Giấy chứng nhận căn cước là gì? Đối tượng nào được cấp giấy chứng nhận căn cước?

Xin cho tôi hỏi giấy chứng nhận căn cước là gì? Đối tượng nào được cấp giấy chứng nhận căn cước? - Bích Như (Hải Dương)

Giấy chứng nhận căn cước là gì? Đối tượng nào được cấp giấy chứng nhận căn cước? (Hình từ internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Giấy chứng nhận căn cước là gì?

Theo quy định tại khoản 12 Điều 3 Luật Căn cước 2023 quy định giấy chứng nhận căn cước là giấy tờ tùy thân chứa đựng căn cước của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch, do cơ quan quản lý căn cước cấp theo quy định của Luật Căn cước 2023.

2. Đối tượng nào được cấp giấy chứng nhận căn cước? 

Căn cứ theo khoản 1 Điều 30 Luật Căn cước 2023 quy định đối tượng được cấp giấy chứng nhận căn cước như sau:

Giấy chứng nhận căn cước được cấp cho người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch mà đang sinh sống liên tục từ 06 tháng trở lên tại đơn vị hành chính cấp xã hoặc đơn vị hành chính cấp huyện nơi không tổ chức đơn vị hành chính cấp xã.

3. Giấy chứng nhận căn cước có giá trị sử dụng như thế nào?

Tại khoản 5 Điều 30 Luật Căn cước 2023 có nêu rõ giá trị sử dụng của giấy chứng nhận căn cước như sau:

- Giấy chứng nhận căn cước có giá trị chứng minh về căn cước để thực hiện các giao dịch, thực hiện quyền, lợi ích hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam;

- Cơ quan, tổ chức, cá nhân sử dụng số định danh cá nhân trên giấy chứng nhận căn cước để kiểm tra thông tin của người được cấp giấy chứng nhận căn cước trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, cơ sở dữ liệu quốc gia khác và cơ sở dữ liệu chuyên ngành theo quy định của pháp luật.

Khi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch phải xuất trình giấy chứng nhận căn cước theo yêu cầu của cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền thì cơ quan, tổ chức, cá nhân đó không được yêu cầu người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch xuất trình giấy tờ hoặc cung cấp thông tin đã được chứng nhận trong giấy chứng nhận căn cước, trừ trường hợp thông tin của người đó đã được thay đổi hoặc thông tin trong giấy chứng nhận căn cước không thống nhất với thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư;

- Nhà nước bảo vệ quyền, lợi ích chính đáng của người được cấp giấy chứng nhận căn cước theo quy định của pháp luật.

4. Làm giấy chứng nhận căn cước ở đâu?

Căn cứ theo khoản 4 Điều 30 Luật Căn cước 2023 quy định nơi làm thủ tục cấp, cấp đổi, cấp lại giấy chứng nhận căn cước được quy định như sau:

- Cơ quan quản lý căn cước của Công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương hoặc cơ quan quản lý căn cước của Công an tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương nơi người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch sinh sống;

- Trong trường hợp cần thiết, cơ quan quản lý căn cước quy định tại điểm a khoản này tổ chức làm thủ tục cấp giấy chứng nhận căn cước tại xã, phường, thị trấn, cơ quan, đơn vị hoặc tại chỗ ở của người gốc Việt Nam chưa xác định được quốc tịch.

5. Có được giữ giấy chứng nhận căn cước của người khác không?

Theo Điều 7 Luật Căn cước 2023 quy định nghiêm cấm các hành vi sau:

- Cấp, cấp đổi, cấp lại, thu hồi thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

- Giữ thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước trái quy định của pháp luật.

- Nhũng nhiễu, gây phiền hà, phân biệt đối xử khi giải quyết thủ tục hành chính liên quan đến căn cước, Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước.

- Làm sai lệch sổ sách, hồ sơ về căn cước, thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước; không cung cấp, cung cấp không đầy đủ, cung cấp không chính xác, cung cấp trái quy định của pháp luật các thông tin, tài liệu về căn cước hoặc thông tin trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước.

- Không thực hiện thủ tục cấp thẻ căn cước theo quy định tại khoản 2 Điều 19 Luật Căn cước 2017.

- Sản xuất, đưa vào sử dụng công cụ, phương tiện, phần mềm hoặc có hành vi khác gây cản trở, rối loạn hoạt động của cơ sở hạ tầng thông tin Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

- Làm giả, sửa chữa, cố ý làm sai lệch nội dung thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước; chiếm đoạt, sử dụng trái phép thẻ căn cước, căn cước điện tử, giấy chứng nhận căn cước của người khác; thuê, cho thuê, cầm cố, nhận cầm cố, hủy hoại thẻ căn cước, giấy chứng nhận căn cước; sử dụng thẻ căn cước giả, căn cước điện tử giả, giấy chứng nhận căn cước giả.

- Truy nhập, làm thay đổi, xóa, hủy, phát tán hoặc thực hiện các hoạt động khác liên quan đến xử lý dữ liệu cá nhân trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử trái quy định của pháp luật.

- Khai thác, chia sẻ, mua, bán, trao đổi, chiếm đoạt, sử dụng trái phép thông tin, dữ liệu trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, Cơ sở dữ liệu căn cước, hệ thống định danh và xác thực điện tử.

Nguyễn Ngọc Quế Anh

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

611 lượt xem

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn


Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;