Mới đây, Bộ Tài chính đã ban hành Thông tư 90/2013/TT-BTC hướng dẫn xây dựng dự toán ngân sách nhà nước năm 2014.
Nội dung xây dựng dự toán NS địa phương các cấp năm 2014 (Ảnh minh họa)
Theo đó, tại Điều 11 Thông tư 90/2013/TT-BTC quy định năm 2014 là năm trong thời kỳ ổn định ngân sách địa phương (2011 - 2015) theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Uỷ ban nhân dân các cấp chủ động xây dựng dự toán ngân sách địa phương mình trên cơ sở nguồn thu và nhiệm vụ chi đã được phân cấp ổn định; dự toán ngân sách các cấp địa phương năm 2014 được xây dựng trên cơ sở: nguồn thu được xác định căn cứ tỷ lệ phần trăm (%) phân chia các khoản thu phân chia giữa các cấp ngân sách, nguồn thu ngân sách địa phương được hưởng 100% theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước và số bổ sung cân đối từ ngân sách cấp trên cho ngân sách cấp dưới (nếu có) được ổn định theo mức dự toán năm 2013 đã được Quốc hội, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng nhân dân cấp trên quyết định, Thủ tướng Chính phủ, Uỷ ban nhân dân cấp trên giao. Căn cứ nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương năm 2014, chế độ chính sách, định mức chi hiện hành; xây dựng dự toán chi ngân sách năm 2014 cụ thể theo từng lĩnh vực, có thứ tự nhiệm vụ ưu tiên, đồng thời thực hiện những nội dung chủ yếu sau:
- Tiếp tục rà soát, phân loại các dự án để ưu tiên bố trí kinh phí cho các dự án có hiệu quả về kinh tế - xã hội, các dự án phục vụ chuyển dịch cơ cấu kinh tế, khắc phục hậu quả thiên tai,... các dự án có khả năng hoàn thành trong năm 2014. Rà soát, giám sát chặt chẽ việc bố trí dự toán cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế như khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó các dự án cơ sở hạ tầng có ý nghĩa phát triển kinh tế xã hội không chỉ đối với riêng địa phương mà còn đối với cả vùng, trước khi triển khai thực hiện cần chủ động lấy ý kiến tư vấn, giám sát từ các cơ quan trung ương, ý kiến phản biện của các tổ chức xã hội nghề nghiệp, các địa phương có liên quan để đảm bảo hiệu quả kinh tế chung của cả vùng, tránh tình trạng đầu tư phân mảnh với tầm nhìn hạn chế về không gian (địa giới hành chính) và thời gian (nhiệm kỳ thực hiện). Chú trọng thực hiện nhiệm vụ xoá đói, giảm nghèo, tạo việc làm, xử lý các tệ nạn xã hội;…; bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án ODA, vốn vay ưu đãi theo quy định địa phương phải bố trí từ ngân sách địa phương; dành nguồn trong dự toán chi XDCB để xử lý các khoản nợ XDCB, các khoản ứng trước, nợ huy động phải trả khi đến hạn.
- Bố trí dự toán chi đầu tư xây dựng cơ bản của ngân sách địa phương từ nguồn thu tiền sử dụng đất để đầu tư các công trình kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, các dự án di dân, tái định cư, chuẩn bị mặt bằng xây dựng; chủ động phân bổ lập quỹ phát triển đất theo quy định tại Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13 tháng 8 năm 2009 của Chính phủ; ưu tiên bố trí đủ kinh phí để đẩy nhanh công tác đo đạc, lập cơ sở dữ liệu hồ sơ địa chính và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất theo quy định của Luật Đất đai và Nghị quyết của Quốc hội.
- …
Chi tiết xem thêm Thông tư 90/2013/TT-BTC, có hiệu lực từ 14/8/2013.
Lê Vy
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |