Bản án 132/2020/DS-PT ngày 23/09/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH AN GIANG

BẢN ÁN 132/2020/DS-PT NGÀY 23/09/2020 VỀ TRANH CHẤP BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI DO TÀI SẢN BỊ XÂM PHẠM

Ngày 23 tháng 9 năm 2020 tại Tòa án nhân dân tỉnh An Giang xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 116/2020/TLPT- DS ngày 24 tháng 3 năm 2020 về việc “Tranh chấp về bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 04/2020/DS-ST ngày 13 tháng 01 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 124/2020/QĐ-PT ngày 05 tháng 5 năm 2020; quyết định hoãn phiên tòa phúc thẩm số: 114/2020/QĐ-PT ngày 27 tháng 5 năm 2020; quyết định tạm ngừng phiên tòa số: 105/2020/QĐ-PT ngày 10 tháng 6 năm 2020; Thông báo mở lại phiên tòa số: 436/TB-TA ngày 10 tháng 7 năm 2020; quyết định tạm ngừng phiên tòa số: 124/2020/QĐ-PT ngày 31 tháng 7 năm 2020 và Thông báo mở lại phiên tòa số: 451/TB-TA ngày 09 tháng 9 năm 2020, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Lê Thị S, sinh năm 1962; nơi cư trú: ấp K, xã K, huyện C, tỉnh An Giang. (có mặt)

2. Bị đơn: - Ông Lê Tấn L (C), sinh năm 1973; (có mặt) - Bà Trần Thị Tuyết N, sinh năm 1978; (có mặt) Cùng nơi cư trú: ấp K, xã K, huyện C, tỉnh An Giang.

Người đại diện hợp pháp của bị đơn ông Lê Tấn L và bà Trần Thị Tuyết N: bà Hà Bích T, sinh năm 1991, nơi cư trú: ấp B, xã B, huyện C, tỉnh An Giang; là đại diện theo ủy quyền (theo Văn bản ủy quyền tại Văn phòng công chứng Nguyễn Thúc T chứng thực ngày 27/7/2020). (có mặt)

3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan: Ông Võ Văn R, sinh năm 1961: nơi cư trú: ấp K, xã K, huyện C, tỉnh An Giang. (vắng mặt) Người đại diện hợp pháp của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Văn R: bà Lê Thị S, sinh năm 1962, nơi cư trú: ấp K, xã K, huyện C, tỉnh An Giang; là đại diện theo ủy quyền (theo Giấy ủy quyền được Phòng Công chứng số 2 chứng nhận ngày 09/6/2020). (có mặt)

4. Người làm chứng:

- Ông Nguyễn Công K; (vắng mặt) - Ông Võ Văn T; (vắng mặt) - Ông Đoàn Văn T; (vắng mặt) - Ông Nguyễn Văn T. (vắng mặt) 5. Người kháng cáo: Bị đơn ông Lê Tấn L và bà Trần Thị Tuyết N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo hồ sơ án sơ thẩm thể hiện:

Theo đơn khởi kiện ngày 05 tháng 01 năm 2019 và lời khai của nguyên đơn bà Lê Thị S trình bày: Bà có lập vườn trồng 05 công bưởi và 02 công điên điển. Vào tháng 8/2018, bưởi đang phát triển và điên điển đang cho thu hoạch thì phía ông L, bà N đã thuê người xịt thuốc cỏ làm chết 02 công điên điển của bà và 170 cây bưởi thiệt hại. Sau đó, bà trồng lại đợt điên điển khác và đang thu hoạch thì ngày 21/12/2018, ông L và bà N lại thuê người xịt thuốc cỏ làm chết 02 công điên điển và ảnh hưởng 02 công bưởi (140 cây) mà bà vừa mới xịt thuốc phục hồi.

Sự việc này bà có trình báo với chính quyền địa phương và được ban ấp hòa giải vào ngày 31/12/2018: phía ông L, bà N thừa nhận việc xịt thuốc và bồi thường thiệt hại 2.000.000đ nhưng bà không đồng ý. Nay bà yêu cầu ông L, bà N phải bồi thường cho bà số tiền 68.100.000 đồng, trong đó:

+ Điên điển: 34.000đ/kg x 20kg/ngày x 90 ngày = 61.200.000 đồng + Bưởi: 35.000đ/cây x 140 cây = 4.900.000 đồng, tiền vận chuyển:

1.000.000 đồng, tiền công trồng và phân thuốc: 1.000.000 đồng.

Bị đơn ông Lê Tấn L và bà Trần Thị Tuyết N trình bày: Vào ngày 17/11/2018 âl, do đất nhiều cỏ nên ông bà có trộn thuốc 2,4D và phân bón các loại để xịt lúa. Đất ông bà canh tác cách đất bà S 03 công nên việc xịt thuốc không gây ảnh hưởng đến cây trồng của bà S. Do đó ông bà không đồng ý bồi thường thiệt hại theo yêu cầu khởi kiện của bà S.

Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông Võ Văn R trình bày: Diện tích điên điển bị hư hỏng là tài sản chung vợ chồng của ông và bà S. Ông yêu cầu ông L và bà N bồi thường thiệt hại tài sản cho vợ chồng ông.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 04/2020/DS-ST ngày 07 và 13 tháng 01 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang đã QUYẾT ĐỊNH

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Lê Thị S.

Buộc ông Lê Tấn L (C) và bà Trần Thị Tuyết N có nghĩa vụ bồi thường cho bà Lê Thị S và ông Võ Văn R số tiền 31.500.000đ (Ba mươi mốt triệu năm trăm nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án còn tuyên về nghĩa vụ do chậm thực hiện nghĩa vụ dân sự, án phí dân sự sơ thẩm, chi phí tố tụng; quyền kháng cáo; quyền thi hành án và thời hiệu thi hành án của các bên đương sự.

 Ngày 17/01/2020, bị đơn ông Lê Tấn L và bà Trần Thị Tuyết N kháng cáo bản án sơ thẩm, yêu cầu chấp nhận toàn bộ kháng cáo của ông bà, cụ thể xem xét: Không chấp nhận bản án của Tòa án cấp sơ thẩm buộc ông L, bà N bồi thường 31.000.000đ (ba mươi mốt triệu đồng).

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn bà Lê Thị S vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và bị đơn ông Lê Tấn L, bà Trần Thị Tuyết N do bà Hà Bích T đại diện theo ủy quyền vẫn giữ yêu cầu kháng cáo. Các đương sự không thỏa thuận được với nhau về việc giải quyết vụ án.

Bà Lê Thị S có ý kiến: Bà không đồng ý với yêu cầu kháng cáo của bị đơn và yêu cầu Hội đồng xét xử giữ nguyên bản án sơ thẩm.

Bà Hà Bích T đại diện theo ủy quyền của bị đơn có ý kiến: Yêu cầu Hội đồng xét xử xem xét chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn vì cấp sơ thẩm buộc bị đơn bồi thường thiệt hại cho nguyên đơn với mức bồi thường là cao, không hợp lý với thực tế.

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm và đề xuất hướng giải quyết vụ án:

 - Về thủ tục tố tụng, kháng cáo của ông Lê Tấn L, bà Trần Thị Tuyết N là phù hợp pháp luật; Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án, Hội đồng xét xử đã chấp hành đầy đủ quy định của Bộ luật Tố tụng dân sự từ khi thụ lý vụ án đến khi xét xử. Các đương sự, người đại diện ủy quyền của bị đơn, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan ông R cũng đã chấp hành đúng các qui định của pháp luật về tố tụng.

- Về nội dung giải quyết vụ án: Bà S đã tự thay đổi mục đích canh tác đất từ đất trồng lúa sang trồng cây lâu năm, nên việc bà N, ông L xịt thuốc cỏ 2.4D gây ảnh hưởng thiệt hại đến cây trồng của bà S cũng có phần lỗi, cả hai bên đều có lỗi. Căn cứ Công văn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang cung cấp thông tin: lợi nhuận trung bình đối với việc trồng xen canh điên điển với cây trồng khác (cây bưởi) thu được sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc đối với 1.000m2 đất trồng điên điển là 11.950.000 đồng/1.000m2. Xác định thiệt hại cây trồng điển điển với hình thức xen canh (cây bưởi) của bà S là 11.950.000 đồng/1.000m2 x 2.000m2 = 23.900.000 đồng, nhưng mỗi bên có lỗi 50%. Vì vậy, buộc bà N và ông L phải bồi thường thiệt hại cho bà S, ông R số tiền 11.950.000 đồng.

Do đó, đề nghị Hội đồng xét xử áp dụng khoản 2 Điều 308 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015 chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông L, bà N, sửa bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Châu Phú: Buộc bà N và ông L có nghĩa vụ bồi thường cho bà S, ông R số tiền 11.950.000 đồng. Về án phí dân sự sơ thẩm: ông L, bà N phải chịu 597.500 đồng. Các phần còn lại của bản án sơ thẩm có hiệu lực pháp luật.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

[1] Về thủ tục tố tụng:

Bị đơn ông Lê Tấn L, bà Trần Thị Tuyết N làm đơn kháng cáo và nộp tạm ứng án phí phúc thẩm trong thời hạn luật định nên được Hội đồng xét xử chấp nhận và  xét  xử  theo  thủ  tục  phúc  thẩm  là  đúng  quy  định  tại Điều 285 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015.

Ông Lê Tấn L, bà Trần Thị Tuyết N ủy quyền cho bà Hà Bích T theo Văn bản ủy quyền được Văn phòng công chứng Nguyễn Thúc T chứng thực ngày 27/7/2020; ông Võ Văn R ủy quyền cho bà Lê Thị S theo Giấy ủy quyền được Phòng Công chứng số 2 tỉnh An Giang chứng nhận ngày 09/6/2020. Việc ủy quyền trên phù hợp với quy định pháp luật nên được công nhận.

Tại phiên tòa, các đương sự xác định giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, yêu cầu kháng cáo và không cung cấp thêm tài liệu chứng cứ mới.

[2] Xét yêu cầu kháng cáo của bị đơn ông Lê Tấn L và bà Trần Thị Tuyết N, Hội đồng xét xử phúc thẩm XÉT THẤY

Bà Lê Thị S có cầm cố cho vợ chồng ông Lê Tấn L, bà Trần Thị Tuyết N 9.400m2 đất sản xuất nông nghiệp. Đất bà S và đất ông C, bà N nhận cầm cố nằm gần nhau và cùng tọa lạc tại ấp K, xã k, huyện C, tỉnh An Giang. Ngày 17/11/2018 âl ông L bà N có trộn pha thuốc trừ cỏ loại 2,4D và phân bón các loại để xịt lúa.

Theo bà S thuốc này đã bay sang làm 2.000m2 cây điên điển và 140 cây bưởi của bà bị chết nên đã có báo Ban ấp K để cử người xem xét hiện trạng và tiến hành hòa giải ngày 31/12/2018 nhưng hai bên không thống nhất được với nhau. Nay bà S khởi kiện yêu cầu ông L, bà N bồi thường thiệt hại số tiền 68.100.000 đồng. Ông L, bà N thừa nhận có xịt thuốc diệt cỏ, không thừa nhận điên điển và bưởi của bà S bị chết nên không đồng ý bồi thường.

Tòa án cấp sơ thẩm đã tiến hành xem xét thẩm định tại chỗ ngày 16/5/2019 ghi nhận: đất bà S trồng điên điển đang thu hoạch bông, trồng xen với bưởi đang phát triển khoảng 01 năm tuổi; đất ông L bà N đang sử dụng trồng lúa được hơn 01 tháng; vị trí hai diện tích đất có khoảng cách có đoạn cách nhau 9m chiều dài đất là 37m, có đoạn cách nhau 39m chiều dài 74,4m. Đồng thời, cả hai diện tích đất nêu trên theo giấy chứng nhận quyền sử dụng đất có mục đích sử dụng: đất trồng lúa.

Căn cứ vào lời trình bày của các đương sự, những người làm chứng ông Võ Quan T (người dân có đất canh tác gần đất của bà S), ông Nguyễn Công K (Trưởng ấp K) và qua xác minh thông tin được cán bộ nông nghiệp xã K cung cấp về thời gian gieo trồng, thu hoạch và giá bán bông điên điển; cấp sơ thẩm không chấp nhận phần cây trồng bưởi bị thiệt hại và chấp nhận phần cây trồng điên điển của bà S bị thiệt hại diện tích 1.500m2 để tính mức bồi thường sản lượng (1.200kg/1.000m2 + 600kg/500m2) x 30.000đ/kg = 54.000.000 đồng trừ đi chi phí đầu tư, công lao động từ khi gieo trồng đến thu hoạch là 22.500.000 đồng, để buộc ông L, bà N có nghĩa vụ bồi thường cho bà S, ông R số tiền 31.500.000 đồng.

Nay bà N, ông L kháng cáo yêu cầu xem xét ông bà không đồng ý chịu trách nhiệm bồi thường số tiền 31.500.000 đồng do đây là đất trồng lúa không phải trồng hoa màu, phía bà S, ông R sử dụng đất sai mục đích và thực trạng số điên điển bị thiệt hại khoảng 20 cây sắp tàn có chính quyền địa phương đến xác minh nên không thể có giá cao như án sơ thẩm buộc; đồng thời ông bà có cung cấp Vi bằng số: 30/2020/VB-TPL ngày 10 tháng 4 năm 2020 do Văn phòng Thừa phát lại An Giang lập theo yêu cầu của bà N. Hội đồng xét xử phúc thẩm xét thấy, tại biên bản hòa giải ngày 31/12/2018 của Văn phòng ấp K, xã K, huyện C, biên bản thẩm định tại chỗ ngày 16/5/2019 của Tòa án cấp sơ thẩm và lời trình bày của bà S; bà N, ông L, người đại diện ủy quyền của bị đơn tại phiên tòa phúc thẩm đều xác định diện tích đất bà S, ông R đang trồng cây bưởi xen cây điên điển là đất chuyên trồng lúa nước do bà S, ông R tự ý chuyển đổi mục đích sử dụng đất. Căn cứ điểm a khoản 1 Điều 57, khoản 2 Điều 59 Luật Đất đai 2013 thì người sử dụng đất muốn chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất trồng lúa sang đất trồng cây lâu năm, đất trồng rừng, đất nuôi trồng thủy sản, đất làm muối phải được phép của cơ quan nhà nước có thẩm quyền - Ủy ban nhân dân cấp huyện quyết định. Tuy nhiên, theo biên bản xác minh ngày 09/7/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh An Giang tại UBND xã K, huyện C, tỉnh An Giang thì UBND xã có vận động khuyến khích người nông dân chuyển đối từ diện tích vườn tạp, diện tích lúa màu kém hiệu quả sang vườn cây ăn trái từ năm 2016 theo Nghị quyết số 09-NQ/TU của Tỉnh ủy An Giang, nhưng không bắt buộc tất cả phải thực hiện. Do đó, việc bà S chuyển đổi mục đích sử dụng đất từ đất chuyên dùng lúa nước sang đất trồng cây ăn trái: trồng cây ăn trái với hình thức xen canh lấy ngắn nuôi dài, cụ thể trồng điên điển xen canh với cây bưởi; cũng như việc bà N, ông L không thực hiện việc chuyển đổi mục đích trồng trọt đều không vi phạm quy định của địa phương. Cho nên ý kiến của của các đương sự về xác định lỗi của hai bên khi tự chuyển đổi hoặc không chuyển đổi mục đích sử dụng đất và ý kiến của đại diện Viện kiểm tại phiên tòa cho rằng cả hai phía cùng có lỗi và xác định lỗi 50% trong việc để xảy ra thiệt hại cho bà S là không có cơ sở để chấp nhận.

Nay bà S cho rằng bà bị thiệt hại cây trồng (điên điển và cây bưởi) nhưng cũng không cung cấp chứng cứ chứng minh việc cho rằng những cây điên điển của bà trồng bị chết là bởi chính việc ông L, bà N xịt thuốc trừ cỏ lúa trên đất của ông L, bà N, vì không thể loại trừ việc cây điên điển chết bởi các nguồn khác như nguồn nước, nguồn thuốc bảo vệ thực vật khác,… và chứng cứ xác định diện tích đất đã trồng cụ thể bao nhiêu. Đáng lẽ ra khi xảy ra sự việc và các bên có tranh chấp cần tiến hành yêu cầu cơ quan chuyên môn giám định để có kết luận kịp thời nguyên nhân điên điển bị vàng héo, cũng như diện tích bị thiệt hại cụ thể như thế nào. Đây là sai sót của các đương sự và thời gian xảy ra sự việc đã quá lâu nên cấp sơ thẩm và phúc thẩm không thể tiến hành thực hiện việc trưng cầu giám định được vì không còn đủ yếu tố để kết luận chính xác. Tuy bà S không cung cấp được tài liệu chứng cứ chứng minh cho thiệt hại thực tế nhưng qua xem xét thẩm định tại chỗ của cấp sơ thẩm và phúc thẩm, cũng như sự thừa nhận của bị đơn có hành vi xịt thuốc cỏ 2.4D cho lúa của bà N, ông L; đồng thời, căn cứ vào Công văn số: 1554/SNNPTNT-CCTTBVTV ngày 31/8/2020 V/v cung cấp thông tin liên quan đến việc sử dụng thuốc trừ cỏ 2.4D trên cây trồng của Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh An Giang đã cung cấp thông tin về mức độ nguy hại đối với cây trồng khi chịu ảnh hưởng của việc phun xịt thuốc diệt cỏ 2.4D và những khuyến cáo trong việc sử dụng loại thuốc này: Hoạt chất 2.4D là thuốc trừ cỏ không chọn lọc, tất cả cây trồng đều bị ảnh hưởng đến sự sinh trưởng hoặc chết nếu tiếp xúc trực tiếp hoặc hơi (mùi) nếu dưới gió. Do thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D có ảnh hưởng xấu đến sức khỏe con người và môi trường. Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật số 41/2013/QH13, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Quyết định số 278/QĐ- BNN-BVTV ngày 08/02/2017 loại bỏ thuốc BVTV chứa hoạt chất 2.4D ra khỏi Danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam, các loại thuốc trên được buôn bán, sử dụng đến ngày 08/02/2019. Đến thời điểm hiện tại, hoạt chất 2.4D đã chính thức không có tên trong danh mục thuốc BVTV được phép sử dụng tại Việt Nam (Thông tư số 10/2019/TT-BNNPTNT ngày 20/9/2019 của Bộ Nông nghiệp và PTNT).

Chính vì vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm xác định việc cấp sơ thẩm căn cứ lời trình bày của những người làm chứng và xác định việc bà S có bị thiệt hại số cây trồng điên điển và buộc bị đơn có trách nhiệm bồi thường thiệt hại với diện tích trồng cây 1.500 m2 là có cơ sở. Bà S không có kháng cáo bản án sơ thẩm và tại phiên tòa phúc thẩm bà có ý kiến yêu cầu giữ nguyên bản án sơ thẩm. Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm vẫn xác định diện tích trồng cây điên điển xen canh cây bưởi của bà S đã bị thiệt hại bởi hành vi phun xịt thuốc cỏ 2.4D cho lúa của bà N, ông L là 1.500 m2 đất. Tuy nhiên, mức thiệt hại cấp sơ thẩm buộc bị đơn bồi thường thiệt hại tính dựa trên tổng mức sản lượng x đơn giá nhất định từ đầu vụ đến cuối vụ và trừ đi chi phí đầu tư, công lao động từ khi gieo trồng đến thu hoạch là cao hơn thực tế. Vì thực tế giá bán, sản lượng bông thu hoạch không thể duy trì một mức từ đầu vụ đến cuối vụ và theo người làm chứng ông Nguyễn Công K cho rằng thực tế ông trồng điên điển trên 1.000m2 đất nếu thu hoạch bông đạt và duy trì được giá là 30.000 đồng/kg, thu hoạch sau khi trừ đi mọi chi phí, lợi nhuận khoảng 15.000.000 đồng (theo biên bản xác minh ngày 03/01/2020). Và theo cung cấp thông tin của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang tại Công văn số: 1554/SNNPTNT-CCTTBVTV ngày 31/8/202: lợi nhuận trung bình đối với việc trồng xen canh điên điển với cây trồng khác (cây bưởi) thu được sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc đối với 1.000m2  đất trồng điên điển là 11.950.000 đồng/1.000m2. Như vậy, theo hình thức trồng điển điển xen canh như nguyên đơn thì mức lợi nhuận thu được đối với 1.000m2 đất theo cung cấp của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh An Giang là hợp lý hơn nên Hội đồng xét xử phúc thẩm lấy đây làm căn cứ tính mức thiệt hại cho nguyên đơn. Do đó, đối với diện tích 1.500m2 đất trồng cây điên điển xen canh cây bưởi của nguyên đơn đã bị thiệt hại – đã bị mất đi phần lợi nhuận thu được sau khi trừ chi phí đầu tư, chăm sóc là: 11.950.000đ/1.000m2 x 1.500m2 = 17.925.000 đồng (mười bảy triệu, chín trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

Diện tích trồng cây điên điển bị thiệt hại là tài sản chung của vợ chồng ông R và bà S, ông R có yêu cầu bồi thường thiệt hại cho ông và bà S nên cấp sơ thẩm buộc ông L và bà N có nghĩa vụ bồi thường cho bà S và ông R là có cơ sở, đúng quy định pháp luật.

Do đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm chấp nhận một phần kháng cáo của ông L, bà N, sửa bản án sơ thẩm, buộc ông L, bà N phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bà S, ông R số tiền 17.925.000 đồng (mười bảy triệu, chín trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

Các phần Quyết định còn lại của Bản án sơ thẩm không bị kháng cáo, kháng nghị, Hội đồng xét xử không đặt ra xem xét.

 [3] Về chi phí tố tụng tại cấp phúc thẩm: chi phí xem xét thẩm định tại chỗ 1.325.000 đồng (một triệu, ba trăm hai mươi lăm nghìn đồng) do bị đơn đã tạm ứng và nay tại phiên tòa ông L, bà N do bà T đại diện theo ủy quyền có ý kiến tự nguyện chịu chi phí trên nên Hội đồng xét xử không xem xét đến.

[4] Về án phí sơ thẩm:

Bà S phải chịu số tiền 2.509.000 đồng (hai triệu, năm trăm lẻ chín nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Bà N và ông L phải chịu số tiền 896.000 đồng (tám trăm chín mươi sáu nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm [5] Về án phí phúc thẩm: Do kháng cáo được chấp nhận nên ông L, bà N không phải chịu tiền án phí dân sự phúc thẩm.

Vì các lẽ trên:

QUYẾT ĐỊNH

 Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309, khoản 2 Điều 148 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; khoản 2 Điều 29 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Chấp nhận một phần yêu cầu kháng cáo của ông Lê Tấn L (C) và bà Trần Thị Tuyết N.

- Sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số 04/2020/DS-ST ngày 07 và 13 tháng 01 năm 2020 của Toà án nhân dân huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Căn cứ vào khoản 6 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39; khoản 1 Điều 147; khoản 1 Điều 157 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015:

Căn cứ vào Điều 584, Điều 585, Điều 587 và Điều 589 Bộ luật Dân sự năm 2015:

 Căn cứ vào khoản 4 Điều 26 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Lê Thị S đối với ông Lê Tấn L (C) và bà Trần Thị Tuyết N về việc yêu cầu ông L, bà N phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bà số tiền 68.100.000 đồng (sáu mươi tám triệu, một trăm nghìn đồng).

Buộc ông Lê Tấn L (C) và bà Trần Thị Tuyết N phải có trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại cho bà Lê Thị S, ông Võ Văn R số tiền 17.925.000 đồng (mười bảy triệu, chín trăm hai mươi lăm nghìn đồng).

2. Về chi phí tố tụng:

2.1 Chi phí tố tụng sơ thẩm: bà Lê Thị S phải chịu số tiền 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) chi phí xem xét thẩm định tại chỗ đã nộp.

Ông Lê Tấn L (C) và bà Trần Thị Tuyết N phải chịu số tiền 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) chi phí xem xét thẩm định tại chỗ. Ông L và bà N có nghĩa vụ hoàn lại 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) cho bà S.

 2.2 Chi phí tố tụng phúc thẩm: Ông Lê Tấn L (C) và bà Trần Thị Tuyết N tự nguyện chịu số tiền 1.325.000 đồng (một triệu, ba trăm hai mươi lăm nghìn đồng) chi phí xem xét thẩm định tại chỗ đã tạm ứng.

3. Về án phí:

3.1 Án phí sơ thẩm:

Bà Lê Thị S phải chịu số tiền 2.509.000 đồng (hai triệu, năm trăm lẻ chín nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm, được khấu trừ vào số tiền 1.702.500 đồng (một triệu, bảy trăm lẻ hai nghìn, năm trăm đồng) tạm ứng án phí đã nộp theo biên lai thu số 0010500 ngày 23/01/2019 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Phú, tỉnh An Giang. Bà S còn phải nộp số tiền 806.500 đồng (tám trăm lẻ sáu nghìn, năm trăm đồng) án phí sơ thẩm.

Ông Lê Tấn L (C) và bà Trần Thị Tuyết N phải chịu số tiền 896.000 đồng (tám trăm chín mươi sáu nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

3.2 Án phí phúc thẩm: Ông Lê Tấn L (C) và bà Trần Thị Tuyết N không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm. Hoàn trả lại cho ông Lê Tấn L (C) số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0006144 và cho bà Trần Thị Tuyết N số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số 0006143 cùng ngày 17/01/2020 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện Châu Phú, tỉnh An Giang.

Kể từ ngày bản án có hiệu lực pháp luật (đối với các trường hợp cơ quan thi hành án có quyền chủ động ra quyết định thi hành án) hoặc kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án (đối với các khoản tiền phải trả cho người được thi hành án) cho đến khi thi hành án xong, bên phải thi hành án còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo mức lãi suất quy định tại Điều 357, Điều 468 của Bộ luật Dân sự năm 2015, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

Trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6,7 và 9 Luật thi hành án dân sự, thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

358
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 132/2020/DS-PT ngày 23/09/2020 về tranh chấp bồi thường thiệt hại do tài sản bị xâm phạm

Số hiệu:132/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân An Giang
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 23/09/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;