Ngày 01/7/2017 tới đây Bộ luật hàng hải Việt Nam 2015 và Luật đấu giá tài sản 2016 chính thức có hiệu lực thi hành. Để tạo điều kiện cho mọi người cập nhật các chính sách pháp luật mới Thư Ký Luật xin tổng hợp một số điểm mới trong 2 văn bản này như sau:
Bộ luật Hàng hải Việt Nam 2015 được Quốc hội khóa XIII thông qua vào cuối năm 2015 nhưng đến ngày 01/7/2017 tới đây mới chính thức có hiệu lực. Bộ luật gồm 20 chương và 341 điều quy định về các vấn đề liên quan đến lĩnh vực hàng hải như các hoạt động hàng hải, quản lý nhà nước về hàng hải và các hoạt động khác liên quan đến việc sử dụng tàu biển.
Tàu Việt Nam phải treo quốc kỳ Việt Nam
Bộ luật Hàng hải quy định rõ 2 loại đối tượng phải treo quốc kỳ Việt Nam, gồm:
- Tàu biển Việt Nam
- Tàu thuyền khác khi hoạt động tại cảng biển Việt Nam
Ngoài ra, tàu quân sự nước ngoài khi đến lãnh hải Việt Nam để đến cảng biển (tàu ngầm và các phương tiện đi ngầm khác) phải hoạt động ở trạng thái nổi trên mặt nước và phải treo Quốc kỳ Việt Nam ở vị trí ngang bằng với quốc kỳ của quốc gia tàu mang cờ.
Tàu biển phải có tên và tên không bị trùng
Tàu biển Việt Nam phải được đặt tên và tuân thủ các nguyên tắc sau:
- Tên tàu biển do chủ tàu đặt nhưng không được trùng với tên tàu biển đã đăng ký trong Sổ đăng ký tàu biển quốc gia Việt Nam;
- Không sử dụng tên cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội để làm toàn bộ hoặc một phần tên của tàu biển, trừ trường hợp có sự chấp thuận của cơ quan, đơn vị hoặc tổ chức đó;
- Không sử dụng từ ngữ, ký hiệu vi phạm truyền thống lịch sử, văn hóa, đạo đức và thuần phong mỹ tục của dân tộc.
Lựa chọn pháp luật để giải quyết xung đột pháp luật
Trong trường hợp quan hệ pháp luật có xảy ra xung đột pháp luật sẽ được áp dụng theo nguyên tắc sau:
- Xung đột liên quan đến tổn thất chung thì áp dụng pháp luật nơi tàu biển kết thúc hành trình ngay sau khi xảy ra tổn thất chung đó;
- Xung đột liên quan đến tai nạn đâm va, tiền công cứu hộ, trục vớt tài sản chìm đắm xảy ra tại nội thủy hoặc lãnh hải của quốc gia nào thì áp dụng pháp luật của quốc gia đó;
- Xung đột liên quan đến hợp đồng vận chuyển hàng hóa thì áp dụng pháp luật của quốc gia nơi hàng hóa được trả theo hợp đồng.
Luật đấu giá tài sản 2016 được Quốc hội khóa XIV thông qua vào ngày 17/11/2016 với 8 chương và 81 điều quy định về nguyên tắc, trình tự, thủ tục đấu giá tài sản; đấu giá viên, tổ chức đấu giá tài sản,…
Không đấu giá chứng khoán và tài sản của Nhà nước ở nước ngoài.
Theo quy định, những tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá thì phải thực hiện thủ tục đấu giá theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016, trừ 2 loại là đấu giá đối với chứng khoán và tài sản của nhà nước ở nước ngoài.
Tài sản mà pháp luật quy định phải bán thông qua đấu giá đơn cử như:
- Tài sản nhà nước theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước;
- Tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân theo quy định của pháp luật;
- Tài sản là quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai;
- Tài sản bảo đảm theo quy định của pháp luật về giao dịch bảo đảm;
Tiêu chuẩn để được làm đấu giá viên
Để trở thành đâu giá viên đấu giá tài sản phải có đủ các tiêu chuẩn sau:
- Công dân Việt Nam thường trú tại Việt Nam, tuân thủ Hiến pháp và pháp luật, có phẩm chất đạo đức tốt;
- Có bằng tốt nghiệp đại học hoặc trên đại học thuộc một trong các chuyên ngành luật, kinh tế, kế toán, tài chính, ngân hàng;
- Tốt nghiệp khóa đào tạo nghề đấu giá, trừ các trường hợp được miễn đào tạo nghề đấu giá như sau:
- Người đã là luật sư, công chứng viên, thừa phát lại, quản tài viên, trọng tài viên có thời gian hành nghề từ 02 năm trở lên;
- Người đã là thẩm phán, kiểm sát viên, chấp hành viên.
- Đạt yêu cầu kiểm tra kết quả tập sự hành nghề đấu giá.
- Từ khóa:
- Bộ luật hàng hải 2015