Chào anh, Ban Biên tập xin giải đáp vướng mắc của anh như sau:
Theo quy định tại Luật Đất đai của Việt Nam thì “Chuyển đổi quyền sử dụng đất là một hình thức chuyển quyền sử dụng đất, trong đó các bên (hộ gia đình, cá nhân trong cùng một xã, phường, thị trấn) chuyển giao quyền sử dụng đất nông nghiệp cho nhau (đổi đất nông nghiệp), các bên vừa là người chuyển đổi nhưng cũng đồng thời là người nhận chuyển đổi.”
Hộ gia đình, cá nhân được chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp khi đáp ứng đủ các điều kiện sau:
- Có Giấy chứng nhận, trừ trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 186 và trường hợp nhận thừa kế quy định tại khoản 1 Điều 168 Luật Đất đai năm 2013;
- Đất không có tranh chấp;
- Quyền sử dụng đất không bị kê biên để bảo đảm thi hành án;
- Trong thời hạn sử dụng đất.
- Sử dụng đất nông nghiệp do được Nhà nước giao đất, do chuyển đổi, nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho quyền sử dụng đất hợp pháp từ người khác.
- Chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp trong cùng xã, phường, thị trấn cho hộ gia đình, cá nhân khác để thuận lợi cho sản xuất nông nghiệp.
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Toà án nhân dân tỉnh Vĩnh Phúc
- Trích dẫn nội dung: “Tòa án cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật trên cơ sở yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là “Tranh chấp kiện đòi tài sản là đất nông nghiệp”. Tuy nhiên, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận thấy việc ông D sử dụng thửa ruộng của gia đình ông H là trên cơ sở hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất (theo Giấy đổi ruộng giữa ông D với ông L), thực tế có việc đổi ruộng giữa hai bên từ khi đổi cho đến nay. Do vậy, để giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn cần xem xét đến tính hợp pháp của hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất đã được ký kết và thực hiện giữa ông L với ông D, trên cơ sở đó mới xem xét được yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn có đủ căn cứ hay không?”
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân cấp cao tại Hà Nội
- Trích dẫn nội dung: “Xét về hình thức giao dịch chuyển đổi quyền sử dụng đất giữa các hộ với ông T1 là chưa đảm bảo quy định tại Điều 691 Bộ luật Dân sự năm 1995. Tuy nhiên các bên đã bàn giao đất trên thực địa cho nhau, canh tác ổn định, ông T1 đã sử dụng diện tích đất đổi tham gia dồn đổi chung hộ gia đình về chung thửa tại L1. Để bảo đảm ổn định giao dịch dân sự nên cần công nhận hợp đồng miệng về việc đổi đất giữa bà H1 và ông T1. Căn cứ khoản 2 Điều 129 Bộ luật Dân sự năm 2015 và Án lệ số 15/2017/AL công nhận thỏa thuận miệng về việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp của Hội đồng thẩm phán TAND tối cao xác định giao dịch chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa hộ ông T1 với hộ bà H1 không vô hiệu về hình thức.”
- Cấp xét xử: Phúc thẩm
- Cơ quan xét xử: Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam
- Trích dẫn nội dung: “Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng để thuận tiện cho việc canh tác nên bà V chuyển đổi ruộng trũng sản xuất kém hiệu quả cho ông D. Phía ông D lấy cánh đồng ruộng trũng làm mô hình đa canh. Ngày 18/11/2004 giữa hộ ông Cao Văn D và hộ bà Trần Thị V đã nhất trí chuyển đổi ruộng và lập thành văn bản có chữ ký của ông D, bà V và có xác nhận của ông Lương. Với nội dung “Bà V chuyển đổi cho ông D thửa ruộng số 30, tờ bản đồ số 4, diện tích 714m2 đất tại cánh đồng Cửa Đình; bà V nhận chuyển đổi từ ông D thửa ruộng số 25, tờ bản đồ số 4 diện tích 710m2 đất trồng lúa tại cánh Đồng Đăm. Thời gian chuyển đổi bắt đầu từ ngày 18/11/2004, thời hạn sử dụng đất theo Luật đất đai đã quy định” (BL 95). Trong biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp chỉ có đại diện hai chủ hộ ký và xác nhận của Ban quản lý thôn, việc chuyển đổi đất giữa hai hộ được UBND xã đồng ý và cho thực hiện chuyển đổi để ông D xây dựng mô hình đa canh. Các thành viên trong hộ cũng nhất trí thực hiện canh tác trong nhiều năm, không có ý kiến gì”
Trân trọng!
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về