Bản án 57/2018/HS-ST ngày 12/09/2018 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm

TÒA ÁN NHÂN DÂN THỊ XÃ NINH HÒA, TỈNH KHÁNH HÒA

BẢN ÁN 57/2018/HS-ST NGÀY 12/09/2018 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ THỰC PHẨM

Trong các ngày 10,11,12 tháng 9 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự sơ thẩm thụ lý số: 55/2018/TLST-HS ngày 11 tháng 8 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 55/2018/QĐXXST-HS ngày 10 tháng 8 năm 2018 và Thông báo dời ngày xét xử số: 482/2018/HSST-TB ngày 22 tháng 8 năm 2018 đối với bị cáo:

Trần Thị Thu V - sinh năm: 1972 tại N, Khánh Hòa.

Nơi cư trú: thôn Q, xã N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa; Nghề nghiệp: Làm thuê; Trình độ văn hoá: 02/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nữ; Tôn giáo: Không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Trần L (chết) và bà Lê Thị H, sinh năm: 1938; Có chồng: Hồ Văn D, sinh năm: 1972 và 03 con: Lớn sinh năm: 1991, nhỏ sinh năm: 2004; Tiền án; tiền sự: Không. Bị cáo tại ngoại, có mặt.

* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:

1. Ông Phạm Văn Đ, sinh năm 1977; Nơi cư trú: Phường N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa.

2. Ông Nguyễn H, sinh năm 1981; Nơi cư trú: thôn M, xã N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa.

3. Bà Trần Thị X, sinh năm 1952; Nơi cư trú: thôn T, xã V, huyện V, tỉnh Khánh Hòa.

4. Bà Trần Thị N, sinh năm 1973; Nơi cư trú: thôn Q, xã V, huyện V, tỉnh Khánh Hòa.

5. Bà Nguyễn Thị Kim N, sinh năm 1967; Nơi cư trú: thôn H, xã V, huyện V, tỉnh Khánh Hòa.

6. Bà Ngô Thị Kim C, sinh năm 1977; Nơi cư trú: thôn X, xã V, huyện V, tỉnh Khánh Hòa.

7. Bà Trần Thị L, sinh năm 1971; Nơi cư trú: thôn T, xã V, huyện V, tỉnh Khánh Hòa.

8. Bà Đồng Thị Trần T, sinh năm 1976; Nơi cư trú: thị trấn V, huyện V, tỉnh Khánh Hòa.

9. Bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1984; Nơi cư trú: thôn T, xã V, huyện V, tỉnh Khánh Hòa.

(Tất cả vắng mặt)

* Người làm chứng:

1. Ông Hồ Văn D, sinh năm 1972. Có mặt

2. Bà Bùi Thị T, sinh năm 1960. Vắng mặt

3. Ông Nguyễn Nhật L, sinh năm 1958. Vắng mặt

4. Ông Mai Hữu L, sinh năm 1991. Vắng mặt

5. Ông Hồ Văn N, sinh năm 1996. Vắng mặt

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Từ tháng 5/2017, với mục đích kiếm tiền tiêu xài, tại nhà của mình ở thôn Q, xã N, thị xã N, Trần Thị Thu V tiến hành làm giả các loại nước mắm của các nhãn hiệu đã được đăng ký thương hiệu gồm: Nam Ngư siêu tiết kiệm, Nam Ngư đệ nhị, Nam Ngư ba trong một, Phú Quốc đầu bếp đại tiết kiệm, Thủy Khâm, Tám Phú nhằm mục đích bán ra thị trường. Để thực hiện việc này, V lên mạng Internet tìm kiếm được cách thức pha chế nước mắm rồi ra chợ, vào các điểm mua bán phế liệu để mua vỏ chai nhựa đựng mắm chính hãng, bìa giấy thùng đựng nước mắm còn nhãn mác, dụng cụ đo độ mặn, dụng cụ hàn nắp chai, máy sấy, muối, gia vị, phẩm màu, hóa chất (tạo vị ngọt), nước màu (tạo màu cho mắm) và một số chai nước mắm thật của các nhãn hiệu trên rồi đem về nhà pha chế bằng cách dùng nước muối có độ mặn phù hợp, pha với một phần nước mắm thật, thêm nước màu, chất tạo ngọt, gia vị rồi rót vào các chai, can nhựa, đóng nắp, vỏ thùng đem đi tiêu thụ. Khoảng 14 giờ ngày 15/9/2017, trong lúc V cùng Phạm Văn Đ chuyển 90 chai nhựa (loại 800ml/chai) mắm giả nhãn hiệu “Phú Quốc đầu bếp đại tiết kiệm”, 54 chai nhựa (loại 800ml/chai) mắm giả nhãn hiệu “Nam Ngư đệ nhị” lên xe môtô kéo mooc chở đi tiêu thụ ở huyện V thì bị Công an thị xã Ninh Hòa phát hiện lập biên bản thu giữ.

Kết quả giám định đã xác định: Toàn bộ số chai nước mắm thành phẩm mang các nhãn hiệu trên do V sản xuất là giả bởi một phần nước mắm thật của các hãng pha với nước muối, gia vị, phẩm màu, hóa chất theo tỷ lệ do V tự ước lượng, sau đó đóng chai thành phẩm giả nhãn hiệu các loại mắm rồi đưa ra thị trường bán kiếm lời.

Quá trình điều tra V khai nhận từ cuối tháng 5/2017 đến ngày 15/9/2017 đã làm giả các nhãn hiệu nước mắm và đi tiêu thụ được:

1. Nước mắm “Nam Ngư đệ nhị” loại 800ml/chai, sản xuất một lần, đóng thành 08 thùng (18 chai/thùng), đã bán hết với giá 130.000đ/thùng, thu được 1.040.000đ;

2. Nước mắm “Nam Ngư đệ nhị” loại 960ml/chai, sản xuất hai lần được 193 chai, đóng thành 16 thùng (12 chai/thùng), còn dư một chai lẻ, bán được 12 thùng (144 chai) với giá 130.000đ/thùng, thu được 1.560.000đ, còn lại 49 chai;

3. Nước mắm “Nam Ngư siêu tiết kiệm” loại 800ml/chai, sản xuất hai lần được 291 chai (16 thùng 03 chai), đã bán được 13 thùng với giá 110.000đ/thùng, thu được 1.430.000đ, còn lại 57 chai;

4. Nước mắm “Nam Ngư 3 trong 1” loại 500ml/chai, sản xuất một lần được 91 chai, đóng thành 05 thùng và 01 chai lẻ, chưa bán được chai nào;

5. Nước mắm “Phú Quốc đầu bếp đại tiết kiệm” loại 800ml/chai, sản xuất hai lần được 272 chai, đóng thành 18 thùng (18 chai/thùng) và 02 chai lẻ, đã bán được 10 thùng (180 chai) với giá 100.000đ/thùng, thu được 1.000.000đ còn lại 92 chai;

6. Đối với nước mắm “Thủy Khâm”, sản xuất ba lần được 88 can nhựa (5lit/can),đóng thàng 22 thùng (04 can/thùng), đã bán được 17 thùng (68 can) với giá 80.000đ/thùng, thu được 1.360.000đ, còn lại 20 can;

7. Đối với nước mắm “Tám Phú” loại 5lit/can, sản xuất một lần được 02 thùng (08 can), chưa bán được chai nào.

Tổng cộng V đã thu được số tiền từ bán nước mắm giả là 6.390.000đ (Sáu triệu ba trăm chín mươi ngàn đồng).

Các đối tượng tiêu thụ nước nắm của V gồm: Trần Thị X (thôn T, xã V, huyện V), Trần Thị N (thôn Q, xã V, huyện V), Nguyễn Thị Kim N (thôn H, xã V, huyện V), Ngô Thị Kim C (thôn X, xã V, huyện V), Trần Thị L (thôn T, xã V, huyện V), Đồng Thị Trần T (thị trấn V, huyện V), Nguyễn Thị H (thôn T, xã V, huyện V) và một số đối tượng khác V không nhớ rõ.

Kết quả định giá số: 07/KL-HDĐG ngày 24/01/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự thị xã N đã xác định toàn bộ số lượng nước mắm giả do V sản xuất có giá trị tương ứng với nước mắm thật là: 20.306.500đ (Hai mươi triệu ba trăm lẻ sáu ngàn năm trăm đồng).

Tại bản cáo trạng số: 47/CT-VKS ngày 06/7/2018 của Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ninh Hòa đã truy tố bị cáo Trần Thị Thu V về tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” theo khoản 1, Điều 157 Bộ luật hình sự năm 1999 thì có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Tuy nhiên, đối chiếu với khoản 1, Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm thì tội danh, cấu thành tương tự nhưng hình phạt nhẹ hơn. Do vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo quy định tại Nghị Quyết của Quốc hội số 41 ngày 20/6/2017 để truy tố, xét xử đối với bị cáo Trần Thị Thu V theo khoản 1, Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

Tại phiên tòa, vị đại diện Viện kiểm sát vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo V. Đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1, khoản 5, Điều 193; điểm s, khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

+ Xử phạt bị cáo Trần Thị Thu V từ 02 năm 06 tháng đến 03 năm tù.

+ Hình phạt bổ sung: Phạt bị cáo V từ 20.000.000đ đến 30.000.000đ.

Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phạm Văn Đ, Nguyễn H, Trần Thị X, Trần Thị N, Nguyễn Thị Kim N, Ngô Thị Kim C, Trần Thị L, Đồng Thị Trần T, Nguyễn Thị H vắng mặt và không có yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét. Nếu sau này có yêu cầu sẽ giải quyết bằng vụ án Dân sự khác.

Vật chứng vụ án: các đồ vật thu giữ trong vụ án gồm:

+ 407 chai (can) nước mắm nhãn hiệu các loại: “Nam Ngư đệ nhị”; “Nam Ngư siêu tiết kiệm”; “Nam Ngư 3 trong 1”; “Phú Quốc đầu bếp đại tiết kiệm”; “Thủy Khâm”; “Tám Phú” được đựng trong 43 thùng giấy đã niêm phong.

+ 339 vỏ chai nhựa các loại đựng trong 04 bao nhựa đã được niêm phong;

+ 37 vỏ bìa giấy các tông các loại đã được niêm phong;

+ 10 kg chất tinh thể màu trắng (mì chính) đựng trong 01 bao nhựa màu trắng đã được niêm phong;

+ 01 cuộn nhựa nilong 02 lớp không nhãn hiệu;

+ 01 thùng hình trụ tròn (xô nhựa) có vòi chiết rót phía dưới bên trong chứa khoảng 20 lít chất lỏng màu nâu đỏ.

+ 3,5kg nắp chai nhựa các loại đã được niêm phong;

+ 05 nhãn hiệu rời các loại đã được niêm phong;

+ 01 hộp nhựa hình trụ tròn bên trong có chứa chất lỏng sệt (keo dán) đã được niêm phong;

+ 01 cái muỗng bằng kim loại, cán dài 22cm một đầu hình bán cầu lõm đường kính 0,9 cm;

+ 02 que chấm hàn điện màu xanh: 01 que có nhãn hiệu EERRYXTON; 01 que không có nhãn hiệu;

+ 01 máy sấy bằng điện có nhãn hiệu Panasonic EH-VD11;

+ 01 cân đồng hồ loại 0,5kg nhãn hiệu Nhơn Hòa;

Xét thấy các đồ vật trên không có giá trị sử dụng, đề nghị HĐXX áp dụng Điều 106 BLTTHS 2015 tuyên tịch thu tiêu hủy.

Tại phiên tòa, bị cáo V không có ý kiến tranh luận với vị đại diện Viện kiểm sát về tội danh và các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự.

Bị cáo V nói lời sau cùng: bị cáo hiện là lao động chính trong gia đình và trình độ học vấn thấp nên nhận thức pháp luật hạn chế mong Hội đồng xét xử cho bị cáo được hưởng án treo để có điều kiện nuôi dạy các con ăn học trưởng thành.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận định như sau:

[1] Về thủ tục tố tụng: Tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan; người làm chứng vắng mặt nhưng đã có lời khai tại hồ sơ và việc vắng mặt của họ không ảnh hưởng đến việc giải quyết vụ án nên căn cứ vào khoản 2, Điều 292, Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 Hội đồng xét xử xử vắng mặt họ là có căn cứ.

[2] Về nội dung vụ án: Tại phiên tòa, bị cáo Trần Thị Thu V đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của mình như nội dung đã nêu ở trên. Xét lời khai nhận của bị cáo phù hợp với các tài liệu, chứng cứ có tại hồ sơ vụ án và đã được thẩm tra công khai tại phiên tòa nên Hội đồng xét xử thấy rằng Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ninh Hòa truy tố bị cáo Trần Thị Thu V về tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm” được quy định tại khoản 1, Điều 157 Bộ luật hình sự 1999 thì có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 07 năm. Tuy nhiên, đối chiếu với khoản 1, Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) có khung hình phạt tù từ 02 năm đến 05 năm thì về tội danh, cấu thành tương tự nhưng hình phạt nhẹ hơn. Do vậy, áp dụng nguyên tắc có lợi cho bị cáo theo quy định tại Nghị Quyết của Quốc hội số: 41 ngày 20/6/2017 để truy tố, xét xử đối với bị cáo Trần Thị Thu V theo khoản 1, Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017) là có căn cứ và đúng tội.

[3] Bị cáo Trần Thị Thu V với mục đích sản xuất nước mắm giả các nhãn hiệu nước mắm đã được đăng ký độc quyền trên thị trường nên trong khoảng thời gian từ cuối tháng 05/2017 đến ngày 15/9/2017 bị cáo V đã thực hiện hành vi làm nước mắm giả mang các nhãn hiệu nước mắm như: “Nam Ngư đệ nhị”; “Nam Ngư siêu tiết kiệm”; “Nam Ngư 3 trong 1”; “Phú Quốc đầu bếp đại tiết kiệm”; “Thủy Khâm”; “Tám Phú” để bán kiếm lời. Số lượng nước mắm giả do bị cáo V bán được ra thị trường đã thu về được số tiền là: 6.390.000đ (Sáu triệu ba trăm chín mươi ngàn đồng), tương đương với giá trị nước mắm hàng thật của các hãng sản xuất bán ra tại thị trường là: 20.306.500đ (Hai mươi triệu ba trăm lẻ sáu ngàn năm trăm đồng).

Như vậy, hành vi đó của bị cáo V đã đủ yếu tố cấu thành tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 1, Điều 193 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017). Hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, đã trực tiếp xâm phạm đến trật tự quản lý kinh tế, làm ảnh hưởng đến uy tín của các nhà sản xuất nước mắm chân chính và người tiêu dùng, mà cụ thể hơn là trật tự quản lý việc sản xuất, buôn bán hàng hóa, chống hàng giả của Nhà nước ta là khách thể được luật hình sự bảo vệ. Hành vi của bị cáo làm cho người tiêu dùng nhầm lẫn là hàng thật, hành vi đó đã gây hoang mang, làm ảnh hưởng đến quyền lợi của người tiêu dùng cũng như uy tín của các Công ty làm ăn chân chính nên cần phải được xử lý nghiêm minh mới có tác dụng giáo dục bị cáo nói riêng cũng như trong việc đấu tranh đối với loại tội phạm này hiện nay nói chung.

[4] Xét tính chất, mức độ phạm tội cũng như nhân thân, các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự của bị cáo nhận thấy: bị cáo Trần Thị Thu V là người có nhân thân tốt vì chưa bị kết án, cũng như chưa bị xử phạt vi phạm hành chính, bản thân do thiếu hiểu biết pháp luật, với mục đích muốn kiếm lời nhanh đã không làm chủ được hành vi nên đã thực hiện hành vi phạm tội. Thực phẩm nước mắm giả do bị cáo V sản xuất được tiêu thụ ra ngoài thị trường với số lượng không nhiều, nên chưa ảnh hưởng nhiều đến quyền lợi của người tiêu dùng và cũng chưa làm ảnh hưởng đến môi trường kinh doanh, bị cáo V hiện có địa chỉ cư trú rõ ràng, bản thân và gia đình từ trước đến nay luôn chấp hành đầy đủ các quy định của Nhà nước cũng như của địa phương.

Tại phiên tòa, bị cáo V đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải; bị cáo là thành phần lao động trình độ học vấn thấp nên nhận thức về pháp luật có phần hạn chế; bị cáo đã tự nguyện nộp lại số tiền thu lợi bất chính. Vì vậy, Hội đồng xét xử giảm nhẹ một phần hình phạt để các bị cáo thấy được sự khoan hồng của pháp luật, tự cải tạo cũng đủ tác dụng giáo dục trở thành công dân có ích cho xã hội và biết tôn trọng pháp luật theo quy định tại điểm s, khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015.

Ý kiến của vị đại diện Viện kiểm sát phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên cần chấp nhận được quy định tại điểm s, khoản 1, khoản 2, Điều 51 Bộ luật hình sự năm 2015 đối với bị cáo V.

Do bị cáo V có nhiều tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự nên có đủ điều kiện áp dụng thêm Điều 65 Bộ luật Hình sự năm 2015 và không cần thiết cách ly bị cáo ra khỏi xã hội cũng đủ tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung.

[5] Về hình phạt bổ sung: Mặc dù bị cáo đã có hành vi sản xuất nước mắm giả nhưng số lượng nước mắm giả đem ra thị trường tiêu thụ chưa được nhiều và chỉ trong khoảng thời gian ngắn thì bị phát hiện bắt giữ nên không cần thiết áp dụng hình phạt bổ sung là phạt tiền đối với bị cáo V.

[6] Về hành vi, quyết định tố tụng của cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hòa, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân thị xã Ninh Hòa, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, nguời tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[7] Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phạm Văn Đ, Nguyễn H, Trần Thị X, Trần Thị N, Nguyễn Thị Kim N, Ngô Thị Kim C, Trần Thị L, Đồng Thị Trần T, Nguyễn Thị H vắng mặt và không yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét. Nếu sau này có yêu cầu sẽ giải quyết bằng vụ án Dân sự khác.

[8] Vật chứng vụ án: các đồ vật thu giữ trong vụ án gồm:

+ 407 chai (can) nước mắm nhãn hiệu các loại: “Nam Ngư đệ nhị”; “Nam Ngư siêu tiết kiệm”; “Nam Ngư 3 trong 1”; “Phú Quốc đầu bếp đại tiết kiệm”; “Thủy Khâm”; “Tám Phú” được đựng trong 43 thùng giấy đã niêm phong.

+ 339 vỏ chai nhựa các loại đựng trong 04 bao nhựa đã được niêm phong;

+ 37 vỏ bìa giấy các tông các loại đã được niêm phong;

+ 10 kg chất tinh thể màu trắng (mì chính) đựng trong 01 bao nhựa màu trắng đã được niêm phong;

+ 01 cuộn nhựa nilong 02 lớp không nhãn hiệu;

+ 01 thùng hình trụ tròn (xô nhựa) có vòi chiết rót phía dưới bên trong chứa khoảng 20 lít chất lỏng màu nâu đỏ.

+ 3,5kg nắp chai nhựa các loại đã được niêm phong;

+ 05 nhãn hiệu rời các loại đã được niêm phong;

+ 01 hộp nhựa hình trụ tròn bên trong có chứa chất lỏng sệt (keo dán) đã được niêm phong;

+ 01 cái muỗng bằng kim loại, cán dài 22cm một đầu hình bán cầu lõm đường kính 0,9 cm;

+ 02 que chấm hàn điện màu xanh: 01 que có nhãn hiệu EERRYXTON; 01 que không có nhãn hiệu;

+ 01 máy sấy bằng điện có nhãn hiệu Panasonic EH-VD11;

+ 01 cân đồng hồ loại 0,5kg nhãn hiệu Nhơn Hòa; Hội đồng xét xử thấy rằng những đồ vật trên là hàng giả và có đồ vật liên quan đến việc sản xuất hàng giả bị nhà nước cấm lưu hành nên cần tịch thu cho tiêu hủy theo quy định tại Điều 106 BLTTHS 2015.

[9] Về án phí: Bị cáo Trần Thị Thu V phải chịu án phí HSST theo quy định tại Điều 136 Bộ luật tố tụng hình sự 2015.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

- Căn cứ khoản 1, Điều 193; điểm s, khoản 1, khoản 2, Điều 51; Điều 65 Bộ luật hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017).

- Căn cứ điểm a, khoản 2, Điều 106; khoản 2, Điều 292 và Điều 293 Bộ luật tố tụng hình sự năm 2015;

- Căn cứ khoản 1, Điều 23 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 về án phí và lệ phí Tòa án của Ủy ban thường vụ Quốc hội ngày 30/12/2016 quy định về mức thu, miễn, giảm, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Xử phạt bị cáo Trần Thị Thu V 02 (hai) năm 06 (sáu) tháng tù, nhưng cho hưởng án treo về tội: “Sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm”. Thời gian thử thách là 05 năm tính từ ngày tuyên án.

Giao bị cáo Trần Thị Thu V cho UBND xã N, thị xã N, tỉnh Khánh Hòa giám sát và giáo dục trong thời gian thử thách.

Trường hợp người được hưởng án treo, nếu thay đổi nơi cư trú thì được thi hành theo khoản 1, Điều 69 Luật Thi hành án hình sự.

- Về trách nhiệm dân sự: Tại phiên tòa, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Phạm Văn Đ, Nguyễn H, Trần Thị X, Trần Thị N, Nguyễn Thị Kim N, Ngô Thị Kim C, Trần Thị L, Đồng Thị Trần T, Nguyễn Thị H vắng mặt và không có yêu cầu nên Hội đồng xét xử không xem xét. Nếu sau này có yêu cầu sẽ giải quyết bằng vụ án Dân sự khác.

- Về vật chứng vụ án: Tịch thu tiêu hủy những đồ vật trên là hàng giả và liên quan đến việc sản xuất hàng giả bị Nhà nước cấm lưu hành. (Theo biên bản giao nhận vật chứng giữa cơ quan điều tra Công an thị xã Ninh Hòa với Chi cục thi hành án dân sự thị xã Ninh Hòa ngày 31/7/2018).

Tịch thu sung quỹ Nhà nước số tiền 6.390.000đ (Sáu triệu ba trăm chín mươi ngàn đồng) tiền thu lợi bất chính của bị cáo Trần Thị Thu V đã giao nộp theo Biên lai thu tiền số: AA/2016/0003345 ngày 07/8/2018 của Chi cục Thi hành án Dân sự thị xã Ninh Hòa.

- Về án phí: Bị cáo Trần Thị Thu V phải chịu 200.000 đồng án phí hình sự sơ thẩm.

- Về quyền kháng cáo: Bị cáo được quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án sơ thẩm.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan vắng mặt được quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc bản án được niêm yết.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1140
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 57/2018/HS-ST ngày 12/09/2018 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là thực phẩm

Số hiệu:57/2018/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Thị xã Ninh Hòa - Khánh Hoà
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 12/09/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;