Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Tôi muốn hỏi kinh phí thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 lấy từ các nguồn nào? - Tâm Như (Đà Nẵng)

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 (Hình từ Internet)

Về vấn đề này, LawNet giải đáp như sau:

1. Nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Theo Điều 2 Thông tư 75/2021/TT-BTC, các nguồn kinh phí thực hiện Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030 bao gồm:

(1) Nguồn ngân sách nhà nước

- Nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách trung ương để hỗ trợ các nhiệm vụ khoa học và công nghệ (dự án, đề tài, đề án) và các hoạt động chung, nhiệm vụ thường xuyên của Chương trình do trung ương trực tiếp quản lý, gồm:

+ Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia của Chương trình (do Bộ Khoa học và Công nghệ quản lý): Bao gồm các nhiệm vụ đảm bảo các tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp quốc gia theo quy định Luật Khoa học và Công nghệ 2013 và các văn bản hướng dẫn thực hiện;

Trong đó ưu tiên cho các nhiệm vụ thực hiện ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn và các nhiệm vụ có tính chất điển hình, phức tạp, có tính đặc thù về chuyên môn theo quy định của Bộ Khoa học và Công nghệ;

+ Các nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ (do các Bộ, cơ quan trung ương quản lý): Bao gồm các nhiệm vụ thuộc Chương trình theo tiêu chí của nhiệm vụ khoa học và công nghệ cấp bộ;

+ Các hoạt động chung và nhiệm vụ thường xuyên thực hiện Chương trình do Trung ương quản lý.

- Nguồn chi ngân sách địa phương:

+ Nguồn chi sự nghiệp khoa học và công nghệ thuộc ngân sách địa phương để thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình do địa phương quản lý; chi các hoạt động chung và nhiệm vụ thường xuyên thực hiện Chương trình do địa phương quản lý; đối ứng thực hiện các nhiệm vụ cấp quốc gia triển khai tại địa phương (trong trường hợp cần thiết huy động thêm nguồn lực của địa phương).

Trong đó ưu tiên kinh phí để thực hiện các nhiệm vụ về đăng ký bảo hộ, nâng cao hiệu quả quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ đối với nhãn hiệu tập thể, nhãn hiệu chứng nhận, chỉ dẫn địa lý cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương, sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP);

+ Nguồn chi ngân sách địa phương bố trí để lồng ghép thực hiện các nhiệm vụ của Chương trình với các chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình quốc gia, chương trình phát triển kinh tế - xã hội khác thuộc thẩm quyền quản lý nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động bảo hộ, quản lý, khai thác và phát triển tài sản trí tuệ cho các sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù của địa phương và doanh nghiệp.

(2) Nguồn kinh phí khác, gồm:

- Kinh phí của các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tham gia thực hiện các nhiệm vụ thuộc Chương trình;

- Kinh phí huy động từ các nguồn hợp pháp khác.

2. Mục tiêu của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

* Mục tiêu chung của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

Đưa sở hữu trí tuệ trở thành công cụ quan trọng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, tạo môi trường khuyến khích đổi mới sáng tạo và thúc đẩy phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội.

* Mục tiêu cụ thể của Chương trình phát triển tài sản trí tuệ đến năm 2030

- Đến năm 2025:

+ 100% các trường đại học, viện nghiên cứu được tuyên truyền, nâng cao nhận thức và hỗ trợ bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ cho các kết quả nghiên cứu khoa học và đổi mới sáng tạo;

+ Tối thiểu 40% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình mỗi xã một sản phẩm (Chương trình OCOP) được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ.

- Đến năm 2030:

+ Số lượng đơn đăng ký bảo hộ sáng chế của các viện nghiên cứu, trường đại học tăng trung bình 16 - 18%/năm; số lượng đơn đăng ký bảo hộ giống cây trồng tăng trung bình 12 - 14%;

+ Tối thiểu 60% sản phẩm được công nhận là sản phẩm quốc gia, sản phẩm chủ lực quốc gia, sản phẩm, dịch vụ chủ lực, đặc thù cấp tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và sản phẩm gắn với Chương trình OCOP được hỗ trợ đăng ký bảo hộ, quản lý và phát triển tài sản trí tuệ, kiểm soát nguồn gốc và chất lượng sau khi được bảo hộ;

+ Số lượng đơn đăng ký nhãn hiệu của các doanh nghiệp Việt Nam tăng trung bình 8 - 10%/năm.

(Mục I Điều 1 Quyết định 2205/QĐ-TTg năm 2020)

Trần Thanh Rin

>> XEM BẢN TIẾNG ANH CỦA BÀI VIẾT NÀY TẠI ĐÂY

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email: info@lawnet.vn
676 lượt xem
Liên quan Văn bản
  • Địa chỉ: 19 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286
    E-mail: info@lawnet.vn
Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;