Bản án 58/2017/HS-ST ngày 28/11/2017 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

TÒA ÁN NHÂN DÂN HUYỆN B-TỈNH LÂM ĐỒNG
 
BẢN ÁN 58/2017/HS-ST NGÀY 28/11/2017 VỀ TỘI VI PHẠM CÁC QUY ĐỊNH KHAI THÁC VÀ BẢO VỀ RỪNG
 
Ngày 28 tháng 11 năm 2017 tại Trụ sở Tòa án nhân dân huyện B, tỉnh Lâm Đồng xét xử sơ thẩm công khai vụ án hình sự thụ lý số 58/2017/TLST- HS ngày 31 tháng 10 năm 2017 theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 65/2017/QĐXXST- HS ngày 17 tháng 11 năm 2017 đối với các bị cáo:
 
1- Họ và tên: Cao Xuân N; Tên gọi khác: không; Sinh năm: 1974; Nơi sinh: Q; Nơi ĐKNKTT và nơi ở hiện nay: Thôn 3, xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: làm vườn; Trình độ văn hóa: 07/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên Chúa; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Cao Xuân H (đã chết); Con bà: Nguyễn Thị H1, sinh năm 1945; Vợ: Phạm Thị H2, sinh năm: 1977; Có 02 người con, lớn nhất sinh năm 2006, nhỏ nhất sinh năm 2009. Tiền án: không; Tiền sự: Ngày 16/3/2016 bị UBND huyện B xử phạt hành chính 40.000.000đ về hành vi “Mua, bán, cất giữ, chế biến, kinh doanh lâm sản trái với các quy định của nhà nước”. Đến ngày 05/5/2017 thì chấp hành nộp phạt xong. Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 02/3/2017 đến nay tại Nhà tạm giữ Công an huyện B. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
 
2- Họ và tên: Hoàng Minh H3; Tên gọi khác: không; Sinh năm 1979; Nơi sinh: T;
 
Nơi ĐKNKTT: Thôn 5, xã T1, huyện D, tỉnh Lâm Đồng. Nơi ở hiện nay: Thôn 3, xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: làm vườn; Trình độ văn hóa: 12/12; Dân tộc: Kinh; Giới tính: Nam; Tôn giáo: không; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Hoàng T2, sinh năm: 1944; Con bà: Trương Thị B1, sinh năm: 1942; Vợ: Nguyễn Thị A, sinh năm: 1982 (đã ly hôn); Có 02 người con, lớn nhất sinh năm 2002, nhỏ nhất sinh năm 2005. Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 26/02/2017 đến nay tại Nhà tạm giữ Công an huyện B. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
 
3- Họ và tên: K; Tên gọi khác: không; Sinh năm: 1996; Nơi sinh: Lâm Đồng; Nơi ĐKNKTT và nơi ở hiện nay: Thôn 3, xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: làm vườn; Trình độ văn hóa: 05/12; Dân tộc: Châu Mạ; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên Chúa; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: V, sinh năm: 1964; Con bà: P, sinh năm: 1960; Vợ: P1, sinh năm: 2000; Có 01 con sinh năm 2017. Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo tại ngoại có mặt tại phiên tòa.
 
4- Họ và tên: K1; Tên gọi khác: không; Sinh năm: 1998; Nơi sinh: Lâm Đồng; Nơi ĐKNKTT và nơi ở hiện nay: Thôn 3, xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: làm vườn; Trình độ văn hóa: 06/12; Dân tộc: Châu Mạ; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên Chúa; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: Y, sinh năm: 1977; Con bà: R, sinh năm: 1979; Vợ con: Chưa có. Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 26/02/2017 đến nay tại Nhà tạm giữ Công an huyện B. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
 
5- Họ và tên: K2; Tên gọi khác: không; Sinh năm: 1997; Nơi sinh: Lâm Đồng; Nơi ĐKNKTT và nơi ở hiện nay: Thôn 3, xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: làm vườn; Trình độ văn hóa: 06/12; Dân tộc: Châu Mạ; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên Chúa; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: V1, sinh năm: 1973; Con bà: V2, sinh năm: 1977; Vợ con: Chưa có. Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 13/7/2017 đến nay tại Nhà tạm giữ Công an huyện B. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
 
6- Họ và tên: K3; Tên gọi khác: không; Sinh năm: 1993; Nơi sinh: Lâm Đồng; Nơi ĐKNKTT và nơi ở hiện nay: Thôn 3, xã L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng; Nghề nghiệp: làm vườn; Trình độ văn hóa: 05/12; Dân tộc: Châu Mạ; Giới tính: Nam; Tôn giáo: Thiên Chúa; Quốc tịch: Việt Nam; Con ông: V3 (đã chết); Con bà: V4, sinh năm: 1956; Vợ: Lý Mùi S, sinh năm 1989; Có 02 người con, lớn nhất sinh năm 2007, nhỏ nhất sinh năm 2016. Tiền án, tiền sự: không; Bị cáo bị bắt tạm giam từ ngày 13/7/2017 đến nay tại Nhà tạm giữ Công an huyện B. Bị cáo có mặt tại phiên tòa.
 
* Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan:
 
1- Ông Nguyễn Văn LQ1 sinh năm: 1970
 
Trú tại: Thôn 8, xã X, huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
 
2- Ông Lưu Thái LQ2 sinh năm: 1978
 
Trú tại: 134 Phan Đình Phùng, Phường 2, TP Đ, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.
 
3- Ông Trần Trung LQ3 sinh năm: 1970
 
Trú tại: Thôn 1, xã  Đ1, huyện Đ2, tỉnh Đắk Nông. Vắng mặt.
 
4- Ông Sùng Văn LQ4 sinh năm: 1984
 
Trú tại: Thôn 3, xã  L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Vắng mặt.
 
* Nguyên đơn dân sự:
 
1- Công ty trách nhiệm hữu hạn đầu tƣ xây dựng thƣơng mại M
 
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hà Tiến H4  Chức vụ: Giám đốc
 
Địa chỉ: Thôn 3, xã  L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
 
2- Công ty trách nhiệm hữu hạn N
 
Người đại diện theo pháp luật: Ông Hà Lâm V5  Chức vụ: Giám đốc
 
Đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Văn V6  Chức vụ: Đội trưởng QLBVR
 
Địa chỉ: Thôn 3, xã  L, huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Có mặt.
 
NỘI DUNG VỤ ÁN
 
Theo các tài liệu có trong hồ sơ vụ án và diễn biến tại phiên tòa, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:
 
Vào khoảng tháng 9/2016, Cao Xuân N thuê các đối tượng Hoàng Minh H3, K và Lương Văn P2 làm vườn, hái cà phê cho N với tiền công từ 180.000đ đến 200.000đ/01 ngày, còn P2 là 5.000.000đ/01 tháng. Đến khoảng tháng 11/2016, thì N tiếp tục thuê và chỉ đạo H3, K lên rừng phía đối diện vườn cà phê của N thuộc Tiểu khu 388A để khai thác gỗ Giổi trái phép về cho N bán lấy tiền tiêu xài. Hình thức khai thác là trước lúc đi thì tập trung ở nhà N tại Thôn 3, xã L, huyện B để N giao tiền cho H3 mua đồ ăn và giao tiền cho K mua xăng nhớt. Sau đó H3, K lấy máy cưa xăng để tại chòi của N để khai thác gỗ. Quá trình khai thác thì K trực tiếp sử dụng máy cưa xăng để cắt hạ cây mới và mót lại các cây gỗ Giổi đã bị người khác cưa hạ từ trước thành từng lóng và xẻ bìa bổ đôi, còn H3 phụ phát dọn, lăn cây và P2 phụ nấu cơm. Sau đó, K sử dụng xe máy độ chế của N cùng với H3 vận chuyển gỗ đã khai thác về tập kết phía trước sân chòi của N. Do việc khai thác gỗ trái phép ít người khó khai thác nên N nói H3 và K gọi thêm người cho N thì H3 đã gọi K4 và K gọi K1, K2 cùng đi khai thác gỗ. Trong quá trình khai thác gỗ, K2 và K1 phụ lăn cây và vận chuyển; K4 phụ K cưa xẻ, lăn cây, bật mực, vận chuyển; còn P2 thì tham gia một số lần phụ bốc vác, phụ đẩy xe. Số gỗ sau khi khai thác được khoảng 18 đến 20 khúc bìa xẻ đôi thì vận chuyển gỗ về để trước sân chòi trong vườn cà phê của N; sau đó N gọi điện thoại cho các đối tượng LQ1, LQ2 vào khu vực sân vườn của N tại Thôn 3, xã L dùng xe ô tô để chở gỗ bán với giá từ 7.000.000đ đến 8.000.000đ trên mỗi chuyến. Sau khi bán gỗ, N trả tiền công cho H3, K2, K4 và K1 từ 250.000đ/01 ngày đến 300.000đ/01 ngày và K là 400.000đ/01 ngày. Đến khoảng 15 giờ ngày 24/02/2017, khi H3, K1, K4, K2 và K đang sử dụng xe máy vận chuyển 06 hộp gỗ từ Tiểu khu 388A về để trước sân chòi trong vườn cà phê của N thuộc Thôn 3, xã L, huyện B thì bị Cơ quan CSĐT Công an huyện B phối hợp với Tổ tuần tra quản lý, bảo vệ rừng xã L, huyện B phát hiện bắt quả tang lập biên bản đối với Hoàng Minh H3 và K1, số còn lại bỏ chạy được.
 
Ngày 25/02/2017, Cơ quan CSĐT Công an huyện B đã phối hợp với các cơ quan chức năng tiến hành xác minh, thu hồi lâm sản có liên quan tại khu vực vườn chòi cà phê của Cao Xuân N tại Tiểu khu 388A thuộc Thôn 3, xã L, huyện B. Kết quả đã lập biên bản thu giữ 2,179m3 gỗ các loại cụ thể:
 
- Tại khu vực sân có 05 hộp gỗ Giổi và 1/2 lóng gỗ Giổi có tổng khối lượng là 0,745m3. Về nguồn gốc số gỗ này, Hoàng Minh H3 và K1 trình bày: Ngày 24/2/2017, Cao Xuân N đã thuê H3, K1 cùng với K4, K2, K và P2 vào rừng khai thác chở về để trước sân cho N;
 
- Xung quanh chòi có 3 lóng gỗ xẻ nhiều cạnh hình lục giác và 1/2 lóng gỗ tròn có khối lượng 0,547m3;
 
- Tại khu vực bên hông chòi có 3 hộp gỗ Mò cua và 06 lóng gỗ có khối lượng 0,887m3;
 
Ngoài ra còn thu giữ: 06 hộp gỗ Giổi đã khai thác vận chuyển cất giấu tại khu vực rừng công ty M có tổng khối lượng 0,658m3 và thu giữ qua khám xét nhà của Cao Xuân N 0,581m3.
 
Kết quả khám nghiệm hiện trường ngày 25/02/2017 xác định hiện trường ngày 14/03/2017 và ngày 13/07/2017, kết quả: Lâm sản thiệt hại là 74 cây gỗ Giổi, Kiền kiền và SP với tổng khối lượng gỗ bị thiệt hại là 207,856m3. Trong đó:
 
- Khối lượng gỗ đã lấy đi khỏi hiện trường: 141,476m3 gồm:
 
+ Khối lượng gỗ đã lấy đi đương sự thừa nhận: 79,922m3.
 
+ Khối lượng gỗ đã lấy đi đương sự không thừa nhận: 61,554m3.
 
- Khối lượng gỗ còn tại hiện trường: 66,380m3, gồm:
 
+ Khối lượng gỗ xẻ còn tại hiện trường: 5,623m3; trong đó: khối lượng gỗ xẻ đương sự thừa nhận: 5,338m3 và khối lượng gỗ xẻ không thừa nhận: 0,285m3.
 
+ Khối lượng gỗ tròn còn tại hiện trường là 57,383m3, trong đó: khối lượng gỗ tròn còn tại hiện trường đương sự thừa nhận khai thác: 20,050m3 và khối lượng gỗ tròn còn tại hiện trường đương sự không thừa nhận khai thác: 37,333m3.
 
Các khối lượng gỗ bị khai thác thuộc lâm phần quản lý bảo vệ của Công ty TNHH N có khối lượng lâm sản thiệt hại là 11,227m3 và khối lượng gỗ thuộc lâm phần quản lý và bảo vệ của Cty TNHH đầu tư xây dựng thương mại M có khối lượng lâm sản thiệt hại là 196,629m3.
 
Theo kết luận định giá tài sản số 71/CV-KLĐG ngày 20/09/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B kết luận: 79,922m3 gỗ tròn mà các bị cáo thừa nhận đã khai thác lấy đi có giá trị là 657.128.084đ; 20,050m3 gỗ tròn mà các bị cáo thừa nhận khai thác còn lại hiện trường có giá trị là 68.550.356đ và khối lượng 5,338m3 gỗ xẻ hộp mà các bị cáo thừa nhận khai thác còn tại hiện trường có giá trị là 54.179.526đ.
 
Qua điều tra đã xác định được cụ thể số lượng lâm sản các đối tượng tham gia khai thác như sau :
 
- Hoàng Minh H3 và K tham gia khai thác và làm ngã đổ là 74 cây (68 cây khai thác và 06 cây ngã đổ), có khối lượng lâm sản thiệt hại 108,505m3 (lâm sản còn tại cội 28,583m3 và lâm sản bị lấy đi 79,922m3);
 
- K1 tham gia khai thác; làm ngã đổ 61 cây (55 cây khai thác; 06 cây ngã đổ), có khối lượng lâm sản thiệt hại 91,390m3 (lâm sản còn tại cội 23,231m3 và lâm sản bị lấy đi 68,159m3);
 
- K2 tham gia khai thác; làm ngã đổ 37 cây (35 cây khai thác; 02 cây ngã đổ), có khối lượng lâm sản thiệt hại 60,184m3 (lâm sản còn tại cội 18,523m3 và lâm sản bị lấy đi 58,159m3);
 
- K4 tham gia khai thác; làm ngã đổ 67 cây (65 cây khai thác; 02 cây ngã đổ), có khối lượng lâm sản thiệt hại 102,895m3 (lâm sản còn tại cội 25,591m3; lâm sản bị lấy đi 77,304m3);
 
Riêng Lương Văn P2, theo lời khai của các bị cáo thì P2 đã tham gia khai thác gỗ cùng với khối lượng gỗ đã lấy đi và còn tại hiện trường là 29,400m3.
 
Đối với khối lượng lâm sản còn lại các bị cáo không thừa nhận là 99,351m3; quá trình điều tra không xác định được đối tượng đã khai thác nên Cơ quan điều tra tách ra tiếp tục điều tra xác minh khi có đủ căn cứ sẽ xử lý theo quy định của pháp luật.
 
Tại bản Cáo trạng số 62/CT-VKS ngày 26 tháng 10 năm 2017 của Viện kiểm sát nhân dân huyện B truy tố các bị cáo Cao Xuân N, Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 về tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng” theo quy định tại khoản 2 Điều 175 Bộ luật hình sự năm 1999.
 
Tại phiên tòa:
 
+ Đại diện Viện kiểm sát nhân dân huyện B giữ quyền công tố luận tội và tranh luận: Các bị cáo đã thừa nhận toàn bộ hành vi phạm tội, Viện kiểm sát vẫn giữ LQ2 quyết định truy tố như cáo trạng; Đề nghị: áp dụng khoản 2 Điều 175 và điểm b, p khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xử phạt bị cáo Cao Xuân N từ 24 tháng đến 36 tháng tù; Áp dụng khoản 2 Điều 175 và điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46 Bộ luật hình sự năm 1999 để xử phạt các bị cáo Hoàng Minh H3 và K mỗi bị cáo từ 18 tháng đến 24 tháng tù; Áp dụng khoản 2 Điều 175 và điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46, Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999 để xử phạt các bị cáo K1, K2, K3 mỗi bị cáo từ 12 tháng đến 15 tháng tù. Ngoài ra, đại diện Viện kiểm sát còn đề nghị về trách nhiệm dân sự, về xử lý vật chứng và án phí hình sự sơ thẩm.
 
+ Các bị cáo Cao Xuân N, Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 khai nhận toàn bộ hành vi phạm tội đúng như Cáo trạng của Viện kiểm sát đã truy tố.
 
+ Các bị cáo nói lời sau cùng: Nhận thức được hành vi phạm tội là sai. Các bị cáo trình bày hoàn cảnh gia đình khó khăn, là lao động chính trong gia đình.…do đó các bị cáo đề nghị Hội đồng xét xử xem xét giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo.
 
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
 
Trên cơ sở nội dung vụ án, căn cứ vào các tài liệu trong hồ sơ vụ án đã được thẩm tra, xét hỏi, tranh luận tại phiên tòa, Hội đồng xét xử nhận thấy như sau:
 
[1] Về hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan điều tra Công an huyện B, tỉnh Lâm Đồng; Điều tra viên; Viện kiểm sát nhân dân huyện B, tỉnh Lâm Đồng; Kiểm sát viên trong quá trình điều tra, truy tố đã thực hiện đúng về thẩm quyền, trình tự, thủ tục theo quy định của Bộ luật tố tụng hình sự. Quá trình điều tra và tại phiên tòa, các bị cáo không có ý kiến hoặc khiếu nại về hành vi, quyết định của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng. Do đó, các hành vi, quyết định tố tụng của Cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng đã thực hiện đều hợp pháp.
 
[2] Về hành vi của các bị cáo Cao Xuân N, Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 thể hiện: Vì mục đích vụ lợi, trong thời gian từ khoảng tháng 11/2016 đến 24/02/2017 Cao Xuân N đã thuê Hoàng Minh H3, K, K4, K2, K1 vào khu vực rừng tại Tiểu khu 388A thuộc lâm phần quản lý và bảo vệ của Công ty TNHH M và Công ty TNHH N thuộc địa giới hành chính xã L, huyện B để khai thác gỗ trái phép cho N bán lấy tiền tiêu xài, tổng khối lượng đã khai thác trái phép là 108,505m3, giá trị thiệt hại tương ứng thành tiền theo kết luận định giá là 779.857.966đ.
 
Trong đó đã xác định được:
 
- Hoàng Minh H3 và K tham gia khai thác và làm ngã đổ là 74 cây (68 cây khai thác và 06 cây ngã đổ), với khối lượng lâm sản thiệt hại 108,505m3;
 
- K1 tham gia khai thác và làm ngã đổ 61 cây (55 cây khai thác và 06 cây ngã đổ), có khối lượng lâm sản thiệt hại 91,390m3 ;
 
- K2 tham gia khai thác và làm ngã đổ 37 cây (35 cây khai thác và 02 cây ngã đổ), có khối lượng lâm sản thiệt hại 60,184m3;
 
- K4 tham gia khai thác và làm ngã đổ 67 cây (65 cây khai thác và 02 cây ngã đổ), có khối lượng lâm sản thiệt hại 102,895m3.
 
Do đó, hành vi của các bị cáo Cao Xuân N, Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 đã đủ yếu tố cấu thành tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”, tội phạm và hình phạt được quy định tại khoản 2 Điều 175 BLHS năm 1999. Vì vậy, Cáo trạng mà Viện kiểm sát nhân dân huyện B đã truy tố đối với các bị cáo là hoàn toàn có căn cứ và đúng pháp luật.
 
Về vai trò đồng phạm trong vụ án này chỉ là đồng phạm giản đơn vì không có sự phân công nhiệm vụ cụ thể rõ ràng mà sau khi được bị cáo N thuê thì các bị cáo Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 cùng nhau lên rừng và tự chặt hạ cây, thu gom mang về cho N bán.
 
Hành vi phạm tội nêu trên của các bị cáo là nguy hiểm cho xã hội, thể hiện sự coi thường pháp luật, các bị cáo nhận thức được rằng Rừng là tài nguyên quốc gia, Nhà nước nghiêm cấm mọi hành vi khai thác lâm sản trái phép, nhưng vì mục đích tư lợi cá nhân, bất chấp các quy định của Nhà nước về quản lý và bảo vệ rừng, các bị cáo đã ngang nhiên cưa hạ cây rừng trái phép. Các bị cáo đều biết được hành vi khai thác lâm sản trái phép là vi phạm pháp luật hình sự nhưng vẫn cố ý phạm tội. Vì vậy, cần thiết phải áp dụng cho các bị cáo một mức hình phạt nghiêm khắc, tương xứng với hành vi phạm tội mà các bị cáo gây ra, đủ để răn đe, cải tạo, giáo dục và phòng ngừa tội phạm chung.
 
Trong vụ án này còn có Lương Văn P2 (1984), trú: xã P3, huyện Q1, tỉnh Thanh Hóa đã tham gia khai thác lâm sản trái phép cùng các bị cáo nhưng quá trình điều tra P2 bỏ trốn không có mặt ở địa phương, Cơ quan điều tra chưa làm việc được, chưa đủ căn cứ xác định vai trò tham gia và khối lượng lâm sản P2 khai thác trái phép. Do đó, Cơ quan điều tra tách ra tiếp tục điều tra xác minh làm rõ vai trò của P2, khi nào có đủ căn cứ sẽ xử lý sau.
 
Đối với Nguyễn Văn LQ1 và Lưu Thái LQ2 là người mua gỗ do các bị cáo khai thác trái phép; quá trình điều tra không xác định được khối lượng gỗ mà LQ1 và LQ2 đã mua.
 
Ngoài ra, qua tra cứu xác định LQ1 và LQ2 không có tiền án, tiền sự về hành vi mua bán lâm sản trái phép. Do đó không đủ căn cứ để xem xét trách nhiệm hình sự đối với LQ1 và LQ2. Cơ quan điều tra đã có công văn yêu cầu Hạt kiểm lâm huyện B xử lý hành chính theo quy định là có căn cứ.
 
Đối với Trần Trung LQ3 (tên gọi khác LQ3 chó) qua làm việc LQ3 không thừa nhận hành vi mua gỗ do các bị cáo khai thác, nên không có căn cứ để xử lý.
 
Đối với Sùng Văn LQ4 (1981), trú: Thôn 3, xã L, huyện B, trong quá trình điều tra xác định LQ4 có chỉ cho Cao Xuân N vị trí 01 cây gỗ Giổi bị bật gốc bên bờ suối khi LQ4 đi bẫy chim phát hiện thuộc Tiểu khu 388A, sau đó N đã chỉ đạo cho K và P2 cùng với LQ4 đi kiểm tra để tiến hành khai thác, sau đó LQ4 được N cho 200.000đ, bản thân LQ4 không tham gia khai thác nên Cơ quan điều tra không xử lý là thỏa đáng.
 
[3] Về tình tiết tăng nặng trách nhiệm hình sự: Không có.
 
[4] Về tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự: Các bị cáo Cao Xuân N, Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 có nhân thân tốt thể hiện việc các bị cáo không có tiền án, tiền sự. Quá trình điều tra các bị cáo đã thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải, do đó được áp dụng tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại điểm p khoản 1 Điều 46 BLHS; bị cáo Hoàng Minh H3 gia đình có công với cách mạng, có “Giấy chứng nhận hộ nghèo”; các bị cáo K4, K, K1 và K2 là người dân tộc thiểu số, gia đình có hoàn cảnh khó khăn nên áp dụng tình tiết giảm nhẹ theo khoản 2 điều 46 BLHS. Riêng bị cáo Cao Xuân N đã cùng gia đình nộp 60.000.000đ để khắc phục một phần thiệt hại nên được áp dụng thêm tình tiết giảm nhẹ theo điểm b khoản 1 Điều 46 BLHS.
 
[5] Về trách nhiệm dân sự: Theo kết luận định giá tài sản số 71/CV-KLĐG ngày 20/09/2017 của Hội đồng định giá tài sản trong tố tụng hình sự huyện B thì toàn bộ thiệt hại mà các bị cáo đã gây ra theo quy định là 779.857.966đ. Ngày 03/11/2017 Hạt kiểm lâm huyện B đã bán đấu giá đối với 21,082m3 gỗ đã thu hồi trong hiện trường các bị cáo khai thác trái phép là 76.202.059đ. Bị cáo Cao Xuân N và gia đình đã nộp bồi thường số tiền 60.000.000đ gồm 50.000.000đ nộp ngày 21/9/2017 và 10.000.000đ nộp ngày 07/11/2017 vào tài khoản của Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Lâm Đồng. Xét thấy bị cáo Cao Xuân N là người thuê Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 và trả công chứ không có sự ăn chia cụ thể từ việc bán gỗ, do đó bị cáo N pH3 chịu trách nhiệm bồi thường số tiền thiệt hại còn lại là 643.655.907đ để sung vào công quỹ Nhà nước.
 
[6] Về xử lý vật chứng:
 
- Áp dụng Điều 41 BLHS năm 1999 và Điều 76 BLTTHS tịch thu sung công quỹ Nhà nước 01 máy cưa xăng có gắn lam và sên; 01 lam cưa; 01 sợi sên.
 
- Áp dụng Điều 41 BLHS năm 1999 và Điều 76 BLTTHS tịch thu tiêu hủy 01 đoạn thước bằng kim loại.
 
Đối 05 xe máy độ chế không có biển kiểm soát nên giao cho Cơ quan CSĐT Công an huyện B tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
(Toàn bộ số vật chứng trên hiện đang được lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Lâm Đồng).
 
- Đối với 4,304m3 gỗ: 0,571m3 gỗ thu giữ khi bắt quả tang Hoàng Minh H3, K1; 2,179m3  là gỗ trước sân và xung quanh chòi trong vườn cà phê của Cao Xuân N; 0,581m3 gỗ thu tại nhà của Cao Xuân N; 0,658m3 thu giữ trong quá trình khám nghiệm hiện trường ngày 14/03/2017 và 0,315m3 thu giữ tại nhà của Nguyễn Văn LQ1, Cơ quan điều tra đã ra quyết định xử lý vật chứng chuyển Hạt kiểm lâm huyện B bán đấu giá để sung vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
 
[7] Về án phí: Căn cứ Điều 99 Bộ luật tố tụng hình sự; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về “Mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án” buộc các bị cáo phải chịu án phí hình sự sơ thẩm theo quy định của pháp luật.
 
Vì các lẽ trên,
 
QUYẾT ĐỊNH
 
1. Tuyên bố các bị cáo Cao Xuân N, Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 phạm tội “Vi phạm các quy định về khai thác và bảo vệ rừng”.
 
Áp dụng khoản 2 Điều 175; điểm b, p khoản 1 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt bị cáo Cao Xuân N 20 (hai mươi) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 02/03/2017.
 
Áp dụng khoản 2 Điều 175; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt bị cáo Hoàng Minh H3 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 26/02/2017.
 
Áp dụng khoản 2 Điều 175; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt bị cáo K 12 (mười hai) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày bắt giam để thi hành án.
 
Áp dụng khoản 2 Điều 175; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt bị cáo K1 09 (chín) tháng 02 (hai) ngày tù. Thời hạn tù từ ngày 26/02/2017.
 
Áp dụng khoản 4 Điều 227 Bộ luật tố tụng hình sự trả tự do ngay tại phiên tòa cho bị cáo K1, nếu bị cáo không bị tạm giam về một tội phạm khác.
 
Áp dụng khoản 2 Điều 175; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt bị cáo K2 09 (chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 13/7/2017.
 
Áp dụng khoản 2 Điều 175; điểm p khoản 1, khoản 2 Điều 46; Điều 47 Bộ luật hình sự năm 1999; Xử phạt bị cáo K3 09 (chín) tháng tù. Thời hạn tù tính từ ngày 13/7/2017.
 
2. Về trách nhiệm dân sự: Buộc bị cáo Cao Xuân N phải tiếp tục bồi thường số tiền thiệt hại còn lại  là 643.655.907đ (Sáu trăm bốn mươi ba triệu sáu trăm năm mươi lăm ngàn chín trăm lẻ bảy đồng) để sung vào công quỹ Nhà nước
 
3. Về xử lý vật chứng:
 
- Áp dụng Điều 41 BLHS năm 1999 và Điều 76 BLTTHS tịch thu sung công quỹ Nhà nước 01 máy cưa xăng có gắn lam và sên; 01 lam cưa; 01 sợi sên.
 
- Áp dụng Điều 41 BLHS năm 1999 và Điều 76 BLTTHS tịch thu tiêu hủy 01 đoạn thước bằng kim loại.
 
Đối 05 xe máy độ chế không có biển kiểm soát nên giao cho Cơ quan CSĐT Công an huyện B tiếp tục xác minh làm rõ để xử lý theo quy định của pháp luật.
 
(Toàn bộ số vật chứng trên hiện đang được lưu giữ tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện B, tỉnh Lâm Đồng).
 
- Đối với 4,304m3 gỗ: 0,571m3 là gỗ thu giữ khi bắt quả tang Hoàng Minh H3, K1; 2,179m3 là gỗ trước sân và xung quanh chòi trong vườn cà phê của Cao Xuân N; 0,581m3 gỗ thu tại nhà Cao Xuân N; 0,658m3 thu trong quá trình khám nghiệm hiện trường ngày 14/03/2017 và 0,315m3 thu giữ tại nhà của Nguyễn Văn LQ1, Cơ quan điều tra đã ra quyết định xử lý vật chứng chuyển Hạt kiểm lâm huyện B bán đấu giá để sung vào ngân sách Nhà nước theo quy định.
 
4. Về án phí: Buộc các bị cáo Cao Xuân N, Hoàng Minh H3, K, K1, K2, K3 mỗi bị cáo phải chịu 200.000đ (Hai trăm ngàn đồng) án phí hình sự sơ thẩm.
 
5. Quyền kháng cáo: Các bị cáo, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, nguyên đơn dân sự có quyền kháng cáo bản án này trong thời hạn 15 ngày từ ngày tuyên án (28/11/2017); đối với người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan vắng mặt tại phiên tòa thì thời hạn kháng cáo tính từ ngày nhận được bản sao bản án hoặc ngày bản án được niêm yết theo quy định để yêu cầu Tòa án nhân dân tỉnh Lâm Đồng xét xử theo thủ tục phúc thẩm.
Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

725
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 58/2017/HS-ST ngày 28/11/2017 về tội vi phạm các quy định khai thác và bảo vệ rừng

Số hiệu:58/2017/HS-ST
Cấp xét xử:Sơ thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Huyện Bảo Lâm - Lâm Đồng
Lĩnh vực:Hình sự
Ngày ban hành: 28/11/2017
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;