Sau đây là hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng được quy định tại Thông tư 61/2024/TT-NHNN.
Hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng từ ngày 01/4/2025 (Hình từ Internet)
Theo Điều 14 Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về hồ sơ đề nghị bảo lãnh ngân hàng như sau:
- Hồ sơ đề nghị bảo lãnh bao gồm các tài liệu chủ yếu sau:
+ Đề nghị bảo lãnh;
+ Tài liệu về khách hàng; trong đó bao gồm thông tin về người có liên quan với khách hàng theo quy định tại Luật Các tổ chức tín dụng 2024 nếu tổng mức dư nợ cấp tín dụng của khách hàng đó tại tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài (bao gồm cả số tiền đang đề nghị cấp bảo lãnh) lớn hơn hoặc bằng 0,1% vốn tự có của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại cuối ngày làm việc gần nhất thời điểm khách hàng đề nghị cấp bảo lãnh, trừ trường hợp khách hàng là tổ chức tín dụng ở nước ngoài. Trường hợp tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài có vốn tự có âm, tỷ lệ trên được áp dụng trên vốn điều lệ hoặc vốn được cấp (đối với chi nhánh ngân hàng nước ngoài). Thông tin về người có liên quan gồm:
(i) Thông tin về người có liên quan là cá nhân, bao gồm: họ và tên, số định danh cá nhân đối với công dân Việt Nam; quốc tịch, số hộ chiếu, ngày cấp, nơi cấp đối với người nước ngoài; mối quan hệ với khách hàng;
(ii) Thông tin về người có liên quan là tổ chức, bao gồm: tên, mã số doanh nghiệp, địa chỉ trụ sở chính của doanh nghiệp, số giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc giấy tờ pháp lý tương đương, người đại diện theo pháp luật, mối quan hệ với khách hàng.
+ Tài liệu về nghĩa vụ được bảo lãnh;
+ Tài liệu về biện pháp bảo đảm (nếu có);
+ Tài liệu về các bên liên quan khác (nếu có).
- Căn cứ tình hình thực tế nghiệp vụ bảo lãnh của tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và đặc điểm cụ thể của từng nhóm khách hàng, từng phương thức thực hiện hoạt động bảo lãnh (bằng phương thức truyền thống hoặc phương tiện điện tử), tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài hướng dẫn cụ thể về yêu cầu hồ sơ cần gửi tới tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài để thẩm định, xem xét cấp bảo lãnh.
Theo Điều 15 Thông tư 61/2024/TT-NHNN quy định về thỏa thuận cấp bảo lãnh ngân hàng như sau:
- Để cấp bảo lãnh cho khách hàng, tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài và khách hàng lập thỏa thuận cấp bảo lãnh. Trường hợp phát hành bảo lãnh trên cơ sở bảo lãnh đối ứng hoặc xác nhận bảo lãnh thì bên bảo lãnh không bắt buộc phải lập thỏa thuận cấp bảo lãnh với bên bảo lãnh đối ứng hoặc bên xác nhận bảo lãnh.
- Thỏa thuận cấp bảo lãnh phải có các nội dung sau:
+ Pháp luật áp dụng. Trường hợp không quy định cụ thể pháp luật áp dụng thì được hiểu các bên thỏa thuận áp dụng theo pháp luật Việt Nam;
+ Thông tin về các bên trong quan hệ bảo lãnh;
+ Nghĩa vụ được bảo lãnh;
+ Số tiền bảo lãnh, đồng tiền bảo lãnh;
+ Hình thức phát hành cam kết bảo lãnh;
+ Điều kiện thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Quyền và nghĩa vụ của các bên;
+ Phí bảo lãnh;
+ Thỏa thuận về bắt buộc nhận nợ trả thay, lãi suất áp dụng đối với số tiền trả thay và nghĩa vụ hoàn trả nợ khi phải thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh;
+ Số hiệu, ngày ký, hiệu lực của thỏa thuận cấp bảo lãnh;
+ Giải quyết tranh chấp phát sinh;
+ Các nội dung khác không trái với quy định của pháp luật.
- Việc sửa đổi, bổ sung hoặc hủy bỏ nội dung thỏa thuận cấp bảo lãnh do các bên liên quan thỏa thuận, quyết định trên cơ sở đảm bảo tuân thủ quy định của pháp luật.
Thông tư 61/2024/TT-NHNN có hiệu lực thi hành từ ngày 01/4/2025, thay thế Thông tư 11/2022/TT-NHNN và Thông tư 49/2024/TT-NHNN.
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |