TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐẮK LẮK
BẢN ÁN 25/2021/DS-PT NGÀY 26/01/2021 VỀ TRANH CHẤP HỢP ĐỒNG GÓP VỐN
Ngày 26 tháng 01 năm 2021, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Đắk Lắk xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 187/2020/TLPT-DS ngày 05 tháng 10 năm 2020, về việc “Tranh chấp hợp đồng dân sự”.
Do bản án dân sự sơ thẩm số: 06/2020/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 240/2020/QĐ-PT ngày 20 tháng 11 năm 2020, giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Ông Nguyễn Văn T, sinh năm 1961; địa chỉ: Buôn Y, xã N, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn: Ông Lê Thanh K, sinh năm 1990; địa chỉ: Phường T2, thành phố T1, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.
2. Bị đơn: Ông Hoàng Phú B, sinh năm 1952 và bà Chu Thị C, sinh năm 1962; cùng địa chỉ: Buôn Y, xã N, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; ông B và bà C có mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn: Ông Dương Lê S; địa chỉ: Phường T3, Thành phố T1, tỉnh Đắk Lắk; có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Đoàn Thị N1, sinh năm 1963; địa chỉ: Xã M, huyện R, tỉnh Lâm Đồng;
vắng mặt.
Người đại diện theo ủy quyền của bà Đoàn Thị N1: Ông Lê Thanh K.
- Ông Lưu Trần T4, sinh năm 1977; địa chỉ: Số nhà 11, Xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt.
- Ông Nguyễn Văn T5, sinh năm 1971; địa chỉ: Thị trấn V, huyện H1, tỉnh Lâm Đồng; vắng mặt.
4. Người làm chứng:
- Ông Lê Thành T6, sinh năm 1979; địa chỉ: Xã Đ, huyện H1, tỉnh Lâm Đồng; vắng mặt.
- Ông Hoàng Nam P, sinh năm 1967; địa chỉ: Xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk;
vắng mặt.
- Chị Vũ Thị T7, sinh năm 1983; địa chỉ: Xã R1, huyện R, tỉnh Lâm Đồng;
vắng mặt.
- Ông Đỗ Mạnh C1, sinh năm 1967; địa chỉ: Xã H, huyện K, tỉnh Đắk Lắk;
vắng mặt.
- Ông Mỗ Văn T8, sinh năm 1984; địa chỉ: Buôn Y, xã N, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt.
- Bà Nguyễn Thị M1, sinh năm 1961; địa chỉ: Xã R1, huyện R, tỉnh Lâm Đồng; vắng mặt.
- Ông Hoàng Văn S1, sinh năm 1956; địa chỉ: Buôn Y, xã N, huyện L, tỉnh Đắk Lắk; vắng mặt.
- Ông Cao Thế T9, sinh năm 1985; địa chỉ: Xã R1, huyện R, tỉnh Lâm Đồng;
vắng mặt.
5. Người kháng cáo: Ông Lê Thanh K.
NỘI DUNG VỤ ÁN
* Người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn ông Nguyễn Văn T là ông Lê Thanh K trình bày:
Năm 2011, ông Nguyễn Văn T có sang nhượng của vợ chồng ông Lê Văn Q và bà Y1 Rơ Yam, địa chỉ: thị trấn S1, huyện L, tỉnh Đắk Lắk 01 lô đất có diện tích là 4.400 m2 tọa lạc tại buôn Y, xã N, huyện L. Việc sang nhượng được lập thành văn bản và đã được Uỷ ban nhân dân xã N xác nhận. Sau khi nhận chuyển nhượng, gia đình ông T xây dựng nhà ở và sinh sống ổn định trên đất này từ đó đến nay.
Năm 2013, do được người quen giới thiệu nên vợ chồng ông Hoàng Phú B và bà Chu Thị C đến gặp ông Nguyễn Văn T thỏa thuận việc góp vốn để xây dựng lò sấy nông sản tại buôn Y, xã N, huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
Sau khi bàn bạc thỏa thuận, hai bên thống nhất vợ chồng ông B, bà C góp số tiền 260.000.000 đồng còn ông Nguyễn Văn T góp số tiền 220.000.000 đồng để xây dựng lò sấy trên một phần diện tích đất của ông T. Về việc phân chia lợi nhuận thì thỏa thuận là chia đôi, mỗi bên hưởng một nửa lợi tức. Khi góp vốn hai bên không thỏa thuận là sẽ hợp tác trong thời gian bao lâu và cũng không thỏa thuận phương án giải quyết phần góp vốn của mỗi bên khi chấm dứt việc hợp tác. Toàn bộ các thoả thuận về việc góp vốn xây dựng lò sấy kinh doanh chung, hai bên đều thỏa thuận bằng lời nói với nhau chứ không lập thành văn bản.
Về quá trình thực hiện việc góp vốn làm ăn thì lò sấy bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2013 đến tháng 6/2013 bắt đầu đi vào hoạt động. Tổng số tiền cả hai bên cùng góp vốn để xây dựng hết 480.000.000 đồng. Trong đó ông T góp 220.000.000 đồng còn vợ chồng ông B, bà C góp 260.000.000 đồng.
Các khoản ông T đóng góp cụ thể như sau:
- Trả tiền làm nhà khung sắt, mái lợp tôn cho ông T5: 60.000.000 đồng;
- Trả tiền làm 72m2 phên lò sấy cho ông Lưu Trần T4: 56.000.000 đồng;
- Trả tiền làm mái che, gàu múc, thùng trấu cho ông Lưu Trần T4:
95.000.000 đồng;
- Trả tiền mua mô tơ điện cho điện cơ MT: 9.000.000 đồng.
Đến tháng 6/2013 lò sấy đi vào hoạt động nhưng do bận công việc làm ăn lại hay thường xuyên xa nhà nên ông T giao mọi việc để vợ chồng ông B, bà C thay ông T trông coi và điều hành, quản lý việc kinh doanh. Mặc dù, lò sấy hoạt động có phát sinh lợi nhuận nhưng không biết vì lý do gì, ông B, bà C chưa từng trả tiền lợi nhuận thu được cho ông T nên hai bên xảy ra tranh chấp và ông Hoàng Phú B đã gây thương tích cho ông T.
Vợ chồng ông B, bà C đã lợi dụng sự tin tưởng của ông T để ông T giao tiền góp vốn làm ăn chung rồi sau đó lại lật lọng, không chịu trả lợi nhuận cho ông T và ngang nhiên chiếm đoạt toàn bộ tài sản mà ông T đã bỏ tiền ra xây dựng lò sấy trên đất gây thiệt hại đến quyền và lợi ích của gia đình ông T.
Nay ông Nguyễn Văn T yêu cầu vợ chồng ông Hoàng Phú B và bà Chu Thị C phải trả cho ông T số tiền mà ông đã bỏ ra góp vốn để xây dựng lò sấy trên đất là 220.000.000đ (hai trăm hai mươi triệu đồng). Buộc ông B và bà C phải thanh toán lợi nhuận thu được từ lò sấy cho ông T.
Trước đây ông T có yêu cầu ông B, bà C phải tháo dỡ và di dời toàn bộ tài sản ra khỏi diện tích 520m2 đất để trả lại hiện trạng ban đầu cho gia đình ông T. Tuy nhiên, hiện tại lò sấy nông sản đã bị tháo dỡ phần mái tôn và cột kèo sắt, chỉ còn lại phần tường xây đã đổ sập, hư hỏng nên nguyên đơn yêu cầu phía bị đơn tháo dỡ, thu dọn chuyển toàn bộ những mảng tường xây, gạch đá còn sót lại ra khỏi đất của nguyên đơn.
* Người đại diện theo ủy quyền của bị đơn ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C là ông Dương Lê S trình bày:
Vợ chồng ông Hoàng Phú B và bà Chu Thị C không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T đưa ra. Trước đây, chỉ vì tin lời ông T trong việc cúng bái và xem phong thủy mà vợ chồng ông B, bà C đã nộp cho ông T với số tiền gần 150.000.000 đồng. Không những vậy, vợ chồng ông B, bà C còn bỏ ra toàn bộ vốn liếng của mình để xây dựng lò sấy trên đất của ông T.
Khi xây dựng lò sấy hai bên không thỏa thuận ngay từ đầu số vốn góp của mỗi bên mà làm tới đâu góp tới đó. Hai bên không thỏa thuận sẽ hợp tác trong thời gian bao lâu và cũng không thỏa thuận phương án giải quyết phần góp vốn của mỗi bên khi chấm dứt việc hợp tác. Việc phân chia lợi nhuận thì không nhất thiết phải chia đôi mà có lãi như thế nào rồi mới thống nhất chia. Toàn bộ các thoả thuận về việc góp vốn xây dựng lò sấy kinh doanh chung, hai bên đều thỏa thuận bằng lời nói với nhau chứ không lập thành văn bản.
Về quá trình thực hiện việc góp vốn làm ăn thì lò sấy bắt đầu xây dựng từ tháng 5/2013 đến tháng 5/2014 mới bắt đầu đi vào hoạt động. Tổng số tiền cả hai bên cùng góp vốn để xây dựng hết 544.582.000 đồng. Trong đó, ông T đã bỏ ra số tiền 154.530.000 đồng trừ đi 30.000.000 đồng làm đường đi vào lò sấy thì ông T đầu tư vào lò sấy số tiền 124.530.000 đồng, còn vợ chồng ông B, bà C góp 420.052.000 đồng.
Ông B, bà C diễn giải các khoản đóng góp như sau:
- Trả tiền làm nhà khung sắt, mái lợp tôn cho ông T5: 60.000.000 đồng (còn lại 36.000.000 đồng không trả do sắt nhỏ quá, nhà lò sấy yếu);
- Trả tiền làm lò đốt cho ông Đỗ Mạnh C1: 28.500.000 đồng;
- Trả tiền làm 72m2 phên lò sấy cho ông Lưu Trần T4: 56.000.000 đồng;
- Trả tiền làm mái che cho ông Lưu Trần T4: 65.000.000 đồng;
- Trả tiền mua mô tơ điện cho điện cơ MT: 9.000.000 đồng;
- Chi các khoản lặt vặt để xây dựng: 15.740.000 đồng;
- Trả tiền vật liệu xây dựng KT: 80.579.000 đồng;
- Chi cho ông T kéo điện 03 pha: 15.000.000 đồng;
- Tiền ăn thợ xây từ 02/5 đến 14/5/2013: 4.008.000 đồng;
- Trả tiền công thợ xây cho ông Hoàng Nam P (P1): 22.140.000 đồng;
- Chi tiền ăn phục vụ xây lò sấy: 49.948.000 đồng;
- Tiền công làm nền và xây lặt vặt: 13.625.000 đồng;
- Đổi mô tơ điện bù thêm: 6.500.000 đồng;
- Làm ống khói, cống, giếng: 11.822.000 đồng;
- Kéo điện, đổi đăng ký kinh doanh: 10.000.000 đồng. Tổng cộng các khoản là: 447.862.000 đồng.
Từ khi bắt đầu đi vào hoạt động thì ông T và ông B, bà C thay nhau trực tiếp điều hành, quản lý nhà máy xay xát. Tuy nhiên, đến khoảng tháng 5/2014 hai bên thường xuyên xảy ra mâu thuẫn. Từ tháng 10/2014 do ông T cắt hết điện hoạt động kinh doanh nên lò sấy không thể đi vào hoạt động và bỏ không có ai quản lý, trông coi, điều hành. Đến tháng 01/2015 ông B, bà C mới đi đăng ký kinh doanh và bắt đầu hoạt động lò sấy trở lại.
Từ tháng 01/2015, công việc điều hành, quản lý lò sấy do vợ chồng ông B, bà C trực tiếp làm. Lò sấy chỉ hoạt động được 03 tháng trong năm vào vụ bắp và cà phê nhưng do không hiểu biết làm ăn nên mặc dù đi vào hoạt động lại nhưng lò sấy vẫn thua lỗ triền miên và không có lợi nhuận gì, do vậy phía ông B, bà C vẫn chưa đưa cho ông T một khoản tiền nào từ việc kinh doanh.
Tại phiên tòa hôm nay, người đại diện theo ủy quyền của ông B, bà C cho rằng ông T chỉ cho ông B, bà C mượn đất để xây dựng lò sấy chứ giữa hai bên hoàn toàn không có việc góp vốn xây dựng lò sấy để cùng kinh doanh. Sở dĩ trước đây khai, ông T có góp vốn làm chung lò sấy là do lúc đấy người đại diện hợp pháp của ông B, bà C chưa nghiên cứu kỹ tài liệu, chứng cứ do bị đơn cung cấp. Về sau đối chiếu, rà soát lại các khoản trong cuốn sổ ghi chép của bà C thì thấy không có việc ông T góp vốn xây dựng lò sấy. Hiện nay lò sấy đã hư hỏng hết không còn gì, phía nguyên đơn yêu cầu yêu cầu phía bị đơn tháo dỡ, thu dọn chuyển toàn bộ những mảng tường xây, gạch đá còn sót lại ra khỏi đất của nguyên đơn thì bị đơn đồng ý.
Đối với yêu cầu khởi kiện của ông T về việc yêu cầu ông B, bà C phải trả số tiền 220.000.000 đồng thì ông B, bà C không chấp nhận trả. Quá trình giải quyết vụ án ông B và bà C có xuất trình 02 biên lai gửi tiền vào tài khoản của ông T tổng số tiền 260.000.000 đồng. Đối với khoản tiền này ông B, bà C sẽ khởi kiện sau, không yêu cầu giải quyết ở vụ án này.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là bà Đoàn Thị N1 trình bày:
Bà N1 là vợ của ông T, nay ông T khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Hoàng Phú B và bà Chu Thị C phải trả lại số tiền 220.000.000đ cho ông T thi bà N1 hoàn toàn đồng ý và không có ý kiến gì thêm.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Lưu Trần T4 trình bày:
Giữa ông T4 với nguyên đơn và bị đơn không có mối quan hệ gì. Thông qua sự giới thiệu của một số người nên nguyên đơn và bị đơn đã thuê ông T4 làm lò sấy. Sau đó, vào ngày 12/6/2013, ông T4 có nhận làm phên lò sấy cho ông T với số tiền phải thanh toán là 56.000.000đ, sau đó vào ngày 26/5/2013 bà C đã thanh toán đầy đủ. Ngày 13/7/2013, ông T4 nhận làm mái che, gàu múc, thùng trấu cho ông T. Sau đó bà C đã thanh toán 65.000.000đ làm mái che, còn tổng số tiền làm gàu tải và 02 thùng trấu là 21.000.000đ ông T đã trực tiếp trả 10.000.000đ. Hiện tại ông T và ông B, bà C vẫn còn nợ lại ông T4 tiền gàu múc còn thiếu là 11.000.000đ, bản thân ông T thì nợ riêng ông T4 36.800.000đ tiền làm rơ moóc máy cày.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Nguyễn Văn T5 trình bày:
Giữa ông T5 với nguyên đơn và bị đơn không có mối quan hệ gì. Nguyên đơn là khách hàng của ông T5. Vào ngày 22/5/2013, giữa ông T và ông T5 có ký hợp đồng thi công nhà bằng sắt cho ông T với tổng giá trị là 108.000.000đ. Thời gian thi công là 30 ngày kể từ ngày 22/5/2013 đến ngày 22/6/2013. Sau khi nghiệm thu công trình thì ông T đã thanh toán cho ông T5 xong 60.000.000đ, còn lại 48.000.000đ ông T có hẹn là ngày 22/7/2013 sẽ trả nốt cho ông T5.
* Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông Đỗ Mạnh C1 trình bày:
Giữa ông C1 và ông T không có mối quan hệ gì. Do có sự giới thiệu nên ông T đã thuê ông C1 thi công hai lò đốt và lắp ráp hai mô tơ kéo quạt lò sấy. Hai bên chỉ thỏa thuận bằng miệng về tổng cộng các khoản thi công là 28.500.000đ (Hai mươi tám triệu năm trăm nghìn đồng). Ông C1 đã thực hiện đầy đủ và hoàn thành công việc như đã giao kết. Cũng khoảng thời điểm đó, ông C1 đã nhận đủ số tiền 28.500.000đ từ ông B, bà C và không có ý kiến gì thêm.
* Những người làm chứng là anh Mỗ Văn T8, anh Cao Thế T9, ông Hoàng Văn S1 và bà Nguyễn Thị M1 trình bày:
Anh T8, anh T9, ông S1, bà M1 không có mối quan hệ gì với ông T, ông B, bà C. Anh T8, anh T9, ông S1 là những người làm công theo hợp đồng. Trong thời gian làm công tại nhà ông B, bà C thì anh Trường, anh T8 và ông S1 đã được ông B, bà C thanh toán đầy đủ tiền công. Theo đó, anh T8 được thanh toán 3.400.000đ (17 ngày, mỗi ngày 200.000đ). Anh T9 được thanh toán 15.000.000đ tiền bắc điện. Ông S1 được thanh toán 600.000đ (03 ngày, mỗi ngày 200.000đ). Đối với bà M1 thì bà không biết việc trả tiền công cho ông Nguyễn Văn T5 làm xưởng và chi ăn uống trong quá trình xây dựng lò sấy của ông B, bà C.
Tại bản án dân sự sơ thẩm 06/2020/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Đắk Lắk đã quyết định:
Căn cứ vào các Điều 388, 389, khoản 1 Điều 401, khoản 3 Điều 404 và Điều 405 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 144, 147, khoản 1 Điều 165, khoản 2 Điều 266 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015;
khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Toà án.
Tuyên xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T, buộc ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C phải thanh toán cho ông Nguyễn Văn T 14.485.000 đồng.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 10%/năm.
2. Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn T đối với số tiền 205.515.000 đồng.
3. Giao cho ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C tiếp tục quản lý, sử dụng toàn bộ các hạng mục còn lại của lò sấy có giá trị 63.475.000 đồng, gồm: 02 tấm phên của 02 lò sấy, 02 mô tơ và cánh quạt bầu lò, 01 gàu tải và mô tơ gàu tải, 02 thùng trấu, 08 vì kèo sắt dài 10m, 10 cột sắt dài khoảng 5,5m, 04 trụ sắt dài khoảng 06m và 06 trụ sắt bị gãy.
4. Công nhận sự thỏa thuận giữa ông Nguyễn Văn T và ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C về việc ông B, bà C có trách nhiệm tháo dỡ, thu dọn chuyển toàn bộ những mảng tường xây, gạch đá còn sót lại của lò sấy ra khỏi đất của ông T.
5. Về chi phí định giá: Ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C phải chịu toàn bộ chi phí định giá là 2.600.000 đồng. Bà C đã thanh toán chi phí định giá lần 02 là 600.000 đồng. Ông Nguyễn Văn T đã thanh toán chi phí định giá lần 01 là 2.000.000 đồng, bà C, ông B có trách nhiệm hoàn trả cho ông T 2.000.000 đồng.
Ngoài ra, Tòa án cấp sơ thẩm còn tuyên về án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Sau khi xét xử sơ thẩm, ngày 19/8/2020, người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Lê Thanh K kháng cáo một phần bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm sửa án theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T.
Tại phiên tòa phúc thẩm đại diện uỷ quyền của người khởi kiện giữ nguyên nội dung yêu cầu khởi kiện và nội dung đơn kháng cáo.
Tại phần tranh luận ông Lê Thanh K trình bày: Quá trình giải quyết vụ án bị đơn cho rằng không có việc góp vốn là không đúng. Trong vụ án hình sự về tội “Cố ý gây thương tích”, ông B và bà C thừa nhận hai bên có góp vốn xây lò sấy.
Toà án lấy kết quả định giá lần 2, buộc bị đơn thanh toán cho nguyên đơn là không đúng. Vì trước đó kết quả định giá giá trị còn lại của lò sấy là 263.000.000 đồng, các bên đương sự không có ý kiến gì. Do Tòa án cấp sơ thẩm đã kéo dài thời gian giải quyết vụ án khiến lò sấy bị hư hại, bị đơn ra tháo dỡ một số hạng mục, nên lò sấy xuống cấp. Bốn, năm năm sau mới đi định giá lại lò sấy làm kết quả giải quyết vụ án là không phù hợp. Do đó tôi đề nghị Hội đồng xét xử xem xét lại. Theo các hợp đồng thi công thì ông T là người trực tiếp ký hợp đồng và ông T là người thanh toán cho ông T4, ông T5. Do đó, đề nghị Tòa án xem xét chấp nhận đơn kháng cáo theo hướng chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn.
Tại phần tranh luận ông Dương Lê S trình bày: Đối với các khoản thanh toán cho ông T4 nguyên đơn cho rằng nguyên đơn thanh toán, nhưng ông T4 xác nhận bị đơn thanh toán khoản tiền này là không có căn cứ. Nguyên đơn cho rằng lò sấy xuống cấp, do bị đơn tự ý tháo dỡ, đây là một phần trách nhiệm của nguyên đơn, vì nhà nguyên đơn ở bên cạnh lò sấy nhưng không quản lý mà để bị trộm cắp, tháo dỡ. Còn phần khung sắt của lò sấy thì do ông B, bà C tháo dỡ để tránh bị thất thoát tài sản. Do đó, tôi không đồng ý với trình bày của nguyên đơn, đề nghị Tòa án bác đơn kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm.
- Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Đắk Lắk phát biểu ý kiến:
Về tố tụng: Trong quá trình thụ lý giải quyết vụ án, thẩm phán, Hội đồng xét xử, các đương sự đã chấp hành đúng quy định của Bộ luật tố tụng dân sự.
Về nội dung: Nhận thấy khi góp vốn các bên không lập văn bản hợp đồng cụ thể, sau khi xây dựng lò sấy các bên cũng không tất toán lại các khoản xây dựng lò xấy do ai thanh toán, do đó, dựa vào các hóa đơn, chứng từ, sổ sách ghi chép và lời khai của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan, người làm chứng thì ông T đã góp 79.000.000 đồng; ông B, bà C góp 267.219.000 đồng. Theo giá trị khấu hao của lò sấy còn lại 63.475.000 đồng. Ngoài ra, ông T không cung cấp được chứng cứ bổ sung cho khoản góp vốn 220.000.000 đồng. Bởi các lẽ trên, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015 – Không chấp nhận đơn kháng cáo của ông Lê Thanh K, là đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn; giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2020 của Tòa án nhân dân huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
Căn cứ vào các tài liệu có trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra tại phiên tòa; căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, trên cơ sở xem xét đầy đủ, toàn diện các tài liệu, chứng cứ, ý kiến của Kiểm sát viên và các đương sự.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Về thủ tục tố tụng: Đơn kháng cáo của ông Lê Thanh K nộp trong thời hạn luật định, đã nộp tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm theo quy định của pháp luật nên được xem xét theo trình tự phúc thẩm.
[2] Xét kháng cáo của nguyên đơn, Hội đồng xét xử nhận thấy:
[2.1] Về quan hệ pháp luật: Cấp sơ thẩm xác định quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng dân sự” là không chính xác, nên cấp phúc thẩm điều chỉnh lại quan hệ pháp luật là “Tranh chấp hợp đồng góp vốn”.
[2.2] Về nội dung: Vào khoảng tháng 5/2013, ông Nguyễn Văn T và Hoàng Phú B, bà Chu Thị C có hợp đồng góp vốn xây dựng 02 lò sấy nông sản. Theo thoả thuận lò sấy được làm trên đất của ông T, ông B và bà C chịu trách nhiệm thi công, hai bên cùng góp vốn xây dựng. Sau khi lò sấy đi vào hoạt động, tháng 6/2013 do bận công việc, ông T giao mọi việc để vợ chồng ông B, bà C thay ông T trông coi và điều hành, quản lý việc kinh doanh lò sấy. Song, do ông B, bà C chưa trả tiền lợi nhuận cho ông T nên hai bên xảy ra tranh chấp. Vì vậy, ông Nguyễn Văn T khởi kiện yêu cầu vợ chồng ông Hoàng Phú B và bà Chu Thị C phải trả cho ông T số tiền mà ông đã bỏ ra góp vốn để xây dựng lò sấy là 220.000.000 đồng, yêu cầu ông B và bà C phải trả cho ông khoản tiền lợi nhuận thu được từ lò sấy và yêu cầu phía bị đơn tháo dỡ, thu dọn chuyển toàn bộ những mảng tường xây, gạch đá còn sót lại ra khỏi đất của nguyên đơn.
Theo ông T trình bày, tổng số tiền hai bên góp vốn để xây dựng lò sấy là 480.000.000 đồng, trong đó ông B và bà C góp 260.000.000 đồng, ông T đã góp 220.000.000đ, gồm các khoản:
- Trả tiền làm nhà khung sắt, mái lợp tôn cho ông T5: 60.000.000 đồng;
- Trả tiền làm 72m2 phên lò sấy cho ông Lưu Trần T4: 56.000.000 đồng;
- Trả tiền làm mái che, gàu múc, thùng trấu cho ông Lưu Trần T4:
95.000.000 đồng;
- Trả tiền mua mô tơ điện cho điện cơ MT: 9.000.000 đồng.
Ông B và bà C trình bày: Tổng số tiền cả hai bên cùng góp vốn để xây dựng lò sấy hết 544.582.000 đồng. Trong đó, ông T đã bỏ ra số tiền 154.530.000 đồng trừ đi 30.000.000 đồng làm đường đi vào lò sấy thì ông T đầu tư vào lò sấy số tiền 124.530.000 đồng, còn vợ chồng ông B, bà C góp 420.052.000 đồng, gồm các khoản:
- Trả tiền làm nhà khung sắt, mái lợp tôn cho ông T5: 60.000.000 đồng (còn lại 36.000.000 đồng không trả do sắt nhỏ quá, nhà lò sấy yếu);
- Trả tiền làm lò đốt cho ông Đỗ Mạnh C1: 28.500.000 đồng;
- Trả tiền làm 72m2 phên lò sấy cho ông Lưu Trần T4: 56.000.000 đồng;
- Trả tiền làm mái che cho ông Lưu Trần T4: 65.000.000 đồng;
- Trả tiền mua mô tơ điện cho điện cơ MT: 9.000.000 đồng;
- Chi các khoản lặt vặt để xây dựng: 15.740.000 đồng;
- Trả tiền vật liệu xây dựng KT: 80.579.000 đồng;
- Chi cho ông T kéo điện 03 pha: 15.000.000 đồng;
- Tiền ăn thợ xây từ 02/5 đến 14/5/2013: 4.008.000 đồng;
- Trả tiền công thợ xây cho ông Hoàng Nam P (P1): 22.140.000 đồng;
- Chi tiền ăn phục vụ xây lò sấy: 49.948.000 đồng;
- Tiền công làm nền và xây lặt vặt: 13.625.000 đồng;
- Đổi mô tơ điện bù thêm: 6.500.000 đồng;
- Làm ống khói, cống, giếng: 11.822.000 đồng;
- Kéo điện, đổi đăng ký kinh doanh: 10.000.000 đồng. Tổng cộng là: 447.862.000 đồng.
Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án và trình bày của các đương sự tại phiên toà, HĐXX nhận thấy:
[2.2.1] Về số tiền góp vốn:
[2.2.1.1] Đối với phần vốn góp của ông T:
Đối với số tiền 108.000.000 đồng ông T khai ông đã thanh toán tiền làm lò sấy khung sắt, mái lợp tôn cho ông T5: Theo lời khai của ông T5 số tiền làm nhà lò sấy khung sắt, mái lợp tôn là 108.000.000 đồng, ông T5 xác nhận ông T đã thanh toán cho ông T5 60.000.000 đồng, còn nợ 48.000.000 đồng. Như vậy có căn cứ xác định ông T đã thanh toán cho ông T5 60.000.000 đồng tiền làm lò sấy khung sắt, mái lợp tôn. Ông B và bà C cũng xác nhận ông bà thanh toán khoản tiền trên nhưng không có căn cứ chứng minh, nên HĐXX không chấp nhận.
Đối với số tiền 56.000.000 đồng ông T khai ông đã thanh toán tiền làm phên lò sấy cho ông Lưu Trần T4: Theo sổ ghi chép của bà C thể hiện bà C là người thanh toán khoản tiền này (BL 117) cho ông T4. Ông T4 cũng xác nhận ông nhận khoản tiền này từ bà C (BL 265, 266). Ông T không có chứng cứ chứng minh việc ông đã thanh toán cho ông T4 số tiền trên như ông trình bày (BL174), nên HĐXX không chấp nhận. Như vậy có căn cứ xác định bà C đã thanh toán cho ông T4 số tiền trên.
Đối với số tiền 95.000.000 đồng, ông T khai trả tiền làm mái che, gàu múc, thùng trấu cho ông Lưu Trần T4. Quá trình giải quyết vụ án, bà C khai đã thanh toán tiền mái che cho ông T4 65.000.000 đồng. Ông T4 xác nhận số tiền làm mái che thực tế là 65.000.000 đồng, bà C đã thanh toán đủ cho ông (BL 266); Số tiền làm gàu tải, thùng trấu là 21.000.000 đồng, ông T đã thanh toán được cho ông T4 10.000.000 đồng (BL 267). Như vậy ông T không cung cấp được chứng cứ chứng minh ông thanh toán cho ông T4 95.000.000 đồng số tiền làm mái che, gàu múc, thùng trấu như ông trình bày. Do đó, HĐXX chấp nhận việc ông T đã thanh toán cho ông T4 10.000.000 đồng tiền làm gàu tải, thùng trấu, số tiền 65.000.000 đồng là do bà C đã thanh toán cho ông T4.
Đối với số tiền 9.000.000 đồng ông T trả tiền mô tơ cho điện cơ MT. Cả phía ông T và phía ông B, bà C đều khai là người trực tiếp thanh toán khoản tiền này. Tuy nhiên, bà C không cung cấp được chứng cứ chứng minh. Quá trình giải quyết vụ án, ông T5 xác nhận ông T là người trực tiếp thỏa thuận mua bán và trả tiền cho ông, ông T5 không biết ông B, bà C là ai (BL 235). Vì vậy, có căn cứ xác định ông T là người thanh toán cho điện cơ MT số tiền 9.000.000 đồng nói trên.
Như vậy, tổng số tiền ông T đã thanh toán tương ứng với phần vốn góp khi xây dựng lò sấy là 79.000.000 đồng.
[2.2.1.2] Đối với phần vốn góp của ông B và bà C:
Đối với số tiền 28.500.000 đồng ông B và bà C khai đã thanh toán tiền làm lò đốt cho ông Đỗ Mạnh C1 (BL173): Ông C1 thừa nhận có nhận của ông B, bà C số tiền trên, ông T đồng ý với lời khai của ông B, bà C. Do đó có căn cứ xác định ông B, bà C là người thanh toán số tiền trên cho ông C1.
Đối với các khoản chi bà C kê khai gồm: Thanh toán 80.579.000 đồng tiền vật liệu xây dựng cho chị Vũ Thị T7 (Vật liệu KT), chi 15.000.000 đồng cho ông T lắp điện 03 pha, thanh toán 22.140.000 đồng tiền công xây dựng cho anh Hoàng Nam P (P1). Mặc dù ông T không đồng ý, nhưng những người làm chứng là chị Vũ Thị T7, anh Cao Thế T9, ông Hoàng Nam P đều xác nhận có nhận của bà C các khoản như nêu trên. Vì vậy, lời khai của ông B và bà C là có căn cứ, cần chấp nhận.
Ngoài số tiền trên thì ông B và bà C còn thanh toán các khoản tiền xây dựng lò sấy như phân tích tại mục [2.2.1.1], gồm: Thanh toán cho ông T4 khoản tiền 56.000.000 đồng làm phên lò sấy; thanh toán cho ông T4 65.000.000 đồng, tiền làm mái che, gàu múc, thùng trấu.
Đối với các khoản chi khác bà C, ông B kê khai gồm: 15.740.000 đồng chi các khoản lặt vặt để xây dựng lò sấy; 4.008.000 đồng chi tiền ăn thợ xây từ ngày 02/5/2013 đến ngày 14/5/2013; 49.948.000 đồng chi phục vụ ăn xây lò sấy từ ngày 14/5/2013 đến ngày 07/11/2013; 13.625.000 đồng tiền công làm nền và xây lặt vặt;6.500.000 đồng bù thêm để đổi mô tơ; 11.822.000 đồng làm ống khói, cống, giếng;10.000.000 đồng lắp điện, đổi đăng ký kinh doanh. Các khoản chi này ông T không chấp nhận; bà C và ông B cũng không cung cấp được chứng cứ chứng minh, do đó HĐXX không chấp nhận.
Như vậy, tổng các khoản chi của ông B, bà C được Hội đồng xét xử chấp nhận là 267.219.000 đồng.
Tổng số tiền chi phí thực tế các bên đóng góp để xây dựng lò sấy là 346.219.000 đồng. Trong đó, ông T đóng góp 79.000.000 đồng (chiếm 22,82 %), ông B và bà C đóng góp 267.219.000 đồng (chiếm 77,18%).
[2.2.2] Về giá trị còn lại của lò sấy:
Các bên thừa nhận lò sấy được xây dựng vào năm 2013, khi xảy ra tranh chấp đã xuống cấp trầm trọng. Trị giá hao mòn theo đánh giá của Hội đồng định giá là từ 40% đến 55% theo từng hạng mục. Ông B, bà C đã tháo dỡ một số hạng mục về lắp vào lò sấy mới của mình như: 02 phên lò sấy trị giá 33.600.000 đồng;02 mô tơ và quạt bầu lò trị giá 14.000.000 đồng; 02 thùng trấu trị giá 3.000.000 đồng; 01 gàu tải, 01 mô tơ gàu tải trị giá 8.500.000 đồng. Tổng giá trị các hạng mục mà ông B, bà C đã tháo dỡ về lắp ở lò sấy mới xây dựng của mình là 59.100.000 đồng. Nhà kho, nhà sấy đã đổ sập, hư hỏng, ông B và bà C thu gom được một số vì kèo, cột về sử dụng gồm: 08 vì kèo sắt dài 10m, 10 cột sắt dài khoảng 5,5m, 04 trụ sắt dài khoảng 06m và 06 trụ sắt bị gãy, đã được Hội đồng định giá là 4.375.000 đồng. Như vậy, tổng giá trị còn lại của lò sấy là 63.475.000 đồng. Toàn bộ số tài sản này ông B, bà C đang quản lý, sử dụng.
[2.2.3] Về giá trị tài sản còn lại do Hội đồng định giá tài sản xác định:
Hội đồng xét xử nhận thấy, vào ngày 30/3/2016, tại Tòa án nhân dân huyện L, các đương sự đã thống nhất thỏa thuận giá trị còn lại của 02 lò sấy nông sản là 450.000.000 đồng. Tuy nhiên, tại phiên tòa sơ thẩm ngày 06/9/2016, đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn đã yêu cầu HĐXX định giá lại tài sản, vì cho rằng tài sản thực tế đã bị hư hỏng và xuống cấp trầm trọng, nên cần định giá lại để đảm bảo quyền lợi của các bên đương sự.
Trong quá trình giải quyết vụ án, ông B và bà C đã tháo dỡ 02 tấm phên của 02 lò sấy, 02 mô tơ và cánh quạt bầu lò, 01 gàu tải và mô tơ gàu tải, 02 thùng trấu đem về lắp vào lò sấy của ông bà xây dựng phía đối diện. Tại biên bản định giá tài sản ngày 13/9/2016 của Hội đồng định giá tài sản đã thống nhất tổng giá trị tài sản theo như bảng kê chi tiết kèm theo là 263.516.000 đồng. Trong đó, đã định giá chi tiết từng hạng mục ông B và bà C tháo về sử dụng như liệt kê ở trên.
Ngày 19/9/2016, ông Hoàng Phú B và bà Chu Thị C có đơn yêu cầu định giá lại tài sản vì cho rằng Hội đồng định giá trừ giá trị sử dụng từ 50% - 60% là quá cao. Do đó, ông bà đề nghị Tòa án cho phía bị đơn yêu cầu Công ty thẩm định giá khác để định giá lại tài sản. Do toàn bộ phần mái nhà lò sấy đã hư hỏng, đổ sập ông B, bà C chỉ thu gom về được một số vì kèo, cột sắt, gồm: 08 vì kèo sắt dài 10m, 10 cột sắt dài khoảng 5,5m, 04 trụ sắt dài khoảng 06m và 06 trụ sắt bị gãy. Ông, bà đề nghị định giá phần giá trị còn lại của các vì kèo, cột sắt này để làm cơ sở giải quyết vụ án. Tại biên bản định giá tài sản ngày 11/3/2020 của Hội đồng định giá tài sản đã thống nhất tổng giá trị tài sản còn lại theo như bảng kê chi tiết kèm theo là 4.375.000 đồng (Giá trị của 08 vì kèo sắt dài 10m, 10 cột sắt dài khoảng 5,5m, 04 trụ sắt dài khoảng 06m và 06 trụ sắt bị gãy).
Tại các buổi định giá tài sản, các bên đương sự đều có mặt và không có ý kiến gì về kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản. Tại phiên toà sơ thẩm đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn đều đồng ý với các kết quả định giá tài sản như nêu trên. HĐXX nhận thấy, cấp sơ thẩm đã sử dụng một phần kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản đã tiến hành định giá vào năm 2016 đối với các hạng mục do bị đơn tháo dỡ gồm: 02 tấm phên của 02 lò sấy, 02 mô tơ và cánh quạt bầu lò, 01 gàu tải và mô tơ gàu tải, 02 thùng trấu có tổng giá trị là: 59.100.000 đồng và sử dụng kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản vào năm 2020 đối với giá trị các vì kèo, cột sắt liệt kê ở trên do bị đơn tháo về, có tổng giá trị là 4.375.000 đồng, là phù hợp. Do đó, đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn cho rằng Toà án cấp sơ thẩm lấy kết quả định giá tài sản của năm 2020 để xác định giá trị còn lại của lò sấy là không đúng, mà cần sử dụng kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản đã định giá giá trị còn lại của tài sản vào năm 2016 làm căn cứ giải quyết vụ án, là không có căn cứ để chấp nhận.
[2.2.4] Tỷ lệ chia theo phần các bên được nhận qua phần vốn góp:
Tổng giá trị còn lại của lò sấy là 63.475.000 đồng. Khi thỏa thuận góp vốn chung xây dựng lò sấy hai bên chưa đề cập đến phương án giải quyết phần góp vốn của mỗi bên khi chấm dứt việc hợp tác. Do vậy, cần chia giá trị còn lại của lò sấy theo tỷ lệ phần vốn góp của mỗi bên. Cụ thể, ông T góp 22,82%, tương ứng với số tiền 14.485.000 đồng; ông B và bà C góp 77,18%, tương ứng với số tiền 48.990.000 đồng.
Do ông B, bà C đang quản lý, sử dụng toàn bộ các hạng mục còn lại của lò sấy. Ông T không có nhu cầu sử dụng nên giao cho ông B, bà C tiếp tục quản lý, sử dụng các hạng mục của lò sấy. Do đó, Toà án cấp sơ thẩm đã chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T, buộc ông B và bà C phải thanh toán cho ông T số tiền tương ứng với giá trị phần vốn góp còn lại là 14.485.000 đồng, bác yêu cầu của ông T đối với số tiền ông T yêu cầu ông B và bà C phải thanh toán cho ông là 205.515.000 đồng, là có căn cứ.
[3] Về chi phí định giá tài sản và một số nội dung khác:
Nhận thấy cấp sơ thẩm đã sử dụng một phần kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản tiến hành vào năm 2016 do nguyên đơn yêu cầu định giá, sử dụng kết quả định giá của Hội đồng định giá tài sản tiến hành vào năm 2020 do bị đơn yêu cầu định giá, chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn, bác một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn. Song, Toà án cấp sơ thẩm buộc bị đơn phải chịu oàn bộ chi phí định giá là không phù hợp. Tuy nhiên bị đơn không kháng cáo, Viện kiểm sát không kháng nghị, do đó không thuộc phạm vi giải quyết của HĐXX, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Tại phiên toà đại diện theo uỷ quyền của nguyên đơn xác định, hiện nay toàn bộ lò sấy đều không còn gì, đã được tháo dỡ, di dời, không có gì trên đất của nguyên đơn. Do đó, nguyên đơn xin rút một phần yêu cầu đối với việc buộc bị đơn phải tháo dỡ, thu dọn chuyển toàn bộ những mảng tường xây, gạch đá còn sót lại ra khỏi đất của nguyên đơn. Đại diện theo uỷ quyền của bị đơn đồng ý đối với yêu cầu nói trên của nguyên đơn.Vì vậy cần đình chỉ xét xử phúc thẩm đối với yêu cầu này của nguyên đơn.
Ngoài ra, quá trình giải quyết vụ án, ông Nguyễn Văn T5 và ông Lưu Trần T4 là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trình bày: Ông T còn nợ của ông T5 48.000.000 đồng tiền làm nhà khung sắt, mái tôn dùng làm nhà máy sấy. Ông T4 cho rằng ông T, vợ chồng ông B, bà C còn nợ ông T4 11.000.000 đồng tiền làm gàu tải, thùng trấu. Tuy nhiên, ông T5, ông T4 không có đơn yêu cầu độc lập, Nguyên đơn, bị đơn, ông T5 và ông T4 không yêu cầu Tòa án xem xét giải quyết trách nhiệm đối với 02 khoản nợ nói trên. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm không xem xét giải quyết.
Về tố tụng: Quá trình giải quyết vụ án, cấp sơ thẩm đã ban hành quyết định gia hạn việc giải quyết vụ án, tuy nhiên quá thời hạn gia hạn thời hạn xét xử vụ án, theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 203 Bộ luật tố tụng dân sự; Toà án mới đưa vụ án ra xét xử là vi phạm thời hạn xét xử vụ án, cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.
Theo đơn khởi kiện ông T yêu cầu ông B, bà C phải trả tiền vốn góp xây dựng lò sấy cho ông T hái, yêu cầu ông B và bà C phải thanh toán cho ông T lợi nhuận thu được từ lò sấy sau khi lò sấy đi vào hoạt động. Quá trình giải quyết vụ án nguyên đơn đã thay đổi nội dung yêu cầu khởi kiện đối với yêu cầu ông B, bà C phải thanh toán cho ông T lợi nhuận thu được từ lò sấy sau khi lò sấy đi vào hoạt động. Song cấp sơ thẩm không nhận định vào bản án là thiếu sót, cần rút kinh nghiệm.
Từ phân tích và nhận định trên, HĐXX nhận thấy Toà án cấp sơ thẩm chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông T, buộc ông B và bà C phải thanh toán cho ông T số tiền tương ứng với giá trị còn lại phần vốn góp xây dựng lò sấy với tỷ lệ 22,82%, là 14.485.000 đồng, bác yêu cầu của ông T đối với số tiền 205.515.000 đồng là có căn cứ. Do đó, kháng cáo của của người đại diện theo uỷ quyền của nguyên đon không có căn cứ để chấp nhận, giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2020, của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
[4] Về án phí dân sự phúc thẩm: Do kháng cáo không được chấp nhận nên ông T phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí ông Lê Thanh K đã nộp theo biên lai thu số AA/2019/0010470 ngày 26/8/2020 tại Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
[5] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Vì những lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
[1] Căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự;
Không chấp nhận đơn kháng cáo của người đại diện theo ủy quyền của nguyên đơn là ông Lê Thanh K – Giữ nguyên Bản án dân sự sơ thẩm số 06/2020/DS-ST ngày 27 tháng 7 năm 2020, của Tòa án nhân dân huyện Lắk, tỉnh Đắk Lắk.
[2] Căn cứ vào khoản 3 Điều 26, điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 144, 147, khoản 1 Điều 165, khoản 2 Điều 266; Điều 295 của Bộ luật tố tụng dân sự 2015; các Điều 388, 389, khoản 1 Điều 401, khoản 3 Điều 404 và Điều 405 của Bộ luật dân sự năm 2005; Điều 357, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; khoản 4 Điều 26; khoản 1 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016, của Uỷ ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Tuyên xử:
[2.1] Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Văn T, buộc ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C phải thanh toán cho ông Nguyễn Văn T 14.485.000 đồng. Bác yêu cầu của ông Nguyễn Văn T đối với số tiền 205.515.000 đồng tiền góp vốn xây dựng lò sấy.
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án cho đến khi thi hành xong tất cả các khoản tiền, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất 10%/năm.
[2.3] Giao cho ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C tiếp tục quản lý, sử dụng toàn bộ các hạng mục còn lại của lò sấy có giá trị 63.475.000 đồng, gồm: 02 tấm phên của 02 lò sấy, 02 mô tơ và cánh quạt bầu lò, 01 gàu tải và mô tơ gàu tải, 02 thùng trấu, 08 vì kèo sắt dài 10m, 10 cột sắt dài khoảng 5,5m, 04 trụ sắt dài khoảng 06m và 06 trụ sắt bị gãy.
[2.4] Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu của ông Nguyễn Văn T về việc buộc ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C phải tháo dỡ, thu dọn chuyển toàn bộ những mảng tường xây, gạch đá còn sót lại của lò sấy ra khỏi đất của ông T.
[2.5] Về chi phí định giá:
Ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C phải chịu toàn bộ chi phí định giá là 2.600.000 đồng. Bà C đã thanh toán chi phí định giá lần 02 là 600.000 đồng, ông Nguyễn Văn T đã thanh toán chi phí định giá lần 01 là 2.000.000 đồng; bà C, ông B có trách nhiệm hoàn trả cho ông T 2.000.000 đồng.
[3] Về án phí:
[3.1] Về án phí dân sự sơ thẩm:
Ông Nguyễn Văn T phải chịu 10.276.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm, được trừ vào 2.950.000 đồng (Hai triệu chín trăm năm mươi nghìn đồng) tiền tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai số AA/2013/29336 ngày 06/10/2015 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đắk Lắk, ông T còn tiếp tục phải nộp 7.326.000 đồng.
Ông Hoàng Phú B, bà Chu Thị C phải chịu 725.000 đồng tiền án phí dân sự sơ thẩm.
[3.2] Án phí dân sự phúc thẩm: Nguyên đơn phải chịu 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được khấu trừ vào số tiền tạm ứng án phí do ông Lê Thanh K đã nộp theo biên lai số: AA/2019/0010470 ngày 26/8/2020, tại Chi cục thi hành án dân sự huyện L, tỉnh Đắk Lắk.
[4] Các quyết định khác của Bản án sơ thẩm không có kháng cáo, không bị kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.
Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 25/2021/DS-PT ngày 26/01/2021 về tranh chấp hợp đồng góp vốn
Số hiệu: | 25/2021/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Đăk Lăk |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 26/01/2021 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về