Xin hỏi là đối với trách nhiệm bồi thường của Nhà nước phải đáp ứng căn cứ xác định như thế nào? - Phú Lộc (TP.HCM)
Tổng hợp các văn bản làm căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước (Hình từ Internet)
1. Căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước
Tại Điều 7 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về căn cứ xác định trách nhiệm bồi thường của Nhà nước như sau:
- Nhà nước có trách nhiệm bồi thường khi có đủ các căn cứ sau đây:
+ Có một trong các căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng quy định tại khoản 2 Điều này;
+ Có thiệt hại thực tế của người bị thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước theo quy định của Luật này;
+ Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại thực tế và hành vi gây thiệt hại.
- Căn cứ xác định hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ gây thiệt hại và yêu cầu bồi thường tương ứng bao gồm:
+ Có văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường theo quy định của Luật này và có yêu cầu cơ quan trực tiếp quản lý người thi hành công vụ gây thiệt hại hoặc Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án dân sự giải quyết yêu cầu bồi thường;
+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hành chính đã xác định có hành vi trái pháp luật của người bị kiện là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước và có yêu cầu bồi thường trước hoặc tại phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận, công khai chứng cứ và đối thoại;
+ Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án hình sự đã xác định có hành vi trái pháp luật của bị cáo là người thi hành công vụ gây thiệt hại thuộc phạm vi trách nhiệm bồi thường của Nhà nước trong hoạt động quản lý hành chính, tố tụng dân sự, tố tụng hành chính, thi hành án hình sự, thi hành án dân sự và có yêu cầu bồi thường trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
2. Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính
Tại Điều 8 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động quản lý hành chính quy định tại Điều 17 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 bao gồm:
- Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
- Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về khiếu nại chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại;
- Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định hành chính vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật;
- Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo;
- Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ trên cơ sở kết luận thanh tra theo quy định của pháp luật về thanh tra;
- Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật;
- Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
3. Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự
Tại Điều 9 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng hình sự quy định tại Điều 18 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 bao gồm:
- Bản án của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;
- Quyết định của Tòa án, Viện kiểm sát, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra xác định rõ người bị thiệt hại thuộc trường hợp được bồi thường;
- Văn bản khác theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
4. Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính
Tại Điều 10 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động tố tụng dân sự, tố tụng hành chính quy định tại Điều 19 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 bao gồm:
- Bản án, quyết định hình sự của Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính phạm tội ra bản án trái pháp luật, tội ra quyết định trái pháp luật hoặc tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc;
- Quyết định giải quyết khiếu nại, kiến nghị cuối cùng của Chánh án Tòa án có thẩm quyền hoặc của Hội đồng xét xử theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự, tố tụng hành chính xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ trong việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
- Quyết định đình chỉ điều tra của Cơ quan điều tra, quyết định đình chỉ vụ án của Viện kiểm sát, Tòa án theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự đối với người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính vì đã ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc nhưng được miễn trách nhiệm hình sự theo quy định của Bộ luật Hình sự;
- Quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo của Chánh án Tòa án có thẩm quyền xác định người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc và quyết định giải quyết khiếu nại, kết luận nội dung tố cáo đó xác định hành vi trái pháp luật của người ra bản án, quyết định có đủ căn cứ để xử lý kỷ luật hoặc xử lý trách nhiệm hình sự nhưng chưa bị xử lý thì người đó chết;
- Quyết định xử lý kỷ luật người tiến hành tố tụng trong tố tụng dân sự, tố tụng hành chính đã có hành vi ra bản án, quyết định trái pháp luật hoặc làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc;
- Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
5. Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự
Tại Điều 11 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án hình sự quy định tại Điều 20 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 bao gồm:
- Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
- Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án hình sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại;
- Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo;
- Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật;
- Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
6. Văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự
Tại Điều 12 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 quy định về văn bản làm căn cứ yêu cầu bồi thường trong hoạt động thi hành án dân sự quy định tại Điều 21 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017 bao gồm:
- Bản án, quyết định của Tòa án có thẩm quyền xác định rõ hành vi trái pháp luật của người thi hành công vụ;
- Quyết định giải quyết khiếu nại theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự chấp nhận một phần hoặc toàn bộ nội dung khiếu nại của người khiếu nại;
- Quyết định hủy, thu hồi, sửa đổi, bổ sung quyết định về thi hành án vì quyết định đó được ban hành trái pháp luật;
- Quyết định xử lý hành vi vi phạm pháp luật của người thi hành công vụ bị tố cáo trên cơ sở kết luận nội dung tố cáo theo quy định của pháp luật về tố cáo;
- Văn bản của Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền trả lời chấp nhận kháng nghị của Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về thi hành án dân sự;
- Quyết định xử lý kỷ luật người thi hành công vụ do có hành vi trái pháp luật;
- Văn bản khác theo quy định của pháp luật đáp ứng điều kiện quy định tại khoản 5 Điều 3 Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước 2017.
Ngọc Nhi
- Từ khóa:
- trách nhiệm bồi thường của nhà nước