Thuốc thú y dùng để chữa cho động vật tạm nhập tái xuất thì có cần xin Giấy chứng nhận lưu hành không?
Thuốc thú y dùng để chữa cho động vật tạm nhập tái xuất thì có cần xin Giấy chứng nhận lưu hành hay không? Công ty tôi có nhập một số con ngựa từ nước ngoài về trưng bày theo diện tạm nhập tái xuất. Nhưng khi về Việt Nam thì ngựa bị bệnh và cần loại thuốc đặc trị ở nước ngoài. Nhưng khi dò trong danh mục thuốc thì loại thuốc đó lại chưa được cấp Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam. Vậy thì tôi có cần xin Giấy chứng nhận lưu hành không? Đăng ký nhập khẩu thuốc như thế nào?
Thuốc thú y dùng để chữa cho động vật tạm nhập tái xuất thì có cần xin Giấy chứng nhận lưu hành không?
Căn cứ Khoản 2 Điều 100 Luật thú ý 2015 quy định về việc nhập khẩu thuốc thú y như sau:
Thuốc thú y chưa có Giấy chứng nhận lưu hành thuốc thú y tại Việt Nam được nhập khẩu trong trường hợp sau đây:
- Phòng, chống dịch bệnh động vật khẩn cấp, khắc phục hậu quả thiên tai;
- Mẫu kiểm nghiệm, khảo nghiệm, đăng ký lưu hành, tham gia trưng bày triển lãm, hội chợ, nghiên cứu khoa học;
- Chữa bệnh đối với động vật tạm nhập tái xuất, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam;
- Tạm nhập tái xuất, gia công xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với tổ chức, cá nhân nước ngoài;
- Dùng trong chẩn đoán, xét nghiệm, kiểm nghiệm về thú y;
- Viện trợ của các tổ chức quốc tế và các hình thức nhập khẩu phi mậu dịch khác.
Như vậy, với trường hợp như của anh, có nhu cầu nhập khẩu thuốc thú y nhằm việc chữa bệnh đối với động vật được nhập khẩu theo diện tạm nhập tái xuất thì không nhất thiết phải có Giấy chứng nhận lưu hành tại Việt Nam.
Đăng ký nhập khẩu thuốc thú y như thế nào?
Với trường hợp nhập khẩu thuốc thú y nhằm mục đích chữa bệnh cho động vật tạm nhập tái xuất thì được quy định tại Khoản 4 Điều 22 Thông tư 13/2016/TT-BNNPTNT như sau:
Hồ sơ nhập khẩu thuốc thú y để chữa bệnh đối với động vật tạm nhập tái xuất, quá cảnh lãnh thổ Việt Nam; tạm nhập tái xuất, gia công xuất khẩu theo hợp đồng đã ký với tổ chức, cá nhân nước ngoài, gồm:
- Đơn đăng ký nhập khẩu thuốc thú y theo mẫu quy định tại Phụ lục XXXII ban hành kèm theo Thông tư này. Đồng thời gửi qua thư điện tử (bản word, excel);
- Phiếu phân tích chất lượng sản phẩm (CoA) của nhà sản xuất;
- Bản sao tài liệu chứng minh Mục đích nhập khẩu thuốc thú y;
- Nhãn sản phẩm.
Trân trọng!