Hướng dẫn xử lí tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân

Việc xử lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện đối với tài sản của từng vụ việc. Khi giá trị tài sản của một vụ việc dưới 100 triệu đồng/1 vụ thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần, thời hạn tối đa không quá 1 năm.

Đây là nội dung được quy định tại Thông tư 57/2018/TT-BTC hướng dẫn thực hiện một số điều của Nghị định 29/2018/NĐ-CP quy định trình tự, thủ tục xác lập quyền sở hữu toàn dân về tài sản và xử lý đối với tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân đã được Bộ Tài chính ban hành.

Thông tư 57/2018/TT-BTC

Hình minh họa (nguồn internet)

Theo đó, đối với tài sản xử lý theo hình thức chuyển giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 1 Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP. Đối với tài sản xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng, việc tổ chức thực hiện theo quy định tại Khoản 2 Điều 20 Nghị định 29/2018/NĐ-CP.

Tài sản thuộc trường hợp được áp dụng xử lý theo hình thức giao hoặc điều chuyển cho cơ quan, tổ chức, đơn vị quản lý, sử dụng nhưng không có cơ quan, tổ chức, đơn vị đề nghị tiếp nhận tài sản thì xử lý theo hình thức bán theo quy định của pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công.

Đối với tài sản xử lý theo hình thức bán đấu giá như: tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản ký hợp đồng đấu giá với tổ chức đấu giá tài sản hoặc thành lập Hội đồng đấu giá tài sản theo quy định tại Khoản 1 Điều 12 Nghị định 81/2013/NĐ-CP.

Các trường hợp phải thành lập hội đồng để xác định giá khởi điểm gồm: tang vật, phương tiện vi phạm hành chính khi chuyển giao để đấu giá chưa được xác định giá trị; thời điểm dự kiến tổ chức đấu giá vượt quá 60 ngày, kể từ ngày xác định giá trị tang vật vi phạm hành chính theo quy định tại Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính; giá trị tang vật đã được xác định theo quy định tại Điều 60 của Luật Xử lý vi phạm hành chính chênh lệch (cao hơn hoặc thấp hơn) từ 10% trở lên so với giá của tài sản cùng loại theo thông báo giá của sở tài chính tại thời điểm chuyển giao để đấu giá.

Hàng hóa thuộc lĩnh vực kinh doanh có điều kiện như hàng hóa dễ cháy, nổ, các loại thuốc chữa bệnh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật chỉ được bán cho các tổ chức, cá nhân có đủ điều kiện kinh doanh theo quy định của pháp luật.

Đối với tài sản là hàng hóa tồn đọng thuộc địa bàn hoạt động hải quan, việc bán tài sản theo hình thức chỉ định hoặc niêm yết giá được thực hiện đối với hàng hóa là thực phẩm tươi sống, dễ bị ôi thiu, khó bảo quản; hàng hóa, vật phẩm dễ cháy nổ (xăng, gas, dầu, khí hóa lỏng và các chất dễ cháy nổ khác); hàng thực phẩm đã qua chế biến mà hạn sử dụng còn dưới 30 ngày...

Việc tổ chức xử lý tài sản xác lập quyền sở hữu toàn dân được thực hiện đối với tài sản của từng vụ việc. Trường hợp giá trị tài sản của một vụ việc dưới 100 triệu đồng/1 vụ việc thì đơn vị chủ trì quản lý tài sản có thể tổng hợp tài sản của nhiều vụ việc để xử lý một lần nhưng thời hạn xử lý tối đa không quá 1 năm kể từ ngày có quyết định tịch thu hoặc có quyết định xác lập sở hữu toàn dân của cơ quan, người có thẩm quyền.

Toàn bộ số tiền thu được từ việc xử lý tài sản được xác lập quyền sở hữu toàn dân được nộp vào tài khoản tạm giữ tại Kho bạc Nhà nước do cơ quan được giao thực hiện nhiệm vụ quản lý tài sản công làm chủ tài khoản.

Thông tư này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 20/8/2018.

Nguồn: Mai Đan - Thời báo Tài chính

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
720 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;