Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại người thực hiện trợ giúp pháp lý khi nào?
Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại người thực hiện trợ giúp pháp lý khi nào? Người được trợ giúp pháp lý có quyền gì? Người được trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ gì?
Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại người thực hiện trợ giúp pháp lý khi nào?
Căn cứ theo khoản 1 Điều 45 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định như sau:
Giải quyết khiếu nại, tố cáo
1. Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với hành vi sau đây của tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình:
a) Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý;
b) Không thực hiện trợ giúp pháp lý;
c) Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật;
d) Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.
2. Người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý có trách nhiệm giải quyết khiếu nại đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được khiếu nại. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của người đứng đầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khiếu nại lên Giám đốc Sở Tư pháp.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được khiếu nại, Giám đốc Sở Tư pháp có trách nhiệm giải quyết khiếu nại. Quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp có hiệu lực thi hành. Trường hợp người khiếu nại không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại của Giám đốc Sở Tư pháp hoặc quá thời hạn mà khiếu nại không được giải quyết thì có quyền khởi kiện tại Tòa án.
3. Tổ chức, cá nhân có quyền khiếu nại, khởi kiện đối với quyết định xử lý kỷ luật, quyết định xử phạt vi phạm hành chính và quyết định hành chính, hành vi hành chính khác trong hoạt động trợ giúp pháp lý theo quy định của pháp luật về khiếu nại và quy định khác của pháp luật có liên quan.
Như vậy, người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại đối với hành vi cá nhân, tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khi có căn cứ cho rằng hành vi đó là trái pháp luật, xâm phạm quyền, lợi ích hợp pháp của mình:
- Từ chối thụ lý vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Không thực hiện trợ giúp pháp lý.
- Thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.
- Thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý không đúng pháp luật.
Người được trợ giúp pháp lý có quyền khiếu nại người thực hiện trợ giúp pháp lý khi nào? (Hình từ Internet)
Người được trợ giúp pháp lý có quyền gì?
Căn cứ Điều 8 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định người được trợ giúp pháp lý có quyền sau:
- Được trợ giúp pháp lý mà không phải trả tiền, lợi ích vật chất hoặc lợi ích khác.
- Tự mình hoặc thông qua người thân thích, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng hoặc cơ quan, tổ chức, cá nhân khác yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được thông tin về quyền được trợ giúp pháp lý, trình tự, thủ tục trợ giúp pháp lý khi đến tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và các cơ quan nhà nước có liên quan.
- Yêu cầu giữ bí mật về nội dung vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Lựa chọn một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý và người thực hiện trợ giúp pháp lý tại địa phương trong danh sách được công bố;
- Yêu cầu thay đổi người thực hiện trợ giúp pháp lý khi người đó thuộc một trong các trường hợp sau:
+ Thực hiện hành vi bị nghiêm cấm, trừ trường hợp đã chấp hành xong hình thức xử lý vi phạm và được thực hiện trợ giúp pháp lý theo quy định;
+ Bị thu hồi thẻ trợ giúp viên pháp lý, thẻ cộng tác viên trợ giúp pháp lý, Chứng chỉ hành nghề luật sư, thẻ tư vấn viên pháp luật;
+ Các trường hợp không được tham gia tố tụng theo quy định của pháp luật về tố tụng.
+ Đã hoặc đang thực hiện trợ giúp pháp lý cho người được trợ giúp pháp lý là các bên có quyền lợi đối lập nhau trong cùng một vụ việc, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác đối với vụ việc tư vấn pháp luật, đại diện ngoài tố tụng trong lĩnh vực dân sự;
+ Có căn cứ cho rằng người thực hiện trợ giúp pháp lý có thể không khách quan trong thực hiện trợ giúp pháp lý;
+ Có lý do cho thấy không thể thực hiện vụ việc trợ giúp pháp lý một cách hiệu quả, ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người được trợ giúp pháp lý.
- Thay đổi, rút yêu cầu trợ giúp pháp lý.
- Được bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.
- Khiếu nại, tố cáo về trợ giúp pháp lý theo quy định;
Người được trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ gì?
Căn cứ Điều 9 Luật Trợ giúp pháp lý 2017 quy định người được trợ giúp pháp lý có nghĩa vụ sau:
- Cung cấp giấy tờ chứng minh là người được trợ giúp pháp lý.
- Hợp tác, cung cấp kịp thời, đầy đủ thông tin, tài liệu, chứng cứ có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý và chịu trách nhiệm về tính chính xác của thông tin, tài liệu, chứng cứ đó.
- Tôn trọng tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý, người thực hiện trợ giúp pháp lý và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác có liên quan đến vụ việc trợ giúp pháp lý.
- Không yêu cầu tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý khác trợ giúp pháp lý cho mình về cùng một vụ việc đang được một tổ chức thực hiện trợ giúp pháp lý thụ lý, giải quyết.
- Chấp hành pháp luật về trợ giúp pháp lý và nội quy nơi thực hiện trợ giúp pháp lý.
Xem thêm danh sách bài mới cập nhật:>>>
Chế độ hưu trí của người vừa tham gia BHXH bắt buộc và BHXH tự nguyện được quy định như thế nào?
Bãi bỏ 06 văn bản quy phạm pháp luật thuộc thẩm quyền ban hành của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng?
Chính phủ quy định địa điểm nộp hồ sơ khai thuế đối với các trường hợp nào?
Mức trợ cấp người cao tuổi tăng lên bao nhiêu khi mức chuẩn trợ giúp xã hội tăng?