Quy định về hành lang an toàn đường bộ theo Luật đường bộ 2024

Mới đây, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ 2024, trong đó có quy định về hành lang an toàn đường bộ.

Quy định về hành lang an toàn đường bộ theo Luật đường bộ 2024 (Hình từ internet)

Ngày 27/6/2024, Quốc hội đã thông qua Luật Đường bộ 2024. Trong đó có quy định về việc phân loại đường bộ.

Quy định về hành lang an toàn đường bộ theo Luật đường bộ 2024

Theo đó, hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

(1) Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ được xác định theo nguyên tắc sau đây:

- Đối với đường ngoài đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường bộ, theo quy mô, cấp kỹ thuật của đường; trường hợp đường hiện hữu chưa xác định cấp kỹ thuật, thì căn cứ chiều rộng mặt đường và tiêu chuẩn thiết kế đường để xác định cấp kỹ thuật tương ứng làm căn cứ xác định chiều rộng hành lang an toàn đường bộ;

- Đối với đường đô thị, xác định từ mép ngoài phần đất để bảo vệ, bảo trì đường đô thị đến chỉ giới đường đỏ nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang của đường ngoài đô thị cùng cấp;

- Đối với cầu, bến phà, cầu phao đường bộ, xác định theo chiều dọc, chiều ngang công trình và phụ thuộc cấp sông, quy mô công trình; đối với cầu cạn, cầu vượt trên cao, xác định từ mép ngoài của phần đất để bảo vệ, bảo trì cầu;

- Đối với hầm đường bộ, xác định từ mép ngoài của phần đất bảo vệ công trình hầm ra xung quanh;

- Đường bộ có kè, tường chắn bảo vệ nằm trong phạm vi đất dành cho kết cấu hạ tầng đường bộ, xác định từ mép ngoài của kè, tường chắn bảo vệ trở ra nhưng không lớn hơn chiều rộng hành lang an toàn đường bộ theo quy định nêu trên;

- Đối với đường thôn, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị và đường khác không cho xe ô tô di chuyển thì không bắt buộc bố trí hành lang an toàn đường bộ.

(2) Đối với đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với các công trình khác thì được phân định theo nguyên tắc sau đây:

- Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang an toàn đường sắt, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang an toàn cho đường sắt. Việc quản lý, sử dụng hành lang an toàn đường sắt không được làm ảnh hưởng đến chất lượng công trình đường bộ và an toàn giao thông;

- Đường bộ có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đường thủy nội địa, việc quản lý, sử dụng hành lang bảo vệ đường thủy nội địa không được ảnh hưởng đến chất lượng công trình và an toàn giao thông;

- Đường bộ đi chung với đê hoặc có hành lang an toàn chồng lấn với hành lang bảo vệ đê, việc phân định ranh giới quản lý theo nguyên tắc ưu tiên bố trí hành lang bảo vệ đê; trường hợp hành lang an toàn đường bộ lớn hơn hành lang bảo vệ đê thì tính theo hành lang an toàn đường bộ;

- Tại các đoạn đường chồng lấn, giao nhau, hành lang an toàn đường bộ được xác định theo đường có cấp kỹ thuật cao hơn; các đường liền kề nhau thì xác định hành lang an toàn đường bộ theo đường ngoài cùng.

(3) Việc xác định và quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được quy định như sau:

- Mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ được xác định theo quy mô, cấp kỹ thuật, hướng tuyến, phạm vi xây dựng công trình đường bộ;

- Chủ đầu tư xây dựng công trình đường bộ có trách nhiệm tổ chức thực hiện cắm mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong phạm vi dự án đầu tư xây dựng công trình đường bộ; bàn giao cho cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ;

- Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ có trách nhiệm công bố công khai mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ; điều chỉnh, bổ sung mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ trong thời gian quản lý, vận hành, khai thác và bảo trì công trình đường bộ;

- Cơ quan quản lý đường bộ, người quản lý, sử dụng đường bộ, Ủy ban nhân dân các cấp có trách nhiệm quản lý mốc lộ giới hành lang an toàn đường bộ theo quy định của Luật Đường bộ 2024, quy định của pháp luật về đất đai và quy định khác của pháp luật có liên quan.

(Điều 15 Luật Đường bộ 2024)

Quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ

Theo Điều 16 Luật Đường bộ 2024 quy định về quản lý, sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ như sau: 

- Đất hành lang an toàn đường bộ đã được Nhà nước thu hồi phải được quản lý, sử dụng theo quy định của Luật Đường bộ 2024, quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về quản lý, sử dụng tài sản công và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- (*) Việc sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm các quy định sau đây:

+ Bảo đảm an toàn công trình đường bộ và công trình khác trong hành lang an toàn đường bộ;

+ Không che lấp báo hiệu đường bộ, không ảnh hưởng đến tầm nhìn xe chạy, bảo đảm trật tự, an toàn giao thông đường bộ;

+ Bảo vệ cảnh quan, môi trường theo quy định của pháp luật.

- Đất hành lang an toàn đường bộ chưa được Nhà nước thu hồi thì người sử dụng đất được tiếp tục sử dụng theo quy định của Luật Đất đai 2024 và đáp ứng các quy định tại khoản (*).

- Việc trồng, chăm sóc và khai thác cây trong hành lang an toàn đường bộ phải bảo đảm quy định tại khoản (*) và các quy định sau đây:

+ Thực hiện các biện pháp cần thiết để tránh nguy cơ gãy, đổ cây gây mất an toàn cho người, phương tiện tham gia giao thông đường bộ; gây hư hại công trình đường bộ và công trình liền kề;

+ Cắt xén khi cây che lấp báo hiệu đường bộ, che khuất tầm nhìn của người điều khiển phương tiện tham gia giao thông đường bộ và ảnh hưởng tới an toàn giao thông đường bộ;

+ Không được ảnh hưởng tới chất lượng và hoạt động bảo trì đường bộ.

- Sử dụng đất hành lang an toàn đường bộ chồng lấn với phạm vi bảo vệ đê điều, vùng phụ cận công trình thủy lợi, phạm vi bảo vệ công trình thủy lợi, hành lang bảo vệ đường sắt phải tuân thủ quy định của Luật Đê điều 2006, Luật Thủy lợi 2017, Luật Đường sắt 2017, Luật Đất đai 2024, Luật Đường bộ 2024 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

- Đường gom phải được xây dựng ngoài hành lang an toàn đường bộ, trừ trường hợp đường gom đồng thời là đường bên. 

Trường hợp không thể bố trí được đường gom ngoài hành lang an toàn đường bộ thì có thể bố trí trong hành lang an toàn đường bộ, nhưng phải đáp ứng các điều kiện sau đây:

+ Chiều rộng hành lang an toàn đường bộ còn lại đủ để mở rộng đường theo quy hoạch;

+ Bảo đảm an toàn công trình đường bộ;

+ Bảo đảm an toàn giao thông đường bộ và tầm nhìn xe chạy.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

0 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;