Chào chị, Ban biên tập xin giải đáp như sau:
Theo quy định tại Điều 9 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, mức phạt tiền đối với hành vi buôn bán hàng giả như sau:
Điều 9. Hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng
Đối với hành vi buôn bán hàng giả về giá trị sử dụng, công dụng quy định tại điểm a, b, c và d khoản 7 Điều 3 của Nghị định này, mức phạt tiền như sau:
a) Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá dưới 3.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp dưới 5.000.000 đồng;
b) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;
c) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;
d) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;
đ) Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 30.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng;
e) Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có trị giá từ 30.000.000 đồng trở lên hoặc thu lợi bất hợp pháp từ 50.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Theo đó, tùy vào mức độ nghiêm trọng của hành vi mà người bán có thể bị xử phạt hành chính từ 1.000.000 đồng đền 70.000.000 đồng hoặc sẽ bị xử lý hình sự theo quy định tại Điều 192 Bộ luật Hình sự của Việt Nam về “Tội sản xuất, buôn bán hàng giả”. Ngoài ra, người buôn bán hàng giả còn phải chịu các hình phạt bổ sung và buộc thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả tương đương với hành vi vi phạm.
Trường hợp bạn mua phải hàng giả, cần giữ nguyên hiện trạng của sản phẩm bị lỗi cùng các giấy tờ liên quan như hóa đơn, chứng từ, phiếu bảo hành... Trường hợp đã sử dụng sản phẩm lỗi gây ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng hoặc làm hư hỏng các tài sản khác, người tiêu dùng cần giữ lại các tài liệu chứng minh có thiệt hại như: chẩn đoán của bệnh viện, đơn thuốc, biên lai thu tiền khám chữa bệnh, hóa đơn sửa chữa… để có căn cứ khiếu nại và yêu cầu bồi thường.
Về giải quyết và yêu cầu bồi thường thiệt hại đã xảy ra, có những cách giải quyết phổ biến sau:
Thương lượng, hòa giải
Bạn có thể thương lượng với bên bán để yêu cầu đổi trả/hoàn lại tiền và đòi bồi thường thiệt hại. Trường hợp không thể thương lượng được với bên bán, bạn có thể nhờ đến sự giúp đỡ của các cơ quan có thẩm quyền.
Khiếu nại với cơ quan chức năng, phản ánh tới cơ quan báo chí
Qua quá trình thương lượng, hòa giải, nếu hai bên không thể thỏa thuận được với nhau, bạn có thể gửi đơn khiếu nại kèm theo các hồ sơ, tài liệu đã thu thập được tới một trong những cơ quan sau:
- Chi cục quản lý thị trường của địa phương
- Chi cục vệ sinh an toàn thực phẩm của địa phương
- Thanh tra cục cạnh tranh và bảo vệ người tiêu dùng
- Hiệp hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng
Ngoài ra, bạn có thể gửi phản ánh tới các cơ quan Báo chí, truyền thông để có phương pháp xử lý, răn đe.
Khởi kiện tại Tòa án
Trường hợp khởi kiện tại Tòa án, bạn cần nộp đơn khởi kiện kèm theo các tài liệu, chứng cứ chứng minh do hàng giả, hàng kém chất lượng đã gây thiệt hại cho bản thân và gia đình của mình.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về