07 biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam

Xin cho hỏi tại Việt Nam, có bao nhiêu biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới? - Thanh Bình (Cà Mau)

07 biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam

07 biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới tại Việt Nam (Hình từ Internet)

1. Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Theo khoản 6 Điều 5 Luật Bình đẳng giới 2006, biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới là biện pháp nhằm bảo đảm bình đẳng giới thực chất, do cơ quan nhà nước có thẩm quyền ban hành trong trường hợp có sự chênh lệch lớn giữa nam và nữ về vị trí, vai trò, điều kiện, cơ hội phát huy năng lực và thụ hưởng thành quả của sự phát triển mà việc áp dụng các quy định như nhau giữa nam và nữ không làm giảm được sự chênh lệch này.

Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được thực hiện trong một thời gian nhất định và chấm dứt khi mục đích bình đẳng giới đã đạt được.

2. 07 biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới

Cụ thể tại khoản 1 Điều 19 Luật Bình đẳng giới 2006, các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới bao gồm:

(1) Quy định tỷ lệ nam, nữ hoặc bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng tham gia, thụ hưởng;

(2) Đào tạo, bồi dưỡng để nâng cao trình độ năng lực cho nữ hoặc nam;

(3) Hỗ trợ để tạo điều kiện, cơ hội cho nữ hoặc nam;

(4) Quy định tiêu chuẩn, điều kiện đặc thù cho nữ hoặc nam;

(5) Quy định nữ được quyền lựa chọn trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;

(6) Quy định việc ưu tiên nữ trong trường hợp nữ có đủ điều kiện, tiêu chuẩn như nam;

(7) Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới được quy định tại khoản 5 Điều 11, khoản 2 Điều 12, khoản 3 Điều 13, khoản 5 Điều 14 Luật Bình đẳng giới 2006, cụ thể như sau:

- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị bao gồm:

+ Bảo đảm tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới;

+ Bảo đảm tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan nhà nước phù hợp với mục tiêu quốc gia về bình đẳng giới.

- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực kinh tế bao gồm:

+ Doanh nghiệp sử dụng nhiều lao động nữ được ưu đãi về thuế và tài chính theo quy định của pháp luật;

+ Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật.

- Các biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động bao gồm:

+ Quy định tỷ lệ nam, nữ được tuyển dụng lao động;

+ Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho lao động nữ;

+ Người sử dụng lao động tạo điều kiện vệ sinh an toàn lao động cho lao động nữ làm việc trong một số ngành, nghề nặng nhọc, nguy hiểm hoặc tiếp xúc với các chất độc hại.

- Biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo bao gồm:

+ Quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia học tập, đào tạo;

+ Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật.

3. Chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới

Các chính sách của Nhà nước về bình đẳng giới được quy định tại Điều 7 Luật Bình đẳng giới 2006, cụ thể như sau:

- Bảo đảm bình đẳng giới trong mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và gia đình; hỗ trợ và tạo điều kiện cho nam, nữ phát huy khả năng, có cơ hội như nhau để tham gia vào quá trình phát triển và thụ hưởng thành quả của sự phát triển.

- Bảo vệ, hỗ trợ người mẹ khi mang thai, sinh con và nuôi con nhỏ; tạo điều kiện để nam, nữ chia sẻ công việc gia đình.

- Áp dụng những biện pháp thích hợp để xoá bỏ phong tục, tập quán lạc hậu cản trở thực hiện mục tiêu bình đẳng giới.

- Khuyến khích cơ quan, tổ chức, gia đình, cá nhân tham gia các hoạt động thúc đẩy bình đẳng giới.

- Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới tại vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn; hỗ trợ những điều kiện cần thiết để nâng chỉ số phát triển giới đối với các ngành, lĩnh vực và địa phương mà chỉ số phát triển giới thấp hơn mức trung bình của cả nước.

Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
25134 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;