Bản án 01/2024/DS-PT về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 01/2024/DS-PT NGÀY 04/05/2024 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 04 tháng 5 năm 2024, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 08/2024/TLPT-DS ngày 05 tháng 01 năm 2024 về việc Tranh chấp quyền sử dụng đất.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên bị kháng cáo;

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 07/2024/QĐXXPT-DS ngày 04/3/2024; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 10/2024/QĐ-PT ngày 03/4/2024; Quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm lần hai số: 15/2024/QĐ-PT ngày 25/4/2024 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Sùng Xìa L và bà Thào Thị L1; cùng địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên; người đại diện theo ủy quyền của bà Thào Thị L1: Ông Sùng Xìa L có địa chỉ trên (giấy uỷ quyền ngày 15/02/2023) - Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị B, Luật sư thực hiện trợ giúp pháp lý thuộc Trung tâm trợ giúp pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên; Địa chỉ: Phường H, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên - Có mặt.

Bị đơn: Ông Thào Vảng D và bà Giàng Thị C (tên khác: Giàng Thị C1);

cùng địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên - Có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Thào Vảng D:

- Bà Lê Thị D1 - Trợ giúp viên pháp lý, thuộc Trung tâm pháp lý nhà nước tỉnh Điện Biên; Địa chỉ: Tổ X, phường M, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên - Có mặt.

- Ông Phùng Việt H, là luật sư của văn phòng Luật sư Phùng Việt H, thuộc đoàn Luật sư, tỉnh Điện Biên; địa chỉ: Số nhà Y, tổ dân phố Z, thị trấn M, huyện M, tỉnh Điện Biên - Có mặt.

- Ông Bùi Đình M, Luật sư Văn phòng Luật sư Phùng Việt H, thuộc Đoàn Luật sư tỉnh Điện Biên. Địa chỉ: Số nhà E, tổ dân phố U, Phường H, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên - Có mặt.

Người phiên dịch cho bà Giàng Thị C: Ông Sùng A X; địa chỉ: Phường N, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên - Có mặt.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

- Bà Thào Thị B; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên - Vắng mặt.

- Ông Sùng Xấy T; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên - Có mặt.

- Ông Sùng Dũng C2; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên - Vắng mặt.

Ngưi làm chứng:

- Ông Thào A V; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên – Vắng mặt.

- Ông Thào Khua C3; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên – Vắng mặt.

- Ông Sùng Chứ S; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên – Có mặt.

- Ông Thào Phái T1; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên – Có mặt.

- Ông Thào Giảng P; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên – Vắng mặt.

- Ông Thào Dũng L2; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên – Vắng mặt.

- Bà Thào Thị S; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên – Vắng mặt.

- Ông Thào A C4; địa chỉ: Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên – Vắng mặt.

- Bà Sùng Thị D1; địa chỉ: Bản M, xã M, huyện M, tỉnh Điện Biên – Vắng mặt.

Người kháng cáo: Ông Thào Vảng D và bà Giàng Thị C, cùng là bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

1. Theo bản án dân sự sơ thẩm, vụ án có nội dung như sau:

1.1. Tại đơn khởi kiện ngày 28/02/2023, trong quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn ông Sùng Xìa L và bà Thào Thị L1 trình bày:

Gia đình ông Sùng Xìa L và bà Thào Thị L1 (sau đây viết là nguyên đơn) và gia đình ông Thào Vảng D và bà Giàng Thị C (sau đây viết là bị đơn) là anh em trong họ với nhau. Năm 1975 bố mẹ nguyên đơn là Sùng Trùng D2 và Thào Thị B có khai hoang và canh tác khoảng 03 ha đất nương tại G Bản S, xã H, huyện M, nhưng chưa làm thủ tục cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất. Năm 1996 ông bà D2, B chia cho con trai cả là Sùng Xấy T khoảng 01 ha đất nương;

năm 1998 ông D2 chết; năm 2002 nguyên đơn và anh thứ hai là Sùng Dũng C2 phân chia số đất nương còn lại, mỗi người được khoảng 01 ha; phần đất của ông T và ông C2 không có tranh chấp.

Năm 2000 bị đơn làm nương giáp nương của nguyên đơn; đến năm 2008 bị đơn lấn xuống phần đất nương của nguyên đơn được chia. Vụ ngô năm 2008, trâu của nguyên đơn phá ngô của bị đơn, nên nguyên đơn có trả cho bị đơn 80 kg ngô do ngô bị phá. Sau vụ ngô năm 2008, theo yêu cầu của nguyên đơn, bị đơn dừng canh tác trên đất lấn chiếm và nguyên đơn tiếp tục trồng ngô. Sau vụ ngô năm 2022, bị đơn lại vào phát dọn gốc ngô để trồng dong riềng mặc dù nguyên đơn đã ngăn cản. Sự việc đã được bản và Uỷ ban nhân dân xã Hừa Ngài (sau đây viết là UBND), xã hòa giải nhưng không thành; UBND xã đã yêu cầu ông D dừng canh tác trên đất tranh chấp để chờ giải quyết, nhưng ông D không thực hiện.

Vì vậy, nguyên đơn khởi kiện, yêu cầu bị đơn trả lại 2.000 m2 đất; sau khi thẩm định nguyên đơn thay đổi yêu cầu khởi kiện từ 2.000 m2 đất xuống còn 1.682 m2 đất (theo biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ vào ngày 18/5/2023 và sơ đồ lập cùng ngày).

1.2. Tại văn bản trả lời thông báo thụ lý vụ án ngày 14/3/2023 và quá trình giải quyết vụ án, bị đơn ông Thào Vảng D và bà Giàng Thị C trình bày:

Năm 2000 bị đơn làm nương trồng thảo quả ở G, Bản S, xã H, huyện M; đến năm 2008 thì trồng ngô, khi đó trâu của nguyên đơn phá ngô nên đã phải bồi thường cho bị đơn. Năm 2021 nguyên đơn phát vào nương của bị đơn, nên bị đơn đã yêu cầu nguyên đơn dừng lại, thì nguyên đơn nói với ông Thào Nọ V là sẽ đưa tiền cho bị đơn để được canh tác, nhưng bị đơn không đồng ý. Đến năm 2022 nguyên đơn yêu cầu UBND xã H giải quyết; xã đã hòa giải nhưng không thành.

Bị đơn không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không có yêu cầu phản tố.

1.3. Người làm chứng trình bày:

1.3.1. Ông Thào A V trình bày: Nguyên đơn và bị đơn đều là cháu của ông V. Đất tranh chấp trước năm 2020 thì bị đơn trồng ngô; năm 2021 và 2022 thì nguyên đơn trồng ngô; nguyên đơn thu hoạch xong vụ năm 2022 thì bị đơn lại phát trồng dong riềng và xảy ra tranh chấp. Khi hòa giải ở bản thì nguyên đơn có nói: Đám nương đó nguyên đơn đã làm trước, nên muốn đưa cho bị đơn ít tiền để nguyên đơn làm tiếp, nhưng bị đơn không đồng ý. Nên theo ông Vừ thì diện tích đất đang tranh chấp không phải của nguyên đơn cũng không phải của bị đơn. Nên cho hai gia đình thoả thuận chia nhau nếu không được thì giao cho UBND xã quản lý.

1.3.2. Ông Thào Khua C3 trình bày: Ông C3 sinh ra và lớn lên ở bản S; đến năm 2021 ông C3 chuyển đến sinh sống tại xã P. Thỉnh thoảng ông C3 có đi qua khu đất tranh chấp; khu đất này trước đây là bố mẹ nguyên đơn làm trước, sau đó thì làm lùi xuống phần đất bằng; bị đơn làm sau ở phần trên giáp rừng. Lúc đầu bị đơn phát một ít để trồng thảo quả, về sau ngày càng lấn xuống phía dưới vào phần đất của nguyên đơn. Bị đơn nên làm phần đất phía trên, không nên lấn xuống phần đất phía dưới.

1.3.3. Ông: Sùng Chứ S: Ông S là trưởng dòng họ bên nguyên đơn, Đất đang tranh chấp là đất của ông bà D2, B khai hoang, sau đó để lại cho ba con trai chia nhau; không thấy bị đơn khai hoang đất khu đó, mà lấn sang đất của nguyên đơn. Bị đơn có trồng thảo quả tại khu đất tranh chấp, nhưng không nhớ vào thời gian nào; đất tranh chấp là đất của nguyên đơn.

1.3.4. Ông: Thào Phái T1 trình bày: Ông Tro là trưởng dòng họ bên bị đơn. Đất tranh chấp giữa hai bên là đất do bố đẻ nguyên đơn khai hoang trồng ngô, sau đó để lại cho các con canh tác; bị đơn cho rằng đất này của mình là không đúng.

1.3.5. Ông: Thào Giảng P trình bày: Đất tranh chấp là của bị đơn phát nương từ năm 2000.

1.3.6. Ông Thào Dũng L2 trình bày: Ông L2 không biết sự việc tranh chấp đất giữa hai bên, đối với lời khai là chữ ký trong bản tự khai mà bị đơn cung cấp cho Toà thì không phải do ông L2 ký vì ông L2 không biết ký tên mà chỉ điểm chỉ.

1.3.7. Bà Thào Thị S trình bày: Bị đơn có làm tại khu vực đất tranh chấp, nhưng cụ thể làm ở chỗ nào, có nằm trong diện tích đất tranh chấp hay không thì bà S không biết, đối với lời khai là chữ ký trong bản tự khai mà bị đơn cung cấp cho Toà thì không phải do bà S ký vì bà S không biết ký tên mà chỉ điểm chỉ.

1.3.8. Ông: Thào A C4 trình bày: Ông C4 là trưởng bản S từ năm 2013 đến nay; đất đang tranh chấp giữa các bên ông C4 không biết nguồn gốc đất từ đâu, nhưng từ khi lớn lên ông C4 thấy nguyên đơn thường xuyên làm, nhưng không biết cụ thể nguyên đơn có phải làm ở đất tranh chấp không; ông C4 không thấy bị đơn làm tại khu đất tranh chấp B giờ. Trong các bản tự khai của ông C3, ông V, ông L2, ông Pò, bà D1, bà S; ông Dũng mà bị đơn nộp cho Toà án thì đúng có chữ ký của ông C4, do bị đơn đưa các bản tự khai này cho ông C4 xác nhận những người này làm chứng cho bị đơn, còn nội dung thì ông C4 không xác nhận.

1.3.9. Bà Sùng Thị D1 trình bày: Bà sinh ra và lớn lên tại bản S, không có họ hàng gì với nguyên đơn và bị đơn; năm 2008 bà D1 chuyển đi nơi khác sinh sống. Chỗ đất dốc, nhiều đá bà thấy bị đơn là người làm trước, còn đất liền kề ở phần dưới bằng phẳng và ít đá hơn là của bố mẹ nguyên đơn để lại cho các con sử dụng.

1.3.10. Ông Sùng Xấy T trình bày: Ông là anh trai ruột của L, theo ông diện tích đất đang tranh chấp là diện tích đất mà do bố mẹ ông để lại cho ba anh em ông là ông, L và C2. Cả ba anh em đã chia diện tích để sử dụng, diện tích đất của ông và C2 thì không có ai tranh chấp, không liên quan đến phần đất đang tranh chấp bây giờ. Đối với diện tích đất đang tranh chấp thì lúc đầu D không có đất ở khu đó, do đất bạc màu nên L bỏ hoang và D vào làm khoảng năm 2006 đến 2008 thì không làm nữa, 2009 thì L làm, năm 2022 thì D lại vào làm.

1.3.11. Bà Thào Thị B trình bày: Bà là mẹ đẻ của L, theo bà diện tích đất đang tranh chấp là diện tích đất mà bà và chồng bà khai hoang và để lại cho ba anh em là các con của bà là L, T và C2. Cả ba anh em đã chia diện tích để sử dụng, diện tích đất của ông và C2 thì không có anh tranh chấp, không liên quan đến phần đất đang tranh chấp bây giờ. Đối với diện tích đất đang tranh chấp giữa ông D và con trai L của bà thì hiện tại bà đã giao đất cho các con quản lý, sử dụng nên bà không có yêu cầu gì.

1.3.12. Ông Sùng Dũng C2 trình bày: Ông là anh trai ruột của L, theo ông diện tích đất đang tranh chấp là diện tích đất mà do bố mẹ ông để lại cho ba anh em ông là ông, L và T. Cả ba anh em đã chia diện tích đất để sử dụng, diện tích đất của ông và T thì không có ai tranh chấp, không liên quan đến phần đất đang tranh chấp bây giờ. Đối với diện tích đất đang tranh chấp thì lúc đầu D không có đất ở khu đó, do đất bạc màu nên L bỏ hoang và D vào làm khoảng năm 2006 đến 2008 thì không làm nữa, 2009 thì L làm, năm 2022 thì D lại vào làm.

1.4. Kết quả xác minh:

1.4.1. Ông Lý A P1 là phó chủ tịch UBND xã H: Ông D1 được phân công phụ trách mảng Nông, Lâm trên địa bàn xã Hừa Ngài. Dân phát nương trồng lúa, ngô…là đúng quy hoạch; đất tranh chấp bên nào làm trước, bên nào làm sau UBND xã không nắm được, chỉ thấy hai bên đều có làm. UBND xã đã trưng cầu ý kiến tập thể dân bản, đã hòa giải nhưng không thành. Đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật.

1.4.2. Phòng tài nguyên môi trường huyện M: Diện tích đất tranh chấp là đất Nông nghiệp, thuộc nhóm đất nương rẫy trồng cây hàng năm, chưa được cấp GCNQSDĐ cho ai; hai gia đình hiện đều sử dụng đất đúng mục đích.

1.5. Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ:

Đất tranh chấp có diện tích 1682 m2; vị trí: Phía bắc giáp rừng; còn lại phía đông, phía nam và phía tây đều giáp đất nương của nguyên đơn (theo “Sơ họa thửa đất đang tranh chấp” lập cùng ngày xem xét thẩm định tại chỗ).

Nguyên đơn, bị đơn thoả thuận cùng chịu tiền xem xét, thẩm định tại chỗ và mỗi bên đã nộp 2.000.000 đồng. Hội đồng thẩm định đã chi tổng số 4.000.000 đồng (gồm 3.000.000 đồng chi cho Hội đồng xem xét thẩm định tại chỗ ngày 18/5/2023 và 1.000.000 đồng chi cho người làm chứng 1.000.000 đồng tại buổi thẩm định).

1.6. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho các đương sự trình bày:

1.6.1. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày:

Đất tranh chấp có nguồn gốc do bố mẹ nguyên đơn khai phá, canh tác từ năm 1975 và chia cho ba con sử dụng. Năm 2006 bị đơn làm nương vào phần đất của nguyên đơn được chia, nguyên đơn đã ngăn cản nhưng không được. Năm 2008 do nguyên đơn yêu cầu nên bị đơn không làm trên đất tranh chấp nữa và nguyên đơn đã trồng ngô liên tục từ 2009 đến cuối năm 2021. Tháng 2/2022 bị đơn lại quay lại tranh chấp. Do khu đất tranh chấp có độ dốc lớn, nên khi bị đơn chặt cây to ở phía trên dốc, cây đổ xuống nương của nguyên đơn; sau đó bị đơn gom cây lại đốt làm nương. Những người có đất ở khu vực tranh chấp, trưởng dòng họ, anh em họ hàng, người dân sinh sống lâu năm trong bản đều biết nguồn gốc đất tranh chấp là của gia đình nguyên đơn khai phá. Căn cứ vào kết quả xác minh, ban hòa giải của xã cũng xác định đất tranh chấp là của nguyên đơn. Việc nguyên đơn bồi thường ngô cho bị đơn là để bị đơn không làm nương tại đây nữa; một mặt cũng do xuất phát tình cảm anh em gia đình dòng họ với nhau; bị đơn đã mất công làm nên bồi thường cho một phần. Việc nguyên đơn nói trả tiền cho bị đơn là trả tiền cho phần đất phía trên bị đơn trồng thảo quả, để bị đơn không làm nương phía trên và chặt hạ cây to đổ xuống đất của nguyên đơn nữa. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng các Điều 94, 95, 99 Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 149 Bộ luật Dân sự; Điều 6, 166, 202, 203 Luật Đất đai; Khoản 1, Điều 91, Nghị Định 43/2014/NĐ-CP chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

1.6.2. Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trình bày: Năm 2000 bị đơn khai hoang đất tranh chấp và trồng thảo quả, dong riềng tại đây cho đến năm 2022 không có tranh chấp. Đất nương của bị đơn có vị trí phía Bắc giáp rừng cao, còn lại 3 phía Nam, Đông, Tây giáp nương của nguyên đơn. Việc bị đơn làm nương có nhiều người trong bản làm chứng. Đất đai ai là người khai thác sử dụng trước, theo phong tục tập quán thì người đó là chủ đất. Đất tranh chấp là đất nông nghiệp để nhân dân sản xuất; bị đơn khai phá, sử dụng đất là hợp pháp. Năm 2008 trâu của nguyên đơn ăn ngô của bị đơn trồng tại đất tranh chấp nên nguyên đơn đã phải bồi thường cho bị đơn, như vậy nguyên đơn đương nhiên công nhận đất của bị đơn. Trong trường hợp đất của bố mẹ nguyên đơn để lại, nhưng nguyên đơn đã bỏ hoang từ năm 2000, thì căn cứ điểm h Điều 64 Luật đất đai Năm 2013 nguyên đơn không có quyền đòi lại đất; đất tự nhiên ai khai thác trước và đang sử dụng thì tiếp tục làm. Đề nghị Hội đồng xét xử bác yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

Tại Bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 28/11/2023 của Tòa án nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên đã quyết định:

1. Chấp nhận một phần và bác một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn ½ diện tích đất tranh là 841m2; nguyên đơn được sử dụng diện tích đất tranh chấp có vị trí: Phía bắc giáp rừng dài 26,5m; phía tây giáp nương nguyên đơn dài 25,8m; phía nam giáp nương nguyên đơn dài 33,5m (27,0m + 6,5); phía đông giáp nương bị đơn dài 28,0m. Bị đơn được sử dụng ½ diện tích đất tranh chấp là 841m2; có vị trí: Phía bắc giáp rừng dài 24,5m; phía tây giáp nương nguyên đơn dài 28 m; phía nam giáp nương nguyên đơn dài 30m (16,5 m + 13,5m); phía đông giáp với nương nguyên đơn dài 31,6m (15,5 m + 16,1 m).

Sau khi thu hoạch xong cây giong riềng bị đơn không được tiếp tục canh tác trên phần đất phải trả cho nguyên đơn nữa.

Các đương sự được quyền đến Cơ quan có thẩm quyền thực hiện các thủ tục về đất theo quy định pháp luật.

2. Về chi phí xem xét thẩm định tại chỗ: Nguyên đơn và bị đơn mỗi bên chịu 2.000.000 đồng chi phí xem xét thẩm định tại chỗ.

3. Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm cho nguyên đơn và bị đơn.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên về quyền kháng cáo của các đương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 12/12/2023 bị đơn kháng cáo: hủy toàn bộ bản án sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 28/11/2023 của Tòa án nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên và công nhận cho bị đơn được quyền quản lý và sử dụng đám nương tại khu vực G, Bản S, xã H, huyện M với diện tích 1.682m2 hiện nay bị đơn đang trồng dong riềng chưa thu hoạch có vị trí tứ cận: Phía nam giáp rừng cao, còn lại ba phía bắc, đông, tây giáp nương của gia đình ông Sùng Sìa L. Ngày 09/01/2024 bị đơn thay đổi nội dung kháng cáo yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm: Tuyên sửa bản án sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 28/11/2023 của Tòa án nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên, giao cho bị đơn quản lý sử dụng toàn bộ diện tích 1.682 m2 đất nương tại khu vực G, Bản S, xã H, huyện M.

2. Quá trình giải quyết vụ án tại Tòa án cấp phúc thẩm:

Nguyên đơn trình bày: Đất tranh chấp là của bố mẹ nguyên đơn khai phá và canh tác từ năm 1975; sau này bị đơn mới làm nương bên cạnh và lấn sang. Đối với vụ ngô năm 2008, do trâu của nguyên đơn phá ngô của bị đơn, nên nguyên đơn có trả cho bị đơn 80 kg ngô do bị trâu phá chứ không đền đất, khi đó cũng không xác định rõ được trâu ăn ngô trên phần đất nào, nhưng do trâu của nguyên đơn phá nên nguyên đơn đền tiền ngô cho bị đơn. Mặc dù Tòa án huyện Mường Chà chỉ chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là 841m2, nhưng vì là anh em trong họ với nhau, nên nguyên đơn đồng ý; đối với 841m2 đất Tòa án huyện Mường Chà đã giao cho bị đơn, nguyên đơn nhất trí và rút yêu cầu đối với diện tích đất này để tránh tranh chấp kéo dài, ảnh hưởng đến việc làm ăn của cả hai bên.

Ngày 01/4/2024, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà B và ông T, ông C2 có ý kiến: Ông D2 (chồng bà B) đã chết năm 1998; phần đất đang tranh chấp là đất gia đình đã chia cho ông L, những người còn lại trong gia đình không ai còn quyền lợi đối với đất này nên không có yêu cầu gì và không kháng cáo bản án. Nay Tòa án tỉnh xử phúc thẩm, bà B và ông T, ông C2 đồng ý tham gia với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan từ cấp phúc thẩm; đồng ý với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và không có yêu cầu độc lập.

3. Tại phiên tòa phúc thẩm:

- Nguyên đơn: Nguyên đơn nhất trí quyết định của bản án sơ thẩm về việc giao cho bị đơn 1/2 đất tranh chấp, cụ thể là 841m2 và rút yêu cầu đối với diện tích đất này.

- Bị đơn giữ nguyên nội dung kháng cáo và không chấp nhận việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện tại Toà án cấp phúc thẩm.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Sùng Xấy T: ông T là con trai của ông Sùng Trùng D2 và bà Thào Thị B, năm 1998 ông D2 đã chết. Phần đất đang tranh chấp giữa nguyên đơn và bị đơn là đất do ông D2, bà B khai hoang năm 1975, sau đó bà B đã chia cho ông và ông Cử, anh Lồng mỗi người khoảng 01 ha đất, nên yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là đúng, và mảnh đất đó không còn liên quan đến ông nên ông không có yêu cầu gì.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn đề nghị Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên áp dụng các quy định tại điểm b, khoản 5 điều 466 và khoản 1 Điều 468 của Bộ luật Dân sự. Áp dụng các quy định tại Điều 213 và khoản 1, điều 219 Bộ luật Dân sự, Điểm b khoản 1 Điều 13 Nghị quyết 01/2019NQ-HĐTP ngày 11/01/2019 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao; Khoản 1 Điều 357 Bộ luật Dân sự 2015 giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 28/11/2023 của Tòa án nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

- Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng điểm h khoản 1 Điều 64, Điều 104 Luật đất đai năm 2013 và Điều 66 Nghị định 43/CP của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai năm 2013 và căn cứ vào các chứng cứ, nhân chứng, kết quả xác minh của Tòa án cấp sơ thẩm đề nghị hủy phần nội dung bản án sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 28/11/2023 của Tòa án nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên và công nhận cho bị đơn được quyền quản lý và sử dụng đám nương tại khu vực bản G, Bản S, xã H, huyện M với diện tích 1.682m2.

- Tham gia phiên tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên phát biểu quan điểm:

Về trình tự thủ tục tố tụng: Người tiến hành tố tụng, thư ký và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự.

Về việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Trong giai đoạn xét xử phúc thẩm, nguyên đơn, bị đơn và những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan về cơ bản đã thực hiện đúng các quyền và nghĩa vụ của mình.

Về nội dung: Sau khi phân tích nội dung vụ án, đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 1 Điều 308 giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm, không chấp nhận toàn bộ yêu cầu kháng cáo của bị đơn.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa; Căn cứ vào kết quả tranh luận tại phiên toà, Hội đồng xét xử nhận định:

[1] Về tố tụng:

- Về thẩm quyền: Đất tranh chấp thuộc Bản S, xã H, huyện M, tỉnh Điện Biên; việc tranh chấp đã được UBND xã H hòa giải nhiều lần nhưng không thành. Ngày 10/3/2023 nguyên đơn nộp đơn khởi kiện cho Tòa án; các nguyên đơn là người dân tộc thiểu số, ở vùng có điều kiện kinh tế đặc biệt khó khăn theo Quyết định số 861/QĐ-TTg ngày 04/6/2021 của Thủ tướng Chính phủ nên được miễn nộp tiền tạm ứng án phí; cùng ngày 10/3/2023 Tòa án cấp sơ thẩm đã thụ lý để giải quyết vụ án “Tranh chấp quyền sử dụng đất” giữa các bên là đúng theo khoản 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật tố tụng Dân sự (sau đây viết là BLTTDS) và điểm b khoản 2 Điều 203 Luật đất đai (sau đây viết là LĐĐ).

[1.1] Về xác định tư cách đương sự: Tòa án cấp sơ thẩm xác định bà Thào Thị B, ông Sùng Xấy T, và ông Sùng Dũng Cử là người làm chứng là không đúng, vì đất tranh chấp là của ông Sùng Trùng D2 và bà Thào Thị B (bố mẹ đẻ nguyên đơn) cho nguyên đơn; ông D2 đã chết; ông D2 và bà B có 03 người con là Sùng Xấy T, Sùng Dũng Cử và Sùng Xìa L, như vậy phải xác định bà B, ông T, ông Cử là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của các đương sự. Tuy nhiên, những người này không có ý kiến khác với ý kiến của nguyên đơn, không có yêu cầu độc lập, không kháng cáo và đồng ý tham gia với tư cách là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan từ cấp phúc thẩm, nên Hội đồng xét xử thay đổi tư cách tham gia tố tụng của những người này từ người làm chứng sang người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan theo khoản 6 Điều 68 BLTTDS.

[1.2] Về sự vắng mặt của những người tham gia tố tụng: Tại phiên tòa phúc thẩm, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: bà Thào Thị B, ông Sùng Dũng Cử và một số người làm chứng được Tòa án triệu tập hợp lệ nhiều lần nhưng vắng mặt không có lý do. Căn cứ vào khoản 2, 3 Điều 296 Bộ luật Tố tụng dân sự, Hội đồng xét xử tiến hành xét xử vắng mặt những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan và người làm chứng nêu trên.

[2] Về nội dung vụ án:

Về yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn:

Theo các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án thì: Đất tranh chấp có nguồn gốc do bố mẹ nguyên đơn khai phá từ những năm 1975, sau này chia cho các con sử dụng. Phần đất của nguyên đơn được chia có một mặt giáp đất của bị đơn, nhưng không có gianh giới rõ ràng. Quá trình sử dụng đất có thời gian nguyên đơn bỏ không do đất bạc màu. Từ năm 2008 đến nay đất tranh chấp có năm nguyên đơn canh tác, có năm bị đơn canh tác. Năm 2008 có việc nguyên đơn bồi thường ngô cho bị đơn do để trâu ăn, nhưng cũng không có căn cứ trâu ăn ngô trên phần đất nào. Trên thực tế, khi Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết vụ án thì bị đơn đang trồng dong riềng trên đất tranh chấp.

Căn cứ vào tình hình thực tế về việc sử dụng đất của các bên và tập quán canh tác đất nương của đồng bào tại địa phương, Tòa án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có cơ sở, đảm bảo tính công bằng cho các bên theo khoản 2 Điều 6 Bộ luật Dân sự. Nguyên đơn đã đồng ý với bản án sơ thẩm và rút yêu cầu khởi kiện đối với diện tích đất tranh chấp còn lại (841m2). Việc rút một phần yêu cầu khởi kiện này là không trái pháp luật phù hợp với lẽ công bằng theo quy định của pháp luật. Mặc dù, tại phiên tòa phúc thẩm, bị đơn không nhất trí việc nguyên đơn rút một phần yêu cầu khởi kiện đối với 1/2 diện tích đất tranh chấp nhưng không đưa ra được tài liệu, chứng cứ nào chứng minh 1.682 m2 đất tranh chấp là của bị đơn, do đó việc bị đơn phải trả lại cho nguyên đơn 841 m2 đất tranh chấp là có căn cứ. Tuy nhiên, bản án sơ thẩm tuyên giao 1/2 trong tổng diện tích đất tranh chấp cho bị đơn là không phù hợp theo quy định tại Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự, bởi lẽ trong vụ án này chỉ giải quyết yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn và buộc bị đơn trả lại cho nguyên đơn 1/2 diện tích đất tranh chấp (841 m2).

Từ những nhận định trên, xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn không có căn cứ chấp nhận như ý kiến của đại diện viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên phiên tại tòa phúc thẩm.

[3] Về chi phí tố tụng:

Về chi phí thẩm định tại chỗ và chi phí cho những người làm chứng tại buổi xem xét thẩm định tại chỗ: Các bên đương sự thỏa thuận cùng chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí cho người làm chứng, sự thỏa thuận này là tự nguyện nên cấp sơ thẩm công nhận sự thỏa thuận này là có căn cứ theo Điều 157 và Điều 167 BLTTDS.

[4] Về án phí:

Nguyên đơn, bị đơn đều là người dân tộc thiểu số, sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, các đương sự đều có đơn xin miễn án phí, nên Hội đồng xét xử phúc thẩm miễn toàn bộ án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm cho các đương sự theo định tại khoản 1 Điều 147 Bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12; Điều 15 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14, ngày 30/12/2016 về án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự; khoản 1 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự;

Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông ông Thào Vảng D và bà Giàng Thị C (C1).

Giữ nguyên Quyết định bản án dân sự sơ thẩm số 01/2023/DS-ST ngày 28 tháng 11 năm 2023 của Toà án nhân dân huyện Mường Chà, tỉnh Điện Biên.

Căn cứ vào các khoản 9 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, 147, 157, 167, 228, 229, 264 của Bộ luật tố tụng dân sự;

Căn cứ Điều 197 Bộ luật dân sự; Điều 4, Điều 14, Điều 27, Điều 39, Điều 49, Điều 129, Điều 131, Điều 166, Điều 170, Điều 179, khoản 2 Điều 203, Điều 210 Luật đất đai;

Căn cứ điểm đ khoản 1 Điều 12 và Điều 15 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Tuyên xử:

- Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.

- Buộc bị đơn ông Thào Vảng D và bà Giàng Thị C (C1) phải trả cho nguyên đơn ông Sùng Sìa L và bà Thào Thị L1 ½ diện tích đất tranh chấp là 841m2; đất có vị trí: Phía bắc giáp rừng dài 26,5m; phía tây giáp nương nguyên đơn dài 25,8m; phía nam giáp nương nguyên đơn dài 33,5m (27,0m + 6,5); phía đông giáp nương bị đơn dài 28,0m.

Sau khi thu hoạch xong cây dong riềng, ông Thào Vảng D và bà Giàng Thị C (C1) có trách nhiệm thu dọn các tài sản trên đất và không được tiếp tục canh tác trên phần đất thuộc quyền sử dụng của ông Sùng Sìa L và bà Thào Thị L1 nói trên.

Ông Sùng Sìa L và bà Thào Thị L1 có trách nhiệm đăng ký quyền sử dụng đất với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

- Về chi phí tố tụng: Công nhận sự thỏa thuận của nguyên đơn và bị đơn về việc chịu chi phí xem xét thẩm định tại chỗ và chi phí cho người làm chứng tại buổi xem xét, thẩm định tại chỗ, mỗi bên phải chịu 2.000.000 đồng. (các đương sự đã nộp đủ).

- Về án phí: Miễn án phí dân sự sơ thẩm và án phí dân sự phúc thẩm cho nguyên đơn và bị đơn.

2. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (04/5/2024).

Trường hợp bản án được thi hành theo luật thi hành án dân sự, người được thi hành án, người phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

273
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 01/2024/DS-PT về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:01/2024/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 04/05/2024
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;