ thể tại Điều 7 Nghị định 48/2019/NĐ-CP, khi khai thác vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước thì tổ chức, cá nhân có các trách nhiệm sau đây:
- Thường xuyên kiểm tra điều kiện an toàn của phương tiện, thiết bị.
- Bố trí đầy đủ áo phao, thiết bị cứu sinh, thiết bị phòng cháy, chữa cháy theo quy định.
- Chỉ được phép tổ chức hoạt động vui chơi, giải trí trong khoảng thời gian theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Nghị định 48/2019/NĐ-CP và phải có phương án bảo đảm an ninh, an toàn, cứu hộ, cứu nạn và ngăn ngừa ô nhiễm môi trường.
- Tập huấn, hướng dẫn kỹ năng an toàn cho người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí.
- Không đưa phương tiện vào hoạt động khi không đảm bảo các điều kiện an toàn theo quy định.
- Không cho phép người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước điều khiển phương tiện ra khỏi vùng hoạt động đã được quy định.
- Có cảnh báo, chỉ dẫn về điều kiện khí hậu, thời tiết, sức khỏe và các yếu tố liên quan khi cung cấp dịch vụ; khuyến cáo những trường hợp không được tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.
- Bố trí khu vực bến, bãi neo đậu cho các phương tiện; các phương tiện vui chơi, giải trí chỉ được phép neo đậu ở những nơi quy định.
- Bố trí báo hiệu theo quy định; trường hợp không bố trí báo hiệu thì phải bố trí phao và cờ hiệu như sau:
+ Đường kính phao tối thiểu là 50 cm, cờ hiệu 50 x 60 cm;
+ Khoảng cách giữa hai phao hoặc cờ hiệu là 10 m.
3. Nguyên tắc hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước
Hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải tuân theo các nguyên tắc được quy định tại Điều 4 Nghị định 48/2019/NĐ-CP, cụ thể như sau:
- Hoạt động vui chơi, giải trí phải bảo đảm trật tự, an toàn, an ninh, bảo vệ môi trường và hiệu quả; góp phần phát triển du lịch, phát triển kinh tế - xã hội.
- Việc đầu tư xây dựng vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải phù hợp với các quy hoạch ngành quốc gia và quy hoạch có tính chất kỹ thuật chuyên ngành đã được phê duyệt. Khi thực hiện dự án đầu tư xây dựng vùng hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước, chủ đầu tư phải thực hiện theo quy định của pháp luật về đầu tư, xây dựng.
- Tổ chức, cá nhân khai thác, cung cấp dịch vụ vui chơi, giải trí, người lái phương tiện vui chơi, giải trí dưới nước và người tham gia vui chơi, giải trí dưới nước phải tuân thủ các quy định tại Nghị định 48/2019/NĐ-CP và quy định khác có liên quan của pháp luật.
4. Trách nhiệm của người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước
Ngoài việc thực hiện các nghĩa vụ theo quy định tại Điều 12 Luật Du lịch 2017, người tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước phải mặc áo phao trong suốt thời gian tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước và tự chịu trách nhiệm về tình trạng sức khỏe của mình khi tham gia hoạt động vui chơi, giải trí dưới nước.
(Điều 8 Nghị định 48/2019/NĐ-CP)
Trần Thanh Rin
- Từ khóa:
- giải trí dưới nước