Bản án 09/2017/DS-PT ngày 28/09/2017 về tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

BẢN ÁN 09/2017/DS-PT NGÀY 28/09/2017 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG CHUYỂN ĐỔI QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT NÔNG NGHIỆP

Ngày 28 tháng 9 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hà Nam xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 08/2017/TLPT-TC ngày 15/8/2017 về việc “Tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp”. Do bản án dân sự sơ thẩm số 05/2017/DS-ST ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố Phủ Lý bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 09/2017/QĐ-PT ngày 07/9/2017, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Trần Thị V, sinh năm 1952; địa chỉ: Thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam (có mặt).

2. Bị đơn: Ông Cao Văn D, sinh năm 1956 và Bà Đặng Thị Q, sinh năm 1958; cùng địa chỉ: Thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam (có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bà Đặng Thị Q là : Ông Cao Văn D, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam.

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- NLQ1, sinh năm 1979; địa chỉ: Số 28, tổ 1, phường Q, thành phố S, tỉnh Sơn La (có mặt).

- NLQ2, sinh năm 1982; địa chỉ: Thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam (có mặt).

- NLQ3, sinh năm 1984; địa chỉ: Thôn L, xã H, huyện K, tỉnh Hưng Yên (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của NLQ2, NLQ3 là: NLQ1, sinh năm 1979; địa chỉ: Số nhà 28, tổ 1, phường Q, thành phố S, tỉnh Sơn La (có mặt).

- NLQ4, sinh năm 1984; địa chỉ: Thôn P, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam(vắng mặt).

 - NLQ5, sinh năm 1985 (vắng mặt).

- NLQ6, sinh năm 1990 (vắng mặt).

Cùng địa chỉ: Thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam.

- NLQ7, sinh năm 1987; địa chỉ: Thôn L, xã T, huyện T, tỉnh Hà Nam (vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của NLQ4, NLQ5, NLQ7, NLQ6 là: Ông Cao Văn D, sinh năm 1956; địa chỉ: Thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam (có mặt).

Người làm chứng: Ông Trần Quốc T, sinh năm 1963; địa chỉ: Thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam (vắng mặt).

4. Người kháng cáo: Bà Trần Thị V là nguyên đơn và NLQ1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện cùng các lời khai và tại phiên tòa của nguyên đơn và người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn trình bày:

Năm 2002 hộ gia đình bà V gồm bà Trần Thị V, NLQ1, NLQ2, NLQ3 được Ủy ban nhân dân huyện Duy Tiên, tỉnh Hà Nam cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp trồng lúa là 3.752m2. Trong đó có thửa số 30, tờ bản đồ số 4, diện tích 714m2 tại cánh đồng Cửa Đình với thời hạn sử dụng đến tháng 12 năm 2013. Sau đó bà V và ông Cao Văn D đã thỏa thuận chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhau để thuận tiện cho việc canh tác. Hai bên thỏa thuận chuyển đổi đất nông nghiệp cho nhau là hoàn toàn tự nguyện và lập thành văn bản vào ngày 18/11/2004 với nội dung “Bà V chuyển đổi cho ông Cao Văn D thửa số 30, tờ bản đồ số 4, diện tích 714m2 tại cánh đồng Cửa Đình; bà V nhận chuyển đổi từ ông Cao Văn D thửa đất số 25, tờ bản đồ số 4 diện tích 710m2 đất trồng lúa tại cánh Đồng Đăm”, nay bà V xác định thời hạn sử dụng đất theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với thửa đất đã chuyển đổi cho hộ ông Cao Văn D đã hết nên bà khởi kiện đề nghị Tòa án buộc ông Cao Văn D và bà Đặng Thị Q phải trả lại diện tích đất mà hai bên đã nhận chuyển đổi từ năm 2004. Ngoài ra bà còn yêu cầu ông D, bà Q phải bồi thường cho bà số tiền 30.000.000đồng (trong đó: 24.000.000đ tiền chi phí tàu xe đi lại khởi kiện và 6.000.000đ tiền thiệt hại do gia đình bà không được cấy ruộng trong 02 năm) và ông D phải san lấp trả lại mặt bằng đất ruộng như lúc ban đầu nhận chuyển đổi.

Phía bị đơn là ông Cao Văn D và bà Đặng Thị Q trình bày: Ông bà thừa nhận việc chuyển đổi đất nông nghiệp giữa hai bên gia đình ngày 18/11/2004 được lập thành văn bản là có thật và hoàn toàn tự nguyện. Mục đích nhận chuyển đổi đất nông nghiệp của gia đình ông bà lấy phần đất ruộng trũng của gia đình bà V để làm mô hình đa canh; còn bà V chuyển đổi đất nông nghiệp của nhà ông để trồng lúa hiệu quả hơn. Ngoài nhận chuyển đổi đất nông nghiệp của bà V, ông bà còn nhận chuyển đổi của 17 hộ khác để làm mô hình đa canh. Năm 2005 sau khi nhận chuyển đổi đất nông nghiệp về cánh Cửa Đình gia đình ông đã được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt cho phép thực hiện xây dựng mô hình đa canh. Ông đầu tư xây dựng như đào ao, kè ao, thả cá, làm chuồng trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm…với tổng số tiền gia đình ông đã đầu tư vào mô hình đa canh này là: 1.055.000.000đ. Quá trình làm đa canh thì gia đình ông chấp hành đúng đường lối chủ trương của Đảng, pháp luật của Nhà nước, quy định của địa phương. Hiện nay mô hình đa canh của ông thực hiện có hiệu quả và là mô hình điển hình của xã, của huyện. Lý do gia đình bà V kiện đòi lại diện tích đất đã chuyển đổi là do con gái ông (chị Khái) ly hôn con trai bà V (anh Huy), khiến gia đình bà V bực tức muốn phá hoại kinh tế của gia đình ông. Thửa ruộng 710m2 ở cánh Đồng Đăm mà ông đã chuyển đổi cho hộ bà V thì gia đình bà V đã cấy lúa từ lúc chuyển đổi. Nay ông không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của bà V, đề nghị Tòa án công nhận việc chuyển đổi đất nông nghiệp để gia đình tiếp tục thực hiện mô hình đa canh theo chủ trương chung của tỉnh.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phía nguyên đơn là NLQ1, NLQ2, NLQ3 đều có quan điểm: Thửa ruộng 714m2 ở cánh Cửa Đình mà mẹ anh chị (bà V) đã chuyển đổi cho gia đình ông D là tài sản chung của bà V, NLQ1, NLQ2, NLQ3. Khi chuyển đổi thì các anh chị đều biết và đã thực hiện việc trồng lúa trên diện tích đất đã chuyển đổi với ông D từ 2005. Gia đình ông D xây dựng mô hình đa canh trên diện tích đất đã chuyển đổi anh chị có biết nhưng không ý kiến gì. Nay các anh chị đều xác định thời hạn sử dụng đất đã hết nên anh chị yêu cầu ông D và bà Q phải trả lại diện tích đất nông nghiệp đã chuyển đổi từ năm 2004.

Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan phía bị đơn là: NLQ4, NLQ5, NLQ7, NLQ6 trình bày: Nhất trí như quan điểm của ông D, bà Q. Đề nghị Tòa án xem xét giải quyết để gia đình anh chị tiếp tục sử dụng như hai bên đã nhất trí chuyển đổi.

Người làm chứng là ông Trần Quốc T xác định: Ông là Bí thư Chi bộ thôn A, xã T từ năm 2004 đến năm 2010, UBND xã T có triển khai mô hình kinh tế đa canh trên địa bàn xã và tuyên truyền rộng rãi đến các hộ trong xã. Hộ gia đình ông Cao Văn D đăng ký làm mô hình đa canh ở cánh Cửa Đình nên đã thầu của thôn A phần thùng đào, giếng bỏ hoang và chuyển đổi ruộng của 18 hộ, trong đó có 01 thửa ruộng của hộ bà V. Sau khi chuyển đổi xong ruộng với các hộ thì ông D và Trưởng thôn có đến báo cáo với ông về việc chuyển đổi này nên ông có biết. Sau đó hộ ông D lập hồ sơ xây dựng mô hình đa canh và triển khai thực hiện. Còn hộ bà V thực hiện sản xuất trồng lúa từ năm 2005 trên diện tích đã chuyển đổi đất nông nghiệp với gia đình ông D.

Tại biên bản làm việc ngày 11/5/2017, ông Nguyễn Thành L nguyên Trưởng thôn A xác định: Trước khi triển khai thực hiện chủ trương của tỉnh, của huyện, thì chính quyền thôn đã tuyên truyền công khai đến tất cả các hộ dân trong thôn về việc thực hiện mô hình đa để các hộ dân biết và có nguyện vọng đăng ký với thôn và chuyển đổi đất nông nghiệp với nhau. Khi đó có hộ gia đình ông D đã đăng ký nguyện vọng và tự xin chuyển đổi đất nông nghiệp với các hộ khác để thực hiện mô hình đa canh, các bên đã ký nhận vào biên bản chuyển đổi sau đó ông mới ký xác nhận vào biên bản. Quá trình sử dụng hộ gia đình ông D và hộ gia đình bà V không có khiếu nại gì.

Đại diện chính quyền UBND xã T có quan điểm như sau: Thực hiện Nghị quyết số 03/NQ-TU ngày 21/5/2001 và Kế hoạch 365 ngày 12/6/2001 của UBND tỉnh Hà Nam thì UBND xã T đã lập quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất và được UBND huyện Duy Tiên phê duyệt tại Quyết định số 484 ngày 25/3/2003 về việc dồn điền đổi thửa để thuận tiện cho việc canh tác và xây dựng mô hình đa canh; Quyết định 480/UBND - TNMT ngày 30/6/2015 về việc đồng ý chủ trương tiếp tục ký hợp đồng thầu khoán đối với các hộ sử dụng đất đa canh trên địa bàn xã T. Việc chuyển đổi ruộng tại xã được thực hiện theo đúng chủ trương và các hộ nhận chuyển đổi đã tiến hành sản xuất ổn định nhiều năm, không xảy ra tranh chấp trong đó có hộ ông D và bà V. Thửa ruộng 710m2 hộ ông D đổi cho hộ bà V thì hộ bà V vẫn cấy lúa từ năm 2005 đến đầu năm 2014 hộ bà V tự ý không cấy nữa. Còn hộ ông D sử dụng diện tích 714m2 xây dựng mô hình đa canh từ năm 2005 đến nay. Quá trình thực hiện mô hình đa canh, hộ ông D chấp hành tốt chính sách và pháp luật của Nhà nước. Tiền thuế sử dụng đất nông nghiệp và các khoản thu dịch vụ từ năm 2005 đến nay thì thửa đất nhà nào trong GCNQSDĐ thì nhà đó đóng theo diện tích đã ghi trong GCNQSDĐ. Nay xảy ra tranh chấp giữa hộ gia đình bà V và ông D, UBND xã đề nghị: Tòa án công nhận việc chuyển đổi đất nông nghiệp giữa hộ ông Cao Văn D và bà Trần Thị V để hộ ông D tiếp tục thực hiện mô hình đa canh; hộ bà V tiếp tục thực hiện sản xuất nông nghiệp, đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của các bên.

Quá trình giải quyết vụ án, Hội đồng định giá tài sản đã tiến hành đo đạc, kiểm tra khảo sát thực địa và định giá toàn bộ thửa ruộng 714m2 ở cánh Cửa Đình đang tranh chấp và số tài sản trên thửa đất ruộng này như sau:

- Về trị giá đất nông nghiệp: 714m2 = 41.412.000đ.

- Tài sản trên đất và công vượt lập gồm: 05 cây xoài; 02 cây bưởi; 03 cây ổi; 01 cây khế; 01 nhà vệ sinh 3,3m2; tường kè ao gạch xỉ 91m3; đất vượt lập 462m3.

Có giá trị: 71.493.000đ.

Tổng giá trị là: 112.905.000đ.

Từ những nội dung trên, bản án dân sự sơ thẩm số 05/2017/DS-ST ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố P quyết định:

Căn cứ các Điều 26; Điều 35; Điều 39; Điều 146; Điều 147; Điều 157; Điều 165; Điều 228; Điều 229; Điều 271; Điều 273; Điều 280 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Các Điều 121; Điều 122; Điều 123; Điều 124; Điều 693; Điều 694; Điều 695; Điều 696 Bộ luật dân sự năm 2005. Các Điều 71; Điều 106; Điều 113 Luật đất đai năm 2003. Các Điều 126; Điều 131; Điều 179; khoản 3 Điều 210 Luật đất đai năm 2013;

Áp dụng tương tự án lệ số 04/2016/AL của Tòa án nhân dân tối cao.

Áp dụng Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 16/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án.

1. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị V đối với yêu cầu đòi lại thửa đất ruộng số 30 tờ bản đồ số 4 diện tích 714m2 đất nông nghiệp tại cánh Cửa Đình thuộc thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam và yêu cầu bồi thường số tiền 30.000.000đồng (trong đó: 24.000.000đ tiền chi phí đi lại khởi kiện và 6.000.000đ tiền thiệt hại do gia đình bà không được cấy ruộng trong 02 năm).

2. Công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa hộ bà Trần Thị V và hộ ông Cao Văn D theo “Biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp” lập ngày 18/11/2004. Hộ bà Trần Thị V và hộ ông Cao Văn D có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sang tên phần diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi theo “Biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp” lập ngày 18/11/2004.

3. Bác các yêu cầu khác của các bên đương sự.

4. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ tài sản và chi phí định giá tài sản: Bà Trần Thị V phải chịu toàn bộ đối với số tiền là 3.000.000đồng và số tiền

5.000.000đồng lệ phí giám định theo biên lai thu tiền số 04383 ngày 18/5/2017 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Tổng số tiền này bà V đã nộp được quyết toán.

5. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Trần Thị V phải nộp là: (41.412.000đ + 30.000.000đ) x 5% = 3.570.600 đồng. Bà V được đối trừ với số tiền tạm ứng án phí đã nộp là: 900.000 đồng theo biên lai số AA/2015/0000419 ngày 07/6/2016 tại Chi cục thi hành án dân sự thành phố P, tỉnh Hà Nam. Nay bà V phải nộp tiếp số tiền 2.670.600 đồng. Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên quyền kháng cáo cho các đương sự.

Sau khi xét xử sơ thẩm bà Trần Thị V là nguyên đơn và NLQ1 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan kháng cáo toàn bộ bản án đề nghị cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận đơn khởi kiện. Tại phiên tòa hôm nay bà Trần Thị V và NLQ1 giữ nguyên yêu cầu kháng cáo.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát phát biểu ý kiến: Về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luật. Đề xuất hướng giải quyết vụ án: Về nội dung kháng cáo của bà Trần Thị V và NLQ1 không có căn cứ nên đề nghị HĐXX căn cứ khoản 1 điều 308 BLTTDS bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng, nghe lời trình bày của đương sự, nghe Kiểm sát viên phát biểu ý kiến, sau khi thảo luận và nghị án; Tòa án nhận định:

 [1] Về tố tụng: Thực hiện chủ trương chung về dồn điền đổi thửa của xã nên hộ gia đình bà Trần Thị V và ông Cao Văn D đã nhất trí, tự nguyện đổi ruộng và lập hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp vào ngày 18/11/2004. Nay bà Trần Thị V xác định thời hạn sử dụng đất nông nghiệp theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã hết (12/2013) nên bà khởi kiện yêu cầu ông Cao Văn D phải trả diện tích đất nông nghiệp mà hai bên đã chuyển đổi từ năm 2004. Vì vậy Tòa án nhân dân thành phố P đã thụ lý, giải quyết vụ án là đúng quy định tại khoản 3 Điều 26, Điều 35, Điều 39 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.

 [2] Xet khang cáo của bà Trần Thị V và NLQ1 về yêu cầu ông Cao Văn D và bà Đặng Thị Q phải trả lại diện tích đã đổi tại thửa số 30 tờ bản đồ số 4 diện tích714m2 đất trồng lúa ở cánh Cửa Đình mà hai bên đã nhận  chuyển đổi từ năm 2004 thấy rằng: Nguồn gốc đất hai hộ chuyển đổi là đất nông nghiệp được nhà nước giao năm 2002 (BL 204, 206). Phía hộ bà V gồm những khẩu là: Bà Trần Thị V, NLQ1, NLQ2, NLQ3. Phía hộ ông D gồm những khẩu là: Ông Cao Văn D, bà Đặng Thị Q, NLQ4, NLQ5, NLQ7, NLQ6 (BL103). Thực hiện chủ trương chuyển đổi ruộng để thuận tiện cho việc canh tác nên bà V chuyển đổi ruộng trũng sản xuất kém hiệu quả cho ông D. Phía ông D lấy cánh đồng ruộng trũng làm mô hình đa canh. Ngày 18/11/2004 giữa hộ ông Cao Văn D và hộ bà Trần Thị V đã nhất trí chuyển đổi ruộng và lập thành văn bản có chữ ký của ông D, bà V và có xác nhận của ông Lương. Với nội dung “Bà V chuyển đổi cho ông D thửa ruộng số 30, tờ bản đồ số 4, diện tích 714m2 đất tại cánh đồng Cửa Đình; bà V nhận chuyển đổi từ ông D thửa ruộng số 25, tờ bản đồ số 4 diện tích 710m2 đất trồng lúa tại cánh Đồng Đăm. Thời gian chuyển đổi bắt đầu từ ngày 18/11/2004, thời hạn sử dụng đất theo Luật đất đai đã quy định” (BL 95). Trong biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp chỉ có đại diện hai chủ hộ ký và xác nhận của Ban quản lý thôn, việc chuyển đổi đất giữa hai hộ được UBND xã đồng ý và cho thực hiện chuyển đổi để ông D xây dựng mô hình đa canh. Các thành viên trong hộ cũng nhất trí thực hiện canh tác trong nhiều năm, không có ý kiến gì (BL380). Như vậy đủ căn cứ xác định thành viên trong hộ được giao đất nông nghiệp đồng y viêc chuyên đổi đất như biên bản đã ký giữa ông D và bà V. Mặt khác về thời gian thực hiện mô hình đa canh được kéo dài theo Quyết định 480/UBND-TNMT ngày 30/6/2015 của UBND thành phố P và thời hạn sử dụng đất nông nghiệp được sửa đổi đối với hộ gia đình, cá nhân trực tiếp sản xuất là 50 năm.

Sau khi đổi ruộng hộ ông D đã được cơ quan có thẩm quyền cho phép xây dựng mô hình đa canh từ năm 2005 (BL509). Gia đình ông đã tiến hành đầu tư trên diện tích 13.949m2, với công trình kè ao, thả cá, xây dựng chuồng trại chăn nuôi, trồng cây lâu năm. Trong quá trình giải quyết vụ án, Tòa án tiến hành thẩm định lại toàn bộ mô hình đa canh của hộ ông Cao Văn D xác định vị trí thửa đất của hộ bà V đổi cho hộ ông D không thể tách rời khu vực đa canh của hộ ông D. Cụ thể là toàn bộ phần diện tích ruộng của hộ bà V có một phần là ao cá, một phần là bờ bao của ao. Hết phần đất của bà V tiếp đến phần đất xây dựng các lán trại của ông D để phục vụ chăn nuôi, nếu tách trả ruộng cho bà V thì dẫn đến vỡ toàn bộ mô hình đa canh của ông D ảnh hưởng rất lớn đến kinh tế và mô hình phát triển đa canh theo chủ trương chung của tỉnh.

Về phía chính quyền địa phương xác định: Hiện nay mô hình đa canh hộ ông D đang phát triển hiệu quả và là mô hình tiêu biểu của xã, của huyện. Đề nghị Tòa án công nhận việc chuyển đổi đất nông nghiệp giữa hộ ông Cao Văn D và bà Trần Thị V để hộ ông D tiếp tục thực hiện mô hình đa canh; hộ bà V tiếp tục thực hiện sản xuất nông nghiệp trên diện tích đã chuyển đổi để đảm bảo quyền lợi cho các bên. Do đó Hội đồng xét xử thấy rằng cần công nhận việc chuyển đổi đất nông nghiệp giữa hộ ông Cao Văn D và bà Trần Thị V là phù hợp. Nên không có căn cứ chấp nhận yêu cầu đòi lại diện tích ruộng đã chuyển đổi của phía nguyên đơn.

 [3] Xét kháng cáo của bà Trần Thị V và NLQ1 đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại là 30.000.000đ (bao gồm chi phí đi lại 24.000.000đ và tiền thiệt hại do không cấy ruộng trong 02 năm là 6.000.000đ), thấy rằng: Bà V là người khởi kiện, anh H là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án nên bà V và anh H phải thực hiện quyền và nghĩa vụ của đương sự theo quy định của pháp luật. Đối với yêu cầu bồi thường thiệt hại vì không được cấy lúa trong 2 năm là do gia đình bà V tự ý bỏ ruộng chứ không bị ai ép buộc không được cấy nên bản án sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu này của nguyên đơn. Tại phiên tòa phúc thẩm bà V và anh H không đưa ra được căn cứ chứng minh cho yêu cầu của mình nên kháng cáo của bà V và anh H về yêu cầu đòi bồi thường cũng không được HĐXX chấp nhận.

[4] Về án phí dân sự sơ thẩm, dân sự phúc thẩm, chi phí giám định, chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, bà V phải chịu theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự.

Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số 05/2017/DSST ngày 10 tháng 7 năm 2017 của Tòa án nhân dân thành phố P, tỉnh Hà Nam.

- Căn cứ các Điều 26; Điều 35; Điều 39; Điều 146; Điều 147; Điều 157; Điều 165; Điều 228; Điều 229; Điều 271; Điều 273; Điều 280 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015. Các Điều 121; Điều 122; Điều 123; Điều 124; Điều 693; Điều 694; Điều 695; Điều 696 của Bộ luật dân sự năm 2005. Các Điều 71; Điều 106; Điều 113 của Luật đất đai năm 2003. Các Điều 126; Điều 131; Điều 179; khoản 3 Điều 210 của Luật đất đai năm 2013;

- Áp dụng tương tự án lệ số 04/2016/AL của Tòa án nhân dân tối cao.

- Áp dụng Pháp lệnh án phí và lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 01/2012/NQ-HĐTP ngày 16/6/2012 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của pháp luật về án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án.

1. Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của bà Trần Thị V đối với yêu cầu đòi lại thửa đất ruộng số 30 tờ bản đồ số 4 diện tích 714m2 đất nông nghiệp tại cánh Cửa Đình thuộc thôn A, xã T, thành phố P, tỉnh Hà Nam và yêu cầu bồi thường số tiền 30.000.000 đồng (trong đó: 24.000.000đ tiền chi phí đi lại khởi kiện và 6.000.000đ tiền thiệt hại do gia đình bà không được cấy ruộng trong 02 năm).

2. Công nhận việc chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp giữa hộ bà Trần Thị V và hộ ông Cao Văn D theo “Biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp” lập ngày 18/11/2004. Hộ bà Trần Thị V và hộ ông Cao Văn D có trách nhiệm đến cơ quan Nhà nước có thẩm quyền để hoàn tất thủ tục sang tên phần diện tích đất nông nghiệp đã được chuyển đổi theo “Biên bản chuyển đổi ruộng đất nông nghiệp” lập ngày 18/11/2004.

3. Bác các yêu cầu khác của các bên đương sự.

4. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản: Bà Trần Thị V phải chịu toàn bộ đối với số tiền là 3.000.000 đồng và số tiền 5.000.000 đồng lệ phí giám định theo biên lai thu tiền số 04383 ngày 18/5/2017 của Viện khoa học hình sự Bộ Công an. Tổng số tiền này bà V đã nộp được quyết toán.

5. Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Trần Thị V phải nộp là 3.570.600 đồng. Bà V được đối trừ với số tiền tạm ứng án phí đã nộp là 900.000 đồng theo biên lai số AA/2015/0000419 ngày 07/6/2016 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố P, tỉnh Hà Nam. Nay bà V phải nộp tiếp số tiền 2.670.600 đồng.

6. Về án phí dân sự phúc thẩm:

- Bà Trần Thị V phải chịu 300.000đ. Khấu trừ số tiền tạm ứng án phí bà V đã nộp theo biên lai thu tiền số AA/2015/0000712 ngày 24/7/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố P, tỉnh Hà Nam. Bà V đã nộp xong tiền án phí dân sự phúc thẩm.

- NLQ1 phải chịu 300.000đ. Khấu trừ số tiền tạm ứng án phí anh H đã nộp theo biên lai thu tiền số AA/2015/0000713 ngày 24/7/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự thành phố P, tỉnh Hà Nam. Anh H đã nộp xong tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành, có quyền yêu cầu thi hành, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1620
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 09/2017/DS-PT ngày 28/09/2017 về tranh chấp hợp đồng chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp

Số hiệu:09/2017/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Hà Nam
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 28/09/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;