Bản án 13/2018/HSST ngày 26/06/2018 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN T, TỈNH KIÊN GIANG

BẢN ÁN 13/2018/HSST NGÀY 26/06/2018 VỀ TỘI SẢN XUẤT, BUÔN BÁN HÀNG GIẢ LÀ LƯƠNG THỰC, THỰC PHẨM, PHỤ GIA THỰC PHẨM

Ngày 26 tháng 6 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Kiên Giang xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số: 13/2018/HSST ngày 18 tháng 5 năm 2018 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 13/2018/HSST-QĐ ngày 11 tháng 6 năm 2018 đối với bị cáo:

Họ và tên: Lê Thị Trúc S- sinh năm 1982 (có mặt)

Nơi ĐKTT và nơi cư trú: ấp Đ, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang. Nghề nghiệp: Buôn bán. Trình độ văn hóa: 12/12. Dân tộc: Kinh. Tôn giáo: Thiên chúa. Con ông Đặng Thanh D, sinh năm 1951 và bà Nguyễn Thị H, sinh năm 1958. Chồng: Nguyễn Minh T, sinh năm 1976. Con: có 03 người con, lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh năm 2011. Tiền án, tiền sự: Không. Tạm giữ từ ngày 18/01/2018 đến ngày 26/01/2018 ra lệnh cấm đi khỏi nơi cư trú.

* Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. Anh Trần Tuấn A – sinh năm 1988 (có mặt) Địa chỉ: ấp Đ, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

2. Bà Nguyễn Thị S1 – sinh năm 1972 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: ấp Đ, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

3. Bà Nguyễn Thị Ngọc S2 – sinh năm 1963 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: ấp Đ, xã T, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

4. Bà Phan Thị L – sinh năm 1969 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: Khu phố Đ, thị trấn T, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

5. Bà Tạ Nguyệt H – sinh năm 1976 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: ấp P, xã M, huyện C, tỉnh Kiên Giang.

6. Bà Lê Thị Kim L – sinh năm 1967 (có đơn xin xét xử vắng mặt) Địa chỉ: Khu phố A, thị trấn T, huyện T, tỉnh Kiên Giang.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

Vào lúc 10 giờ 30 phút ngày 18/01/2018, Phòng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kiên Giang kết hợp với Công an huyện T và Công an xã T tiến hành bắt quả tang Lê Thị Trúc S tại ấp Đ, xã T, huyện T đang chuẩn bị giao hàng giả là bột ngọt Ajinomoto, Saji và hạt nêm Knorr cho các cửa hàng tạp hóa trên địa bàn huyện T và huyện C, tỉnh Kiên Giang. Tiến hành khám xét nhà, thu giữ 10 bao bột ngọt nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc, mỗi bao có trọng lượng 25 kg; 125 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01 kg; 436 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g; 304 gói bột ngọt Ajinomoto loại 400g; 23 gói bột ngọt Ajinomoto loại 100g, 40 gói bột ngọt Saji loại 500g; 40 gói hạt nêm Knorr loại 900g; 02 cây cân đồng hồ loại 02kg; 01 máy ép miệng bao bì bằng tay; 01 thau nhôm cỡ lớn và 06 kg bao bì chưa sử dụng nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto và Saji các loại.

Trong quá trình điều tra, Lê Thị Trúc S đã thừa nhận từ tháng 5 năm 2017 đến ngày 18/01/2018 một mình đặt mua nguyên liệu bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc, hạt nêm Knorr, bao bì giả nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto, Saji các loại và máy ép miệng bao bì ở Thành phố Hồ Chí Minh. Trong quá trình giao dịch mua bán thì Lê Thị Trúc S không biết rõ địa chỉ và tên tuổi của người bán, mà chỉ liên lạc qua điện thoại rồi giao hàng và nhận tiền. Trong thời gian này S mua thêm công cụ, phương tiện như thau nhôm, cân đồng hồ … để chuẩn bị cho việc làm giả bột ngọt tại nhà của mình như sau: Lê Thị Trúc S sang chiết bột ngọt Trung Quốc từ bao 25 kg, sang qua những bao bì giả bột ngọt Ajinomoto và Saji nhiều trọng lượng khác nhau, rồi dùng máy ép miệng bao bì lại. Sau đó lấy những bọc bột ngọt đã làm giả để vào túi giấy và nịt dây lại kỹ lưỡng, nhìn vào giống như cây đường cát nhằm mục đích để qua mắt người tiêu dùng và lực lượng chức năng phát hiện. Khi các tiệm tạp hóa có nhu cầu thì Lê Thị Trúc S hoặc Lê Thị Trúc S nhờ Trần Tuấn A (T) là người ở xóm đi giao hàng và lấy tiền dùm Lê Thị Trúc S rồi Lê Thị Trúc S cho tiền Tuấn A uống cà phê. Việc mua bán bột ngọt và Knorr giả cho nhiều tiệm tạp hóa với giá rẻ từ 38.000đ đến 51.000đ cho loại bột ngọt 01kg, mỗi Kilogam bột ngọt giả thành phẩm Lê Thị Trúc S thu lợi bất chính được 5.000đ. Trong thời gian từ tháng 5 năm 2017 đến ngày bị bắt, Lê Thị Trúc S bán bột ngọt giả được khoảng 1.200kg và thu lợi bất chính với số tiền khoảng 06 triệu đồng. Riêng hạt niêm Knorr giả thì đặt mua từ Thành phố Hồ Chí Minh đem về bán lại kiếm lời chứ không có làm giả.

Bị cáo đã tự nguyện khai báo với Cơ quan điều tra 05 cửa hàng tạp hóa của chị Tạ Nguyệt H, Phan Thị L, Nguyễn Thị Ngọc S2, Lê Thị Kim L và Nguyễn Thị S1 đã mua bột ngọt giả của bị cáo, giúp cho Cơ quan điều tra nhanh chóng thu hồi những vật chứng liên quan vụ án cụ thể như: 04 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01kg; 30 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g; 32 gói bột ngọt Ajinomoto loại 400g; 125 gói bột ngọt Ajinomoto loại 100g; 22 gói bột ngọt Saji loại 500g; 18 gói hạt nêm Knorr loại 900g. Bị cáo Lê Thị Trúc S cũng tự nguyện giao nộp 01 điện thoại di động Mobile LV102 và 01 xe mô tô Yamaha cùng giấy đăng ký xe mô tô mang tên Lê Thị Trúc S, biển số kiểm soát 68T1 – 32500 là vật chứng trong vụ án.

Theo kết luận định giá số: 08 ngày 07/4/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng của huyện T, để xác định giá trị hàng giả tương đương với hàng thậtgồm:

- 129 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01kg x 58.000 đồng = 7.482.000 đồng;

- 466 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g x 28.000 đồng = 13.048.000 đồng;

- 336 gói bột ngọt Ajinomoto loại 400g x 25.000 đồng = 8.400.000 đồng;

- 148 gói bột ngọt Ajinomoto loại 100g x 7.000 đồng = 1.036.000 đồng;

- 62 gói bột ngọt loại 500g x 27.000 đồng = 1.674.000 đồng;

- 58 gói hạt nêm Knorr loại 900g x 68.000 đồng = 3.944.000 đồng.

Tổng giá trị bột ngọt Ajinomoto, Saji và hạt nêm Knorr giả có giá trị như mặt hàng thật là 35.584.000 đồng.

* Vật chứng thu giữ trong vụ án còn lại sau giám định gồm:

- 10 bao bột ngọt nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc, mỗi bao có trọng lượng 25kg;

- 124 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01kg;

- 462 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g;

- 331 gói bột ngọt Ajinomoto loại 400g;

- 142 gói bột ngọt Ajinomoto loại 100g;

- 58 gói bột ngọt Saji loại 500g;

- 54 gói hạt nêm Knorr loại 900g;

- 02 cây cân đồng hồ loại 02kg;

- 01 máy ép miệng bao bì bằng tay;

- 01 thau nhôm cỡ lớn và 06kg bao bì chưa sử dụng, nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto và Saji các loại;

- 01 điện thoại di động Mobile LV102;

- 01 xe mô tô Yamaha (Nozza) cùng giấy đăng ký xe mô tô, biển số kiểm soát 68T1 – 32500, cùng với một số bột ngọt, hạt nêm Knorr còn lại sau giám định.Trong vụ án này, quá trình điều tra xác minh cho thấy Nguyễn Minh T là chồng của bị cáo và Trần Tuấn A không biết việc bị cáo sản xuất, buôn bán bột ngọt giả nên không có cơ sở xem xét.

Tại phiên tòa, bị cáo Lê Thị Trúc S đã khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội của bị cáo đúng như nội dung vụ án đã nêu trên.

Bản cáo trạng số 14/CT-VKS-TH ngày 17/5/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Kiên Giang truy tố bị cáo Lê Thị Trúc S về tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” theo khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T vẫn giữ nguyên quan điểm truy tố đối với bị cáo Lê Thị Trúc S. Sau khi phân tích và đánh giá mức độ thực hiện hành vi phạm tội của bị cáo, đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện T đề nghị Hội đồng xét xử:

- Tuyên bố: Bị cáo Lê Thị Trúc S, phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

- Áp dụng: Khoản 1 Điều 193; điểm r, s khoản 1,2 Điều 51; điểm g khoản 1Điều 52; Điều 38 Bộ luật hình sự. Xử phạt: Bị cáo Lê Thị Trúc S - mức án từ 24 tháng đến 30 tháng tù.

- Về xử lý vật chứng:

+ Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu tiêu hủy: 10 bao bột ngọt nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc, mỗi bao có trọng lượng 25kg; 124 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01kg; 462 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g; 331 gói bột ngọt Ajinomoto loại 400g; 142 gói bột ngọt Ajinomoto loại 100g; 58 gói bột ngọt Saji loại 500g; 54 gói hạt nêm Knorr loại 900g; cùng với một số bột ngọt, hạt nêm Knorr còn lại sau giám định; 01 máy ép miệng bao bì bằng tay; 06kg bao bì chưa sử dụng, nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto và Saji các loại;

+ Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự. Đề nghị Hội đồng xét xử tịch thu sung quỹ Nhà nước: 02 cây cân đồng hồ loại 02kg; 01 thau nhôm cỡ lớn; 01 điện thoại di động Mobile LV102; 01 xe mô tô Yamaha (Nozza) cùng giấy đăng ký xe mô tô, biển số kiểm soát 68T1 – 32500.

Sau khi nghe Kiểm sát viên luận tội, bị cáo đồng ý với quan điểm truy tố và đề nghị của đại diện Viện kiểm sát đối với bị cáo. Tại phần nói lời sau cùng, bị cáo đã nhận thức rõ hành vi sai trái của mình và rất hối hận, mong Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:

[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện T, Điều tra viên, Viện kiểm sát nhân dân huyện T, Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục quy định của Bộ luật Tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có người nào có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.

[2] Lời nhận tội của bị cáo tại phiên tòa hôm nay hoàn toàn phù hợp với lời khai của bị cáo, lời khai của người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trong quá trình điều tra, phù hợp với nội dung bản Cáo trạng, kết luận điều tra, Kết luận giám định của Phòng kỹ thuật hình sự Công an tỉnh Kiên Giang. Từ đó có đủ cơ sở kết luận:

Biết được việc làm bột ngọt giả dễ làm mà lợi nhuận cao nên từ tháng 5/2017 bị cáo Lê Thị Trúc S đã đặt hàng mua nguyên liệu bột ngọt xuất xứ từ Trung Quốc, hạt nêm Knorr, bao bì giả nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto, Saji các loại thông qua điện thoại, rồi sang chiết từ bao 25 kg, sang qua những bao bì giả bột ngọt Ajinomoto và Saji với nhiều trọng lượng khác nhau, rồi mang đi tiêu thụ.

Để thực hiện việc làm giả bột ngọt thì bị cáo Lê Thị Trúc S chuẩn bị các dụng cụ làm giả bột ngọt Ajinomoto gồm: các loại bao bì bột ngọt nhãn hiệu Ajinomoto, máy ép miệng bao bì bằng tay, cân đồng hồ, thau nhôm .... Sau đó lấy những bọc bột ngọt đã làm giả để vào túi giấy và nịt dây lại kỹ lưỡng, nhìn vào giống như cây đường cát nhằm mục đích để qua mắt người tiêu dùng và lực lượng chức năng khi bị phát hiện. Khi các tiệm tạp hóa có nhu cầu thì bị cáo Lê Thị Trúc S hoặc bị cáo S nhờ Trần Tuấn A (T) là người ở xóm đi giao hàng và lấy tiền dùm cho bị cáo, bị cáo cho tiền Tuấn A 50.000đ uống cà phê. (số tiền 50.000đ là tiền thu nhập hợp pháp của bị cáo, không phải nguồn tiền thu lợi bất chính).

Hành vi của bị cáo Lê Thị Trúc S đã đủ yếu tố cấu thành tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm” được quy định tại khoản 1 Điều 193 Bộ luật Hình sự. Do đó, bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện T đã truy tố bị cáo S về tội danh và điều khoản như đã viện dẫn ở trên là có căn cứ, đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[3] Xét về tính chất, mức độ và hành vi phạm tội của bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, bị cáo thực hiện tội phạm có ý thức và với lỗi cố ý trực tiếp, vì mục đích vụ lợi mà bị cáo xâm phạm chính sách quản lý thị trường của Nhà nước, xâm phạm đến quyền, lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng, ảnh hưởng đến tính mạng, sức khỏe của người khác có thể gây ra ngộ độc hoặc tổn hại đến sức khỏe; làm mất uy tín, thương hiệu của các cơ sở sản xuất kinh doanh, đồng thời làm mất cân đối cung cầu, ảnh hưởng xấu đến nền sản xuất hàng hóa.

Hành vi sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm của bị cáo là xem thường pháp luật, gây dư luận xôn xao và bất bình trong quần chúng nhân dân, làm tăng thêm sự phức tạp về tình hình trật tự trị an tại nơi xảy ra vụ án. Do vậy, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự tương ứng với tính chất và hậu quả do hành vi phạm tội gây ra. Bị cáo là người có đủ năng lực nhận thức được hành vi của mình, bị cáo có nghề nghiệp ổn định là có tiệm tạp hóa bán tại nhà, nhưng vì động cơ vụ lợi bị cáo mua bột ngọt giả xuất xứ Trung Quốc về sang chiết để đem bán kiếm lời. Do đó, bản Cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện T đã truy tố bị cáo Trúc S theo khoản 1 Điều 193 BLHS là đúng người, đúng tội và đúng pháp luật.

[4] Về tình tiết tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Hành vi sản xuất, buôn bán bột ngọt giả của bị cáo được thực hiện từ tháng 5 năm 2017 đến 18/01/2018 thì bị bắt quả tang. Do đó, bị cáo phải chịu trách nhiệm hình sự với tình tiết tăng nặng là phạm tội từ 02 lần trở lên được quy định tại điểm g khoản 1 Điều 52 Bộ luật hình sự.

[5] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự đối với bị cáo: Hội đồng xét xử xét thấy, trong quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, bị cáo đã thừa nhận hành vi phạm tội của mình, có thái độ thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải. Chưa có tiền án, tiền sự, đồng thời đã tự thú những lần phạm tội trước đó, mà chưa bị các Cơ quan chức năng có thẩm quyền phát hiện xử lý. Mặt khác, ngày 07/5/2018 gia đình bị cáo đến Chi cục Thi hành án dân sự huyện T nộp lại số tiền 06 triệu đồng do bị cáo thu lợi bất chính mà có.

Do đó, Hội đồng xét xử áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự tại điểm r, s khoản 1 Điều 51 Bộ luật hình sự, xử phạt bị cáo một mức án thật nghiêm là cần thiết, để giáo dục, cải tạo, giúp đỡ bị cáo sửa chữa sai lầm trở thành công dân tốt có ích cho xã hội. Đồng thời cũng nhằm ngăn ngừa chung loại tội phạm này trong xã hội.

[6] Về trách nhiệm dân sự: Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị S1, bà Nguyễn Thị Ngọc S2, bà Phan Thị L, bà Tạ Nguyệt H, bà Lê Thị Kim L đã giao nộp những gói bột ngọt giả và không yêu cầu bị cáo S bồi thường nên Hội đồng xét xử miễn xét.

[7] Về xử lý vật chứng:

- 10 bao bột ngọt nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc, mỗi bao có trọng lượng25kg; 124 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01kg; 462 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g;331 gói bột ngọt Ajinomoto loại 400g; 142 gói bột ngọt Ajinomoto loại 100g; 58 gói bột ngọt Saji loại 500g; 54 gói hạt nêm Knorr loại 900g; 01 máy ép miệng bao bì bằng tay; 06kg bao bì chưa sử dụng, nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto và Saji các loại; cùng với một số bột ngọt, hạt nêm Knorr còn lại sau giám định, do không có giá trị sử dụng nên tịch thu tiêu hủy.

- 02 cây cân đồng hồ loại 02kg; 01 thau nhôm cỡ lớn; 01 điện thoại di động Mobile LV102; 01 xe mô tô Yamaha (Nozza) cùng giấy đăng ký xe mô tô mang tên Lê Thị Trúc Sinh, biển số kiểm soát 68T1 – 32.500 đây là những công cụ, phương tiện mà bị cáo dùng vào việc phạm tội nên cần tịch thu sung công quỹ Nhà nước.

[8] Về biện pháp tư pháp: buộc bị cáo Lê Thị Trúc S phải nộp lại số tiền6.000.000đ thu lợi bất chính mà có để sung vào công quỹ Nhà nước. Số tiền trên bị cáo đã nộp xong theo biên lai thu tiền số 00462 ngày 07/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Kiên Giang.

Về hình phạt bổ sung: Theo quy định tại Khoản 5 Điều 193 Bộ luật hình sự thì “Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng ...”. Xét thấy giá trị hàng giả không lớn, theo kết luận định giá số: 08 ngày 07/4/2018 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng của huyện T, để xác định giá trị hàng giả tương đương với hàng thật gồm:

- 129 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01kg x 58.000 đồng = 7.482.000đ;

- 466 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g x 28.000 đồng = 13.048.000đ;

- 336 gói bột ngọt Ajinomoto loại 400g x 25.000 đồng = 8.400.000đ;

- 148 gói bột ngọt Ajinomoto loại 100g x 7.000 đồng = 1.036.000đ;

- 62 gói bột ngọt loại 500g x 27.000 đồng = 1.674.000đ;

- 58 gói hạt nêm Knorr loại 900g x 68.000 đồng = 3.944.000đ.

Tổng giá trị bột ngọt Ajinomoto, Saji và hạt nêm Knorr giả có giá trị như mặt hàng thật là 35.584.000 đồng, nên không áp dụng hình phạt bổ sung đối với bị cáo.

Trong vụ án này, qua quá trình điều tra xác minh cho thấy Nguyễn Minh T là chồng của bị cáo Trúc S và Trần Tuấn A (T) là người chở hàng thuê cho bị cáo S nhưng không biết việc bị cáo S sản xuất, buôn bán bột ngọt giả nên không có cơ sở xem xét, là phù hợp.

[9] Về án phí: Căn cứ khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự; Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

Bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.

Vì các lẽ trên;

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên bố: Bị cáo Lê Thị Trúc S phạm tội “Sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm”.

Áp dụng: Điều 38; điểm r, s khoản 1, 2 Điều 51, điểm g khoản 1 Điều 52; khoản 1 Điều 193 Bộ luật hình sự.

Xử phạt: Bị cáo Lê Thị Trúc S 02 (hai) năm tù. Được khấu trừ thời hạn tạm giam từ ngày 18/01/2018 đến ngày 26/01/2018 là 08 ngày. Thời hạn tù còn lại là 01 (một) năm 11 (mƣời một) tháng 22 (hai mƣơi hai) ngày tù. Thời hạn tù tính kể từ ngày bị cáo vào chấp hành án.

2. Về xử lý vật chứng:

- Áp dụng điểm c khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu tiêu hủy:10 bao bột ngọt nguyên liệu xuất xứ từ Trung Quốc, mỗi bao có trọng lượng 25kg; 124 gói bột ngọt Ajinomoto loại 01kg; 462 gói bột ngọt Ajinomoto loại 454g; 331 gói bột ngọt Ajinomoto loại 400g; 142 gói bột ngọt Ajinomoto loại 100g; 58 gói bột ngọt Saji loại 500g; 54 gói hạt nêm Knorr loại 900g; 06 kg bao bì chưa sử dụng, nhãn hiệu bột ngọt Ajinomoto và Saji các loại; cùng với một số bột ngọt, hạt nêm Knorr còn lại sau giám định; 01 máy ép miệng bao bì bằng tay;

- Áp dụng điểm a khoản 2 Điều 106 Bộ luật tố tụng hình sự, tịch thu sung quỹ nhà nước: 02 cây cân đồng hồ loại 02 kg; 01 thau nhôm cỡ lớn; 01 điện thoại di động Mobile LV102; 01 xe mô tô Yamaha (Nozza) cùng giấy đăng ký xe mô tô mang tên Lê Thị Trúc S, biển số kiểm soát 68T1 – 32500.

Các vật chứng trên, hiện Cơ quan Thi hành án dân sự huyện T đang quản lý theo quyết định chuyển giao vật chứng số 10/QĐ-VKS-TH ngày 17/5/2018 của Viện kiểm sát nhân dân huyện T, tỉnh Kiên Giang.

3. Về biện pháp tư pháp: buộc bị cáo Lê Thị Trúc S phải nộp lại số tiền 6.000.000đ do thu lợi bất chính mà có để sung vào công quỹ Nhà nước. Số tiền trên bị cáo đã nộp xong theo biên lai thu tiền số 00462 ngày 07/5/2018 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Kiên Giang.

4. Về án phí hình sự sơ thẩm: Áp dụng khoản 2 Điều 136 Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Tòa án.

- Buộc bị cáo Lê Thị Trúc S phải nộp 200.000đ (Hai trăm nghìn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.

5. Quyền kháng cáo: Báo cho bị cáo, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày, kể từ ngày tuyên án sơ thẩm. Riêng bà Nguyễn Thị S1, bà Nguyễn Thị Ngọc S2, bà Phan Thị L, bà Tạ Nguyệt H, bà Lê Thị Kim L vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo được tính kể từ ngày nhận được bản án hoặc bản án được niêm yết tống đạt hợp lệ.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án theo quy định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy đinh tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

926
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 13/2018/HSST ngày 26/06/2018 về tội sản xuất, buôn bán hàng giả là lương thực, thực phẩm, phụ gia thực phẩm

Số hiệu:13/2018/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Tân Hiệp - Kiên Giang
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 26/06/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;