Bài thi trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT 2023 được chấm theo quy trình như thế nào? Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được làm tròn như thế nào?
Bài thi trắc nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2023 được chấm theo quy trình như thế nào?
Căn cứ tại tiết 2.4.4 tiểu mục 2.4 Mục 2 Phụ lục VI Chấm thi, Chấm kiểm tra, Phúc khảo kèm theo Công văn 1515/BGDĐT-QLCL năm 2023 hướng dẫn Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm Kỳ thi tốt nghiệp trung học phổ thông năm 2023 như sau:
- Mỗi bước trong quy trình chấm bài thi trắc nghiệm dưới đây được thực hiện theo từng lô chấm. Quá trình chấm được thực hiện hoàn toàn trên Phần mềm với chu trình khép kín.
- Sau khi hoàn thành việc cài đặt hệ thống máy tính và phần mềm phục vụ công tác chấm thi, trước khi Ban Chấm thi trắc nghiệm thực hiện nhiệm vụ, Chủ tịch Hội đồng thi (hoặc người được Chủ tịch Hội đồng thi ủy quyền) tiến hành đặt các mật khẩu trên phần mềm tại mỗi bước Đọc ảnh, Sửa lỗi bài thi, Chấm điểm;
Và chỉ cung cấp mật khẩu để Ban Chấm thi trắc nghiệm tiến hành bước tiếp theo khi đã nhận được đĩa CD chứa dữ liệu của bước trước đó, ví dụ: cấp mật khẩu để Ban Chấm thi trắc nghiệm truy cập chức năng đọc ảnh khi đã nhận được đĩa CD chứa dữ liệu quét ảnh.
- Dữ liệu được sinh ra bởi phần mềm đều được mã hóa. Dữ liệu xuất ra chỉ sử dụng để nhập vào Hệ thống QLT và báo cáo Bộ GDĐT. Phần mềm tự động ghi lại toàn bộ các thao tác của người dùng để phục vụ công tác thanh tra, kiểm tra.
Quy trình chấm bài thi trắc nghiệm kỳ thi tốt nghiệp THPT Quốc gia 2023 gồm 04 bước:
Bước 1: Quét ảnh Phiếu trả lời trắc nghiệm (Phiếu TLTN) thực hiện theo quy trình sau:
- Kiểm tra niêm phong và đối sánh chữ ký trên bì đựng Phiếu TLTN và chữ ký mẫu của cán bộ coi thi;
- Cắt miệng túi bài thi, kiểm đếm Phiếu TLTN đối chiếu với số Phiếu TLTN ghi trên túi bài thi và Phiếu thu bài thi;
- Dùng máy quét ảnh (Scanner) để quét Phiếu TLTN theo từng phòng thi;
- Kiểm tra, đối chiếu để bảo đảm sự thống nhất về số lượng Phiếu TLTN trong từng túi bài thi với Phiếu thu bài thi và số lượng Phiếu TLTN đã được quét trong phần mềm;
- Quét xong Phiếu TLTN của phòng thi nào, phải kiểm đếm ngay Phiếu TLTN rồi đóng lại vào phòng thi đó và niêm phong túi theo quy định;
- Sau khi quét xong toàn bộ các bài thi của Hội đồng thi, Ban Chấm thi trắc nghiệm thực hiện xuất dữ liệu báo cáo (CD0) trên máy chủ. Gửi đĩa CD0 theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông Ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT trước khi tiến hành Đọc ảnh, cụ thể:
+ Toàn bộ 02 bộ đĩa CD có nội dung giống nhau tại từng bước phải được đóng gói niêm phong dưới sự giám sát của Tổ Giám sát, công an và lập biên bản; chỉ khi gửi về Bộ GDĐT (qua Cục QLCL) 01 bộ đĩa để quản lý và bàn giao 01 bộ đĩa cho Chủ tịch Hội đồng thi lưu trữ và được Chủ tịch Hội đồng thi cho phép thì mới được tiến hành bước tiếp theo. Phải báo cáo Ban Chỉ đạo cấp quốc gia để được chấp thuận sử dụng các bộ đĩa này.
Lưu ý: Phiếu thu bài thi và các giấy tờ khác (nếu có) được rút ra khỏi túi bài để sử dụng trong quá trình sửa lỗi. Tại bước này các tệp ảnh sẽ được mã hóa, chỉ Phần mềm Chấm thi trắc nghiệm được Bộ GDĐT cung cấp mới có thể đọc và hiển thị dữ liệu; Đĩa CD0 có chứa các tệp ảnh đã được mã hóa và bản sao lưu cơ sở dữ liệu của phần mềm; Kiểm tra lại nội dung đĩa CD0 xem đã đủ các thư mục và tệp tin như trong hướng dẫn của phần mềm; Phần mềm sẽ khóa lại chức năng quét bài thi ngay khi thực hiện chức năng xuất đĩa CD0.
Bước 2: Đọc ảnh Phiếu TLTN (còn gọi là xử lý ảnh hay nhận dạng ảnh) theo quy trình sau:
- Phần mềm sẽ tự động nhận dạng ảnh các bài thi để rút ra các thông tin SBD, mã đề thi và bài làm. Các dữ liệu nhận dạng ban đầu này (chưa sửa lỗi, gọi là kết quả nhận dạng Phiếu TLTN chưa sửa lỗi) sẽ được lưu vào trong cơ sở dữ liệu của phần mềm.
- Sau khi thực hiện nhận dạng ảnh của các bài thi, Ban Chấm thi trắc nghiệm thực hiện xuất dữ liệu báo cáo (CD1) trên máy chủ và gửi đĩa CD1 theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Quy chế thi trước khi tiến hành bước Sửa lỗi bài thi.
Lưu ý: Đĩa CD1 có chứa bản sao lưu cơ sở dữ liệu của phần mềm; Kiểm tra lại nội dung đĩa CD1 xem đã đủ các thư mục và tệp tin như trong hướng dẫn của phần mềm; Phần mềm sẽ khóa lại chức năng đọc ảnh bài thi ngay khi thực hiện chức năng xuất đĩa CD1.
Bước 3: Sửa lỗi bài thi trắc nghiệm:
(1) Sửa lỗi liên quan đến số báo danh và mã đề thi, các môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp
- Quy trình tiến hành sửa lỗi:
+ Lọc các bài thi có lỗi theo từng túi bài thi (lô);
+ Cán bộ xử lý sử dụng Phiếu thu bài thi để kiểm dò thông tin và sửa chữa sai sót (nếu có) theo từng túi bài thi (lô); Bắt buộc phải kiểm tra thông tin SBD, mã đề thi và môn thi/bài thi của tất cả các thí sinh;
+ Căn cứ vào phiếu thu bài thi để xử lý sửa lại những sai sót trong bài làm của thí sinh do phần mềm cảnh báo hoặc do Ban Chấm thi trắc nghiệm phát hiện (sai SBD, sai mã đề thi, sai môn thi đăng ký).
- Một số lỗi phổ biến cần xử lý:
+ Số báo danh (SBD): không tô SBD, tô sai SBD, tô trùng SBD;
+ Mã đề: Không tô mã đề, tô sai mã đề, tô trùng mã đề;
+ Lỗi do quét bài dẫn đến Phiếu TLTN bị biến dạng khiến phần mềm không nhận dạng được SBD và mã đề thi;
+ Thông tin về dữ liệu môn thi thành phần trong bài thi tổ hợp do Hội đồng thi cung cấp không chính xác với việc tô Phiếu TLTN của thí sinh (do thí sinh tô vào phần bài làm mình không ĐKDT hoặc do Hội đồng thi nhập sai thông tin ĐKDT của thí sinh trong dữ liệu chuyển đến Ban Chấm thi trắc nghiệm).
- Một số lưu ý khi tiến hành sửa lỗi:
+ Khi sửa lỗi về SBD và mã đề thi cán bộ xử lý cần đối chiếu giữa SBD, mã đề thi thí sinh viết bằng chữ và SBD, mã đề thi trên Phiếu thu bài thi để trả về SBD, mã đề thi chính xác cho thí sinh trên Phần mềm;
+ Khi sửa lỗi thông tin về môn thi thành phần của thí sinh cán bộ xử lý cần kiểm tra giữa Phiếu thu bài thi và dữ liệu ĐKDT do Hội đồng thi chuyển đến (đã nhập vào phần mềm).
Tập hợp danh sách các bài thi cần điều chỉnh thông tin môn thi (trong trường hợp cần thiết, Ban Chấm thi trắc nghiệm đề nghị Hội đồng thi xác minh và làm rõ); Lập biên bản bất thường đề xuất điều chỉnh thông tin môn thi của các thí sinh; Dùng chức năng lùi tiến trình ở trên phần mềm về bước trước khi xuất đĩa CD0 để điều chỉnh thông tin môn thi của các thí sinh theo danh sách đã lập trong biên bản bất thường.
+ Sử dụng chức năng lọc trùng mã đề thi để phát hiện và xử lý các trường hợp trùng mã đề thi của từng lô chấm trước khi sửa lỗi phần bài làm.
(2) Sửa lỗi phần bài làm của thí sinh:
- Phần mềm sẽ cảnh báo tất cả các câu không nhận diện được đáp án thí sinh lựa chọn (do thí sinh tô quá mờ, tô nhiều đáp án trong cùng một câu, bỏ trắng câu,...). Cán bộ xử lý phải kiểm tra và xử lý từng lỗi (nếu có).
- Quy trình tiến hành sửa lỗi phần bài làm như sau:
+ Cán bộ xử lý thực hiện kiểm tra các bài thi nghi bị lỗi được hiển thị trên phần mềm;
+ Cán bộ xử lý nhập thông tin các câu trả lời của thí sinh bị lỗi vào phần mềm qua cửa sổ nhập liệu.
(3) Xuất dữ liệu báo cáo và in biên bản sửa lỗi:
- Sau khi hoàn thành việc sửa lỗi bài thi, Ban Chấm thi trắc nghiệm thực hiện xuất dữ liệu báo cáo (CD2) trên máy chủ và gửi đĩa CD2 theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Quy chế thi trước khi thực hiện Chấm điểm bài thi.
Khi xuất đĩa CD2, nếu vẫn còn có bài thi trùng mã đề thi, phần mềm sẽ hiện cảnh báo; Ban Chấm thi trắc nghiệm phải kiểm tra kỹ và sửa chữa tất cả các lỗi bài thi trước khi xuất đĩa CD2.
- In biên bản sửa lỗi, cán bộ xử lý và các bên liên quan ký xác nhận.
Lưu ý: Đĩa CD2 có chứa bản sao lưu cơ sở dữ liệu của phần mềm; Kiểm tra lại nội dung đĩa CD2 xem đã đủ các thư mục và tệp tin như trong hướng dẫn của phần mềm; Phần mềm sẽ khóa lại chức năng sửa lỗi ngay khi thực hiện chức năng xuất đĩa CD2 trên máy chủ.
Bước 4: Chấm điểm bài thi trắc nghiệm:
Sau khi thực hiện 03 bước trên và nhận được đĩa CD đáp án từ Bộ GDĐT (Đĩa CD đáp án có chứa các tệp tin đã được mã hóa; mỗi tệp tin mã hóa là đáp án của tất cả các mã đề thi của bài thi đó), Ban Chấm thi trắc nghiệm thực hiện các việc sau:
- Mở niêm phong và nạp dữ liệu từ đĩa CD chứa đáp án nhận từ Bộ GDĐT vào phần mềm, so sánh tên của từng bài thi trong tệp tin đáp án được nhập với từng bài thi được lựa chọn để bảo đảm chắc chắn trùng nhau. Nếu tên bài thi không trùng khớp, chọn lại đúng tệp tin đáp án với bài thi được lựa chọn; nếu tên bài thi trùng khớp, tiến hành lưu dữ liệu đáp án của bài thi đó vào phần mềm.
- Cần bảo đảm nhập đáp án cho tất cả các bài thi được khai báo trên hệ thống.
- Thực hiện chức năng trên phần mềm để chấm điểm cho tất cả các bài thi.
- Sau khi chấm xong, Ban Chấm thi trắc nghiệm thực hiện xuất dữ liệu báo cáo (CD3) trên máy chủ và gửi đĩa CD3 theo quy định tại điểm d khoản 2 Điều 29 Quy chế thi được nêu trên.
Lưu ý: Đĩa CD3 có chứa bản sao lưu cơ sở dữ liệu của phần mềm; Kiểm tra lại nội dung đĩa CD3 xem đã đủ các thư mục và tệp tin như trong hướng dẫn của phần mềm; Phần mềm sẽ khóa lại toàn bộ các chức năng về trước sau khi xuất đĩa CD3.
Bài thi trắc nghiệm thi tốt nghiệp THPT 2023 được chấm theo quy trình như thế nào? Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được làm tròn như thế nào?
Điểm thi tốt nghiệp THPT năm 2023 được làm tròn như thế nào?
Đối với chấm bài thi trắc nghiệm:
Căn cứ Điều 29 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT quy định như sau:
Chấm bài thi trắc nghiệm
...
3. Chấm điểm: Sau khi hoàn thành các công việc quy định tại khoản 2 Điều này, Tổ Chấm trắc nghiệm mở niêm phong đĩa CD chứa dữ liệu chấm thi trắc nghiệm của Bộ GDĐT, lập biên bản mở niêm phong và nạp dữ liệu chấm vào phần mềm chấm thi trắc nghiệm dưới sự giám sát của công an và Tổ Giám sát; tiến hành chấm điểm, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp; thống nhất sử dụng mã bài thi, môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GDĐT; trong quá trình xử lý, Hội đồng thi phải thực hiện nghiêm túc việc cập nhật và báo cáo kịp thời với Bộ GDĐT (qua Cục QLCL).
Theo đó, đối với bài thi trắc nghiệm sẽ làm tròn đến 02 chữ số thập phân cho từng bài thi và từng môn thi thành phần của bài thi tổ hợp.
Quy định chung về chấm bài thi trắc nghiệm THPT năm 2023 như thế nào?
Căn cứ tại Điều 29 Quy chế thi tốt nghiệp trung học phổ thông ban hành kèm theo Thông tư 15/2020/TT-BGDĐT có quy định chấm bài thi trắc nghiệm trong kỳ thi tốt nghiệp THPT 2023 như sau:
Chấm bài thi trắc nghiệm
1. Quy định chung về chấm bài thi trắc nghiệm:
a) Các thành viên của Ban Chấm thi trắc nghiệm, người đang thi hành nhiệm vụ liên quan thực hiện nhiệm vụ tại khu vực chấm bài thi trắc nghiệm không được mang theo bút chì, tẩy và các vật dụng bị cấm khác theo quy định của Quy chế thi vào phòng chấm thi trắc nghiệm; không được sửa chữa, thêm bớt vào Phiếu TLTN của thí sinh với bất kỳ hình thức nào và bất kỳ lí do gì;
b) Thành viên Tổ Chấm trắc nghiệm phải nghiêm túc tuân thủ quy trình chấm bài thi trắc nghiệm theo quy định; trong quá trình thực hiện, nếu phát hiện bất thường phải báo ngay với Tổ trưởng Tổ Chấm trắc nghiệm để cùng Tổ Giám sát lập biên bản, báo cáo Trưởng ban Chấm thi trắc nghiệm xử lý;
c) Các Phiếu TLTN (bài làm của thí sinh) đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng do Bộ GDĐT cung cấp, kể từ khi quét ảnh đến khi có kết quả là điểm bài thi của từng thí sinh;
d) Thống nhất sử dụng mã bài thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GDĐT;
đ) Trong quá trình xử lý, chấm điểm, Ban Chấm thi trắc nghiệm phải thực hiện nghiêm túc việc cập nhật và kịp thời báo cáo Bộ GDĐT theo quy định.
Theo đó, việc chấm bài thi THPT năm 2023 phải tuân thủ những quy định nêu trên.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;