Đối chiếu quy định pháp luât về trường hợp cây cối giữa hai gia đình giáp ranh tại các Điều 175, Điều 177 của Bộ luật dân sự năm 2015 tại Việt Nam thì:
“Điều 175. Ranh giới giữa các bất động sản
...
2. Người sử dụng đất được sử dụng không gian và lòng đất theo chiều thẳng đứng từ ranh giới của thửa đất phù hợp với quy định của pháp luật và không được làm ảnh hưởng đến việc sử dụng đất của người khác.
Người sử dụng đất chỉ được trồng cây và làm các việc khác trong khuôn viên đất thuộc quyền sử dụng của mình và theo ranh giới đã được xác định; nếu rễ cây, cành cây vượt quá ranh giới thì phải xén rễ, cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp có thỏa thuận khác”.
“Điều 177. Bảo đảm an toàn trong trường hợp cây cối, công trình có nguy cơ gây thiệt hại
1. Trường hợp cây cối, công trình xây dựng có nguy cơ sập đổ xuống bất động sản liền kề và xung quanh thì chủ sở hữu tài sản thực hiện ngay các biện pháp khắc phục, chặt cây, sửa chữa hoặc dỡ bỏ công trình xây dựng đó theo yêu cầu của chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh hoặc theo yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền; nếu không tự nguyện thực hiện thì chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh có quyền yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chặt cây, phá dỡ. Chi phí chặt cây, phá dỡ do chủ sở hữu cây cối, công trình xây dựng chịu
2. ...
3. Trường hợp gây thiệt hại cho chủ sở hữu bất động sản liền kề và xung quanh quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì chủ sở hữu cây cối, công trình phải bồi thường.”.
Như vậy có thể thấy theo quy định pháp luật thì khi nhành cây hàng xóm lan qua nhà mình thì hàng xóm phải có nghĩa vụ cắt, tỉa cành phần vượt quá, trừ trường hợp hai gia đình có thỏa thuận khác. Trường hợp cây cối có khả năng đổ xuống nhà hàng xóm thì phải có biện pháp chặt cây. Tuy nhiên pháp luật không quy định rõ trường hợp trái cây rụng rơi qua nhà khác gây nguy hiểm cho họ. Vậy thực tế trường hợp này được Toà án giải quyết ra sao, các bạn cùng tham khảo tại bản án sau.
Bản án số 02/2022/DS-PT về tranh chấp đường thoát nước thải, khoảng không và yêu cầu chấm dứt hành vi cản trở việc sử dụng đất hợp pháp.
Theo đó, bà M sử dụng thửa đất số 36 và vợ chồng bà Lý H, ông T, sử dụng thửa đất số 235 là hộ liền kề với gia đình của Bà. Bà M cho rằng vợ chồng bà H, ông T đã có những hành vi xâm hại đến quyền sử dụng đất của bà, cụ thể:
Phần đất cặp bờ ranh thì bà H, ông T đã trồng những cây như: Dừa, cau, hoàng hậu, lộc vừng, trầu bà, gừa và 01 số cây trồng khác. Và cây dừa, cây cau rụng trái và lá lên mái nhà, đường đi phía gia đình của bà, có thể ảnh hưởng đến tính mạng của con người khi dừa rụng trái, những cây trồng khác thì che chắn phần không gian trên phần đất giáp ranh của bà và rụng lá xuống phần đất của bà.
Ông T khai rằng: Giáp ranh đất của bà M thì gia đình cha mẹ của ông có làm hàng rào và gia đình của ông có trồng các loại cây như dừa, cau...các cây trồng có cành nhánh phát triển tự nhiên và đôi lúc có chồm qua đất người khác là ngoài ý muốn của ông, gia đình ông có chú ý việc này và thường xuyên mé nhánh để không ảnh hưởng đất bên cạnh.
Theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ thể hiện các cây do gia đình của bị đơn trồng có tàn (nhánh) qua bên phần đất của nguyên đơn bà Trần Thị M gồm: 03 cây cau kiểng, 01 cây hoàng hậu, 07 cây dừa, 01 cây sanh (cây gừa), dây trầu bà. Riêng đối với các cây dừa đã trồng lâu năm nên thân mọc cao, tàu dừa và trái dừa rụng qua trước sân nhà và cổng ra vào nhà của bà M có thể gây nguy hiểm đến tính mạng của con người.
Từ đó, Toà án nhân dân tỉnh Sóc Trăng tuyên chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị M. Buộc ông Trần Quốc T, bà Lý Ngọc H chặt bỏ 04 cây dừa, chặt nhánh tàu 03 cây dừa có tàn qua đất của Bà M, chặt nhánh 01 cây cau kiểng, cắt tỉa dây trầu bà trên tường bò sang phần đất của bà M. Chi phí chặt cây, cành và lá phía ông T, bà H phải chịu.
Như vậy, trên thực tế nếu cây nhà hàng xóm rụng trái qua nhà bạn mà có thể gây nguy hiểm thì bạn có thể yêu cầu hàng xóm tỉa nhánh hoặc chặt cây tuỳ từng trường hợp để đảm bảo an toàn cho mọi người.
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về