Mẫu Giấy chứng nhận bảo hiểm bắt buộc trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới bản điện tử (Giấy chứng nhận bảo hiểm) do doanh nghiệp bảo hiểm thiết kế, nhưng phải đảm bảo nội dung theo quy định mới từ 01/03/2021.
Sắp tới, người dân có thể sử dụng GCN bảo hiểm điện tử khi tham gia giao thông (Ảnh minh họa)
Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử là nội dung hoàn toàn mới được quy định tại Nghị định 03/2021/NĐ-CP mà hiện tại Nghị định 103/2008/NĐ-CP và Nghị định 214/2013/NĐ-CP không đề cập đến. Theo đó, khi mua bảo hiểm trách nhiệm dân sự, chủ xe cơ giới được cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm sau khi đã đóng đủ phí bảo hiểm hoặc có thỏa thuận về thời hạn thanh toán phí bảo hiểm theo quy định của Bộ Tài chính.
Khi cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử, doanh nghiệp bảo hiểm phải tuân thủ các quy định của Luật Giao dịch điện tử; Nghị định 52/2013/NĐ-CP và Nghị định 130/2018/NĐ-CP. Đồng thời, Giấy chứng nhận bảo hiểm điện tử phải tuân thủ đầy đủ các quy định hiện hành và phản ánh đầy đủ các nội dung sau:
- Tên, địa chỉ, số điện thoại (nếu có) của chủ xe cơ giới.
- Số biển kiểm soát hoặc số khung, số máy.
- Loại xe, trọng tải, số chỗ ngồi, mục đích sử dụng đối với xe ô tô.
- Tên, địa chỉ, số điện thoại đường dây nóng của doanh nghiệp bảo hiểm.
- Mức trách nhiệm bảo hiểm dân sự đối với bên thứ ba và hành khách.
- Trách nhiệm của chủ xe cơ giới, người lái xe khi xảy ra tai nạn.
- Thời hạn bảo hiểm, phí bảo hiểm, thời hạn thanh toán phí bảo hiểm.
- Ngày, tháng, năm cấp Giấy chứng nhận bảo hiểm.
- Mã số, mã vạch được đăng ký, quản lý và sử dụng theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ để lưu trữ, chuyển tải và truy xuất thông tin định danh doanh nghiệp bảo hiểm và nội dung cơ bản của Giấy chứng nhận bảo hiểm.
Thời hạn và hiệu lực bảo hiểm ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm đối với từng loại xe cơ giới như sau:
- Xe mô tô hai bánh, ba bánh, xe gắn máy (kể cả xe máy điện) và các loại xe có kết cấu tương tự: thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và tối đa là 3 năm.
- Đối với các xe cơ giới còn lại: thời hạn bảo hiểm tối thiểu là 1 năm và thời hạn tối đa tương ứng với thời hạn kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường định kỳ có thời hạn trên 1 năm.
- Xe cơ giới nước ngoài tạm nhập, tái xuất có thời hạn tham gia giao thông trên lãnh thổ Việt Nam dưới 1 năm; niên hạn sử dụng của xe cơ giới nhỏ hơn 1 năm; xe cơ giới thuộc đối tượng đăng ký tạm thời: thời hạn bảo hiểm dưới 1 năm.
- Nếu chủ xe có nhiều xe tham gia bảo hiểm vào nhiều thời điểm khác nhau trong năm nhưng muốn đưa về cùng một thời điểm để dễ quản lý vào năm tiếp theo thì thời hạn bảo hiểm của các xe này có thể nhỏ hơn 1 năm và bằng thời gian hiệu lực còn lại của hợp đồng bảo hiểm giao kết đầu tiên của năm đó.
Trong thời hạn còn hiệu lực ghi trên Giấy chứng nhận bảo hiểm, nếu có sự chuyển quyền sở hữu xe cơ giới, mọi quyền lợi bảo hiểm liên quan đến trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới cũ vẫn còn hiệu lực đối với chủ xe cơ giới mới.
Như vậy, từ 01/03/2021 người dân có thể sử dụng Giấy chứng nhận bảo hiểm bản điện tử khi tham gia giao thông mà không cần phải có bản cứng như hiện nay.
Bạn đọc nếu có vướng mắc vui lòng liên hệ THƯ KÝ LUẬT tại (028) 7302 2286 hoặc đăng ký thành viên để cập nhật thông tin pháp luật mới nhất Tại đây.
Hải Thanh
- Từ khóa:
- Nghị định 03/2021/NĐ-CP