Xin hỏi là đối với nghĩa vụ dân sự thì có các trường hợp nào là căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự? - Thu Thảo (Thừa Thiên Huế)
Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự (Hình từ Internet)
1. Căn cứ chấm dứt nghĩa vụ dân sự
Tại Điều 372 Bộ luật Dân sự 2015 quy định nghĩa vụ chấm dứt trong trường hợp sau đây:
(1) Nghĩa vụ được hoàn thành;
(2) Theo thỏa thuận của các bên;
(3) Bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ;
(4) Nghĩa vụ được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
(5) Nghĩa vụ được bù trừ;
(6) Bên có quyền và bên có nghĩa vụ hòa nhập làm một;
(7) Thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết;
(8) Bên có nghĩa vụ là cá nhân chết hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà nghĩa vụ phải do chính cá nhân, pháp nhân đó thực hiện;
(9) Bên có quyền là cá nhân chết mà quyền yêu cầu không thuộc di sản thừa kế hoặc là pháp nhân chấm dứt tồn tại mà quyền yêu cầu không được chuyển giao cho pháp nhân khác;
(10) Vật đặc định là đối tượng của nghĩa vụ không còn và được thay thế bằng nghĩa vụ khác;
(11) Trường hợp khác do luật quy định.
2. 11 trường hợp chấm dứt nghĩa vụ dân sự
2.1. Chấm dứt nghĩa vụ dân sự do hoàn thành nghĩa vụ
Nghĩa vụ được hoàn thành khi bên có nghĩa vụ đã thực hiện toàn bộ nghĩa vụ hoặc thực hiện một phần nghĩa vụ nhưng phần còn lại được bên có quyền cho miễn thực hiện.
(Điều 373 Bộ luật Dân sự 2015)
2.2. Hoàn thành nghĩa vụ trong trường hợp bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ
Hoàn thành nghĩa vụ trong trường hợp bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ được quy định như sau:
Khi bên có quyền chậm tiếp nhận đối tượng của nghĩa vụ là tài sản thì nghĩa vụ hoàn thành tại thời điểm tài sản đã được gửi giữ tại nơi nhận gửi giữ theo quy định tại khoản 2 Điều 355 Bộ luật Dân sự 2015.
(Điều 374 Bộ luật Dân sự 2015)
2.3. Chấm dứt nghĩa vụ theo thỏa thuận
Chấm dứt nghĩa vụ theo thỏa thuận quy định về việc chấm dứt nghĩa vụ theo thỏa thuận như sau:
Các bên có thể thỏa thuận chấm dứt nghĩa vụ bất cứ lúc nào, nhưng không được gây thiệt hại đến lợi ích quốc gia, dân tộc, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của người khác.
(Điều 375 Bộ luật Dân sự 2015)
2.4. Chấm dứt nghĩa vụ do được miễn thực hiện nghĩa vụ
Chấm dứt nghĩa vụ do được miễn thực hiện nghĩa vụ quy định như sau:
- Nghĩa vụ chấm dứt khi bên có quyền miễn việc thực hiện nghĩa vụ cho bên có nghĩa vụ, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.
- Khi nghĩa vụ có biện pháp bảo đảm được miễn thì biện pháp bảo đảm cũng chấm dứt.
(Điều 376 Bộ luật Dân sự 2015)
2.5. Chấm dứt nghĩa vụ do được thay thế bằng nghĩa vụ khác
Chấm dứt nghĩa vụ do được thay thế bằng nghĩa vụ khác quy định như sau:
- Trường hợp các bên thỏa thuận thay thế nghĩa vụ ban đầu bằng nghĩa vụ khác thì nghĩa vụ ban đầu chấm dứt.
- Nghĩa vụ cũng chấm dứt, nếu bên có quyền đã tiếp nhận tài sản hoặc công việc khác thay thế cho tài sản hoặc công việc đã thỏa thuận trước.
- Trường hợp nghĩa vụ là nghĩa vụ cấp dưỡng, bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín và các nghĩa vụ khác gắn liền với nhân thân không thể chuyển cho người khác được thì không được thay thế bằng nghĩa vụ khác..
(Điều 377 Bộ luật Dân sự 2015)
2.6. Chấm dứt nghĩa vụ do bù trừ nghĩa vụ
Việc chấm dứt nghĩa vụ do bù trừ nghĩa vụ được quy định như sau:
- Trường hợp các bên cùng có nghĩa vụ về tài sản cùng loại đối với nhau thì khi cùng đến hạn họ không phải thực hiện nghĩa vụ đối với nhau và nghĩa vụ được xem là chấm dứt, trừ trường hợp luật có quy định khác.
- Trường hợp giá trị của tài sản hoặc công việc không tương đương với nhau thì các bên thanh toán cho nhau phần giá trị chênh lệch.
- Những vật được định giá thành tiền cũng có thể bù trừ với nghĩa vụ trả tiền.
*Những trường hợp không được bù trừ nghĩa vụ
Nghĩa vụ không được bù trừ trong trường hợp sau đây:
- Nghĩa vụ đang có tranh chấp;
- Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín;
- Nghĩa vụ cấp dưỡng;
- Nghĩa vụ khác do luật quy định.
(Điều 378, 379 Bộ luật Dân sự 2015)
2.7. Chấm dứt nghĩa vụ do hòa nhập bên có nghĩa vụ và bên có quyền
Chấm dứt nghĩa vụ do hòa nhập bên có nghĩa vụ và bên có quyền được quy định như sau:
Khi bên có nghĩa vụ trở thành bên có quyền đối với chính nghĩa vụ đó thì nghĩa vụ chấm dứt.
(Điều 380 Bộ luật Dân sự 2015)
2.8. Chấm dứt nghĩa vụ do hết thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ
Chấm dứt nghĩa vụ do hết thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ được quy định như sau:
Khi thời hiệu miễn trừ nghĩa vụ đã hết thì nghĩa vụ chấm dứt.
(Điều 381 Bộ luật Dân sự 2015)
2.9. Chấm dứt nghĩa vụ khi bên có quyền là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại
Chấm dứt nghĩa vụ khi bên có quyền là cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại được quy định như sau:
Khi các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định về việc nghĩa vụ được thực hiện chỉ dành cho cá nhân hoặc pháp nhân là bên có quyền mà cá nhân chết hoặc pháp nhân chấm dứt tồn tại thì nghĩa vụ cũng chấm dứt.
(Điều 382 Bộ luật Dân sự 2015)
2.10. Chấm dứt nghĩa vụ khi vật đặc định không còn
Chấm dứt nghĩa vụ khi vật đặc định không còn quy định như sau:
Nghĩa vụ giao vật chấm dứt trong trường hợp vật phải giao là vật đặc định không còn.
Các bên có thể thỏa thuận thay thế vật khác hoặc bồi thường thiệt hại.
(Điều 383 Bộ luật Dân sự 2015)
2.11. Chấm dứt nghĩa vụ trong trường hợp phá sản
Chấm dứt nghĩa vụ trong trường hợp phá sản quy định như sau:
Trường hợp phá sản thì nghĩa vụ chấm dứt theo quy định của Luật phá sản.
(Điều 384 Bộ luật Dân sự 2015)
Ngọc Nhi
- Từ khóa:
- nghĩa vụ dân sự