TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
BẢN ÁN 01/2024/DS-PT NGÀY 04/01/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong ngày 04 tháng 01 năm 2024 tại trụ sở Toà án nhân dân tỉnh Quảng Bình mở phiên tòa phúc thẩm công khai để xét xử vụ án dân sự thụ lý số: 85/2023/TLPT-DS ngày 14 tháng 11 năm 2023 về việc "Tranh chấp quyền sử dụng đất", theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 5707/2023/QĐXXST-DS ngày 15/12/2023 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Quang Ch, sinh năm 1966 và bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1969, địa chỉ: Thôn 7, xã X, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; có mặt.
2. Bị đơn: Ông Nguyễn Quang Kh, sinh năm 1963 và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1964, địa chỉ: Thôn 1 P, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; có mặt.
+ Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn: Luật sư Phạm Hoàng H - Thuộc Công ty Luật TNHH Q và Cộng sự; địa chỉ: Biệt thự E1, Khu A10, Khu đô thị N, phường Y, quận C, thành phố H; có mặt.
3. Người làm chứng:
3.1. Ông Nguyễn Quyết Th, sinh năm 1966; địa chỉ: Thôn 1 P, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; có mặt
3.2. Ông Trần N, sinh năm 1942; địa chỉ: Thôn 1 P, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; có mặt.
3.3. Bà Nguyễn Thị Th, sinh năm 1981; địa chỉ: Thôn 1 P, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; có mặt.
3.4. Ông Nguyễn Văn T; địa chỉ: Thôn 1 P, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt.
3.5. Ông Đoàn Văn S - Trưởng Thôn 1 P, xã Ph sinh năm 1971; địa chỉ: Thôn 1 P, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; có mặt.
3.6. Ông Trần Ngọc H - Bí thư chi bộ Thôn 1 P, xã Ph; sinh năm 1961;
địa chỉ: Thôn 1 P, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; có mặt.
3.7. Ông Nguyễn Văn Hi (Nguyên Chủ tịch xã Ph); địa chỉ: Thôn 1 P, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; vắng mặt.
3.8. Ông Nguyễn Văn Ch, sinh năm 1967 (nguyên là Trưởng phòng Kế hoạch - Kỷ thuật Lâm Trường B từ năm 2004-2009); địa chỉ: Thôn 3 M, huyện B T, tỉnh Quảng Bình; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Tại đơn khởi kiện và quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Nguyễn Quang Ch, bà Nguyễn Thị D trình bày:
Vào năm 2004, thửa đất số 104, tờ bản đồ số 47, có diện tích 208.195m2 tại xã Ph, huyện B T vốn dĩ là rừng tự nhiên, do Lâm trường B T tự thiết kế và giao đất cho chúng tôi trồng, chăm sóc, bảo vệ. Đến năm 2007, Lâm trường giao về cho xã Ph, xã có kêu chúng tôi xuống trao đổi với chúng tôi và nói gia đình chúng tôi trồng được 26,2ha rừng (có cả cây keo cả cây thông). Chúng tôi thấy phía sau xa quá nên giao lại cho xã Ph 5ha, còn chúng tôi lấy 21,2ha. Ngày 30/11/2009, chúng tôi được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 144549 tại thửa đất số 104, tờ bản đồ số 47, có diện tích 208.195m2 tại xã Ph, huyện B T mang tên bà Nguyễn Thị D và ông Nguyễn Quang Ch. Năm 2011, chúng tôi thu hoạch kẹo để trồng lại vụ khác; sau đó gia đình ông Kh xin chúng tôi nên năm 2012 chúng tôi cho gia đình ông Kh mượn khoảng 4ha để trồng keo. Đến năm 2016, chúng tôi và gia đình ông Kh cùng thu hoạch hết cây keo trên đất thì ông Ch bị tai nạn và phải nằm viện 20 ngày, khi về thì ông Kh đã đốt thực bì rồi trồng tiếp cây keo trên đó. Vì vậy, gia đình chúng tôi trình báo với UBND xã Ph để giải quyết thì được bảo để đó lên xem lại, nhưng xã không lên giải quyết mà số cây keo ông Kh trồng càng ngày càng lớn. Đến cuối năm 2022, khi gia đình ông Kh khai thác cây keo thì gia đình có về trình bày ở xã, nhưng xã bảo về viết tờ trình. Sau khi nhận được trờ tình của gia đình thì UBND xã đã cho người lên kiểm tra và bảo các bên giữ nguyên hiện trạng trên phần đất đang tranh chấp nhưng ông Kh vẫn cố tình trồng. Theo theo kết quả đo đạc, gia đình ông Kh đã lấn chiếm 38.456m2 đất và hiện đang trồng cây kéo trên phần, cho nên gia đình ông bà đề nghị Tòa án tuyên buộc gia đình ông Kh phải trả lại toàn bộ đất đã lấn chiếm và gia đình ông bà sẽ hỗ trợ lại số tiền trồng cây keo mà gia đình ông Kh đã trồng trên diện tích đất của gia đình tôi theo giá nhà nước. Trong trường hợp gia đình ông Kh đồng ý thì buộc phải trả lại đất và di dời toàn bộ số cây trồng đã trồng trên đất.
- Phía bị đơn ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H trình bày:
Phần diện tích đất mà đình ông Ch khởi kiện có nguồn gốc do gia đình ông bà khai hoang trồng cây nông nghiệp để nuôi sống gia đình từ năm 1986, trên phần đất này gia đình đã trồng tre để làm vành đai và chống xói mòn cũng như bảo vệ nguồn nước; đến năm 2001 trồng tiếp 10 góc măng của dự án để làm thí điểm và hiện nay chỉ tồn tại 3 góc vành đai, còn nhiều góc khác không tồn tại vì lý do đốt rẫy, trồng keo. Khi có nghị định của Bộ Tài nguyên và Môi trường về phát triển nông thôn, phát động trồng rừng để bảo vệ môi trường sinh thái, chống xói mòn đồng thời để tăng thêm thu nhập; gia đình được Dự án 327 do Lâm trường BQB làm tiểu dự án thì gia đình đã khoanh vùng để thực hiện trồng rừng theo dự án. Nhưng chưa làm được với lý do đội thiết kế trồng rừng thi công chưa đến lô đất hộ gia đình thì Dự án 327 kết thúc, chuyển sang dự án 661 do công ty Lâm trường BQB làm tiểu dự án. Trong khi thi công thực bì, công nhân của tiểu dự án trồng rừng 661 lên đến khu đất của gia đình bảo quản khoanh nuôi (diện tích 40.000 m2 đang tranh chấp trong vụ án này) thì chúng tôi không đồng ý nên họ dừng lại. 03 ngày sau đó có ông Thắng (giám đốc công ty Lâm trường BQB) và ông Huyên (đội trưởng đội trồng rừng đóng trạm tại dốc Eo Cau ở xã X) đến tại trang trại của gia đình để đàm phán và đi đến thống nhất Lâm trường thực bì, trồng, chăm sóc, trồng keo chứ không trồng thông, bảo quản rừng cho đến khi hoàn thành dự án 661 sẽ trả lại diện tích đó (40.000 m2) cho gia đình. Đến năm 2007, 2008, khi Lâm trường trả lại toàn bộ đất, trong đó có diện tích 40.000m2 trên cho xã Ph và đến năm 2009 gia đình đã được Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình đến thực địa để cấp GCNQSDĐ với diện tích 60.300m2, nhưng số đất còn lại chưa được cấp GCNQSDĐ vì sản phẩm Lâm trường còn nằm trên đất của gia đình. Đến năm 2011, Lâm trường khai thác hoàn tất sản phẩm trên khu đất của gia đình thì gia đình ông Ch cũng không tranh chấp và đã thỏa thuận ranh giới các thửa đất giữa hai gia đình từ năm 2011. Năm 2012, gia đình bắt đầu dọn rừng và trồng mới, chăm sóc và bảo quản cho tới khi thu hoạch không có sự cố gì xảy ra trên diện tích đất canh tác và tiến hành thu hoạch cây keo vào năm 2017, 2018. Tuy nhiên, vào năm 2023 khi gia đình chúng tôi trồng cây thì có vợ chồng ông Ch bà D tranh chấp đòi hỏi quyền lợi về đất đai và vu khống trồng cây lấn chiếm và những điều nói không có căn cứ. Vì vậy, gia đình ông bà đình yêu cầu cấp có thẩm quyền suy xét và giải quyết công bằng hợp pháp, bởi lẽ gia đình ông Ch làm thủ tục cấp GCNQSDĐ trên lô đất mà hộ gia đình chúng tôi canh tác mà chưa có sự nhất trí của hộ gia đình chúng tôi về ranh giới. Do đó, ông bà chỉ đồng ý trả lại diện tích đất 40.000m2 tranh chấp cho nhà nước với mục đích phục vụ an ninh quốc phòng, xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như điện, đường, trường, trạm mang lại lợi ích cho quốc gia, nhà nước theo luật đất đai; chứ không đồng ý chuyển nhượng, không cho, không bán cho một cá nhân nào trong đó có hộ gia đình ông Ch vì gia đình tôi đã thực hiện nghiêm túc về quy ước bảo vệ và phát triển rừng tái sinh từ ngày 16/9/2001. Theo kết quả đo đạc, hiện nay ông bà đã trồng keo có diện tích 38.456 m2 nằm trong khuôn viên đất đã được cấp GCNQSDĐ cho gia đình ông Ch thì ông bà hoàn toàn không nhất trí với yêu cầu buộc trả lại đất của vợ chồng ông Ch. Tài sản trên đất ông bà đã trồng keo hết là 70.000 .000 đồng (bảy mươi triệu đồng) gồm tiền công, tiền giống, tiền san lấp.
Tại bản án số 19/2021/DS-ST ngày 27 tháng 9 năm 2023 của Tòa án nhân dân huyện B T, tỉnh Quảng Bình đã quyết định:
Căn cứ khoản 9 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các Điều 147, 157, 158 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 163,164, 166, 169, khoản 4 Điều 275, Điều 579, Điều 580 Bộ luật dân sự; các Điều 100, 166, 170, 202, 203 Luật đất đai; Điều 26; điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án; Tuyên xử:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D đối với ông Nguyễn Quang Kh và Nguyễn Thị H.
Buộc ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H trả lại cho ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D diện tích 38.456,6m2 đất tranh chấp nằm trong thửa đất đang tranh chấp tại thửa đất số 104 tờ bản đồ 47 diện tích 208.195,0m cấp cho ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D theo Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 144549 ngày 30/11/2009 (Có sơ đồ kèm theo).
Buộc ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H phải giao lại ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D quyền sở hữu số cây keo đã trồng trên diện tích 38.456,6m2 đất tại thửa đất số 104 tờ bản đồ 47, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình.
Buộc ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D có nghĩa vụ thanh toán cho ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H giá trị số cây keo đã trồng trên thửa đất số 104 tờ bản đồ 47, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền là 58.039.000 đồng.
Ngoài ra án sơ thẩm còn tuyên nghĩa vụ chịu chi phí tố tụng, án phí lãi chậm trả, quyền nghĩa vụ yêu cầu thi hành án, quyền kháng cáo của các bên đương sự.
- Ngày 03/10/2023 nguyên đơn ông Nguyễn Quang Kh kháng cáo với nội dung đề nghị: Hủy Bản án sơ thẩm số xét xử ngày 27/09/2023 của Tòa án nhân dân huyện B T, tỉnh Quảng Bình; bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và xác định phần đất tranh chấp có diện tích 38.456,6m² đang nằm trên thừa đất số 104, tờ bản đồ số 47, địa chỉ xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình thuộc quyền sử dụng của bị đơn.
- Tại phiên tòa phúc thẩm:
- Các bên đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án và giữ nguyên quan điểm ý kiến của mình; ngoài việc đề nghị Tòa án triệu tập những người làm chứng tại phiên tòa phúc thẩm thì các bên đương sự không cung cấp thêm các tài liệu, chứng cứ gì mới. Tại phiên tòa các bên thừa nhận, đầu năm 2023 khi phía bị đơn mới tiếp tục trồng keo trên phần đất đang tranh chấp, nguyên đơn đã báo chính quyền địa phương và đại diện chính quyền địa phương yêu cầu các bên giữ nguyên hiện trạng thửa đất nhưng phía bị đơn vẫn tiếp tục trồng keo trên toàn bộ diện tích đất đang tranh chấp.
- Những người làm chứng cho phía bị đơn gồm ông Thành, ông Ngọ, bà Thương, ông Sỹ, ông Huệ đều trình bày với nội dung: Nguồn gốc đất phần đất đang tranh chấp trước đây do bố của bị đơn khai hoang, sử dụng từ năm 1986 để trông cây ngắn ngày phục vụ nhu cầu sinh hoạt. Đến khoảng năm 2001 khi thực hiện dự án trồng rừng 327 và 661 Lâm trường đã thuê những người dân xã Ph khai phá và trồng rừng; đồng thời tại thời điểm này UBND xã Ph cũng có chủ trương nhận đất khai hoang trồng rừng cho Lâm trường và có quy ước sau này hộ gia đình nào trồng được bao nhiêu sẽ xem xét cấp phần diện tích đó. Tuy nhiên, sau khi dự án kết thúc và Lâm trường trả lại diện tích rừng trồng cho UBND xã quản lý thì UBND xã không thực hiện đúng quy ước, không thông báo cho bà con trong xã được biết và thực hiện cấp GCNQSDĐ cho các hộ gia đình trong đó có hộ gia đình ông Kh, bà D không phải là các hộ dân thuộc xã Ph. Tuy nhiên, những người làm chứng không biết chính xác cụ thể phần đất tranh chấp có nguồn gốc từ bố của bị đơn khai hoang là bao nhiêu.
- Ông Nguyễn Văn Ch trình bày: Vào khoảng năm 2003 khi có chủ trương phủ xanh đất trống đồi trọc, Lâm trường đã làm việc với UBND xã Ph liên hệ bà con nhân dân để tiến hành khai hoang trồng cây. Việc vận động bà con lúc này rất khó khăn vì địa hình không thuận lợi nên ít người tham gia, tuy nhiên có 04 hộ gia đình, trong đó có 02 hộ gia đình nguyên đơn và bị đơn đã đứng ra nhận đất trồng cây cho Lâm trường và được Lâm trường hỗ trợ cây giống và tiền công chăm sóc. Đến năm 2007, khi dự án kết thúc Lâm trường đã trả lại toàn bộ diện tích đất thực hiện dự án cho UBND xã Ph quản lý để giao cho các hộ gia đình tự nhận khoán và chăm sóc. Khi trả lại diện tích đất cho UBND xã quản lý thì Lâm trường trả lại toàn bộ diện tích đất cũng như cây trồng trên đất. Ngoài ra, tại thời điểm Lâm trường giao cho các hộ dân trông rừng đều có hợp đồng kinh tế về việc trồng rừng với diện tích nhận giao và mổi hộ dân chỉ ký 01 hợp đồng, trong đó đã ký hợp đồng kinh tế với gia đình của bị đơn với diện tích 2,2ha. Quá trình thực hiện dự án tại vùng đất mà các bên có tranh chấp thì Lâm trường chỉ t riển khai thực hiện trông rừng chứ không triển khai dự án trồng tre thí điểm như phía bị đơn trình bày.
Luật sư bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị sửa Bản án sơ thẩm Bác toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quang Ch, bà Nguyễn Thị D; xác định phần đất tranh chấp, diện tích 38.456,6m² đang nằm trên thừa đất số 104, tờ bản đồ số 47, địa chỉ xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình thuộc quyền sử dụng của ông Nguyễn Quang Kh, bà Nguyễn Thị H - Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Quảng Bình phát biểu quan điểm về vụ án:
+ Về tố tụng: Việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký phiên tòa và của người tham gia tố tụng trong quá trình giải quyết vụ án kể từ khi thụ lý cho đến trước thời điểm Hội đồng xét xử nghị án đảm bảo đúng quy định của pháp luật tố tụng dân sự;
+ Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận đơn kháng cáo của bị đơn; giữ nguyên Bản án sơ thẩm và buộc đương sự phải chịu án phí phúc thẩm định theo quy định.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên toà; căn cứ kết quả tranh tụng tại phiên toà, ý kiến về việc giải quyết vụ án của đại diện Viện kiểm sát,
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về tố tụng: Đơn kháng cáo của bị đơn đúng theo quy định của pháp luật, bị đơn đã nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm nên căn cứ Điều 272, Điều 273 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm.
[2] Xét nội dung kháng cáo: Căn cứ vào các giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã cấp cho các bên thấy rằng:
Hộ ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D được Ủy ban nhân dân huyện B T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 144549 ngày 30/11/2009 có diện tích 208.195,0m2 thuộc thửa số 104, tờ bản đồ số 47 tại xã Ph, huyện B T, với mục đích sử dụng đất có rừng trồng sản xuất, thời hạn sử dụng 50 năm, nguồn gốc sử dụng đất nhà nước công nhận quyền sử dụng đất.
Hộ ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H được Ủy ban nhân dân huyện B T cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số AN 144547 ngày 30/11/2009 có diện tích 63.784,0m2 tại thửa số 100, tờ bản đồ số 47 tại xã Ph, huyện B T, với mục đích sử dụng đất có rừng trồng sản xuất, thời hạn sử dụng 50 năm, nguồn gốc sử dụng đất nhà nước công nhận quyền sử dụng đất. Hiện vẫn do ông Kh và bà H sử dụng ổn định không có tranh chấp.
Từ khi được cấp GCNQSDĐ cho đến trước thời điểm phát sinh tranh chấp các bên đều không có bất cứ ý kiến gì đối với quy trình cấp đất, diện tích đất được cấp, cho nên Tòa án sơ thẩm căn cứ vào GCNQSDĐ đã được cấp cho các bên để giải quyết tranh chấp là có cơ sở. Theo kết quả trích đo địa chính ngày 04/7/2023 đã xác định được diện tích đất của ông Ch và bà D khi đo thực tế chỉ còn lại 101.041,7m2, thiếu 107.153,3m2 so với GCNQSDĐ đã được cấp là 208.195m2. Nguyên nhân do các hộ xung quanh trồng cây trên phần diện tích đất đã được cấp cho ông Kh và bà D, trong đó có phần đất đang tranh chấp với ông Ch và bà H có diện tích 38.456,6m2. Đối chiếu với bản đồ địa chính lập năm 2009 (BL:58) thì về hình thể, diện tích đất đã cấp cho các bên hoàn toàn trùng khớp với các nội dung về hình thể, diện tích thửa đất đã cấp GCNQSDĐ cho các bên vào năm 2009. Vì vậy, có đủ cơ sở xác định toàn bộ 38.456,6m2 đất mà gia đình ông Ch, bà H đang trồng keo nằm trong diện tích đất đã được cấp GCNQSDĐ cho ông Kh, bà D. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn buộc bị đơn trả lại toàn bộ diện tích đất bị lấn chiếm là có căn cứ, đúng quy định pháp luật.
Đối với số cây keo hiện có trên phần đất tranh chấp do ông Kh, bà D mới trồng, cây đang còn nhỏ, chưa đến kỳ khai thác thu hoạch, nếu buộc bị đơn phá bỏ để trả lại hiện trạng cho nguyên đơn sẽ gây lãng phí, làm thiệt hại không đáng có cho bị đơn. Mặt khác, mục đích lấy lại đất của nguyên đơn là để tiếp tục trồng cây keo và nguyên đơn cũng đề nghị thanh toán giá trị số cây keo do bị đơn đã trồng và tại Biên bản hòa giải ngày 31/7/2023 (BL:47-48) các đương sự đã thống nhất định giá cây keo trồng trên đất theo giá được quy định tại Quyết định số 22/2021/QĐ-UBND ngày 28/7/2021 quy định mức hỗ trợ bồi thường là 15.092.000 đồng/1 ha. Vì vậy, Tòa án cấp sơ thẩm căn cứ thỏa thuận này và buộc nguyên đơn có trách nhiệm thanh toán số tiền 58.039.000 đồng tương ứng với giá trị số cây keo trên diện tích 38.456,6m2 đất cho bị đơn là phù hợp.
[3] Quá trình giải quyết vụ án và tại cấp phúc thẩm bị đơn và người bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp cho bị đơn; những người làm chứng theo yêu cầu của bị đơn cho rằng toàn bộ phần diện tích 38.456,6m2 đã được cấp GCNQSDĐ cho nguyên đơn có nguồn gốc từ bố mẹ khai hoang từ năm 1986. Khi thực hiện chủ trương, qui ước của chính quyền địa phương vào năm 2001 đã giao lại cho Lâm trường BQB thực hiện Dự án 327 và 661 nhưng sau khi thực hiện xong dự án và Lâm trường đã trả lại đất cho UBND xã quản lý thì không trả lại cho gia đình theo quy ước mà cấp đất cho nguyên đơn, nhưng không có bất cứ tài liệu nào chứng minh cho sự việc này. Mặt khác, nguyên đơn cho rằng khi bị đơn làm thủ tục cấp GCNQSDĐ gia đình bị đơn cũng đã xin ý kiến của cơ quan chức năng để làm thủ tục để được cấp GCNQSDĐ với phần đất tranh chấp này nhưng chưa được vì lý do thời điểm 2009-2011 vẫn còn tài sản của Lâm trường B T trên đất nên chưa làm được là mâu thuẩn vì cũng tại thời điểm 2009 gia đình nguyên đơn cũng tiến hành kê khai và được cấp toàn bộ diện tích đất trong đó có phần đất tranh chấp giữa các bên và không đúng với chủ trương của Lâm trường là trả lại toàn bộ diện tích đất và toàn bộ cây trồng trên đất cho UBND xã quản lý sau khi thực hiện xong dự án. Mặt khác, theo hợp đồng kinh tế số 40 HĐ/LT ngày 04/01/2006 (BL:51) thì hộ gia đình ông Kh chỉ nhận khoán chăm sóc rừng với Lâm Trường diện tích 2,20ha thuộc lô B, khoảnh 5, Tiều khu 235 ngày 30/11/2009; đồng thời năm 2009 gia đình ông Kh chỉ tiến hành kê khai và đã được cấp GCNQSDĐ đối với thửa đất số 100, tờ bản đồ số 47 tại xã Ph, huyện B T với diện tích 63.784,0m2 mà không kê khai thêm phần diện tích đất nào khác. Do đó, các ý kiến của phía bị đơn và những lời khai của những người làm chứng cho rằng toàn bộ diện tích đất tranh chấp có nguồn gốc do bố mẹ khai hoang từ năm 1986 là không phù hợp và không có căn cứ.
[4] Từ những căn cứ nêu trên, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và tuyên buộc bị đơn trả lại toàn bộ diện tích đất đã lấn chiếm; đồng thời buộc nguyên đơn trả lại giá trị bằng tiền đối với số cây trồng do bị đơn trồng trên phần đất lấn chiếm là có căn cứ. Tại cấp phúc thẩm bị đơn kháng cáo nhưng không có tài liệu, chứng cứ gì để chứng minh, cho nên quan điểm của Viện kiểm sát đề nghị không chấp nhận kháng cáo của bị đơn giữ nguyên bản án sơ thẩm là phù hợp nên được chấp nhận.
[5] Về án phí: Kháng cáo không được chấp nhận nên ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H phải có nghĩa vụ liên đới chịu nộp án phí phúc thẩm.
[6] Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết kháng cáo kháng nghị
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 1 Điều 308 Bộ Luật tố tụng dân sự; không chấp nhận kháng cáo của ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H; giữ nguyên bản án sơ thẩm số: 19/2023/DS-ST ngày 27/9/2023 của Tòa án nhân dân huyện B T, tỉnh Quảng Bình.
Căn cứ khoản 9 Điều 26 và điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, các Điều 147, 157, 158 Bộ luật tố tụng dân sự; các Điều 163,164, 166, 169, khoản 4 Điều 275, Điều 579, Điều 580 Bộ luật dân sự; các Điều 100, 166, 170, 202, 203 Luật đất đai; Điều 26; điểm a khoản 2 Điều 27 Nghị quyết số:
326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;
Tuyên xử:
1. Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D đối với ông Nguyễn Quang Kh và Nguyễn Thị H.
- Buộc ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H trả lại cho ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D diện tích 38.456,6m2 đất do lấn chiếm tại thửa đất số 104, tờ bản đồ 47, diện tích 208.195,0m2 tại xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình đã được UBND huyện B T, tỉnh Quảng Bình cấp GCNQSDĐ số AN 144549 vào ngày 30/11/2009 mang tên ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D (Vị trí thửa đất được mô tả chi tiết tại sơ đồ kèm theo là một phần không thể tách rời của bản án).
- Buộc ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H phải giao lại ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D quyền sở hữu số cây keo đã trồng trên diện tích 38.456,6m2 đất tại thửa đất số 104 tờ bản đồ 47, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình.
- Buộc ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D có nghĩa vụ thanh toán cho ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H giá trị số cây keo đã trồng trên diện tích 38.456,6m2 thuộc thửa đất số 104 tờ bản đồ 47, xã Ph, huyện B T, tỉnh Quảng Bình với tổng số tiền là 58.039.000 đồng.
2. Về chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ: Buộc ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H phải trả lại cho ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D số tiền 4.250.000 đồng chi phí xem xét thẩm định.
3. Về án phí:
3.1. Về án phí dân sự sơ thẩm:
- Buộc ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H phải liên đới chịu nộp 300.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm để sung vào ngân sách Nhà nước.
- Buộc ông Nguyễn Quang Ch và bà Nguyễn Thị D phải liên đới chịu nộp 2.902.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch để sung vào ngân sách Nhà nước. Được trừ 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí đã nộp lại biên lai thu tiền tạm ứng số 0002728 ngày 20/4/2023 của Cơ quan thi hành án dân sự huyện B T, tỉnh Quảng Bình, số tiền còn phải nộp là 2.602.000 đồng.
3.2. Về án phí phúc thẩm: Buộc ông Nguyễn Quang Kh và bà Nguyễn Thị H phải liên đới nộp 300.000 đồng, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí đã nộp tại biên lai số 0002819 ngày 05/10/2023 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện B T, tỉnh Quảng Bình. Xác nhận đương sự đã nộp đủ án phí dân sự phúc thẩm.
4. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo kháng nghị.
5. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (04/01/2024) “Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật và có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự”.
“Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7, 7a, 7b và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự”.
Bản án 01/2024/DS-PT về tranh chấp quyền sử dụng đất
Số hiệu: | 01/2024/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Quảng Bình |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 04/01/2024 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về