Bản án 21/2017/HSST ngày 19/06/2017 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN BẢO LÂM, TỈNH LÂM ĐỒNG

BẢN ÁN 21/2017/HSST NGÀY 19/06/2017 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỆ RỪNG

Ngày 19 tháng 6 năm 2017 tại Hội trường Tòa án nhân dân huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm vụ án hình sự thụ lý số 22/2017/HSST ngày 09/5/2017 đối với bị cáo:

Họ và tên: Bùi Văn S, sinh năm 1975 tại Thanh Hóa.

Nơi ĐKNKTT: Thôn Đ, xã Đ, huyện N, tỉnh Thanh Hóa.

Chỗ ở: Thôn 3, xã P, huyện B, tỉnh Bình Thuận.

Dân tộc: Mường; Trình độ văn hóa: 02/12; Nghề nghiệp: Làm thuê.

Con ông: Bùi Văn Đa (chết)

Con bà: Bùi Thị Cẩm (chết)

Vợ: Nguyễn Thị Hồng, sinh năm 1976.

Trú tại: Ấp 8, xã L, huyện C, tỉnh An Giang.

Có 02 con, lớn nhất sinh 2003, nhỏ nhất sinh 2008.

Tiền án, tiền sự: Không

Bị bắt tạm giam từ ngày 09/01/2017, hiện đang tạm giam tại Nhà tạm giữ Công an huyện Bảo Lâm, tỉnh Lâm Đồng. (Bị cáo có mặt tại phiên tòa)

* Nguyên đơn dân sự:

Ban Lâm Nghiệp xã Lộc Bảo.

Địa chỉ: Thôn 1, xã L, huyện B tỉnh Lâm Đồng.

Đại diện theo pháp luật: Ông K’Khệ, chức vụ: Chủ tịch UBND xã. Vắng mặt

* Người có quyền li và nghĩa vụ liên quan:

1. Anh: Nguyễn Duy K sinh năm 1981

NKTT: Thôn 3, xã Quảng k, huyện Đ, Đắk Nông, Vắng mặt

2. Anh: Trương Ngọc H, sinh năm 1985

NKTT: Thôn 3, L, B, Lâm Đồng, Vắng mặt

3. Anh: Hoàng Anh T, sinh năm 1982

NKTT: Thôn 3, xã Quảng k, huyện Đ, Đắk Nông, Vắng mặt

4. Anh: K’ L sinh năm 1970

NKTT: Thôn 3, L, B, Lâm Đồng. Có mặt

Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và quá trình xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Bùi Văn S trú tại Thôn Đ, xã Đ, huyện N, tỉnh Thanh Hóa. Vào đầu năm 2015 Sáu vào khu vực xã Lộc Bắc, Lộc Bảo làm thuê cho Trương Ngọc H (tên thường gọi Hoàng gà) trú tại thôn 3, L, B đến khoảng cuối năm 2015 thì Sáu cùng đối tượng tên Long (không xác định được nhân thân lai lịch cụ thể) gặp Nguyễn Duy K tại xã L thì Kiên, Sáu và Long thỏa thuận về việc khai thác gỗ Kiền, xẻ hộp theo quy cách, sau đó vận chuyển ra điểm tập kết để bán cho Kiên với giá 3.000.000đ/m3. Sau khi thống nhất, Sáu mượn máy cưa xăng của Hoàng rồi cùng Long vào khu vực rừng thuộc tiểu khu 375, xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng khai thác, ngày thứ nhất cưa hạ 01 cây gỗ Kiền và xẻ ra được khoảng 02 hộp, ngày thứ hai Sáu và Long tiếp tục cưa hạ 02 cây gỗ Kiền và cắt xẻ ra được 04 hộp. Sau đó cả hai vận chuyển 03 hộp gỗ ra vị trí tập kết bán cho Kiên. Thấy việc vận chuyển gỗ khó khăn nên Sáu và Long rủ Hậu, Dũng và một người nữa không rõ họ tên thực hiện việc kéo gỗ, thỏa thuận khi bán được gỗ sẽ trả cho nhóm kéo gỗ 2.000.000đ/m3, còn Sáu và Long sẽ nhận 1.000.000đ/m3. Trong khoảng 15 ngày Sáu và Long đã cắt hạ 13 cây gỗ Kiền, xẻ hộp kích thước dài 2m, rộng 20cm, dày 10cm; khối lượng Lâm sản khai thác bán cho Kiên khoảng từ 4m3 đến 5m3, Kiên đã trả cho Sáu số tiền khoảng 12.000.000đ.

Kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 07/01/2017 xác định: Vị trí Lâm sản bị khai thác thuộc khoảnh 7, tiểu khu 375, địa giới hành chính xã L, huyện B; đối tượng là rừng sản xuất; Lâm sản bị thiệt hại là 13 cây gỗ Kiền Kiền và SP với tổng khối lượng là 22,879m3, có trị giá thiệt hại là 73.216.342đ; trong đó Lâm sản còn tại hiện trường là 16,010m3 với giá trị thiệt hại là 43.770.903đ và Lâm sản đã lấy đi khỏi hiện trường là 6,869m3 với giá trị thiệt hại là 29.445.439đ.

Tại bản cáo trạng s 25/CTr-VKS ngày 08/5/2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm truy tố bị cáo Bùi Văn S về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự.

Tại phiên tòa hôm nay đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm trong phần tranh luận vẫn giữ nguyên quyết định truy tố như cáo trạng, đồng thời đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175; điểm h, p khoản 1 Điều 46 BLHS, đề nghị xử phạt bị cáo Bùi Văn S từ 12 đến 15 tháng tù; về trách nhiệm dân sự buộc bị cáo bồi thường số tiền 73.216.342đ để sung quỹ nhà nước. Ngoài ra Viện kiểm sát còn đề nghị về xử lý vật chứng và án phí HSST và DSST.

Tại phiên tòa hôm nay bị cáo Bùi Văn S đã khai nhận toàn bộ hành vi vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng như nội dung bản cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố, về phía nguyên đơn dân sự yêu cầu bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật.

Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa.

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

Vì động cơ tư lợi cá nhân, khoảng cuối năm 2015 Bùi Văn S cùng đối tượng tên Long (không xác định được nhân thân lai lịch cụ thể) gặp Nguyễn Duy K tại xã L, Bảo Lâm cùng thống nhất: Sáu và Long khai thác gỗ Kiền, xẻ hộp theo quy cách Kiên yêu cầu, sau đó vận chuyển ra điểm tập kết để bán cho Kiên với giá 3.000.000đ/m3. Sau khi thống nhất, Sáu mượn máy cưa xăng của Hoàng rồi cùng Long vào rừng thuộc tiểu khu 375, xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng khai thác trong hai ngày cắt hạ được 03 cây gỗ Kiền, xẻ thành 06 hộp, sau đó vận chuyển 03 hộp gỗ ra vị trí tập kết bán cho Kiên. Do việc vận chuyển gỗ khó khăn nên Sáu và Long rủ Hậu, Dũng và một người nữa không rõ họ tên thực hiện việc kéo gỗ, thỏa thuận khi bán được gỗ sẽ trả cho nhóm kéo gỗ 2.000.000đ/m3, còn Sáu và Long sẽ nhận 1.000.000đ/m3. Trong khoảng 15 ngày Sáu và Long đã cắt hạ 13 cây gỗ Kiền, xẻ hộp có quy cách dài khoảng 2m, rộng 20cm, dày 10cm; bán cho Kiên khoảng từ 4m3 đến 5m3, Kiên đã trả cho Sáu số tiền khoảng 12.000.000đ.

Kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 07/01/2017 xác định: Vị trí lâm sản bị khai thác là khoảnh 7, tiểu khu 375, thuộc địa giới hành chính xã L, huyện B; đối tượng là rừng sản xuất; Lâm sản bị thiệt hại là 13 cây gỗ Kiền Kiền và SP với tổng khối lượng là 22,879m3, có trị giá thiệt hại là 73.216.312đ; trong đó xác định Lâm sản còn tại hiện trường là 16,010m3 với giá trị thiệt hại là 43.770.903đ và Lâm sản đã lấy đi khỏi hiện trường là 6,869m3 với giá trị thiệt hại là 29.445.439đ. Chính vì vậy Viện kiểm sát nhân dân huyện Bảo Lâm truy tố Bùi Văn S về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo điểm a khoản 1 Điều 175 Bộ luật hình sự là có căn cứ, đúng pháp luật.

Hành vi của bị cáo thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật, vi phạm pháp luật hình sự; bị cáo nhận thức và biết được rằng rừng là tài nguyên Quốc gia, nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi khai thác lâm sản trái phép, nhưng vì mục đích tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của nhà nước về quản lý bảo vệ rừng, các bị cáo vẫn ngang nhiên cưa hạ cây rừng trái phép; hành vi trên đã xâm phạm đến các quy định của nhà nước về khai thác và bảo vệ rừng, gây ảnh hưởng xấu đến công tác quản lý tài nguyên rừng nên cần được xử lý bằng một bản án thật nghiêm và cách ly bị cáo ra khỏi xã hội một thời gian dài mới có tác dụng giáo dục và phòng ngừa chung đối với loại tội phạm này.

Tuy nhiên quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa hôm nay bị cáo thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, bị cáo là dân tộc thiểu số, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, nhận thức về pháp luật còn hạn chế nên áp dụng điểm h, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự xem xét giảm nhẹ hình phạt cho bị cáo.

Trong vụ án này có Nguyễn Duy K là người đã thỏa thuận mua Lâm sản nhưng do khối lượng Lâm sản xác định khoảng 4-5m3, hiện Kiên đã bỏ trốn khỏi địa phương và không trực tiếp cùng Sáu đi khai thác gỗ, Kiên cũng không có tiền án, tiền sự về hành vi khai thác và mua bán Lâm sản trái phép nên Cơ quan điều tra chuyển Hạt kiểm lâm xử lý hành chính là có căn cứ. Đối với Hoàng Anh T có mua 04 hộp gỗ Kiền và 04 hộp gỗ Giỗi với tổng khối lượng là 0,53m3 của Kiên, địa điểm giao dịch mua bán tại huyện Đắk Giong, tỉnh Đắk Nông nên cơ quan điều tra đã chuyển cho Công an huyện Đắk Giong xử lý theo thẩm quyền.

Tham gia trong vụ án này còn có đối tượng tên Long và các đối tượng khác là người đi cùng Sáu khai thác gỗ nhưng cơ quan điều tra chưa xác định được nhân thân lai lịch cụ thể nên chưa làm việc được, do đó Cơ quan điều tra tiếp tục xác minh làm rõ, khi có căn cứ sẽ xử lý sau nên không xem xét xử lý trong vụ án này.

Đối với Trương Ngọc H là người đã cho Sáu mượn máy cưa xăng nhưng không biết việc Sáu mượn cưa để đi khai thác gỗ trái phép và không được hưởng lợi từ việc cho mượn cưa nên không có căn cứ xử lý hình sự đối với Hoàng.

Về trách nhiệm dân sự: Thiệt hại 13 cây gỗ Kiền Kiền và SP với tổng khối lượng là 22,879m3, trị giá thành tiền là 73.216.312đ; buộc bị cáo Bùi Văn S bồi thường thiệt hại trên để sung quỹ nhà nước.

Về xử lý vật chứng: Vật chứng còn tại hiện trường là 16,010m3, quá trình điều tra đã giao cho Hạt kiểm lâm thu hồi số Lâm sản trên nhưng do chi phí thu hồi lớn, việc thu hồi không hiệu quả mà để tự tiêu hủy tại hiện trường nên không đề cập đến trong vụ án này.

Cơ quan CSĐT hiện đang tạm giữ của Nguyễn Duy Kiên: 01 máy nổ dùng để gắn vào xuồng, hình dạng đã cũ bị tháo rời các linh kiện; 01 cần sắt có cánh quạt (chân vịt) dùng để gắn vào máy nổ dùng làm phụ kiện của xuồng máy chuyển Hạt kiểm lâm Bảo Lâm xử lý theo thẩm quyền.

Về án phí: Căn cứ Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự, Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí lệ phí Tòa án, buộc bị cáo Bùi Văn S phải chịu án phí hình sự sơ thẩm và án phí dân sự sơ thẩm.

Vì các lẽ trên.

QUYẾT ĐỊNH

1. Tuyên b: Bị cáo Bùi Văn S phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.

* Áp dụng điểm a khoản 1 Điều 175; điểm h, p khoản 1 Điều 46 BLHS.

- Xử phạt bị cáo Bùi Văn S 12 tháng tù, thời gian chấp hành hình phạt tù tính từ ngày 09/01/2017.

2. Về trách nhiệm dân sự: Áp dụng Điều 42 BLHS. Buộc bị cáo Bùi Văn S bồi thường số tiền 73.216.312đ để sung quỹ nhà nước.

Kể từ ngày bản án, quyết định có hiệu lực pháp luật cho đến khi thi hành xong khoản tiền trên, hàng tháng bên phải thi hành án còn phải chịu thêm khoản tiền lãi trên s tiền chậm trả theo lãi suất cơ bản do Ngân hàng nhà nước công bố tương ứng với thời gian chậm trả tại thời điểm thanh toán.

3. Về xử lý vật chứng: Áp dụng Điều 41 BLHS, Điều 76 Bộ luật TTHS. Giao cho Hạt kiểm lâm Bảo Lâm: 01 máy nổ dùng để gắn vào xuồng, bị tháo rời các linh kiện; 01 cần sắt có cánh quạt (chân vịt) dùng để gắn vào máy nổ dùng làm phụ kiện của xuồng máy để xử lý theo thẩm quyền.

4. Về án phí: Áp dụng khoản 2 Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự và Nghị quyết số 326/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về án phí lệ phí Tòa án. Buộc bị cáo Bùi Văn S nộp 200.000đ án phí hình sự sơ thẩm và 3.661.000đ án phí dân sự sơ thẩm.

Báo cho bị cáo, người liên quan biết có quyền kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. Đối với nguyên đơn dân sự, người liên quan vắng mặt có quyền làm đơn kháng cáo trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản sao bản án (Hoặc niêm yết công khai tại Trụ sở UBND xã phường nơi cư trú) để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử phúc thẩm.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

453
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 21/2017/HSST ngày 19/06/2017 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

Số hiệu:21/2017/HSST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 19/06/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;