Hướng dẫn cách nhìn ký hiệu trên thẻ BHYT mẫu mới để biết mức hưởng BHYT? Mặt sau của thẻ BHYT có gì?

Nhìn ký hiệu trên thẻ BHYT mẫu mới có biết được mức hưởng BHYT không? Mặt sau của thẻ BHYT có gì? Câu hỏi của bạn An ở Huế.

Hướng dẫn cách nhìn ký hiệu trên thẻ BHYT mẫu mới để biết mức hưởng BHYT?

Căn cứ quy định tại Quyết định 1666/QĐ-BHXH năm 2020Quyết định 1351/QĐ-BHXH năm 2015 thì trên thẻ BHYT sẽ có ký hiệu thể hiện thông tin về mức hưởng của người tham gia BHYT.

Theo đó, từ ngày 01/4/2021, trên thẻ mới mã thẻ bảo hiểm y tế (BHYT) chỉ còn lại 10 ký tự số thay vì 15 ký tự như trước đây. Bên cạnh mã số thẻ BHYT, trên thẻ BHYT mới sẽ in mã mức hưởng và mã nơi đối tượng sinh sống.

Ký hiệu này gồm 01 ký tự theo số thứ tự từ 1 đến 5 nằm ngay góc bên phải của mặt trước thẻ BHYT, tương ứng với mức hưởng BHYT cụ thể như sau:

- Ký hiệu bằng số 1: Được quỹ BHYT thanh toán:

+ 100% chi phí khám bệnh, chữa bệnh (KCB) thuộc phạm vi chi trả BHYT và không áp dụng giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế về danh mục và tỷ lệ, điều kiện thanh toán dịch vụ kỹ thuật;

+ Chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CC, TE.

- Ký hiệu bằng số 2: Được quỹ BHYT thanh toán:

+ 100% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế);

+ Chi phí vận chuyển người bệnh từ tuyến huyện lên tuyến trên trong trường hợp cấp cứu hoặc khi đang điều trị nội trú phải chuyển tuyến chuyên môn kỹ thuật, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: CK, CB, KC, HN, DT, DK, XD, BT, TS.

- Ký hiệu bằng số 3: Được quỹ BHYT thanh toán:

+ 95% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế);

+ 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: HT, TC, CN.

- Ký hiệu bằng số 4: Được quỹ BHYT thanh toán:

+ 80% chi phí KCB thuộc phạm vi chi trả BHYT (có giới hạn tỷ lệ thanh toán một số thuốc, hóa chất, vật tư y tế và dịch vụ kỹ thuật theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế);

+ 100% chi phí KCB tại tuyến xã và chi phí cho một lần KCB thấp hơn 15% tháng lương cơ sở, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là: DN, HX, CH, NN, TK, HC, XK, TB, NO, CT, XB, TN, CS, XN, MS, HD, TQ, TA, TY, HG, LS, PV, HS, SV, GB, GD.

- Ký hiệu bằng số 5: Được quỹ BHYT thanh toán 100% chi phí KCB, kể cả chi phí KCB ngoài phạm vi được hưởng BHYT; chi phí vận chuyển, bao gồm các đối tượng hưởng có ký hiệu là QN, CA, CY.

Trường hợp một người thuộc nhiều đối tượng tham gia BHYT thì mức hưởng BHYT ghi trên thẻ BHYT là mức hưởng của đối tượng có quyền lợi cao nhất.

Hướng dẫn cách nhìn ký hiệu trên thẻ BHYT mẫu mới để biết mức hưởng BHYT? Mặt sau của thẻ BHYT có gì?

Hướng dẫn cách nhìn ký hiệu trên thẻ BHYT mẫu mới để biết mức hưởng BHYT? Mặt sau của thẻ BHYT có gì? (Hình từ Internet)

Thông tin in trên phôi thẻ và yêu cầu quản lý khi cấp cho người sử dụng gồm những nội dung gì?

Căn cứ tại Điều 3 Quyết định 1666/QĐ-BHXH năm 2020 quy định thông tin in trên phôi thẻ và yêu cầu quản lý khi cấp cho người sử dụng gồm:

(1) Tiêu thức quản lý người tham gia BHYT

- Mã số: in 10 ký tự mã số BHXH của người tham gia BHYT.

- Họ và tên: in họ và tên của người tham gia BHYT bằng chữ in hoa.

- Ngày sinh: in ngày, tháng, năm sinh của người tham gia BHYT.

- Giới tính: in nam hoặc nữ theo hồ sơ đăng ký tham gia BHYT.

- Mã mức hưởng BHYT: in (01 ký tự: theo số thứ tự từ 1 đến 5) ký hiệu mức hưởng của người tham gia BHYT.

- Mã nơi đối tượng sinh sống: in (02 ký tự: K1/K2/K3) ký hiệu nơi người dân tộc thiểu số và người thuộc hộ gia đình nghèo tham gia BHYT, đang sinh sống tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn và ký hiệu nơi người tham gia BHYT đang sinh sống tại xã đảo, huyện đảo.

- Nơi đăng ký khám bệnh, chữa bệnh ban đầu: in tên cơ sở khám bệnh, chữa bệnh ban đầu do người tham gia BHYT đăng ký.

- Giá trị sử dụng: in giá trị sử dụng thẻ từ ngày …/…/…

- Thời điểm đủ 05 năm liên tục: in từ ngày …/…/… tham gia BHYT đủ 05 năm liên tục theo quy định hiện hành, cụ thể:

+ Những người đã có đủ 05 năm tham gia BHYT liên tục trở lên tính đến ngày 01/01/2015 thì in từ ngày 01/01/2015.

+ Từ ngày 01/01/2015 trở đi, những người tham gia BHYT chưa đủ hoặc bắt đầu đủ 05 năm liên tục thì in từ ngày đầu tiên của năm thứ 6.

- Nơi cấp, đổi thẻ BHYT: in tên địa danh của huyện và tỉnh nơi cơ quan BHXH in cấp, đổi thẻ BHYT cho người tham gia.

- Chữ ký: in chức danh, chữ ký quét và họ tên của Trưởng Ban Quản lý Thu - Sổ, Thẻ (hoặc người đứng đầu đơn vị thuộc BHXH Việt Nam được Tổng Giám đốc BHXH Việt Nam giao ký thừa lệnh).

- Vị trí dán ảnh: in khung trống nét đơn màu đen kích thước 20mm x 30mm để chờ dán ảnh.

- Vị trí mã vạch: in mã vạch hai chiều (chứa các thông tin trên thẻ và chuỗi ký tự kiểm tra).

(2) Chất lượng mực in: mực in nguyên bản của nhà sản xuất (không sử dụng mực đồ lại) phù hợp với các loại máy in do BHXH các cấp đang sử dụng để in thẻ BHYT.

(3) Thẻ được ép plastic sau khi in.

Mặt sau của thẻ BHYT có gì?

Mặt sau của thẻ BHYT là 05 nội dung mà người tham gia bảo hiểm y tế cần lưu ý, cụ thể như sau:

- Khi đi khám bệnh, chữa bệnh phải xuất trình thẻ BHYT có ảnh, nếu không có ảnh phải xuất trình cùng với giấy tờ tùy thân có ảnh hợp lệ. Riêng trẻ em dưới 6 tuổi, chỉ xuất trình thẻ BHYT.

- Mỗi người tham gia BHYT được cấp một thẻ với mã số BHXH duy nhất. Sử dụng mã số BHXH và đăng ký giao dịch tại địa chỉ: https://dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn để tiếp tục tham gia BHYT, cấp lại, cấp đổi thẻ BHYT, kiểm tra chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT được hưởng.

- Để biết thông tin thẻ BHYT, truy cập địa chỉ: https://baohiemxahoi.gov.vn hoặc nhắn tin theo cú pháp: BH THE {mã số BHXH} gửi 8079.

- Mọi vướng mắc xin liên hệ BHXH tỉnh, huyện nơi cấp thẻ hoặc tổng đài 19009068 để được hỗ trợ, giải đáp.

- Thẻ BHYT phải bảo quản cẩn thận, không cho người khác mượn thẻ. Trường hợp mất, hỏng thẻ cần thông báo kịp thời cho cơ quan BHXH.


LawNet

- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn

- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;

- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;

- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;

- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;

Căn cứ pháp lý
Tư vấn pháp luật mới nhất
ĐỌC NHIỀU NHẤT
{{i.ImageTitle_Alt}}
{{i.Title}}