Mới đây, Bộ Y tế vừa có Công văn yêu cầu chủ động ứng phó với thiên tai, mùa mưa bão.
Bộ Y tế yêu cầu chủ động ứng phó với thiên tai, mùa mưa bão (Hình từ internet)
Ngày 02/8/2024, Bộ Y tế có Công văn 4469/BYT-KH-TC về việc chủ động ứng phó với thiên tai, mùa mưa bão.
Cụ thể, do ảnh hưởng của hoàn lưu bão số 2, khu vực Bắc Bộ và Thanh Hóa, Nghệ An đã có mưa to đến rất to, gây ngập sâu cục bộ, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống của nhân dân tại huyện Chương Mỹ, thành phố Hà Nội, tỉnh Sơn La và một số địa bàn khác; đặc biệt đã xảy ra thiệt hại nghiêm trọng về người tại các huyện Mai Sơn và Thuận Châu, tỉnh Sơn La do sạt lở đất, lũ quét, làm ít nhất 05 người chết, 04 người mất tích và 01 người bị thương. Theo Trung tâm dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, từ nay đến cuối năm 2024 thiên tai sẽ còn diễn biến phức tạp và cực đoan hơn khi chịu tác động của hiện tượng La Nina; hiện nay đang là mùa mưa lũ chính vụ ở Bắc Bộ và các tỉnh Tây Nguyên, thời gian tới mưa lũ còn diễn biến phức tạp, khó lường, nguy cơ tiếp tục xảy ra lũ lớn, lũ quét, sạt lở đất là rất cao.
Thực hiện Công điện 72/CĐ-TTg ngày 24/7/2024 của Thủ tướng Chính phủ về việc tập trung khắc phục hậu quả mưa lũ do ảnh hưởng của bão số 2 và chủ động ứng phó với mưa lũ, sạt lở đất trong thời gian tới; Để chủ động ứng phó, giảm thiểu thiệt hại, nhất là tính mạng và tài sản của nhân dân trong mùa mưa bão năm 2024; Bộ Y tế đề nghị Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế thực hiện một số nội dung sau:
- Thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ; Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng, chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố, thiên tai và tìm kiếm cứu nạn; Bộ Y tế và các văn bản liên quan về thực hiện công tác phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
- Theo dõi chặt chẽ các bản tin cảnh báo, dự báo thời tiết trên các phương tiện thông tin đại chúng, chủ động nắm bắt tình hình diễn biến của bão lũ để chủ động các phương án phòng, chống.
- Các bệnh viện/viện có giường bệnh trực thuộc Bộ Y tế: chuẩn bị sẵn sàng về nhân lực, xe cấp cứu, cơ sở thiết bị y tế, thuốc, vật tư tiêu hao cho tối thiểu 02 đội cấp cứu lưu động (lưu ý các cơ số phục vụ cấp cứu chấn thương) để kịp thời ứng cứu cho các tỉnh chịu ảnh hưởng của bão khi được lệnh điều động.
- Sở Y tế các tỉnh, thành phố:
+ Chỉ đạo và chịu trách nhiệm giám sát kiểm tra các bệnh viện, các đơn vị trực thuộc về việc chuẩn bị sẵn sàng ứng cứu khi bị ảnh hưởng của bão lũ, đặc biệt là cấp cứu chấn thương; bảo đảm liên thông đường dây liên lạc liên tục 24/24 với các đơn vị cấp cứu để sẵn sàng tham gia ứng cứu khi được điều động.
+ Phối hợp với địa phương kiểm tra, rà soát các cơ sở y tế không an toàn tại các khu vực có nguy cơ xảy ra sạt lở khi mưa lớn; chủ động tổ chức công tác di dời, sơ tán cơ sở y tế ở những vùng trũng thấp, có nguy cơ cao xảy ra ngập úng, lũ quét, sạt lở đất.
+ Rà soát, điều chỉnh, bổ sung dự trữ thuốc, hóa chất, vật tư y tế phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn mùa mưa bão theo phương châm “bốn tại chỗ”; đảm bảo cung ứng đủ thuốc chữa bệnh thiết yếu cho nhân dân, không để bị động, bất ngờ.
+ Tổ chức công tác vệ sinh môi trường, phòng chống dịch bệnh theo hướng dẫn của Bộ Y tế; ổn định công tác khám bệnh, chữa bệnh cho người dân sau mưa lû.
+ Tổng hợp báo cáo tình hình thiệt hại, đề xuất Bộ Y tế nhu cầu bảo đảm y tế của địa phương (nếu có) (qua Văn phòng thường trực Ban chỉ huy Phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Y tế; đ/c Nguyễn Huy Minh, chuyên viên Vụ Kế hoạch - Tài chính, Bộ Y tế, ĐT: 0913.431.927, Email: minhnh.khtc@moh.gov.vn).
Địa chỉ: | 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh |
Điện thoại: | (028) 7302 2286 |
E-mail: | info@lawnet.vn |