Luật Đầu tư công có hiệu lực từ ngày 01/01/2015, quy định trình tư, thủ tục, quy trình phê duyệt chủ trương đầu tư,quyết định đầu tư, bố trí vốn kế hoạch, triển khai giải ngân…chặt chẽ hơn trước rất nhiều. Do vậy, nhiều địa phương đã đề xuất nhiều ý kiến về việc triển khai Luật đầu tư công và các văn bản hướng dẫn thi hành.
Bộ Kế hoạch và Đầu tư đã có Công văn 6561/BKHĐT-TH ngày 23/8/2016 triển khai Luật Đầu tư công, các Nghị định hướng dẫn và Nghị quyết số 60/NQ-CP. Theo đó, các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương tổ chức thực hiện theo hướng dẫn của Bộ.
Không được ủy quyền cho cấp dưới quyết định chủ trương dự án đầu tư dự án nhóm A
Theo quy định tại khoản 3 Điều 17 của Luật Đầu tư công, Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư tất cả các dự án nhóm A sử dụng vốn đầu tư công và không cho phép cấp quyết định chủ trương đầu tư ủy quyền cho cấp dưới quyết định chủ trương các chương trình, dự án đầu tư công. Do đó:
- Không được ủy quyền cho các thành phố lớn quyết định chủ trương đầu tư đối với dự án nhóm A sử dụng vốn ngân sách địa phương;
- Không được ủy quyền cho địa phương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A tại địa bàn có di tích quốc gia đặc biệt có quy mô nhỏ, không làm thay đổi kiến trúc di tích gốc
Đề nghị bước phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng
Một số tỉnh đề xuất rằng nên xem xét bỏ qua bước phê duyệt chủ trương đầu tư đối với dự án có tổng mức đầu tư dưới 15 tỷ đồng, mặc dù theo quy định của Luật Đầu tư công tất cả các dự án sử dụng vốn đầu tư công đều phải được cấp có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư. Việc bãi bỏ các quy định này thuộc thẩm quyền của Quốc hội. Chính phủ không được phép sửa đổi quy định đã được Quốc hội thông qua.
Để giảm bớt các thủ tục, nhưng vẫn thực hiện theo đúng Luật Đầu tư công, Chính phủ đã có hướng dẫn quy trình rút gọn đối với các dự án có quy mô nhỏ của các chương trình mục tiêu quốc gia có kỹ thuật không phức tạp, Nhà nước hỗ trợ đầu tư một phần, phần còn lại do nhân dân đóng góp; các dự án có tổng mức đầu tư dưới 5 tỷ đồng của các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa trường lớp học mầm non. Theo đó, Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư được lập cho toàn bộ danh mục dự án (không lập Báo cáo đề xuất chủ trương đầu tư từng dự án) và dự kiến tổng mức đầu tư của toàn bộ danh mục.
Trên đây chỉ là hai trong 12 đề nghị xin nới lỏng điều kiện phê duyệt các dự án đầu tư công. Trên tinh thần chỉ đạo của Chính phủ cũng như của Bộ Kế hoạch và Đầu tư là sẽ vẫn thực hiện nghiêm túc các quy định hiện hành, đảm bảo công tác quản lý đầu tư công một cách chặt chẽ, hiệu quả.
Xem chi tiết giải đáp thắc mắc các vấn đề còn lại tại Công văn 6561/BKHĐT-TH.