TANDTC giải đáp hàng loạt vướng mắc khi giải quyết phá sản doanh nghiệp

Mới đây, Tòa án nhân dân tối cao đã ban hành Công văn 199/TANDTC-PC về việc thông báo kết quả giải đáp trực tuyến một số vướng mắc trong giải quyết phá sản. THƯ KÝ LUẬT xin gửi đến Quý khách hàng và Thành viên chi tiết các giải đáp này tại bài viết dưới đây.

TANDTC giải đáp hàng loạt vướng mắc khi giải quyết phá sản doanh nghiệp

TANDTC giải đáp hàng loạt vướng mắc khi giải quyết phá sản doanh nghiệp (Ảnh minh họa)

1. “Mất khả năng thanh toán” không có nghĩa là không còn tài sản để trả nợ

Tại khoản 1 Điều 4 Luật Phá sản quy định doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán. Theo đó, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán phải có đủ các điều kiện sau đây:

- Có khoản nợ cụ thể, rõ ràng do các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại, hoặc được xác định trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền và các bên không có tranh chấp về khoản nợ này.

- Khoản nợ đến hạn thanh toán: Là khoản nợ đã được xác định rõ thời hạn thanh toán, mà đến thời hạn đó doanh nghiệp, hợp tác xã phải có nghĩa vụ trả nợ. Thời hạn thanh toán này được các bên thừa nhận, thỏa thuận hoặc được xác định thông qua bản án, quyết định đã có hiệu lực pháp luật của Tòa án, phán quyết của Trọng tài thương mại hoặc trong quyết định của cơ quan có thẩm quyền.

- Doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán bao gồm 02 trường hợp:

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã không có tài sản để thanh toán các khoản nợ;

  • Doanh nghiệp, hợp tác xã có tài sản nhưng không thanh toán các khoản nợ.

Như vậy, “mất khả năng thanh toán” không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã không còn tài sản để trả nợ; mặc dù doanh nghiệp, hợp tác xã còn tài sản để trả nợ nhưng đã không thực hiện nghĩa vụ trả nợ đúng hạn cho chủ nợ thì vẫn coi là doanh nghiệp, hợp tác xã "mất khả năng thanh toán".

2. Trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản nếu không nộp tạm ứng chi phí phá sản

Tại Điều 22 và Điều 23 Luật Phá sản quy định nộp lệ phí phá sản và tạm ứng chi phí phá sản là nghĩa vụ của người nộp đơn (trừ trường hợp họ không phải nộp). Đồng thời, tại Điều 39 Luật Phá sản cũng quy định Tòa án nhân dân thụ lý đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản sau khi nhận được biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản.

Theo đó, việc nộp lệ phí phá sản, tạm ứng chi phí phá sản và biên lai nộp lệ phí phá sản, biên lai nộp tạm ứng chi phí phá sản cho Tòa án là điều kiện bắt buộc để Tòa án thụ lý phá sản.

Như vậy, trường hợp người nộp đơn yêu cầu thuộc trường hợp phải nộp lệ phí và tạm ứng chi phí phá sản chỉ nộp lệ phí phá sản mà không nộp tạm ứng chi phí phá sản, hoặc không nộp biên lai (chứng cứ khác) về việc nộp hai khoản trên thì Tòa án trả lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản (điểm đ khoản 1 Điều 35 Luật Phá sản).

3. Hoàn trả tiền tạm ứng chi phí phá sản nếu Quyết định mở thủ tục phá sản bị hủy

Theo khoản 5 Điều 42 Luật Phá sản quy định Tòa án nhân dân ra quyết định không mở thủ tục phá sản nếu xét thấy doanh nghiệp, hợp tác xã không thuộc trường hợp mất khả năng thanh toán. Trong trường hợp này, người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản.

Có thể thấy, việc quyết định mở thủ tục phá sản bị Tòa án cấp trên hủy đồng nghĩa với việc Tòa án đã quyết định không mở thủ tục phá sản. Do đó, trong trường hợp Quyết định mở thủ tục phá sản bị Tòa án cấp trên hủy thì người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được trả lại tiền tạm ứng chi phí phá sản.

Lưu ý: Khi Tổ Thẩm phán giải quyết đề nghị xem xét lại, kháng nghị quyết định mở hoặc không mở thủ tục phá sản ra quyết định hủy quyết định mở thủ tục phá sản thì phải xem xét, giải quyết luôn việc quyết định hoàn trả tiền tạm ứng chi phí phá sản cho người nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

4. Chủ nợ, con nợ được mời luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp

Theo khoản 8 Điều 18 Luật Phá sản người tham gia thủ tục phá sản có quyền tự bảo vệ hoặc nhờ người khác bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho mình.

Như vậy, khi doanh nghiệp, hợp tác xã bị yêu cầu mở thủ tục phá sản hoặc chủ nợ, con nợ có đề nghị Tòa án để luật sư tham gia bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ thì Tòa án phải làm thủ tục đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho họ.

5. Sau bao lâu được nộp lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản?

Có thể thấy, Luật Phá sản không quy định cụ thể về trường hợp Tòa án cấp trên có quyết định giữ nguyên quyết định không mở thủ tục phá sản thì sau bao lâu người có quyền, nghĩa vụ được nộp lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản.

Do đó, trong bất kỳ khoảng thời gian nào, nếu xác định doanh nghiệp, hợp tác xã đó bị mất khả năng thanh toán, người có quyền, nghĩa vụ nộp đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản được nộp lại đơn yêu cầu mở thủ tục phá sản đối với chính doanh nghiệp, hợp tác xã đó.

Tùy từng trường hợp mà Tòa án xem xét đơn yêu cầu, các điều kiện khác theo quy định của Luật Phá sản để xử lý đơn, thụ lý đơn và quyết định việc mở hoặc không mở thủ tục phá sản. Đối với trường hợp này, Tòa án cần tham khảo các tài liệu chứng cứ về hoạt động của doanh nghiệp, hợp tác xã kể từ sau khi có quyết định của Tòa án cấp trên giữ nguyên quyết định không mở thủ tục phá sản như báo cáo thuế, báo cáo tài chính,...

6. Không thực hiện giám đốc thẩm đối với Quyết định tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu khi giải quyết phá sản

Theo khoản 3 và khoản 4 Điều 60 Luật Phá sản quy định về việc tuyên bố giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán, bên giao kết với doanh nghiệp, hợp tác xã có quyền làm đơn đề nghị Chánh án Tòa án nhân dân xem xét lại quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu.

- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được đơn đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu, Chánh án Tòa án nhân dân đã ra quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu phải ra một trong các quyết định sau:

  • Không chấp nhận đề nghị xem xét lại quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu;

  • Hủy bỏ quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu. Trường hợp có tranh chấp thì được giải quyết theo quy định về xử lý tài sản có tranh chấp theo Luật Phá sản.

Như vậy, Quyết định tuyên bố giao dịch vô hiệu có thể được xem xét lại theo quy định trên mà không áp dụng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự để kháng nghị theo thủ tục giám đốc thẩm.

7. Doanh nghiệp có lợi nhuận vẫn có thể ra quyết định mở thủ tục phá sản

Việc doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận không có nghĩa là doanh nghiệp, hợp tác xã đó không mất khả năng thanh toán. Khái niệm mất khả năng thanh toán đã được phân tích như mục 1 bài viết này, cụ thể doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán là doanh nghiệp, hợp tác xã không thực hiện nghĩa vụ thanh toán khoản nợ trong thời hạn 03 tháng kể từ ngày đến hạn thanh toán.

Như vậy, trường hợp trong quá trình giải quyết thủ tục phá sản thì mặc dù Thẩm phán nhận thấy doanh nghiệp, hợp tác xã kinh doanh tốt, có lợi nhuận nhưng có khoản nợ đến hạn trong thời gian 03 tháng mà không trả nợ (mất khả năng thanh toán) thì Thẩm phán vẫn ra quyết định mở thủ tục phá sản theo quy định.

Lê Vy

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
1285 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;