Đã có quy định mới về tiêu chuẩn, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt áp dụng từ 01/9/2023?
Đã có quy định mới về tiêu chuẩn, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt áp dụng từ 01/9/2023?
Ngày 30/6/2023, Bộ Giao thông Vận tải ban hành Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về tiêu chuẩn, nhiệm vụ, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; nội dung, chương trình đào tạo đối với cơ sở đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; điều kiện, nội dung, quy trình sát hạch và cấp, cấp lại, thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt.
Tại Điều 2 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về đối tượng áp dụng Thông tư 15/2023/TT-BGTVT như sau:
Các đối tượng là các tổ chức, cá nhân có liên quan đến công tác chạy tàu, đào tạo các chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu; sát hạch, cấp, cấp lại và thu hồi giấy phép lái tàu trên đường sắt.
* Lưu ý: Thông tư 15/2023/TT-BGTVT sẽ không áp dụng đối với người điều khiển phương tiện giao thông đường sắt phục vụ lắp đặt thiết bị, thử nghiệm và trong quá trình thi công thuộc các dự án xây dựng mới đường sắt.
Bên cạnh đó, tại Điều 4 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng là các chức danh quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 1 Điều 35 Luật Đường sắt, chức danh phó trưởng tàu khách phụ trách an toàn và chức danh nhân viên trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường sắt phục vụ dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp.
Theo đó, các chức danh quy định tại các điểm a, điểm b, điểm c, điểm d, điểm đ, điểm e, điểm g, điểm h, điểm i khoản 1 Điều 35 Luật Đường sắt 2017 bao gồm:
- Trưởng tàu;
- Lái tàu, phụ lái tàu;
- Nhân viên điều độ chạy tàu tuyến, điều độ chạy tàu ga;
- Trực ban chạy tàu ga;
- Trưởng dồn;
- Nhân viên gác ghi;
- Nhân viên ghép nối đầu máy, toa xe;
- Nhân viên tuần đường, cầu, hầm, gác hầm;
- Nhân viên gác đường ngang, cầu chung;
- Chức danh phó trưởng tàu khách phụ trách an toàn và chức danh nhân viên trực tiếp điều khiển phương tiện giao thông đường sắt phục vụ dây chuyền công nghệ của doanh nghiệp.
Ngoài ra, tại Điều 20 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT cũng quy định về chức danh nhân viên đường sắt trực tiếp phục vụ chạy tàu trên đường sắt đô thị gồm có:
- Nhân viên điều độ chạy tàu;
- Lái tàu;
- Nhân viên phục vụ chạy tàu tại ga;
- Nhân viên hỗ trợ an toàn trên tàu.
Quy định mới về tiêu chuẩn, quyền hạn đối với chức danh nhân viên đường sắt áp dụng từ 01/9/2023 (Hình từ Internet)
Giấy phép lái tàu bao gồm các loại nào?
Tại Điều 27 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT quy định về Giấy phép lái tàu bao gồm các loại sau:
* Đối với Giấy phép lái tàu trên đường sắt quốc gia, đường sắt chuyên dùng:
- Giấy phép lái đầu máy diesel (dùng cho cả lái toa xe động lực diesel).
- Giấy phép lái đầu máy điện (dùng cho cả lái toa xe động lực chạy điện).
- Giấy phép lái đầu máy hơi nước.
- Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng.
* Đối với Giấy phép lái tàu trên đường sắt đô thị:
- Giấy phép lái tàu điện (dùng cho cả lái đầu máy điện).
- Giấy phép lái đầu máy diesel.
- Giấy phép lái phương tiện chuyên dùng.
- Giấy phép lái tàu nêu tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 2 Điều 27 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT cấp cho lái tàu là người nước ngoài.
Nhân viên lái tàu cần đáp ứng những điều kiện gì để được cấp giấy phép lái tàu?
Tại Điều 28 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT có quy định về điều kiện cấp giấy phép lái tàu như sau:
(1) Đối với lái tàu trên các tuyến đường sắt đang khai thác
- Có độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt 2017; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo cấp;
- Phải có thời gian làm phụ lái tàu an toàn liên tục 24 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái tàu quy định tại điểm a, điểm b, điểm c khoản 1 Điều 27 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT; 12 tháng trở lên đối với loại giấy phép lái tàu quy định tại điểm d khoản 1 Điều 27 Thông tư 15/2023/TT-BGTVT;
- Đã qua kỳ sát hạch và được hội đồng sát hạch cấp giấy phép lái tàu (sau đây gọi là hội đồng sát hạch) đánh giá đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư này.
(2) Đối với lái tàu đầu tiên trên tuyến đường sắt đô thị mới đưa vào khai thác, vận hành có công nghệ lần đầu sử dụng tại Việt Nam
- Có độ tuổi theo quy định tại điểm a khoản 3 Điều 36 Luật Đường sắt 2017; có đủ sức khỏe để lái các loại phương tiện giao thông đường sắt theo quy định của Bộ trưởng Bộ Y tế;
- Có bằng hoặc chứng chỉ trình độ sơ cấp trở lên về lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do cơ sở đào tạo của Việt Nam cấp; hoặc bằng hoặc chứng chỉ lái phương tiện giao thông đường sắt phù hợp với loại phương tiện dự sát hạch do tổ chức nước ngoài cấp qua quá trình đào tạo, chuyển giao công nghệ của dự án;
- Đủ điều kiện sát hạch và được hội đồng sát hạch đánh giá đạt yêu cầu theo quy định tại Thông tư 15/2023/TT-BGTVT.
Lưu ý: Thông tư 15/2023/TT-BGTVT có hiệu lực từ 01/9/2023.
LawNet
- Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của Law Net Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
- Nội dung bài viết chỉ mang tính chất tham khảo;
- Bài viết có thể được sưu tầm từ nhiều nguồn khác nhau;
- Điều khoản được áp dụng có thể đã hết hiệu lực tại thời điểm bạn đang đọc;
- Mọi ý kiến thắc mắc về bản quyền của bài viết vui lòng liên hệ qua địa chỉ mail banquyen@lawnet.vn;