Có hai phương án quy định thứ tự phân chia tài sản liên quan đến khoản nợ người lao động của doanh nghiệp theo dự thảo Luật Phá sản mới nhất.
Thứ tự phân chia tài sản theo dự thảo Luật Phá sản mới nhất (Hình từ Internet)
Tại khoản 1 Điều 43 Dự thảo Luật Phá sản, quy định trường hợp thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp được phân chia theo thứ tự gồm hai phương án như sau:
(1) Chi phí phá sản;
Phương án 1:
(2) Khoản nợ lương;
(3) Khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
(4) Khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
Phương án 2:
(2) Khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế;
(3) Khoản nợ lương;
(4) Khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động.
(5) Khoản nợ phát sinh nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
(6) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Tại tờ trình dự thảo Luật Phá sản của TAND Tối cao gửi Quốc hội, khoản 2 Mục VII có phần xin ý kiến quy định thứ tự phân chia tài sản là khoản nợ người lao động trường hợp doanh nghiệp nhận quyết định tuyên bố phá sản được diễn giải như sau:
Theo Luật Phá sản hiện hành, các khoản nợ liên quan đến quyền lợi của người lao động được xếp thành một nhóm và được ưu tiên thanh toán sau chi phí phá sản. Quá trình xây dựng dự thảo Luật, các ý kiến đều nhất trí bổ sung khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động được ưu tiên thanh toán thành một nhóm riêng. Tuy nhiên, về thứ tự thanh toán các khoản nợ thuộc nhóm quyền lợi của người lao động còn có ý kiến khác nhau như sau:
Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, cần sửa đổi thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng tách khoản nợ lương và khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế thành 02 nhóm. Trong đó, ưu tiên thanh toán khoản nợ lương của người lao động trước khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, cuối cùng là khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thoả ước lao động tập thể, hợp đồng lao động. Bởi các lẽ sau:
- Lương là khoản tiền nhằm đáp ứng nhu cầu sinh hoạt tối thiểu của người lao động và gia đình, khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là đóng cho nhà nước và người được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm là người lao động. Nên việc chi trả khoản nợ lương trước tiên cũng sẽ đảm bảo tối đa quyền lợi của người lao động.
- Lương là khoản nợ trực tiếp, đầu tiên của người sử dụng lao động đối với tất cả người lao động. Các khoản bảo hiểm và chế độ, chính sách khác có thể có người lao động đang cần đến nhưng không phải tất cả người lao động đều đang cần được đáp ứng ngay.
- Pháp luật kinh doanh bảo hiểm quy định các chế độ bảo hiểm của người lao động sẽ được chốt sổ và hưởng theo mức đã đóng; trường hợp sau khi chi trả tiền lương cho tất cả người lao động thì các khoản nợ bảo hiểm và chế độ chính sách khác cũng sẽ được chi trả.
Loại ý kiến thứ hai cho rằng, cần sửa đổi thứ tự ưu tiên thanh toán theo hướng ưu tiên thanh toán khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế; sau đó là khoản nợ lương và cuối cùng là khoản nợ bảo hiểm thất nghiệp, trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động. Bởi các lẽ sau:
- Khoản nợ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế là nộp cho nhà nước nhưng người được hưởng các quyền lợi về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế (gồm các chế độ: thai sản, hưu trí, tử tuất, tai nạn lao động...).
- Các chế độ bảo hiểm thường giải quyết cho nhu cầu cấp bách liên quan tính mạng, sức khỏe nên cần được cân nhắc ưu tiên thanh toán trước.
Tòa án nhân dân tối cao thể hiện tại khoản 1 Điều 43 của dự thảo Luật 02 phương án theo 02 loại ý kiến nêu trên để xin ý kiến các cơ quan, tổ chức, cá nhân.
Theo Điều 54 Luật Phá sản 2014, thứ tự phân chia tài sản trường hợp Thẩm phán ra quyết định tuyên bố phá sản thì tài sản của doanh nghiệp như sau:
(1) Chi phí phá sản;
(2) Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;
(3) Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp, hợp tác xã;
(4) Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Lê Quang Nhật Minh
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |