TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH HẢI DƯƠNG
BẢN ÁN 10/2018/DSPT NGÀY 27/04/2018 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ, YÊU CẦU HỦY QUYẾT ĐỊNH CÁ BIỆT
Ngày 27 tháng 4 năm 2018, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Hải Dương xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số 70/2017/TLPT-DS ngày 29/11/2017 về “Tranh chấp chia thừa kế và yêu cầu hủy quyết định cá biệt ”.
Do bản án dân sư sơ thẩm số 13/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân huyện N bị kháng cáo, kháng nghị. Theo quyết định đưa vụ án ra xét xử số 05/2018/QĐ-PT ngày 28/02/2018; Quyết định hoãn phiên tòa số 06/2018/QĐ-PT ngày 27/3/2018; Quyết định hoãn phiên tòa số 09/2018/QĐ-PT ngày 12/4/2018, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn:
1. Bà Bùi Thị C, sinh năm 1957. Địa chỉ: Thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương (Có mặt);
2. Bà Bùi Thị L, sinh năm 1961. Địa chỉ: Thôn H, xã T, huyện I, tỉnh Bắc Ninh (Có mặt);
3. Bà Bùi Thị H, sinh năm 1962. Địa chỉ: Thôn 3, xã R, huyện M, tỉnh Đăk Lăk (Vắng mặt). Bà Bùi Thị H ủy quyền cho bà Bùi Thị C (Văn bản uỷ quyền ngày 20/7/2017).
- Bị đơn: Bà Bùi Thị Q, sinh năm 1951. Địa chỉ: Khu 7, phường Y, thành phố G, tỉnh Quảng Ninh (Có mặt);
Người đại diện theo ủy quyền: Ông Trần Văn E (Chồng bà Q), sinh năm 1951 (Văn bản uỷ quyền ngày 12/7/2017). Địa chỉ: Khu 7, phường Y, thành phố G, tỉnh Quảng Ninh (bà Q và ông E, có mặt);
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án:
1. Ông Bùi Văn T, sinh năm 1971 (Có mặt);
2. Bà Đỗ Thị A, sinh năm 1974 (vợ ông T, có mặt);
3. Chị Bùi Thị M, sinh năm 1992 (con ông T, bà A, vắng mặt);
Chị M ủy quyền cho bà A tham gia tố tụng (văn bản uỷ quyền ngày 21/3/2016);
Đều ở tại: Thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương.
4. Ông Trần Văn B, sinh năm 1962 và bà Dương Thị D, sinh năm 1965
(vợ ông B); Đều có địa chỉ: Thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương (Đều vắng mặt);
5. Ông Trần Văn E, sinh năm 1951. Địa chỉ: Khu 7, phường Y, thành phố G, tỉnh Quảng Ninh (Có mặt);
6. UBND huyện N. Địa chỉ: Thị trấn N, huyện N, tỉnh Hải Dương. Người đại diện theo pháp luật: Ông Bùi Văn S, chức vụ: Chủ tịch. Người đại diện theo ủy quyền: Ông Nguyễn Tiến K, chức vụ: Phó Chủ tịch (Vắng mặt).
- Người kháng cáo:
1. Bà Bùi Thị Q là bị đơn;
2. Ông Bùi Văn T là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Hải Dương kháng nghị.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo bản án sơ thẩm số 13/2017/DS-ST ngày 28/9/2017 của Tòa án nhân dân (viết tắt: TAND) huyện N thì vụ án có nội dung tóm tắt như sau:
Cụ Bùi Văn X và cụ Nguyễn Thị V sinh được 04 người con gái là Bùi Thị Q, Bùi Thị C, Bùi Thị L, Bùi Thị H và nhận nuôi 01 người con trai là Bùi Văn T từ khi mới sinh. Sinh thời, hai cụ có 700m2 đất thổ cư; trên đất xây một nhà ngói 5 gian, một bếp, một gian nhà nuôi lợn, một giếng nước, một sân gạch và một số cây lâu năm. Khoảng năm 1992-1993, hai cụ cho ông Bùi Văn T toàn bộ tài sản (đất, công trình trên đất). Tháng 12/1996, ông T được UBND huyện N cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Viết tắt: GCNQSDĐ) ghi: Bùi Văn T (X). Năm 2004, do có bất đồng trong việc chăm sóc bố mẹ lúc tuổi cao sức yếu nên hai cụvà các chị em trong gia đình đã yêu cầu ông T trả lại tài sản. Ngày 11/7/2004, với sự có mặt của các thành viên trong gia đình cùng Trưởng thôn và ông Trần Xuân O (Cán bộ địa chính xã Q) đại diện cho chính quyền địa phương lúc đó; ông T đồng ý trả lại tài sản và hai cụ đồng ý cho vợ chồng ông T một phần đất để làm nhà ở. Đồng thời, lập ‘‘Biên bản giải quyết về việc đo giao tách đất ở’’, nội dung: Trích đo, vẽ sơ đồ xác định phần đất của hai bên, theo thỏa thuận, hai cụ cắt cho ông T 222m2 (Văn bản đo, tách đất do UBND xã Q quản lý). Cùng năm 2004, ông T đã xây tường ranh giới (tạo khuôn viên riêng). Năm 2005, vợ chồng ông T bán một phần đất cho vợ chồng ông B, bà D (trong diện tích 222m2). Sau đó, cả vợ chồng ông T và vợ chồng ông B đã xây nhà kiên cố. Diện tích đất còn lại 478m2, trên đất có công trình xây dựng và cây trồng trên đất là của hai cụ.
Ngày 18/10/2004 (tức ngày 05/9/2004 âm lịch), cụ X chết. Ngày 23/10/2005 (tức ngày 20/9/2005 âm lịch), cụ V chết.
- Theo các Nguyên đơn (Bà Bùi Thị C, Bùi Thị L và Bùi Thị H) trình bày:
Sau khi các cụ mất, lúc dọn nhà, bà C và bà L nhặt được hai bản di chúc do cụ X viết vào khoảng năm 2004 có bản có chữ ký của các bà, có bản không có chữ ký. Cũng năm 2004 khi cụ X còn minh mẫn, cụ đã lập một bản di chúc khác có nội dung: „„Phần đất và nhà của hai cụ giao cho chị Q là chị cả có trách nhiệm trông nom, khi nào cụ bà (V) mất thì di sản của hai cụ chia đều cho 4 chị em gái”; trong di chúc không đề cập đến phần đất cho ông T. Di chúc cụ X ký trước, bà Q, bà L, bà C và ông T ký sau, cụ V không biết chữ không ký và cũng không điểm chỉ. Bản di chúc này giao cho bà Q (chị cả) giữ.
Sau khi hai cụ chết, di sản của hai cụ để lại do bà Q quản lý. NE từ năm 2011, bà Q đi làm ăn xa không ai quản lý. Khi các bà muốn về ở và có ý kiến phân chia thì bà Q không đồng ý nên các bà có đơn khởi kiện đề nghị Toà án không chấp nhận các bản di chúc của cụ X để lại vì không hợp pháp và chia thừa kế theo pháp luật cho 4 chị em là Q, C, L, H mỗi người 1 phần.
- Theo bà Bùi Thị Q (Bị đơn) trình bày:
Năm 2004, do bố mẹ già yếu gia đình đã họp bàn giao cho các con có trách nhiệm trông nom, nuôi dưỡng bố mẹ nhưng bà C, bà L, bà H và ông T không ai nhận trách nhiệm nên bà phải về chăm sóc, nuôi dưỡng. Theo biên bản họp gia đình lập năm 2004 (không ghi ngày, tháng), bà chăm sóc bố mẹ lúc già yếu đến lúc qua đời nên cụ X đã lập di chúc có sự chứng kiến của ông Bùi Văn I (người trong họ), bà Nguyễn Thị Y, ông Nguyễn Đức G (là em trai và em gái của cụ V) với nội dung là sau khi bố mẹ qua đời phần đất và nhà của hai cụ giao cho bà được toàn quyền sở hữu. Theo di chúc, bà đã thực hiện nghĩa vụ của người con cả: Trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ khi ốm đau, đi viện, lo mai táng, sang cát, xây lăng mộ cho hai cụ, tu sửa 05 gian nhà của bố mẹ để làm nơi thờ cúng. Do đi làm ăn xa (Quảng Ninh) nên di sản của bố mẹ, bà không thường xuyên quản lý mà khoá cửa. Thỉnh thoảng, vợ chồng ông T qua lại thắp hương. Bà đề nghị Tòa án công nhận bản di chúc do cụ X lập và giao di sản cho bà; không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về chia thừa kế. Trường hợp di chúc của hai cụ không hợp pháp thì đề nghị xác định cả 222m2 đất ở và 960m2 đất 03 của hai cụ đang do ông T quản lý là di sản và chia đều cho các đồng thừa kế. Yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán cho vợ chồng bà tiền công do bà phải bỏ công việc gia đình về chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ khi ốm đau, đi viện, không làm ăn tạo ra thu nhập và chồng bà phải thuê người làm thay trong 28 tháng x 7.000.000 đồng/tháng bằng 196.000.000 đồng; chi phí mai táng, cải táng, xây lăng mộ hết 66.000.000 đồng và tiền công, mua vật liệu tu sửa nhà của bố mẹ bằng 108.000.000 đồng.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Ông Bùi Văn T) trình bầy:
Khi hai cụ còn sống không lập bản di chúc nào; ông bà không đồng ý chia di sản thừa kế mà để làm nơi thờ cúng. Vì hai cụ đã chuyển toàn bộ cho ông vào năm 1996, ông đã được cấp GCNQSDĐ; tiêu chuẩn đất 03 của hai cụ bằng 960m2 cũng đã cho ông vào tháng 4/2004, ông đã được cấp GCNQSDĐ nên không còn là di sản để chia. Năm 2004, khi các chị về đòi chia lại đất, ông bà đã đồng ý trả lại bố mẹ 478m2; diện tích còn lại 222m2, ông đã xây nhà và bán một phần cho vợ chồng ông B, bà D. Ông B, bà D đã xây nhà kiên cố.
- Bà Nguyễn Thị A (vợ ông T) trình bày: Năm 1991, bà kết hôn với ông T và ăn ở chung cùng với hai cụ. Khoảng năm 1993, hai cụ tặng cho ông T (chồng bà) toàn bộ nhà đất và đất 03. Năm 2004, khi các chị chồng về đòi chia lại đất ở của bố mẹ. Mặc dù, nhà và đất được cấp quyền sử dụng đất mang tên ông T nên ông bà đã tự nguyện trả lại cho bố mẹ 478m2 và tài sản trên đất có cán bộ địa chính xã đến lập văn bản, đo tách đất và có cả Trưởng thôn đại diện chứng kiến. Ông bà chỉ lấy một phần là 222m2 để xây nhà ở. Thời gian sống chung, ông bà cùng bố mẹ xây nhà bếp, nhà tắm, giếng khơi, chuồng lợn. Nay, các bà C, L, H yêu cầu chia thừa kế, bà không yêu cầu phải thanh toán công sức.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đồng thời là người có yêu cầu độc lập, ông Trần Văn E (chồng bà Q) trình bày:
Trước khi hai cụ mất, gia đình họ hàng đã họp có văn bản giao cho ông bà chăm sóc, nuôi dưỡng hai cụ khi già yếu, ốm đau, đi viện; lo hậu sự cho hai cụ khi qua đời. Hai cụ đã lập di chúc để lại nhà đất cho bà Q được toàn quyền sở hữu và sử dụng nên ông bà đã cùng bỏ tiền và công sức để trông nom, phụng dưỡng và khi hai cụ chết, ông bà là người bỏ tiền lo mai táng, cải táng, xây lăng mộ; tu sửa cải tạo nhà của hai cụ để lại. Đó là tài sản chung của ông bà nên ông đồng quan điểm với bà Q đề nghị Toà án chấp nhận bản di chúc do hai cụ lập ngày 20/6/2004 có chữ ký làm chứng của ông G, ông I, bà Y và bác yêu cầu chia thừa kế của các nguyên đơn. Nếu di chúc của hai cụ không hợp pháp thì khi giải quyết chia thừa kế, yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán trả ông bà các khoản: Chi phí mai táng, cải táng, xây lăng mộ tổng 66.000.000 đồng; tiền tu sửa, tôn tạo nhà của hai cụ làm nơi thời cúng là 108.000.000 đồng. Tổng bằng 174.000.000 đồng (1).
Ngày 26/8/2015 và ngày 22/10/2015, ông có đơn yêu cầu độc lập và bản tự khai bổ sung với nội dung: Khi hai cụ già yếu không làm được, ốm đau đi viện, ông bà phải về chăm nuôi 2 cụ trong 28 tháng coi như bà Q làm “Ô sin” với mức thu nhập bình quân 7.000.000 đồng/tháng x 28 tháng = 196.000.000 đồng (2); tháng 3/2004, bà Q đưa cho cụ X 7.000.000 đồng để thay ông T trả nợ Ngân hàng lấy sổ đỏ về giải quyết việc tranh chấp (vì bìa đỏ đó do UBND xã Q giữ); ngày 11/5/2004 cụ X đi viện, ông đưa cho bà Q 15.000.000 đồng và còn giao cho bà Q 80.000.000 đồng về để chăm sóc; ngày 08/10/2004, ông đưa tiếp cho bà Q 90.000.000 đồng để nuôi cụ V, tổng 192.000.000 đồng (3). Cộng hai khoản bằng 388.000.000 đồng, yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán. Tổng toàn bộ các chi phí (1 + 2 + 3) là 562.000.000 đồng.
Bà C, bà L, bà H và ông T không đồng ý với yêu cầu độc lập của ông E và ý kiến của bà Q kể cả khoản 7.000.000 đồng trả ngân hàng. Vì khi các cụ còn sống không vay nợ ai; lúc già yếu, ốm đau đi viện tất cả các chị em đều có trách nhiệm, không thuê người giúp việc. Khi bố mẹ chết, cải táng, xây lăng mộ, tất cả chị em đều có nghĩa vụ đóng góp. Bà Q là chị cả chỉ đứng ra quán xuyến, lo liệu chung trên cơ sở đóng góp của các chị em chứ không phải do một mình bà Q bỏ tiền chi phí như ông bà khai. Các khoản chi phí, chị em đã thanh toán xong ngay khi công việc hoàn tất cách đây đã gần mười năm, không có ai thắc mắc gì, kể cả khoản tiền bảo hiểm của cụ X được thanh toán sau khi cụ chết là 2.000.000 đồng, bà Q là người giữ, chị em cũng cho bà Q hưởng, không tính toán thiệt hơn. Không biết việc vợ chồng bà Q bỏ tiền tu sửa nhà của bố mẹ nên không chịu trách nhiệm. Ông T xác nhận ông E, bà Q có bỏ tiền ra tu sửa nhà của bố mẹ, ông có tham gia nên ông và vợ chồng ông E, bà Q đã thanh toán xong.
Đối với diện tích 222m2 và 960m2 đất 03 của hai cụ: Bà C, bà L và bà H xác nhận hai cụ đã cho vợ chồng ông T, bà A nên không còn là di sản và không yêu cầu giải quyết. Nếu xác định đó là di sản thì phần giá trị được hưởng các bà cho vợ chồng ông T, bà A được hưởng.
* Bản án số 02/2016/DS-ST ngày 22/3/2016, TAND huyện N đã áp dụng pháp luật, Xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của đồng nguyên đơn.
- Bác yêu cầu của bà Q về đề nghị công nhận bản di chúc của hai cụ lập không ngày, tháng, năm có người làm chứng ký là hợp pháp.
- Bác yêu cầu của bà Q đề nghị đưa 222m2 đất ở, 960m2 đất 03 của hai cụ đã cho ông T là di sản để chia và yêu cầu các đồng thừa kế trả công chăm sóc, nuôi dưỡng hai cụ.
- Đình chỉ đối với yêu cầu độc lập của ông E liên quan đến 7.000.000 đồng cho cụ X vay trả nợ Ngân hàng.
- Bác yêu cầu độc lập của ông E liên quan đến chi phí cho hai cụ lúc còn sống là 381.000.000 đồng.
Xác nhận di sản của hai cụ gồm: 463m2 và bất động sản trên đất: Giao cho bà C, bà L, bà H 187m2 đất (150m2 đất ở và 37m2 đất trồng cây lâu năm) và công trình, cây trên đất được chia (Có sơ đồ kèm theo). Giao cho bà Q phần đất ở còn lại (150m2 đất ở; 126m2 đất trồng cây lâu năm) và công trình, cây trồng trên đất được giao. Trong giá trị tài sản được giao có 30.000.000 đồng tiền công sức và bà Q phải trả kỷ phần do hưởng hiện vật nhiều hơn kỷ phần được hưởng cho các thừa kế khác.
* Sau khi xét xử: Ông T, bà A; bà Q, ông E kháng cáo không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm. VKSND huyện N kháng X hủy bản án sơ thẩm vì 960m2 đất 03 của hai cụ trong tổng số 2.400m2 đất của cả gia đình ông T nhưng không đưa chị Mai (con ông T) tham gia tố tụng; không xác minh làm rõ đất 03 hai cụ đã cho tặng ông T hay chưa nhưng lại bác yêu cầu chia thừa kế của bà Q liên quan đến đất 03; giải quyết công sức không đảm bảo quyền lợi cho bà Q.
* Bản án phúc thẩm số 20/2016/DS-PT ngày 01/8/2016, TAND tỉnh Hải Dương đã áp dụng pháp luật: Chấp nhận một phần kháng cáo của ông T và kháng nghị của VKSND: Hủy bản án sơ thẩm và chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án sơ thẩm xử lại vụ án.
* Sau khi thụ lý lại vụ án:
- Các nguyên đơn (Bà C, bà L và bà H): Khởi kiện bổ sung đề nghị Tòa án hủy GCNQSDĐ số A394886 ngày 23/12/1996 do UBND huyện N cấp mang tên Bùi Văn T (X), vì: Năm 1996, cụ X nói cho ông T đứng tên trong GCNQSDĐ để thuận tiện vay vốn ngân hàng chứ không phải cho ông T; hủy GCNQSDĐ đối với 2374m2 đất lúa, ao (hồ) cấp ngày 01/4/2004 mang tên Bùi Văn T vì ông T chỉ là đại diện hộ gia đình, trong đó có 960m2 là tiêu chuẩn của hai cụ và các cụ cũng không có văn bản nào cho ông T; giữ nguyên các ý kiến bác bỏ trình bày của bà Q, ông E vì các chi phí liên quan đến hai cụ khi ốm đau, về già cũng như việc tự ý sửa nhà, vợ chồng bà Q tự chịu trách nhiệm. Đề nghị Tòa án xác định di sản thừa kế của cụ V và cụ X là: 960m2 đất 03 và 700m2 đất ở cùng toàn bộ tài sản là 5 gian nhà ngói, công trình phụ, cây trên đất. Đối với phần nhà của ông T, bà A và của ông B, bà D trên diện tích đất thừa kế thì đề nghị Tòa án giải quyết theo quy định của pháp luật. Đề nghị chia di sản cho 05 chị em được hưởng bằng hiện vật; đối với đất 03 đề nghị được hưởng bằng tiền.
- Bị đơn (Bà Bùi Thị Q và ông Trần Văn E, do bà Q ủy quyền) xác định: Ông T không phải là con nuôi mặc dù hai cụ nhận nuôi từ khi 02 tuổi vì không có bất cứ giấy tờ của cơ quan có thẩm quyền về việc nhận con nuôi đối với ông T. Xác định di sản của cụ X và cụ V để lại bao gồm: 960m2 đất 03 và 700m2 đất ở, toàn bộ công trình, cây trồng trên đất. Đề nghị hủy 02 GCNQSDĐ mang tên ông T vì cấp không đúng. Đối với 960m2 đất 03 hiện ông T đã chuyển đổi thành trang trại ở vị trí khác các cụ có biết và không phản đối. Nhưng yêu cầu ông T trả lại đất 03 tại khu đồng Quýt - khu đô thị Thanh Quang, đúng như vị trí đã cấp cho hai cụ. Đối với phần nhà của ông T, bà A và của ông B, bà D trên diện tích đất thừa kế thì đề nghị Tòa án giải quyết theo pháp luật. Không yêu cầu Tòa án xem xét đối với các bản di chúc đã cung cấp, đề nghị chia di sản thừa kế theo pháp luật. Ngoài ra, bà Q yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán trả vợ chồng bà: Chi phí mai táng, cải táng, xây lăng mộ 66.000.000 đồng; tiền tu sửa tôn tạo nhà của bố mẹ làm nơi thờ cúng 108.000.000 đồng; lo sinh hoạt, chi phí khi cụ X đi viện 15.000.000 đồng; chăm sóc khi cụ X ốm 80.000.000 đồng và 90.000.000 đồng bà chi phí sinh hoạt nuôi cụ V vào ngày 08/10/2004. Tổng bằng 359.000.000 đồng.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Ông Trần Văn E): Giữ nguyên yêu cầu cũng như các ý kiến có trong hồ sơ vụ án; đồng ý với quan điểm của bà Q yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán các khoản chi phí chăm sóc bố mẹ lúc ốm đau, mai táng, cải táng, xây lăng mộ, tiền công và tiền vật tư đầu tư tu sửa căn nhà của bố mẹ là 359.000.000 đồng. Không yêu cầu đối với số tiền 7.000.000 đồng trả nợ Ngân hàng. Giữ nguyên yêu cầu độc lập buộc các đồng thừa kế phải trả thu nhập của bà Q phải bỏ việc tại thành phố G về chăm bố mẹ 28 tháng x 7.000.000 đồng/tháng = 196.000.000 đồng.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (ông T, bà A) trình bày: Giữ nguyên quan điểm, xác định: 960m2 đất 03 và 700m2 đất ở cùng toàn bộ bất động sản trên đất là của vợ chồng ông bà, vì: Hai cụ đã cho và ông đã được cấp GCNQSDĐ nên không còn di sản để chia; „„Biên bản giải quyết về việc đo giao tách đất ở’’ ngày 11/7/2004 chưa được thực hiện và không có giá trị. Đề nghị Tòa án bác đơn khởi kiện chia thừa kế của phía nguyên đơn, giữ nguyên 02 GCNQSDĐ đã cấp cho ông. Quá trình sử dụng đất, ông bà đã bán một phần đất cho vợ chồng ông Trần Văn B và bà Dương Thị D: Chiều phía Bắc và phía Nam đều là 4,2m, chiều dài hết thửa đất với giá 53.000.000 đồng, đây là thỏa thuận hợp pháp vì đất ông bà đã có GCNQSDĐ; không yêu cầu giải quyết trong vụ án này.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Ông Trần Văn B và bà Dương Thị D) xác định: Ngày 20/3/2005 có nhận chuyển nhượng đất của ông T, bà A như ông T khai. Hai bên có lập biên bản nhưng không làm thủ tục qua chính quyền địa phương. Tại thời điểm chuyển nhượng, ông T có GCNQSDĐ nên việc chuyển nhượng là hợp pháp. Sau khi nhận chuyển nhượng, ông bà đã xây dựng nhà 2 tầng và ở ổn định cho đến nay; không đề nghị Tòa án giải quyết trong vụ án này.
- Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan (Đại diện UBND huyện N) xác định: Nguồn gốc thửa đất số 137, diện tích 700m2 theo GCNQSDĐ số A394886 ngày 23/12/1996 do UBND huyện N cấp mang tên Bùi Văn T (X): Theo hồ sơ 299 là thửa 158, tờ bản đồ số 02, diện tích 783m2 mang tên Bùi Văn X; hồ sơ địa chính năm 1995, là thửa đất số 137, tờ bản đồ 01, diện tích 700m2 mang tên Bùi Văn T; hồ sơ cấp quyền sử dụng đất hiện chỉ lưu trữ 01 Đơn xin cấp quyền sử dụng mang tên Bùi Văn T (X) ghi ngày 15/4/1993, mục người làm đơn không có chữ ký; đơn có xác nhận của Hội đồng cấp GCNQSDĐ xã Q ngày 01/10/1993. Đối với GCNQSDĐ liên quan đến đất 03: Diện tích 2374m2 đất lúa, ao (hồ) do UBND huyện N cấp ngày 01/4/2004 mang tên Bùi Đức T, thời hạn sử dụng đất đã hết (2013), hộ gia đình tiếp tục được giao nếu đủ điều kiện theo quy định của Luật Đất đai. Nên đề nghị Tòa án xem xét về tính hợp pháp của văn bản thỏa thuận tách đất ghi ngày 11/7/2004 và các nội dung liên quan đến thừa kế, để quyết định đối với 02 GCNQSDĐ nêu trên.
* Tại phiên hòa giải ngày 30/8/2017, các đương sự thống nhất: Chỉ xác định ngôi nhà 5 gian là di sản để phân chia; không yêu cầu giải quyết đối với các bất động sản khác trên diện tích đất 478m2. Nếu Tòa án xác định 478m2 là di sản để chia thì tài sản đó thuộc phần đất chia cho ai người đó được hưởng; nếu vào đường phân chia thì phá dỡ.
Theo yêu cầu của nguyên đơn, Hội đồng định giá đã định giá lại đối với đất đang tranh chấp, kết quả: đất ở giá 3.500.000 đồng/m2 x 700m2 = 2.450.000.000 đồng; đất 03 giá 70.000 đồng/m2 x 960m2= 67.200.000 đồng; tổng bằng 2.517.200.000 đồng.
* Tại bản án sơ thẩm số 13/2017/DS-ST ngày 28/9/2017, TAND huyện N đã áp dụng: Điều 461, Điều 463 Bộ luật Dân sự năm 1995; Luật Đất đai năm 1993; Điều 623, Điều 651, Điều 653, khoản 2 Điều 660, Điều 688, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 34, khoản 1 Điều 147, Điều 165, Điều 229, Điều 517 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015; Điều 193 Luật Tố tụng hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án lệ phí Tòa án, Xử:
- Về yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dung đất:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà C, bà L và bà H: Hủy GCNQSDĐ ngày 23/12/1996 mang tên Bùi Văn T (X), diện tích 700m2, tại thửa đất 137, tờ bản đồ 01 thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương.
Bác yêu cầu khởi kiện của bà C, bà L và bà H về yêu cầu hủy GCNQSDĐ ngày 01/4/2004 cấp mang tên ông T đối với 2374m2 đất lúa, ao tại thửa số 140 và 748, tờ bản đồ địa chính số 2 thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương.
- Về di sản thừa kế:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà C, bà L và bà H: Xác định di sản của cụ X và cụ V gồm: 949,6m2 đất 03 là nằm trong tổng diện tích 2374m2 đất lúa và diện tích 463m2 đất ở; nhà, công trình phụ, cây trên phần đất (463m2) nằm trong tổng diện tích thực tế 685m2 tại thửa số 137, tờ bản đồ 01 tại thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương.
- Bác yêu cầu của bà C, bà L và bà H và bà Q về yêu cầu đưa 222m2 đất của cụ X - V đã cho ông T là di sản thừa kế để chia.
- Không chấp nhận yêu cầu của bà Q và ông E yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ; chi phí mai táng, cải táng, xây lăng mộ, tu sửa tôn tạo nhà của bố mẹ là 359.000.000 đồng;
- Không chấp nhận yêu cầu độc lập của ông E đối với khoản tiền 196.000.000 đồng do bà Q phải nghỉ việc nhà về chăm sóc bố mẹ trong 28 tháng;
- Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu độc lập của ông E liên quan đến 7.000.000 đồng trả nợ Ngân hàng.
- Xác nhận hai cụ đã cho vợ chồng ông T 222m2 đất ở.
- Chấp nhận thỏa thuận giữa vợ chồng ông T, bà A và vợ chồng ông B, bà D không đề nghị Tòa án giải quyết đối với giao dịch chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 20/3/2005.
- Chấp nhận sự thoả thuận của các đương sự, không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với tài sản là công trình phụ và cây trồng trên phần đất 463m2 về phía Nam của thửa đất. Khi chia hiện vật là đất thì tài sản thuộc phần đất giao cho ai người đó được hưởng nếu vào đường phân chia thì phải phá dỡ.
- Chấp nhận sự thỏa thuận của các đương sự không yêu cầu chia di sản theo di chúc.
- Xác nhận di sản của hai cụ gồm: Phần đất 463m2 về phía Nam của thửa đất số 137, tờ bản đố 01 thôn L, xã Q trị giá 1.620.500.000 đồng; 949,6m2 đất 03 trị giá 66.472.000 đồng; 01 nhà xây 5 gian lợp ngói đỏ trị giá 110.413.800 đồng. Tổng giá trị di sản bằng 1.797.385.800 đồng.
- Chấp nhận yêu cầu của bà Q, ông E yêu cầu thanh toán tiền tu tạo di sản là nhà 5 gian số tiền 30.000.000 đồng; Áng trích 50.000.000 đồng trong di sản trả bà Q tiền công quản lý di sản, chăm sóc cụ X và cụ V;
- Giá trị di sản còn lại là 1.717.385.800 đồng; chia đều 5 thừa kế mỗi người được hưởng phần giá trị là 343.477.160 đồng (làm tròn 343.477.000 đồng)
- Chia hiện vật:
+ Chia cho ông T 949,6m2 đất 03 trị giá 66.472.000 đồng nằm trong tổng 2374m2 theo GCNQSDĐ ngày 01/4/2004 tại thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương.
+ Chia cho bà C, bà L và bà H được sử dụng chung phần đất 187m2 về phía Bắc trong phần đất 463m2 trị giá 654.500.000 đồng (Có sơ đồ kèm theo) và sở hữu các bất động sản khác trên đất được giao.
+ Chia cho bà Q được sử dụng phần đất ở còn lại là 276m2 trị giá 966.000.000 đồng về phía Nam của thửa đất (Có sơ đồ kèm theo); được sở hữu nhà ngói 5 gian trên đất trị giá 110.413.800 đồng, tổng 1.076.413.800 đồng (Trong đó có 80.000.000 đồng là tiền trích từ di sản trả bà Q và ông E) và các bất động sản khác trên đất được giao.
Bà Q phải trả chênh lệch tài sản cho ông T 277.005.000 đồng; trả chênh lêch đối với bà C, bà L và bà H mỗi người bằng 125.310.000 đồng (làm tròn) x 3 = 375.931.000 đồng.
Bản án còn tuyên nghĩa vụ chậm thi hành, án phí, lệ phí và quyền kháng cáo theo quy định.
* Sau khi xét xử sơ thẩm:
Ngày 06/10/2017, bà Bùi Thị Q kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm, đề nghị cấp phúc thẩm xác định diện tích 960m2 đất 03 tại xứ đồng Quýt và 222m2 chia cho ông T là di sản của hai cụ; không đồng ý với kết quả định giá xác định toàn bộ diện tích 700m2 đất ở có giá 3.500.000 đồng/m2; đề nghị xem xét công sức nuôi dưỡng bố mẹ, lo mai tang và xây dựng lăng mộ của vợ chồng bà đã bỏ ra.
Ngày 10/10/2017, ông Bùi Văn T kháng cáo, đề nghị bác yêu cầu khởi kiện vì toàn bộ tài sản của hai cụ đã cho ông bà.
Ngày 27/10/2017, Viện trưởng Viện kiểm sát nhân dân (Viết tắt: VKSND) tỉnh Hải Dương kháng nghị, đề nghị sửa bản án sơ thẩm về phần án phí đối với vợ chồng ông E, bà Q và bà C.
Tại phiên tòa: Bà C ủy quyền cho bà L trình bày, giữ nguyên yêu cầu khởi kiện, đề nghị giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm. Ông T trình bày cho rằng GCNQSDĐ cấp mang tên ông ghi: Bùi Văn T (X) là do các cụ gọi tên con hay kèm theo tên bố; giữ nguyên nội dung kháng cáo. Bà Q ủy quyền cho ông E trình bày và giữ nguyên nội dung kháng cáo. Đại diện VKSND tham gia phiên tòa phát biểu ý kiến về việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử (HĐXX) và Thư ký phiên tòa; việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng. Đánh giá phân tích các căn cứ liên quan đến nội dung kháng cáo của các đương sự; đề nghị không chấp nhận kháng cáo giữ nguyên bản án liên quan đến chia thừa kế. Đề nghị Tòa án chấp nhận toàn bộ kháng nghị của VKSND tỉnh Hải Dương liên quan đến nghĩa vụ chịu án phí của ông E, bà Q và bà C.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, nghe ý kiến của các đương sự và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, Hội đồng xét xử (HĐXX) nhận định:
[1]. Về tố tụng: Giai đoạn sơ thẩm, Tòa án cấp sơ thẩm đã thực hiện đúng trình tự, thủ tục xác minh, thu thập chứng cứ theo quy định của BLTTDS. Ông T, bà Q kháng cáo trong thời hạn và đã nộp tạm ứng án phí là kháng cáo hợp lệ.
[2]. Xét kháng cáo của ông Bùi Văn T đề nghị bác yêu cầu chia thừa kế vì toàn bộ tài sản của cụ X và cụ V đã cho ông và đã được cấp quyền sử dụng hợp pháp nên không còn là di sản thừa kế, thấy rằng:
Nguồn gốc thửa đất số 137, tờ bản đố 01 bản đồ địa chính thôn L, xã Q, huyện N là do cụ X được thửa hưởng và sử dụng hợp pháp từ trước năm 1980. Công trình và cây trồng trên đất là do hai cụ tạo dựng lúc sinh thời. Ngày 23/12/1996, UBND huyện N cấp quyền sử dụng đất mang tên “Bùi Văn T (X)”. Nhưng hồ sơ cấp quyền sử dụng đất, ngoài tờ đơn xin cấp GCNQSDĐ ghi ngày 15/4/1993, mục người làm đơn ghi: “Bùi Văn T (X)” nhưng không ai ký và không ghi họ tên thì không có tài liệu nào xác định cụ X và cụ V tặng cho ông T. Nên không có căn cứ xác định hai cụ đã tặng cho ông T. Tòa án cấp sơ thẩm đã nhận định và tuyên hủy GCNQSDĐ số A394886 ngày 23/12/1996 mang tên “Bùi Văn T (X)” là có căn cứ. Liên quan đến biên bản họp gia đình tách đất cho ông T ngày 11/7/2004 có sự tham gia của ông Trưởng thôn Nam Gián và địa chính xã Q thời điểm đó, thấy: Theo biên bản họp thì cụ X đã đồng ý tách cho ông T 222m2 (có sơ đồ và số đo cụ thể). Sau đó, năm 2005, vợ chồng ông T đã xây dựng công trình kiên cố, xây tường bao tạo thành khuôn viên riêng biệt và cùng năm 2005, vợ chồng ông T còn bán một phần đất cho vợ chồng ông B. Như vậy, thực tế sử dụng 222m2 đất của vợ chồng ông T, cụ X và cụ V cũng như những người con của hai cụ biết và không phản đối. Nên chỉ có căn cứ xác định 222m2 đất tại thửa 137, tờ bản đồ 01, bản đồ địa chính thôn L, xã Q là tài sản của ông T được cụ X, cụ V cho.
Đối với đất canh tác (đất 03) trong tổng diện tích 2.400m2: Tài liệu xác minh thể hiện, khi giao đất 03 hộ gia đình cụ X có 5 khẩu, gồm cụ X, cụ V, ông T, bà Hương và chị Mai; mỗi khẩu được giao 480m2. Tiêu chuẩn của hai cụ có 960m2. Năm 2003, thực hiện việc dồn ô, đổi thửa và cho phép chuyển đổi khu ruộng trũng cấy lúa không hiệu quả sang lập vườn, đào ao thả cá. Gia đình ông T đã bốc thăm vào khu đồng sau và được giao 2094m2, sau đó đã chuyển đổi thành vườn, ao, chuồng. Ngoài ra, gia đình còn được chia 280m2 đất ở đồng Sen Bắc để cấy lúa. Năm 2004, diện tích đất 2094m2 và 280m2 tổng là 2374m2 (mỗi khẩu là 474,8m2) đã được cấp GCNQSDĐ mang tên ông T. Thực tế, vợ chồng ông T sử dụng và cũng không có tài liệu chứng minh hai cụ đã tặng cho vợ chồng ông T đối với loại đất này. Như vậy, diện tích 478m2 đất còn lại và các tài sản trên đất cũng như diện tích 949,6m2 (mỗi khẩu là 474,8m2 x 2 = 949,6m2) đất 03 đã chuyển đổi mục đích sử dụng là di sản của cụ X và cụ V để lại. Bản án sơ thẩm đã đánh giá đúng và kháng cáo của ông T không có căn cứ chấp nhận.
[3]. Xét kháng cáo của bà Bùi Thị Q:
- Đối với kháng cáo liên quan đến biên bản họp ngày 11/7/2004 và yêu cầu xác định 222m2 đất vợ chồng ông T đang sử dụng là di sản thừa kế để phân chia: Như đã phân tích liên quan đến kháng cáo của ông T thì văn bản ngày 11/7/2004 thể hiện ý chí của cụ X cùng vợ chồng ông T, bà A; bà Q, bà C, có sự tham gia của chính quyền thôn L và cán bộ địa chính xã Q (thời điểm đó) được phân công đến giải quyết tranh chấp. Theo đó, cụ X đồng ý đo giao tách cho ông T 222m2 đất ở. Quá trình sử dụng đất của vợ chồng ông T; bà C, bà Q, bà H và bà L đều biết và không có ý kiến phản đối. Như vậy, biên bản ngày 11/7/2004 tuy không phải là căn cứ mang tính pháp lý để ông T được sử dụng hợp pháp đối với diện tích 222m2 ; nhưng bằng thực tế, vợ chồng ông T đã sử dụng thì có căn cứ xác định cụ X và cụ V đã cho ông T 222m2 nằm trong diện tích 700m2. Nên không có căn cứ chấp nhận kháng cáo của bà Q liên quan đến nội dung này.
- Đối với kháng cáo liên quan đến diện tích đất 03: Diện tích 960m2 đất 03 tiêu chuẩn của hai cụ được giao chung cùng vợ chồng ông T, vị trí đất được giao có một phần giao tại khu đồng Quýt (nay là khu đô thị Thanh Quang). Năm 2003, khi thực hiện dồn ô thửa, ông T đã được chuyển đổi mục đích sử dụng từ đất lúa thành đất nuôi trồng thủy sản (đã lập trang trại ở vị trí khác). Cụ X và cụ V biết nhưng không phản đối. Năm 2014, ông T được cấp GCNQSDĐ đối với loại đất này. Tài liệu trong hồ sơ không có văn nào xác định hại cụ tặng cho ông T và bản án sơ thẩm đã nhận định cho rằng không có căn cứ xác định hai cụ đã tặng cho ông T. Tuy nhiên, khi dồn ô đổi thửa thì toàn bộ đất 03 của hai cụ và gia đình ông T đã được chuyển mục đích sử dụng và không còn tồn tại ở vị trí ban đầu. Nay có căn cứ xác định đất đó là di sản của hai cụ nhưng không thể xác định được vị trí thửa đất như đã giao trước đây theo yêu cầu của bà Q. Vì thế, kháng cáo của bà Q liên quan đến nội dung này cũng không được chấp nhận.
- Đối với kháng cáo không đồng ý kết quả định giá xác định toàn bộ diện 700m2 là đất ở, thấy rằng: GCNQSDĐ số A394886 ngày 23/12/1996 mang tên Bùi Văn T (X) là thửa số 137, tờ bản đồ 01, diện tích 700m2, trong đó có: 300m2 đất ở, 198m2 đất trồng cây lâu năm khác 50 năm; 202m2 đất trồng cây hàng năm khác lâu dài. Như đã phân tích ở trên, trong quá trình sử dụng, năm 2004, hai cụ đã cho ông T 222m2 và ông T đã xây dựng công trình nhà ở kiên cố; diện tích còn lại 478m2 (thẩm định thực tế là 463m2). Trên đất là các công trình xây dưng nằm xen kẽ. Có nghĩa, thửa đất có vườn và nhà ở được hình thành trước ngày 18/12/1980 nhưng hiện trạng đã chuyển hết sang làm nhà ở. Căn cứ Điều 103 Luật Đất đai năm 2013 và Điều 24 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai, trong trường hợp này, Hội đồng định giá khi định giá xác định đất ở là có căn cứ. Nên không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của bà Q.
- Đối với kháng cáo liên quan đến xác định công chăm sóc nuôi dưỡng hai cụ; chi phí mai táng, cải táng, xây lăng mộ, sửa nhà: Tài liệu có trong hồ sơ thể hiện, bà Q là con cả đã có trách nhiệm khi hai cụ ốm đau, đi viện cũng như khi hai cụ qua đời, lo mai táng, cải táng, xây lăng mộ và tu sửa nhà là di sản của hai cụ để lại. Theo ông E, bà Q thì ông bà phải chi phí: Chi tiêu khi cụ X nằm viện 15.000.000 đồng; mang tiền về để chăm sóc các cụ khi ốm đau 80.000.000 đồng; chi tiền 90.000.000 đồng để bà Q nuôi cụ V; thu nhập của bà Q bị mất do phải về quê chăm sóc bố mẹ 28 tháng x 7.000.000 đồng/tháng = 196.000.000 đồng; chi phí mai táng, sang cát, xây lăng mộ cho hai cụ 66.000.000 đồng. Tháng 8/2011, đầu tư sửa chữa nhà cấp 4 của hai cụ hết 108.000.000 đồng. Tài liệu có trong hồ sơ, ông E, bà Q đã xuất trình một số tài liệu chứng minh như xác nhận của họ hàng liên quan đến việc ông E, bà Q chăm sóc bố mẹ, lo ma, xây mộ..; xác nhận mua vật tư, thợ sửa nhà…Tuy nhiên, các đồng thừa kế lại cho rằng: Khi các cụ ốm, đi viện thì các con đều có trách nhiệm chăm sóc, nuôi dưỡng; mỗi người con tùy theo điều kiện, hoàn cảnh để chăm sóc. Khi hai cụ mất, bà Q là chị cả đứng ra quán xuyến, lo liệu công việc chung nhưng có sự tham gia của các thành viên trong gia đình, họ hàng. Và các chi phí là trên cơ sở đóng góp của tất cả các con và tiền phúng viếng; đã được thanh toán xong và từ năm 2007, không ai có thắc mắc. Việc sửa chữa, cải tạo nhà được xác định giá trị thực tế vào tháng 5/2014 là 30.002.000 đồng và được các bên thừa nhận khi định giá lại. Như vậy, vợ chồng bà Q là người chăm sóc, nuôi dưỡng các cụ nhiều hơn. Sau khi cụ hai mất, bà Q là người có công sức duy tu căn nhà 5 gian và quản lý di sản. Bản án sơ thẩm đã đánh giá và chấp nhận trích di sản để thanh toán trả công quản lý và sửa chữa nhà 30.000.000 đồng và 50.000.000 đồng trong việc bà Q, ông E có công chăm sóc, lo hậu sự cho hai cụ là phù hợp. Nên cũng không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo này của bà Q.
[4]. Xét kháng nghị của VKSND tỉnh Hải Dương liên quan đến nghĩa vụ chịu án phí đối với ông E, bà Q và bà C: Theo tài liệu có trong hồ sơ, ông E và bà Q đều sinh năm 1951, bà C sinh ngày 18/4/1957, tính đến thời điểm xét xử sơ thẩm, cả 03 người đã trên 60 tuổi. Theo Điều 2 Luật Người cao tuổi thì các ông bà là người cao tuổi, thuôc trường hợp được miễn án phí theo quy định tại điểm đ khoản 1 Điều 12 và khoản 1 Điều 48 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 quy định về án phí, lệ phí tòa án. Trường hợp này, Tòa án cấp sơ thẩm cần hướng dẫn đương sự làm đơn đề nghị để được miễn nộp tiền tạm ứng án phí và án phí. Do bản án sơ thẩm tuyên họ phải chịu án phí là chưa đúng nên cấp phúc thẩm chấp nhận kháng nghị và sửa bản án liên quan đến nội dung này.
[5]. Ông T kháng cáo không được chấp nhận phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định.
[6]. Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị, cấp phúc thẩm không xét và đã có hiệu lực kể từ khi hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Và để thuận lợi trong công tác thi hành án, Tòa án cấp phúc thẩm tuyên lại toàn bộ phần quyết định bản án.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 2 Điều 308 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015.
- Không chấp nhận kháng cáo của ông Bùi Văn T và bà Bùi Thị Q. Chấp nhận kháng nghị của VKSND tỉnh Hải Dương. Sửa bản án sơ thẩm số 13/2017/DSST ngày 28/9/2017 của TAND huyện N liên quan đến nghĩa vụ chịu án phí của bà Q, ông E và bà C.
Áp dụng: Điều 461, Điều 463 BLDS năm 1995; Luật đất đai năm 1993; Điều 623, Điều 651, Điều 653, khoản 2 Điều 660, Điều 688, khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự năm 2015; Điều 34, khoản 1 Điều 147, Điều 165, Điều 517 BLTTDS năm 2015;Điều 193 Luật tố tụng hành chính; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 về án lệ phí Tòa án, Xử:
1. Về giấy chứng nhận quyền sử dụng đất:
- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị C, Bùi Thị L và Bùi Thị H: Hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 394886 ngày 23/12/1996 do UBND huyện N cấp mang tên: Bùi Văn T (X), diện tích 700m2, tại thửa 137, tờ bản đố số 01 thôn L, xã Q, huyện N, Hải Dương.
- Bác yêu cầu khởi kiện của bà Bùi Thị C, Bùi Thị L và Bùi Thị H về yêu cầu hủy Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do UBND huyện N cấp ngày 01/4/2004 mang tên ông Bùi Văn T: Diện tích 2374m2 đất lúa, ao tại thửa số 140 và 748, tờ bản đồ số 2 thôn L, xã Q, huyện N, Hải Dương.
2. Về di sản thừa kế:
Chấp nhận yêu cầu khởi kiện về chia di sản thừa kế của bà Bùi Thị C, Bùi Thị L và Bùi Thị H:
- Không chấp nhận yêu cầu của Bùi Thị C, Bùi Thị L, Bùi Thị H và bà Bùi Thị Q về xác định 222m2 đất ở tại thửa số 137 tờ bản đố số 01 thôn L, xã Q của cụ X - V đã cho ông T là di sản thừa kế để chia.
- Xác định di sản thừa kế của cụ Bùi Văn X và cụ Nguyễn Thị V bao gồm: Diện tích đất 03 (đã chuyển đổi mục đích sử dụng) là 949,6m2 nằm trong tổng diện tích 2374m2 đất lúa, ao tại thôn L, xã Q, huyện N; diện tích 463m2 và toàn bộ nhà, công trình phụ, cây trồng trên phần đất (463m2) nằm trong tổng diện tích thực tế là 685m2 tại thửa số 137, tờ bản đồ số 01 thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương.
- Không chấp nhận đề nghị của bà Bùi Thị Q và ông Trần Văn E yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán tiền công chăm sóc, nuôi dưỡng bố mẹ lúc ốm đau, tiền mai tang, cải táng, xây lăng mộ, tu sửa nhà của bố mẹ là 359.000.000đồng;
- Không chấp nhận yêu cầu độc lập của ông Trần Văn E về việc buộc các đồng thừa kế phải thanh toán 196.000.000 đồng tiền thu nhập của bà Q bị mất do phải nghỉ việc nhà tại thành phố G về quê chăm sóc bố mẹ trong thời gian 28 tháng;
- Đình chỉ xét xử đối với yêu cầu độc lập của ông E liên quan đến 7.000.000 đồng trả nợ Ngân hàng.
- Xác nhận diện tích 222m2 đất ở tại thửa số 137 tờ bản đố số 01, thôn L, xã Q huyện N của cụ X, cụ V đã cho ông Bùi Văn T và bà Đỗ Thị A. Giao ông T, bà A có quyền sử dụng diện tích 222m2 đất ở đã nêu.
- Chấp nhận sự thỏa thuận của ông Bùi Văn T, bà Đỗ Thị A và ông Trần Văn B và bà Dương Thị D không đề nghị Tòa án giải quyết đối với hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng đất ngày 20/3/2005.
- Chấp nhận sự thoả thuận của các đồng thừa kế về việc không yêu cầu Tòa án giải quyết đối với 01 gian bếp, 01 chuồng lợn, 01 sân gạch, tường rào phía Nam dài 20,4m, tường cổng (phía Tây) + một phần tường rào phía Bắc (liền với cổng) dài 12m, cổng sắt, 01 giếng đào xây gạch, nhà tắm không có mái, 01 giếng khoan, 01 cây cau, 02 cây nhãn, 01 cây vải to, 01 cây vải nhỏ, 01 cây mít, 01 cây bưởi và một số tài sản, cây khác trên phần đất 463m2 về phía nam của thửa đất số 137, tờ bản đố số 01 thôn L, xã Q. Khi giao đất cho các thừa kế thì tài sản đó vào phần đất chia cho ai người đó được hưởng, nếu vào đường phân chia thì phải phá dỡ.
- Xác nhận khối tài sản của cụ X - V là di sản để chia gồm: Phần đất 463m2 về phía nam của thửa đất số 137, tờ bản đố số 01 thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương trị giá 1.620.500.000 đồng; diện tích 949,6m2 đất 03 tại thửa số 140 &748, tờ bản đồ số 2 thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương trị giá 66.472.000 đồng; 01 nhà xây 5 gian lợp ngói đỏ trị giá là 110.413.800 đồng. Tổng giá trị di sản là 1.797.385.800 đồng.
- Chấp nhận yêu cầu của bà Q, ông E yêu cầu các đồng thừa kế phải thanh toán tiền công tu tạo di sản là ngôi nhà 5 gian số tiền 30.000.000 đồng.
- Trích cho bà Q công quản lý di sản, chăm sóc cụ X, cụ V là 50.000.000 đồng.
- Xác định giá trị di sản còn lại để chia là 1.717.385.800 đồng, chia đều cho các đồng thừa kế (bà Q, bà L, bà H, bà C và ông T) mỗi người được hưởng kỷ phần ngang nhau trị giá 343.477.160 đồng (làm tròn 343.477.000 đồng)
3. Chia hiện vật :
- Chia cho ông Bùi Văn T được sử dụng diện tích đất 03 là 949,6m2 trị giá 66.472.000 đồng nằm trong tổng diện tích 2374m2 đất lúa, ao đã được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng ngày 01/4/2004 tại thôn L, xã Q, huyện N, tỉnh Hải Dương.
- Chia cho các bà Bùi Thị C, Bùi Thị L, Bùi Thị H được sử dụng phần đất 187m2 trị giá 654.500.000 đồng ở vị trí phía Bắc của phần đất 463m2 trong thửa đất số 137 tờ bản đồ số 01 thôn L, xã Q, huyện N, có tứ cận: Phía Đông giáp ao của tập thể là 8,82m; phía Bắc giáp phần đất của ông T có số đo liên tiếp là 14,31m; 4,17m; 1,22m; 4,49m; phía Tây giáp đường xóm (có tường bao, cổng) có số đo liên tiếp là 3,48m; 2,08m; phía Nam giáp phần đất chia cho bà Q có số đo liên tiếp là 7,04m; 5,8m; 17,40m (Có sơ đồ kèm theo) và sở hữu các bất động sản (không yêu cầu chia) trên phần đất được giao (một gian bếp, cổng sắt; 01 chuồng lợn; một phần sân gạch trên phần đất được chia (19m2); phần tường rào phía tây và phần tường rào liền với cổng về phía bắc là 9,6m và 01 cây mít, 01 cây vải nhỏ) trị giá là 654.500.000 đồng.
- Chia cho bà Bùi Thị Q được sử dụng phần đất ở còn lại là 276m2 trị giá 966.000.000 đồng về phía Nam của thửa số 137 tờ bản đồ số 01 thôn L, xã Q, huyện N có tứ cận như sau: Phía Tây giáp đường xóm có số đo liên tiếp là 2,41m; 12,78m; phía Nam giáp phần đất của gia đình ông U có số đo liên tiếp là 20,93m; 2,18m và 1,85m; phía Đông giáp ao của tập thể có số đo 8,61m; phía Bắc giáp phần đất chia cho bà C, L, H có số đo liên tiếp là 17,40m; 5,8m; 7,04m và căn nhà ngói 5 gian trị giá 110.413.800 đồng (Có sơ đồ kèm theo) và sở hữu các bất động sản (không yêu cầu chia) trên phần đất được giao (01 giếng nước; 01 giếng khoan; 2,4m tường bao phía Tây; tường bao phía Nam giáp nhà ông U dài 20,4m; 01 cây cau; 02 cây nhãn; 01 cây vải; 01 cây bưởi). Tộng cộng bằng 1.076.413.800 đồng (Trong đó có 80.000.000 đồng là tiền công sức của bà Q và ông E).
Khi chia diện tích đất cho các thừa kế mà các công trình, cây vào phần ai người đó được hưởng nếu vào đường phân chia thì phải phá dỡ.
Bà Bùi Thị Q phải chia trả kỷ phần thừa kế cho ông Bùi Văn T là 277.005.000 đồng và chia trả kỷ phần thừa kế cho bà Bùi Thị C, Bùi Thị L, Bùi Thị H là 375.931.000 đồng, mỗi người 125.310.333đồng (làm tròn: 125.310.000 đồng).
Kể từ ngày có đơn yêu cầu thi hành án của người được thi hành án, người có nghĩa vụ phải thi hành không thi hành khoản tiền phải trả thì phải chịu lãi đối với số tiền chậm trả tương ứng với thời gian chậm trả. Lãi phát sinh do chậm trả tiền được xác định theo thỏa thuận của các bên nhưng không được vượt quá mức lãi suất quy định tại khoản 1 Điều 468 của Bộ luật dân sự; nếu không có thỏa thuận thì được thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 468 Bộ luật dân sự.
3. Về án phí:
- Bà Bùi Thị L, Bùi Thị H mỗi người phải nộp 17.173.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm tương ứng với phần giá trị di sản được hưởng nhưng được đối trừ tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp: Bà L, bà H mỗi người đã nộp 300.000 đồng theo biên lai số AA/2011/07405 và AA/2011/07407 ngày 14/11/2012 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N. Mỗi người còn phải nộp tiếp 16.873.000 đồng.
- Ông Bùi Văn T phải nộp 17.173.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm và 300.000 đồng án phí dân sự phúc thẩm, được đối trừ số tiền tạm ứng án phí phúc thẩm 300.000 đồng theo biên lai thu số AA/2016/0002054 ngày 10/10/2017 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N, còn phải nộp 17.173.000 đồng.
- Bà Bùi Thị Q; ông Trần Văn E và bà Bùi Thị C không phải chịu án phí, nên: Bà C được hoàn lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai số AA/2011/07406 ngày 14/11/2012; Bà Q được hoàn lại 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí dân sự phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu số AB/2014/0000150 ngày 09/10/2017; Ông Trần Văn E được hoàn lại 9.500.000 đồng theo biên lai số AB/2014/003142 ngày 26/8/2015 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện N.
4. Về lệ phí giám định, định giá tài sản:
- Chấp nhận sự tự nguyện của các Nguyên đơn: Bà Bùi Thị C, Bùi Thị L, Bùi Thị H chịu toàn bộ số tiền chi phí giám định 2.000.000 đồng và chi phí định giá tài sản lần đầu là 1.600.000 đồng; lần thứ hai là 1.800.000 đồng (đã thực hiện xong).
- Chấp nhận sự tự nguyện của bà Bùi Thị Q chịu số tiền chi phí định giá bổ sung là 2.000.000 đồng (đã thực hiện xong).
Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án (ngày 27/4/2018)./.
Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự./.
Bản án 10/2018/DS-PT ngày 27/04/2018 về tranh chấp chia thừa kế, yêu cầu hủy quyết định cá biệt
Số hiệu: | 10/2018/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Dương |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 27/04/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về