Người lao động ngoài hưởng lương hưu có được hưởng thêm khoản tiền nào nữa không? Điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện?
Khi nghỉ hưu thì ngoài hưởng lương hưu người lao động có thể nhận thêm khoản tiền nào?
Cân cứ theo Điều 58 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về trợ cấp một lần khi nghỉ hưu cụ thể như sau:
Trợ cấp một lần khi nghỉ hưu
1. Người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75% thì khi nghỉ hưu, ngoài lương hưu còn được hưởng trợ cấp một lần.
2. Mức trợ cấp một lần được tính theo số năm đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%, cứ mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội thì được tính bằng 0,5 tháng mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
Như vậy, theo quy định trên khi nghỉ hưu thì ngoài hưởng lương hưu người lao động có thể nhận thêm trợ cấp một lần nếu người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội cao hơn số năm tương ứng với tỷ lệ hưởng lương hưu 75%.
Người lao động ngoài hưởng lương hưu có được hưởng thêm khoản tiền nào nữa không? Điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện? (Hình từ Internet)
Điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện gồm những gì?
Căn cứ theo Điều 73 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 được sửa đổi bởi điểm c khoản 1 Điều 219 Bộ luật Lao động 2019 quy định về điều kiện hưởng lương hưu như sau:
Điều kiện hưởng lương hưu
1. Người lao động hưởng lương hưu khi có đủ các điều kiện sau đây:
a) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 của Bộ luật Lao động;
b) Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
2. Người lao động đã đủ điều kiện về tuổi theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều này nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Như vậy, điều kiện hưởng lương hưu đối với người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện phải đáp ứng một số điều sau đây:
- Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại khoản 2 Điều 169 Bộ Luật lao động 2019.
Tuổi nghỉ hưu
1. Người lao động bảo đảm điều kiện về thời gian đóng bảo hiểm xã hội theo quy định của pháp luật về bảo hiểm xã hội được hưởng lương hưu khi đủ tuổi nghỉ hưu.
2. Tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường được điều chỉnh theo lộ trình cho đến khi đủ 62 tuổi đối với lao động nam vào năm 2028 và đủ 60 tuổi đối với lao động nữ vào năm 2035.
Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 03 tháng đối với lao động nam và đủ 55 tuổi 04 tháng đối với lao động nữ; sau đó, cứ mỗi năm tăng thêm 03 tháng đối với lao động nam và 04 tháng đối với lao động nữ.
Hiện nay, độ tuổi nghỉ hưu của lao động nam là đủ 60 tuổi 9 tháng, của lao động nữ là đủ 56 tuổi.
- Đủ 20 năm đóng bảo hiểm xã hội trở lên.
Trường hợp người lao động đã đủ điều kiện về tuổi nhưng thời gian đóng bảo hiểm xã hội chưa đủ 20 năm thì được đóng cho đến khi đủ 20 năm để hưởng lương hưu.
Người lao động đang hưởng lương hưu hằng tháng bị tạm dừng trong trường hợp nào?
Căn cứ theo Điều 64 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 quy định về việc tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng cụ thể như sau:
Tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng
1. Người đang hưởng lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng bị tạm dừng, hưởng tiếp lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng khi thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Xuất cảnh trái phép;
b) Bị Tòa án tuyên bố là mất tích;
c) Có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật.
2. Lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng được tiếp tục thực hiện khi người xuất cảnh trở về định cư hợp pháp theo quy định của pháp luật về cư trú. Trường hợp có quyết định có hiệu lực pháp luật của Tòa án hủy bỏ quyết định tuyên bố mất tích thì ngoài việc tiếp tục được hưởng lương hưu, trợ cấp còn được truy lĩnh tiền lương hưu, trợ cấp bảo hiểm xã hội hằng tháng kể từ thời điểm dừng hưởng.
3. Cơ quan bảo hiểm xã hội khi quyết định tạm dừng hưởng theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều này phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm dừng hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định giải quyết hưởng; trường hợp quyết định chấm dứt hưởng bảo hiểm xã hội thì phải nêu rõ lý do.
Như vậy, theo quy định trên thì người lao động đang hưởng lương hưu hằng tháng bị tạm dừng trong một số trường hợp sau đây:
- Xuất cảnh trái phép.
- Bị Tòa án tuyên bố là mất tích.
- Có căn cứ xác định việc hưởng bảo hiểm xã hội không đúng quy định của pháp luật. Trong trường hợp này, cơ quan bảo hiểm xã hội khi quyết định tạm dừng hưởng lương hưu phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do. Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày tạm dừng hưởng, cơ quan bảo hiểm xã hội phải ra quyết định giải quyết hưởng; trường hợp quyết định chấm dứt hưởng bảo hiểm xã hội thì phải nêu rõ lý do.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;