Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Việc xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được dựa trên những căn cứ nào? – Mỹ Quyên (Khánh Hòa)

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Hình từ internet)

1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước

Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước được quy định tại Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 như sau:

- Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:

+ Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;

+ Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017;

+ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.

- Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:

+ Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;

+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;

+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.

2. Quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường

Những người sau đây có quyền yêu cầu Nhà nước bồi thường:

- Người bị thiệt hại;

- Người thừa kế của người bị thiệt hại trong trường hợp người bị thiệt hại chết; tổ chức kế thừa quyền, nghĩa vụ của tổ chức bị thiệt hại đã chấm dứt tồn tại;

- Người đại diện theo pháp luật của người bị thiệt hại thuộc trường hợp phải có người đại diện theo pháp luật theo quy định của Bộ luật Dân sự;

- Cá nhân, pháp nhân được những người trên ủy quyền thực hiện quyền yêu cầu bồi thường.

3. Thời hiệu yêu cầu Nhà nước bồi thường

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường là 03 năm kể từ ngày người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 của Luật này nhận được văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 52 của Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 và trường hợp yêu cầu phục hồi danh dự.

- Thời hiệu yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hành chính được xác định theo thời hiệu khởi kiện vụ án hành chính.

- Thời gian không tính vào thời hiệu yêu cầu bồi thường:

+ Khoảng thời gian có sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan theo quy định của Bộ luật Dân sự làm cho người có quyền yêu cầu bồi thường quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 5 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017 không thể thực hiện được quyền yêu cầu bồi thường;

+ Khoảng thời gian mà người bị thiệt hại là người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự hoặc người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi chưa có người đại diện theo quy định của pháp luật hoặc người đại diện đã chết hoặc không thể tiếp tục là người đại diện cho tới khi có người đại diện mới.

- Người yêu cầu bồi thường có nghĩa vụ chứng minh khoảng thời gian không tính vào thời hiệu quy định tại khoản 3 Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017.

(Điều 6 Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước 2017)

Diễm My

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
290 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;