Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người là nội dung đề cập tại Kế hoạch 19/KH-BCĐ138/CP thực hiện công tác phòng, chống mua bán người năm 2024 do Ban Chỉ đạo 138/CP ban hành.
Đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người (Hình từ internet)
Theo đó, một trong những nhiệm vụ được nêu trong kế hoạch là đẩy mạnh hợp tác quốc tế về phòng, chống mua bán người
1. Tổ chức sơ, tổng kết việc thực hiện các Hiệp định, Bản Ghi nhớ, Kế hoạch hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước.
Tiếp tục triển khai hiệu quả Sáng kiến cấp Bộ trưởng các nước tiểu vùng sông Mê Kông mở rộng về phòng, chống mua bán người (COMMIT). Nghiên cứu, đề xuất chỉnh sửa, bổ sung để tiến hành đàm phán, tiến tới ký kết Hiệp định mới thay thế Hiệp định hiện hành về hợp tác phòng, chống mua bán người giữa Việt Nam với các nước (nếu có). Tăng cường đàm phán, ký kết các điều ước quốc tế, thỏa thuận quốc tế về phòng, chống mua bán người.
(Bộ Công an chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện).
2. Đẩy mạnh các hoạt động trong khuôn khổ hợp tác đa phương về phòng, chống mua bán người.
- Đẩy mạnh thực hiện Thỏa thuận toàn cầu về di cư hợp pháp, an toàn và trật tự của Liên hợp quốc (Thỏa thuận GCM) trong đó có nhiệm vụ về phòng, chống mua bán người trong di cư quốc tế nhằm thúc đẩy di cư hợp pháp, an toàn, ngăn chặn mua bán người.
- Tham gia đóng góp tích cực, hiệu quả và thực chất tại các cơ chế, tiến trình quốc tế và khu vực về di cư, phòng, chống mua bán người để kịp thời nắm bắt, nghiên cứu các xu hướng mới cũng như quan điểm của các bên liên quan, trong đó đẩy mạnh tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Tiến trình Bali và đồng chủ trì Nhóm làm việc về triệt phá mạng lưới đưa người di cư trái phép và mua bán người; phối hợp với Văn phòng Chương trình ASEAN-ACT triển khai hoạt động xây dựng hướng dẫn về xác minh, xác định và hỗ trợ nạn nhân cho các Cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
- Chủ động thông tin đối ngoại về chủ trương, chính sách và nỗ lực của Việt Nam trong phòng, chống mua bán người, bảo vệ nạn nhân bị mua bán; chủ trì xây dựng tài liệu tình hình, nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam. để phục vụ xây dựng Báo cáo TIP năm 2024; tăng cường hợp tác, đấu tranh, vận động Hoa Kỳ có đánh giá, xếp hạng khách quan, chính xác đối với nỗ lực phòng, chống mua bán người của Việt Nam để đưa Việt Nam ra khỏi Nhóm 2- tại Báo cáo TIP năm 2024.
(Bộ Ngoại giao chủ trì, phối hợp các bộ, ngành, địa phương thực hiện)
3. Duy trì và thực hiện cơ chế phối hợp với Tổ chức Cảnh sát Hình sự quốc tế (Interpol), Hiệp hội Cảnh sát các quốc gia Đông Nam Á (Aseanapol), lực lượng chức năng các nước láng giềng, nước có nhiều nạn nhân là người Việt Nam bị mua bán, nghi bị mua bán để trao đổi thông tin, lập đường dây nóng, xác định cơ quan đầu mối phối hợp điều tra, bắt giữ, chuyển giao, truy nã tội phạm, giải cứu, tiếp nhận nạn nhân bị mua bán trở về. Đẩy mạnh hoạt động tương trợ tư pháp về hình sự, hợp tác quốc tế trong tố tụng hình sự, đấu tranh phòng, chống tội phạm. Triển khai có hiệu quả các cam kết, tham gia các diễn đàn, các nội dung hợp tác phòng, chống mua bán người với Đại sứ quán các nước và các tổ chức quốc tế, tổ chức phi Chính phủ tại Việt Nam khi có đề nghị (Các bộ, ngành, địa phương thực hiện).
Xem thêm tại Kế hoạch 19/KH-BCĐ138/CP năm 2024.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |