24/08/2024 17:28

Quy định về việc đặt tên, đổi tên, số hiệu đường bộ áp dụng từ ngày 01/01/2025

Quy định về việc đặt tên, đổi tên, số hiệu đường bộ áp dụng từ ngày 01/01/2025

Tại Việt Nam, việc đặt tên, đổi tên, số hiệu đường bộ được thực hiện như thế nào? Hành vi nào bị cấm khi tham gia đường bộ tại Việt Nam?

Luật Đường bộ Việt Nam 2024 đã được ban hành và có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2025. Theo đó, kể từ ngày này thì việc đặt tên, số hiệu cũng như việc đổi tên, số hiệu đường bộ tại Việt Nam sẽ được quy định lại.

1. Quy định về việc đặt tên, đổi tên, số hiệu đường bộ áp dụng từ ngày 01/01/2025

Cụ thể, theo Điều 11 Luật Đường bộ Việt Nam 2024 thì việc đặt tên, số hiệu đường bộ được quy định như sau:

- Tên đường bộ được đặt theo:

+ Tên danh nhân, người có công với đất nước; 

+ Di tích, sự kiện lịch sử, văn hóa; 

+ Tên địa danh hoặc tên theo tập quán. 

- Số hiệu đường bộ được đặt theo số tự nhiên hoặc số tự nhiên kèm theo chữ cái nếu cần thiết. 

Trường hợp đường đô thị trùng với đường khác thì sử dụng cả tên đường đô thị và tên, số hiệu của đường khác;

- Tên, số hiệu đường bộ tham gia vào mạng lưới đường bộ quốc tế thực hiện theo điều ước quốc tế giữa nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam với các quốc gia, tổ chức quốc tế có liên quan. Đường bộ kết nối vào mạng lưới đường bộ quốc tế thì sử dụng cả tên, số hiệu đường bộ trong nước và tên, số hiệu đường bộ quốc tế.

Như vậy, trường hợp có tuyến, đoạn tuyến đường bộ đi trùng nhau thì sử dụng tên, số hiệu đường bộ thuộc cấp quản lý cao hơn, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 1 Điều 11 Luật Đường bộ Việt Nam 2024.

Bên cạnh đó, không bắt buộc đặt tên, số hiệu đường bộ đối với đường xã, đường thôn, đường nội bộ, đường chuyên dùng; không bắt buộc đổi tên, số hiệu đường bộ trong trường hợp đường đó đi qua địa bàn được cấp có thẩm quyền quyết định giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới hành chính của địa phương.

2. Hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia đường bộ

Cũng theo Điều 7 Luật Đường bộ Việt Nam 2024 thì những hành vi bị nghiêm cấm khi tham gia đường bộ tại Việt Nam cụ thể gồm những hành vi sau đây:

(1) Phá hoại kết cấu hạ tầng đường bộ; khai thác, sử dụng kết cấu hạ tầng đường bộ trái quy định của pháp luật.

(2) Đấu nối trái phép vào đường chính, đường nhánh; tháo dỡ, di chuyển trái phép hoặc làm sai lệch công trình đường bộ.

(3) Lấn, chiếm, sử dụng, xây dựng trái phép trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng đường bộ.

(4) Lắp đặt, tháo dỡ, di chuyển, điều chỉnh, che khuất báo hiệu đường bộ trái quy định của pháp luật; gắn, treo, lắp vào báo hiệu đường bộ nội dung không liên quan tới ý nghĩa, mục đích của báo hiệu đường bộ hoặc làm sai lệch báo hiệu đường bộ.

(5) Kinh doanh vận tải bằng xe ô tô, bằng xe bốn bánh có gắn động cơ mà không có giấy phép kinh doanh vận tải theo quy định của pháp luật hoặc kinh doanh không đúng giấy phép.

(6) Lập điểm đón, trả khách, bốc dỡ hàng hóa trái quy định của pháp luật.

3. Việc phân loại đường bộ theo cấp quản lý được quy định như thế nào?

Căn cứ tại khoản 1 Điều 8 Luật Đường bộ Việt Nam 2024 quy định việc phân loại đường bộ Việt Nam theo cấp quản lý như sau:

Đường bộ theo cấp quản lý bao gồm: quốc lộ, đường tỉnh, đường huyện, đường xã, đường thôn, đường đô thị, đường chuyên dùng. Trong đó:

Quốc lộ: đường nối liền Thủ đô Hà Nội với trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường nối liền các trung tâm hành chính cấp tỉnh; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh của vùng, khu vực;

Đường tỉnh: đường nằm trong địa bàn một tỉnh nối trung tâm hành chính của tỉnh với trung tâm hành chính của huyện; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh;

Đường huyện: đường nối trung tâm hành chính của huyện với trung tâm hành chính của xã, cụm xã hoặc trung tâm hành chính của huyện lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện;

Đường xã: đường nối trung tâm hành chính của xã với thôn, làng, ấp, bản, buôn, bon, phum, sóc (sau đây gọi là thôn) và điểm dân cư nông thôn hoặc đường nối với xã lân cận; đường có vị trí quan trọng đối với sự phát triển kinh tế - xã hội của xã;

Đường thôn: đường trong khu vực thôn, đường trục nối thôn với khu vực sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và cơ sở sản xuất, kinh doanh khác trên địa bàn thôn;

Đường đô thị: đường trong phạm vi địa giới hành chính nội thành, nội thị, bao gồm: đường cao tốc đô thị, đường phố, đường ngõ, ngách, kiệt, hẻm trong đô thị;

Đường chuyên dùng: đường chuyên phục vụ giao thông cho một hoặc một số cơ quan, tổ chức, cá nhân và đường nội bộ.

Trân trọng

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Đỗ Minh Hiếu
116


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;