Trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại được quy định như thế nào?
- Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện nào?
- Trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại được quy định như thế nào?
- Thủ tục chấp hành án của pháp nhân thương mại được quy định như thế nào?
- Hồ sơ thi hành án đối với pháp nhân thương mại gồm những gì?
Pháp nhân thương mại phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện nào?
Căn cứ tại khoản 1 Điều 75 Bộ luật Hình sự 2015 quy định điều kiện chịu trách nhiệm hình sự của pháp nhân thương mại như sau:
- Pháp nhân thương mại chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự khi có đủ các điều kiện sau đây:
+ Hành vi phạm tội được thực hiện nhân danh pháp nhân thương mại;
+ Hành vi phạm tội được thực hiện vì lợi ích của pháp nhân thương mại;
+ Hành vi phạm tội được thực hiện có sự chỉ đạo, điều hành hoặc chấp thuận của pháp nhân thương mại;
+ Chưa hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều 27 của Bộ luật này.
Tuy nhiên, việc pháp nhân thương mại chịu trách nhiệm hình sự không loại trừ trách nhiệm hình sự của cá nhân.
Trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại được quy định như thế nào? (Hình từ Internet)
Trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại được quy định như thế nào?
Theo quy định tại Chương II Nghị định 55/2020/NĐ-CP quy định về trình tự, thủ tục thi hành án hình sự đối với pháp nhân thương mại gồm các bước sau:
Bước 1: Tiếp nhận bản án, quyết định thi hành án;
Bước 2: Xác định cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại có trách nhiệm trong thi hành án;
Bước 3: Triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại để thông báo, yêu cầu thi hành án;
Bước 4: Lập hồ sơ thi hành án;
Bước 5: Công bố quyết định thi hành án, giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp;
Bước 6: Kiểm tra, giám sát việc chấp hành án của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án;
Bước 7: Cấp giấy chứng nhận chấp hành xong hình phạt, giấy chứng nhận chấp hành xong biện pháp tư pháp.
Thủ tục chấp hành án của pháp nhân thương mại được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 160 Luật Thi hành án hình sự 2019 thì pháp nhân thương mại chấp hành án thực hiện các thủ tục sau đây:
- Khi được cơ quan thi hành án hình sự triệu tập để thông báo, yêu cầu thi hành hình phạt, biện pháp tư pháp, người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại phải có mặt, trừ trường hợp vì lý do bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan;
- Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định thi hành án, pháp nhân thương mại phải công bố quyết định đó trên trang thông tin điện tử, ấn phẩm của pháp nhân thương mại và niêm yết công khai tại trụ sở chính và địa điểm kinh doanh của pháp nhân thương mại trong thời gian chấp hành án; thông báo việc chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan;
- Pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động có thời hạn phải tạm dừng hoạt động đối với ngành, nghề trong một hoặc một số lĩnh vực bị đình chỉ hoạt động có thời hạn theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Pháp nhân thương mại bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn phải chấm dứt ngay hoạt động đối với ngành, nghề trong một hoặc một số lĩnh vực bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn hoặc toàn bộ hoạt động bị đình chỉ vĩnh viễn theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Pháp nhân thương mại bị cấm kinh doanh, cấm hoạt động trong một số lĩnh vực nhất định thì không được tiếp tục kinh doanh, hoạt động đối với ngành, nghề trong lĩnh vực bị cấm trong thời hạn theo bản án, quyết định của Tòa án. Pháp nhân thương mại không được tiếp tục kinh doanh, hoạt động kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Pháp nhân thương mại bị cấm huy động vốn thì không được thực hiện một hoặc một số hình thức huy động vốn trong thời hạn bị cấm theo bản án, quyết định của Tòa án. Pháp nhân thương mại không được thực hiện việc huy động vốn kể từ ngày bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Pháp nhân thương mại bị áp dụng biện pháp tư pháp buộc khôi phục lại tình trạng ban đầu, buộc thực hiện một số biện pháp nhằm khắc phục, ngăn chặn hậu quả tiếp tục xảy ra thì phải thi hành theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Pháp nhân thương mại chấp hành án phải báo cáo bằng văn bản cho cơ quan thi hành án hình sự và cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại về việc chấp hành hình phạt, biện pháp tư pháp theo bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Thực hiện thủ tục khác theo quy định của pháp luật có liên quan.
Hồ sơ thi hành án đối với pháp nhân thương mại gồm những gì?
Căn cứ quy định tại Điều 161 Luật Thi hành án hình sự 2019:
Cơ quan thi hành án hình sự Công an cấp tỉnh, cơ quan thi hành án hình sự cấp quân khu có trách nhiệm lập hồ sơ thi hành án đối với pháp nhân thương mại. Hồ sơ bao gồm:
- Bản án, quyết định của Tòa án có hiệu lực pháp luật;
- Quyết định thi hành án;
- Giấy triệu tập người đại diện theo pháp luật của pháp nhân thương mại;
- Văn bản của cơ quan thi hành án hình sự yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn trong thi hành án;
- Thông báo của cơ quan quản lý nhà nước đối với pháp nhân thương mại cho cơ quan thi hành án hình sự về thực hiện yêu cầu trong thi hành án và việc chấp hành án của pháp nhân thương mại;
- Báo cáo của pháp nhân thương mại về việc chấp hành án;
- Tài liệu thể hiện việc công bố thông tin về thi hành án theo quy định của Luật này;
- Biên bản về thi hành án;
- Tài liệu về việc cưỡng chế thi hành án (nếu có);
- Tài liệu về việc chấp hành xong hình phạt, chấp hành xong biện pháp tư pháp theo quy định của Luật này;
- Tài liệu khác có liên quan.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;