16/12/2022 15:30

Bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thế nào?

Bồi thường do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thế nào?

Tôi có cho anh A thuê xe du lịch, sau đó xe ô tô bị nổ lốp làm anh A mất lái gây tai nạn giao thông cho anh H. Vậy tôi có phải bồi thường cho anh H không? “Hoàng Long-Quảng Nam”

Chào anh, ban Biên tập xin giải đáp thắc mắc của anh như sau:

Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra là loại trách nhiệm đặc biệt vì thiệt hại xảy ra không phải do hành vi và do lỗi của con người mà do hoạt động của những sự vật mà hoạt động của chúng luôn tiềm ẩn khả năng gây thiệt hại. Tuy nhiên, để bảo đảm quyền, lợi ích hợp pháp cho người bị thiệt hại, pháp luật vẫn buộc chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ có trách nhiệm bồi thường.

1. Nguồn nguy hiểm cao độ là gì?

Theo Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định: “Nguồn nguy hiểm cao độ bao gồm phương tiện giao thông vận tải cơ giới, hệ thống tải điện, nhà máy công nghiệp đang hoạt động, vũ khí, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, thú dữ và các nguồn nguy hiểm cao độ khác do pháp luật quy định.”

2. Xác định nguồn nguy hiểm cao độ thế nào?

Hiện nay, pháp luật Việt Nam không có văn bản nào quy định rõ ràng về xác định nguồn nguy hiểm cao độ. Trước đó, tại Hướng dẫn của Nghị quyết 03/2006/NQ-HĐTP (đã hết hiệu lực) xác định nguồn nguy hiểm cao độ như sau:

- Khi có phương tiện giao thông, công trình, vật chất hoặc loại thú nào đó gây ra thiệt hại, để có căn cứ áp dụng các khoản 2, 3 và 4 Điều 623 Bộ luật Dân sự xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì phải xác định nguồn gây ra thiệt hại có phải là nguồn nguy hiểm cao độ hay không.

- Để xác định nguồn nguy hiểm cao độ cần phải căn cứ vào khoản 1 Điều 623 Bộ luật Dân sự và văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan hoặc quy định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về lĩnh vực cụ thể đó.

Ví dụ: Để xác định phương tiện giao thông cơ giới đường bộ thì phải căn cứ vào Luật Giao thông đường bộ. Theo quy định tại điểm 13 Điều 3 Luật giao thông đường bộ thì phương tiện giao thông cơ giới đường bộ gồm xe ô tô, máy kéo, xe mô tô hai bánh, xe mô tô ba bánh, xe gắn máy và các loại xe tương tự, kể cả xe cơ giới dùng cho người tàn tật.

3. Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra thế nào?

Tại Điều 601 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra như sau:

- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải vận hành, sử dụng, bảo quản, trông giữ, vận chuyển nguồn nguy hiểm cao độ theo đúng quy định của pháp luật.

- Chủ sở hữu nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra; nếu chủ sở hữu đã giao cho người khác chiếm hữu, sử dụng thì người này phải bồi thường, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

- Chủ sở hữu, người chiếm hữu, sử dụng nguồn nguy hiểm cao độ phải bồi thường thiệt hại cả khi không có lỗi, trừ trường hợp sau đây:

+ Thiệt hại xảy ra hoàn toàn do lỗi cố ý của người bị thiệt hại;

+ Thiệt hại xảy ra trong trường hợp bất khả kháng hoặc tình thế cấp thiết, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Ngoài ra, Điều 585 Bộ luật Dân sự năm 2015 của Việt Nam thì việc bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra phải tuân theo các nguyên tắc sau: 

- Thiệt hại phải được bồi thường toàn bộ và kịp thời. Việc bồi thường xuất phát từ nguyên tắc công bằng, thiệt hại bao nhiêu thì mức bồi thường sẽ là bấy nhiêu; 

- Người gây thiệt hại có thể được giảm mức bồi thường, nếu do lỗi vô ý mà gây thiệt hại quá lớn so với khả năng kinh tế trước mắt và lâu dài của mình; 

- Khi mức bồi thường không còn phù hợp với thực tế thì người bị thiệt hại hoặc người gây thiệt hại có quyền yêu cầu Tòa án hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác thay đổi mức bồi thường; 

- Khi bên bị thiệt hại có lỗi trong việc gây thiệt hại thì không được bồi thường phần thiệt hại do lỗi của mình gây ra; 

- Bên có quyền, lợi ích bị xâm phạm không được bồi thường nếu thiệt hại xảy ra do không áp dụng các biện pháp cần thiết, hợp lý để ngăn chặn, hạn chế thiệt hại cho chính mình.

4. Một số bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Bản án về tranh chấp đòi bồi thường thiệt hại tính mạng do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra số 02/2018/ST-DS

Bản án 29/2018/KDTM-PT ngày 11/01/2018 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Bản án về yêu cầu bồi thường thiệt hại tài sản do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra số 08/2019/DS-PT

Bản án về tranh chấp bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra số 125/2019/DS-PT

Bản án 52/2020/DSPT ngày 23/06/2020 về bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra

Đây là nội dung tóm tắt, thông báo văn bản mới dành cho khách hàng của LawNet. Nếu quý khách còn vướng mắc vui lòng gửi về Email:info@lawnet.vn
Như Ý
323


Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập

  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;