Bản án 48/2020/KDTM-PT ngày 13/08/2020 về tranh chấp hợp đồng góp vốn

TÒA ÁN NHÂN DÂN CẤP CAO TẠI THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

BẢN ÁN 48/2020/KDTM-PT NGÀY 13/08/2020 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GÓP VỐN

Ngày 13 tháng 8 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh xét xử phúc thẩm vụ án kinh doanh thương mại thụ lý số 55/2017/TLPT-KDTM ngày 18 tháng 12 năm 2017về “Tranh chấp hợp đồng góp vốn”. Do bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 973/2016/KDTM-ST ngày 19 tháng 9 năm 2016 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 731/2020/QĐ-PT ngày 18 tháng 5 năm 2020 giữa các đương sự:

Nguyên đơn: Ông Nguyễn Thái B.

Địa chỉ: Số 10, Đường 18, khu phố 1, phường T, Quận P, Thành phố Hồ Chí Minh (vắng mặt)

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn: Luật sư Cao Thanh T- Văn phòng luật sư L, thuộc Đoàn luật sư thành phố Hải Phòng(có mặt).

Bị đơn: Bà M.

Địa chỉ: J street, Ultimo, NSW 2007-Australia.

Địa chỉ liên hệ: 184 đường L, phường Đ, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Nguyễn Thanh Đ, sinh năm 1970. Địa chỉ: Đường số 13, phường B, quận Th, Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Luật sư Tôn Long T1 - Văn phòng luật sư S, thuộc Đoàn luật sư Thành phố Hồ Chí Minh (có mặt).

NỘI DUNG VỤ ÁN

Nguyên đơn - ông Nguyễn Thái B trình bày:

Vào năm 2009, bà M - Giám đốc Công ty A, gọi vốn đầu tư thành lập Trường A1 (gọi tắt là A1), tại thành phố Sydney, bang New SouthWales, vì vậy vào ngày 20/02/2009, tại Thành phố Hồ Chí Minh, ông và ba người bạn gồm: Ông Nguyễn Hữu Ngh, bà Lý Thị Thu H, ông Dương Hồng H1 đã cùng nhau ký Hợp đồng số 01/2009/GVĐT với bà M. Tổng số tiền huy động là 500.000 đô la Úc. Sau đó bà M nâng tổng mức đầu tư dự án lên 700.000 đô la Úc, nên ông cùng với ông Ngh, bà H, ông H1 đã ký hợp đồng số 02B/2009/HDTD ngày 08/03/2009 để thay thế hợp đồng số 01/2009/GVĐT nêu trên, cụ thể số tiền góp vốn đầu tư của mỗi người như sau:

+ Ông góp 175.000 đô la Úc, chiếm 25% tổng vốn đầu tư;

+ Bà M góp 210.000 đô la Úc, chiếm 30% tổng vốn đầu tư;

+ Ông Nguyễn Hữu Ngh góp 70.000 đô la Úc, chiếm 10% tổng vốn đầu tư;

+ Bà Lý Thị Thu H góp 70.000 đô la Úc, chiếm 10% tổng vốn đầu tư;

+ Ông Dương Hồng H1 góp 175.000 đô la Úc, chiếm 25% tổng vốn đầu Việc đầu tư này được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đầu tư ra nước ngoài số 235/BKH-ĐTRNN ngày 06/05/2009. Tính đến tháng 04/2009, ông đã thực giao cho bà M bằng tiền đồng Việt Nam tương đương với số tiền 111.250 đô la Úc tại Thành phố Hồ Chí Minh. Khi nhận tiền xong, bà M không tiến hành triển khai bất cứ một hoạt động đầu tư nào. Ngày 29/12/2009, các cổ đông họp lại với nhau. Sau cuộc họp bà M xác nhận số dư thực tế góp vốn của từng thành viên và thống nhất sẽ chuyển tiếp số tiền góp vốn này thành cổ phần góp vốn riêng lẻ cho từng cá nhân khi được góp vốn vào trường mới. Từ đó đến ngày có đơn khởi kiện, các cổ đông luôn tìm hiểu, thậm chí bản thân ông qua tận nước Úc để kiểm tra, nhưng bị đơn hoàn toàn không tiến hành bất cứ thủ tục nào để xin thành lập trường ở bên Úc, mà lại chiếm dụng sốtiền các cổ đông làm ăn và mở trường tại Thành phố Hồ Chí Minh, cụ thể là Trường Trung - Tiểu học U có địa chỉ trụ sở ở Số 31, Đường Ng, phường X, quận T, Thành phố Hồ Chí Minh và đây cũng là địa chỉ tạm trú hiện tại ở Việt Nam của bà M. Thời gian qua ông cùng với những người góp vốn luôn tìm mọi cách để gặp bị đơn, nhưng bị đơn luôn cố tình tránh mặt.

Nay ông yêu cầu bà M phải trả lại cho ông số tiền 111.250 đô la Úc (tỷ giá 16.500 đồng/AUD) tương đương 1.835.625.000 đồng (tỷ giá 16.500 đồng/AUD) và tiền lãi phát sinh tính từ ngày 15/02/2012 đến ngày xét xử sơ thẩm (tháng 06/2016) là 4 năm 4 tháng (52 tháng) x 0,5%/tháng x 1.835.625.000 đồng = 477.262.500 đồng, tổng cộng vốn, lãi là 2.312.887.500 đồng.

Bị đơn - bà M trình bày:

Bà M thừa nhận có ký hợp đồng góp vốn như nguyên đơn trình bày, nhưng tiền việc góp vốn đã đưa vào chi phí thành lập công ty tại Úc. Theo quy định của pháp luật Úc thì phải thành lập công ty, sau khi có giấy phép hoạt động của công ty thì các thành viên công ty mới tiến hành các bước tiếp theo để hoàn thiện dự án thành một lập trường đào tạo. Khi hoàn thành các bước này rồi thì Nhà nước Úc mới cấp giấy phép cho trường hoạt động. Các bên góp vốn đã chấm dứt, không hợp tác với bà M để làm bước tiếp theo nên yêu cầu đòi lấy lại vốn đã góp của nguyên đơn là không đúng. Bà M không đồng ý theo yêu cầu của nguyên đơn.

Tại Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 973/2016/KDTM-ST ngày 19 tháng 9 năm 2016, Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh quyết định:

Áp dụng:

- Điều 30, khoản 3 Điều 35, Điều 37, Điều 38, Điều 39, Điều 147, điểm b khoản 2 Điều 227 và khoản 3 Điều 228 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;

- Điều 306 Luật Thương mại;

- Pháp lệnh số 10/2009/UBTVQH12 ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí, lệ phí Toà án, Xử:

1/ Chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn ông Nguyễn Thái B.

Bị đơn bà M có trách nhiệm hoàn trả lại cho ông B số tiền vốn đầu tư 111.250 đô la Úc tương đương 1.874.562.500 đồng và 515.504.687 đồng tiền lãi. Tổng cộng vốn, lãi là 2.390.067.187 (hai tỷ, ba trăm chín mươi triệu, không trăm sáu mươi bảy ngàn, một trăm tám mươi bảy) đồng.

Ngoài ra, bản án sơ thẩm còn tuyên vê án phí và quyền kháng cáo, kháng nghị theo luật định.

Sau khi xét xử sơ thẩm, bà M (bị đơn) kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm.

Tại phiên tòa phúc thẩm:

Bà M, người đại diện theo ủy quyền của bà M và Luật sư Tôn Long T1 trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà M vì bà Huynh không được triệu tập hợp lệ để tham gia tố tụng bảo vệ quyền lợi cho mình; vốn góp đã chi phí cho việc thành lập công ty chung của những người góp vốn chứ không phải bà M được sử dụng cá nhân; do tiếng Việt và chữ Việt không rành nên khi ông B đưa văn bản cho bà M ký thì có tiêu đề là các Giấy xác nhận vốn góp, nhưng những dòng cuối thì lại ràng buộc phải trả lại tiền vốn góp. Khi ký giấy này thì bà cứ nghị là ký để xác định vốn góp chứ không để ý hàng chữ cuối nên mới ký. Nếu đọc kỹ hàng chữ này thì bà sẽ không ký, vì thực tế vốn đã sử dụng vào việc thành lập công ty nên không thể nào bà bỏ tiền của mình ra trả lại cho ông B và những người góp vốn khác được. Bà M đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Nguyễn Thái B trình bày: Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận kháng cáo của bà M, giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Đại diện Viện kiểm sát nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm giải quyết vụ án:

Tòa án cấp sơ thẩm chưa tống đạt hợp lệ cho bị đơn là bà M. Trong quá trình giải quyết vụ án thì bà M cũng không tham gia tố tụng. Do đó, có căn cứ xác định Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng. Đề nghị Tòa án nhân dân cấp cao tại Thành phố Hồ Chí Minh hủy bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xử lại theo thủ tục sơ thẩm

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về tố tụng:

[1.1] Đơn kháng cáo , nghĩa vụ nộp tạm ứng án phí c ủa đương sự đã thực hiện đúng theo quy định của pháp luât.

[1.2] Nguyên đơn ông Nguyễn Thái B đã được Tòa án triệu tập hợp lệ đến lần thứ 02 nhưng vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng. Do đó, Hội đồng xét xử vẫn tiến hành xét xử vụ án.

[1.3] Về người tham gia tố tụng:

Tòa án xác định quan hệ tranh chấp là “Tranh chấp hợp đồng góp vốn”. Tuy nhiên, theo các Hợp đồng góp vốn, ngoài bà M và ông Nguyễn Thái B tham gia góp vốn thì còn các thành viên khác cùng tham gia góp vốn là ông Nguyễn Hữu Ngh, ông Dương Hồng H1 và bà Lý Thị Thu H cùng tham gia góp vốn. Tuy chỉ có ông B khởi kiện yêu cầu bà M trả lại phần vốn góp của ông B vào công ty, nhưng việc phải đưa ông Ngh, ông H1, bà H là rất cần thiết cho việc giải quyết vụ án. Tòa án cấp sơ thẩm không đưa hết các thành viên góp vốn vào tham gia tố tụng là thiếu sót.

[2] Về nội dung:

[2.1] Bà M xác định trước khi ký hợp đồng góp vốn giữa bà M, ông B, ông Ngh, ông H1 và bà H có bàn bạc đầu tư thành lập Trường A1 (gọi tắt là A1), tại thành phố Sydney, bang New SouthWales. Bà M có thông báo cho các bên góp vốn rõ là nếu thành lập trường thì trước hết phải thành lập một Công ty trước, đồng thời phải có đầy đủ cơ sở vật chất trang thiết bị, chương trình, kế hoạch giảng dạy… thì Chính phủ Australia mới cấp giấy phép cho thành lập trường và được các bên góp vốn đồng ý. Ngày 20/02/2009, bàM mời các ông/ bà B, Ngh, H1, H ký Hợp đồng số 01/2009/GVĐT cùng với bà M. Tổng số tiền huy động là 500.000 đô la Úc.Sau đó bà Mđã thực hiện các thủ tục hợp thức vốn góp của các thành viên và phía Australia hoàn tất thủ tục hợp thức vốn góp vào ngày 06/3/2009. Tiếp theo bà M tiến hành các thủ tục thành lập Công ty. Các khoản tiền các thành viên góp vốn đã chi phí cho nhiều khoàn trong việc thành lập Công ty, thuê mặt bằng…Bà M cho rằng nếu các thành viên cần rút vốn ra thì phải rút từ Công ty chứ bà M không có trách nhiệm trả. Các biên nhận bà M ký xác nhận là xác nhận việc góp vốn chứ không phải ký nhận nợ các thành viên góp vốn.

Về “Bản xác nhận dư nợ góp vốn” ngày 29/12/2009 bà M cho rằng ý chí lúc đó bà nghĩ rằng chỉ ký xác nhận ông B đã góp 56.500AUD chứ không đọc kỹ nội dung buộc bà M phải trả cho ông B khoản tiền này. Nếu đọc kỹ hàng chữ này thì bà sẽ không ký, vì thực tế vốn đã sử dụng vào việc thành lập công ty nên không thể nào bà bỏ tiền của mình ra trả lại cho ông B và những người góp vốn khác được.

[2.2] Ngoài ra, trong hồ sơ vụ án còn có bản thỏa thuận chuyển nhượng vốn ngày 07/12/2009 giữa ông B với bà M cũng chưa được làm rõ.

[2.3] Lẽ ra, Tòa án cấp sơ thẩm phải làm rõ thực tế sau khi góp vốn, số tiền ông B góp đã được đưa vào đầu tư vào Công ty tại Australia chưa, hay là bà M sử dụng số tiền này vào mục đích riêng của bà M. Vì sao có các biên nhận ngày 16/6/2009; 28/4/2009 và 20/4/2009 lại ghi là góp vốn chứ không phải ghi nộp tiền cho bà M, bản chất của việc này là ông B nhờ bà M nộp tiền vào Công ty hay giao tiền cho cá nhân bà M. Vì sao 03 biên nhận này cộng lại là 111.250 AUD, nhưng giấy xác nhận góp vốn ngày 29/12/2009 chỉ có 56.500 AUD. Theo biên bản thỏa thuận góp vốn này thì ông B chuyển nộp 15% vốn góp vào Công ty A1 cho bà M 84.750 AUD, sau khi cấn trừ các khoản nợ đọng thì bà M phải trả cho ông B 52.750 AUD trong vòng 30 ngày. Như vậy, giao dịch này là như thế nào, thủ tục chuyển nhượng đã thực hiện đến đâu, vì sao ông B lại xác định bà M phải trả 111.250 AUD.Toàn bộ các mâu thuẫn nêu trên chưa được Tòa án cấp sơ thẩm làm rõ, nhưng đã tuyên buộc bà M trả cho ông B 111.250 AUD là chưa đủ cơ sở.

[3]Từ những phân tích nêu trên Hội đồng xét xử xét thấy, Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm tố tụng, chưa thu thấp đầy đủ chứng cứ mà tại phiên tòa phúc thẩm không khắc phục được. Việc thiếu sót này ảnh hưởng đến quyền lợi hợp pháp của các đương sự. Do đó, Hội đồng xét xử hủy toàn bộ bản án sơ thẩm, chuyển hồ sơ về cho Tòa án cấp sơ thẩm xét xử lại theo quy định của pháp luật.

[4] Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Người kháng cáo không phải chịu.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 3 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015;

Căn cứ Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần kháng cáo của bà M.

2. Hủy toàn bộ Bản án kinh doanh thương mại sơ thẩm số 973/2016/KDTM-ST ngày 19 tháng 9 năm 2016 của Toà án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh.

3. Chuyển hồ sơ cho Tòa án nhân dân Thành phố Hồ Chí Minh xét xử lại theo quy định của pháp luật.

Về án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm: Bà M không phải chịu.

Trả lại cho bà M số tiền 2.000.000 đồng tạm ứng án phí kinh doanh thương mại phúc thẩm theo biên lai thu số 0048164 ngày 16 tháng 11 năm 2017 của Cục Thi hành án dân sự Thành phố Hồ Chí Minh.

4. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án. 

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

581
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

 Bản án 48/2020/KDTM-PT ngày 13/08/2020 về tranh chấp hợp đồng góp vốn

Số hiệu:48/2020/KDTM-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân cấp cao
Lĩnh vực:Kinh tế
Ngày ban hành: 13/08/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;