TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH KIÊN GIANG
BẢN ÁN 208/2017/DS-PT NGÀY 13/12/2017 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ
Trong ngày 13 tháng 12 năm 2017, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Kiên Giang, xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 144/2017/TLPT-DS ngày 16 tháng 10 năm 2017 về việc “Tranh chấp chia thừa kế”.
Do bản án dân L sơ thẩm số: 75/2017/DS-ST ngày 30 tháng 8 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 245/2017/QĐPT-DS ngày 24 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Bà Nguyễn Thị D, sinh năm 1968 (có mặt)
Địa chỉ: số 314 ấp VR, xã SK, huyện HĐ, tỉnh KG.
2. Bị đơn: Bà Huỳnh Thị T (Xẻn), sinh năm 1958 (có mặt)
Người đại diện theo ủy quyền của bà T: Ông Nguyễn Văn M, sinh năm 1981. Cùng địa chỉ: 150/27 ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG.
3. Những người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
- Bà Nguyễn Thị S, sinh năm 1961 (có mặt)
Địa chỉ: số 515 ấp HT, xã MHS, huyện HĐ, tỉnh KG.
- Ông Nguyễn Văn L, sinh năm 1948 (có mặt)
- Bà Nguyễn Thị N, sinh năm 1952 (có mặt)
- Ông Nguyễn Văn C, sinh năm 1950 (có mặt) Cùng địa chỉ: tổ 13 ấp GG, xã SB, huyện HĐ, KG
- Anh Nguyễn Văn M1, sinh năm 1981 (có mặt)
- Chị Nguyễn Thị Li, sinh năm 1979 (vắng mặt)
- Chị Nguyễn Thị Di, sinh năm 1984 (vắng mặt)
Cùng địa chỉ: 150/27 ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG.
- Anh Nguyễn Văn Te, sinh năm 1980 (có mặt)
Địa chỉ: 329 ấp Mương Kinh, xã SB, huyện HĐ, KG.
NỘI DUNG VỤ ÁN
- Nguyên đơn bà Nguyễn Thị D trình bày: Phần đất có diện tích 18 công, thửa số 80, tờ bản đồ số 3, tọa lạc tại ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG, có nguồn gốc là do mẹ bà là cụ Trần Thị Ch khai mở, cụ Ch đứng tên đất, được UBND huyện HĐ cấp Giấy chứng nhận QSD đất. Cụ chính có tất cả 06 người con gồm: Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị N, Nguyễn Văn M (chồng bà Huỳnh Thị T), Nguyễn Thị S và Nguyễn Thị D. Khi còn sống mẹ bà có phân chia phần đất trên cho các con như sau:
- Nguyễn Văn M chiều ngang 25,5m; dài 315m.- Nguyễn Thị S ngang 19,5m; dài 315m.
- Nguyễn Thị D chiều ngang 19,5m; dài 315m.
Năm 1998 mẹ bà chết không để lại di chúc nhưng các anh, chị, em trong gia đình thống nhất chia tài sản của mẹ bà cho các con như ý nguyện khi còn sống, lúc này giấy chứng nhận quyền sử dụng đất chưa tách ra vì nghĩ là anh, chị em ruột với nhau, khi nào có điều kiện thuận lợi sẽ tách riêng.
Sau khi được chia đất do không có điều kiện để canh tác, vì vợ chồng đều là công chức nhà nước, nên bà đồng ý để phần đất trên cho ông M là anh ruột của bà và bà T là vợ của ông M để sử dụng. Năm 2004 ông M chết để lại toàn bộ diện tích đất trên cho vợ là bà T cùng các con sử dụng. Đến năm 2006 do có nhu cầu sử dụng đất nên bà thuê máy Kobe vào ban đất ra để canh tác thì con và vợ ông M ra ngăn cản không cho bà sử dụng và cho rằng toàn bộ đất trên mẹ bà là bà Chính đã cho ông M hết, từ đó phát sinh tranh chấp.
Bà yêu cầu Tòa án giải quyết buộc bà Huỳnh Thị T giao trả cho bà phần diện tích đất ngang 19,5m; dài 315m, đất tọa lạc tại ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG, hoặc yêu cầu chia toàn bộ tài sản mà mẹ bà chết để lại theo quy định về chia thừa kế theo pháp luật.
Bị đơn bà Huỳnh Thị T (Xẻn) trình bày: Vợ chồng bà sống chung với mẹ chồng bà là bà Trần Thị Chính, phần đất của cụ Chính giao cho vợ chồng bà canh tác. Đến khi cụ Chính chết, vợ chồng bà vẫn canh tác đất cho đến nay. Phần đất trên có tổng cộng 18-19 công, nay bà D khởi kiện đòi chia đất thì bà có ý kiến như sau: Hiện tại có 01 liếp đất khoảng hơn 04 công bỏ hoang bà yêu cầu bà D và bà S chia nhau sử dụng, phần còn lại bà không đồng ý chia.
Những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan trình bày:
- Ông Nguyễn Văn L trình bày:
Nguồn gốc phần đất hiện nay đang tranh chấp là do cha mẹ ông khai phá vào năm 1945, với diện tích khoảng 21.000m2 (đã trừ lộ giới) đất tọa lạc tại tổ 13 ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG. Lúc cha mẹ ông còn sống có nói sẽ chia đều cho 3 người con gồm: Nguyễn Văn M, Nguyễn Thị S và Nguyễn Thị D, không có làm di chúc. Khi mẹ ông chết, ông kêu các em ông vào chứng kiến để chia đất theo lời cha mẹ ông nói lúc còn sống, thì bà Huỳnh Thị T (Xẻn) là vợ của em ông là Nguyễn Văn M không chịu chia mà đòi lấy hết phần đất của cha mẹ để lại, để chia cho các con của bà T sử dụng.
Nay ông yêu cầu: Buộc bà Huỳnh Thị T (Xẻn) phải giao trả lại phần đất khoảng 21.000 m2 và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do mẹ ông là bà Chính đứng tên để chia thừa kế cụ thể như sau:
1. Nguyễn Văn L chiều ngang 10,8 m; dài 315m = 3.400m2.
2. Nguyễn Thị N chiều ngang 10,8 m; dài 315m = 3.400m2.
3. Nguyễn Văn C chiều ngang 10,8 m; dài 315m = 3.400m2.
4. Nguyễn Văn Mãi (chết) chiều ngang 10,8 m; dài 315m = 3.400m2.
5. Nguyễn Thị S chiều ngang 10,8 m; dài 315m = 3.400m2.
6. Nguyễn Thị D chiều ngang 10,8 m; dài 315m = 3.400m2.
- Ông Nguyễn Văn C trình bày: ông yêu cầu buộc bà Huỳnh Thị T (Xẻn) phải giao trả lại phần đất khoảng 21.000 m2 và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do mẹ ông là bà Chính đứng tên để anh em ông chia thừa kế bằng 06 phần bằng nhau, phần ông yêu cầu chia ngang 10,8m; dài 315m.
- Bà Nguyễn Thị N trình bày: Bà yêu cầu bà Huỳnh Thị T (Xẻn) phải giao trả lại phần đất khoảng 21.000 m2 và giao giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do mẹ bà là bà Chính đứng tên để anh em bà chia thừa kế bằng 06 phần bằng nhau, phần bà yêu cầu chia ngang 10,8m; dài 315m.
- Bà Nguyễn Thị S trình bày:
Cha bà theo cách mạng hy sinh năm 1968, mẹ bà chết khoảng 10 năm nay nhưng không nhớ rõ năm nào. Trước khi mẹ bà chết, anh em đã có gia đình ra ở riêng, mẹ bà ở một mình trên phần đất tranh chấp hiện nay, khi mẹ bà chết thì anh M từ bên vợ về ở trên phần đất của mẹ bà đang ở, anh M dở bỏ nhà của mẹ bà và cất nhà mới ở và giữ vườn ruộng ở đó, sau đó vài năm thì anh M bị bệnh chết. Lúc còn sống thì mẹ bà nói đất đang tranh chấp chia cho 3 người con, bà được chia phía giáp ông 6 To ngang 2 liếp, rồi mới tới D, kế tiếp tới bờ giữa, còn lại là anh M nhiều hơn bà D.
- Anh Nguyễn Văn M1, anh Nguyễn Văn Te, chị Nguyễn Thị Li, chị Nguyễn Thị Di trình bày: Theo anh chị được biết, khi còn sống bà nội của anh chị nói cho cô D, cô S mỗi người hai công, phần đất còn lại là của cha mẹ của anh chị hết. Anh chị yêu cầu chia theo nguyện vọng của bà nội khi bà nội còn sống, nếu hai cô không đồng ý thì thôi. Hiện nay phần đất này các anh chị đang quản lý.
Tại bản án dân sự sơ thẩm số 75/2017/DSST ngày 30/8/2017, Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang đã quyết định:
Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn bà Nguyễn Thị D; Chấp nhận một phần yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan bà Nguyễn Thị S; Chấp nhận yêu cầu độc lập của những người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Nguyễn Văn L, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Văn C về việc yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật.
Xử:
- Công nhận phần đất có diện tích 20.401,4m2 (Theo đo đạc thực tế vào ngày 08/01/2016) tọa lạc tại ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG là di sản thừa kế do cụ ông Nguyễn Văn Ng và cụ bà Trần Thị Ch để lại.
- Chia di sản thừa kế phần đất do cụ ông Nguyễn Văn Ng và cụ bà Trần Thị Ch để lại có diện tích 20.401,4 2 (Theo đo đạc thực tế vào ngày 08/01/2016) tọa lạc tại ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG. Cụ thể chia như sau:
1. Ông Nguyễn Văn L được chia phần giáp ranh ông Nguyễn Văn To chiều ngang trước giáp Rạch ông Thân và sau giáp ranh ông Trần Văn Lũy = 10m; Chiều dài phía giáp ranh ông To 328m, chiều dài cạnh đối diện 324,45m, diện tích 3.198,9 m2.
2. Bà Nguyễn Thị D được chia phía giáp ranh ông Nguyễn Văn L có chiều ngang phía trước và sau 10m, chiều dài phía giáp ranh ông L 324,45m, chiều dài cạnh đối diện 320,90m, diện tích 3.163,9m2.
3. Ông Nguyễn Văn C được chia giáp ranh bà Nguyễn Thị D chiều ngang, trước, sau 10m dài phía giáp ranh bà D 320,90m, chiều dài cạnh đối diện 317,35m, diện tích 3.128,8 m2.
4. Bà Nguyễn Thị S được chia giáp ranh Nguyễn Văn C có chiều ngang trước sau 10m dài, phía giáp ông C 317,35m, chiều dài cạnh đối diện 313,80m, diện tích 3.093,7m2.
5. Các con ông M gồm anh Nguyễn Văn M1, chị Nguyễn Thị Li, anh Nguyễn Văn Te, chị Nguyễn Thị Di được chia giáp ranh bà Nguyễn Thị S được chia ngay phần nhà anh M đang ở có chiều ngang phía giáp Rạch ông Thân 15m, ngang phía sau giáp đất ông Lũy 16,6m, chiều dài phía giáp ranh bà S 313,80m, chiều dài cạnh đối diện 308,05m, diện tích 4.812,9m2.
6. Bà Nguyễn Thị N được chia giáp ranh ông Nguyễn Văn Thủ ngang trước sau 10m, chiều dài phía giáp đất các con ông Mãi 308,05m, chiều dài phía giáp đất ông Thủ 304,5m, diện tích 3003,2m2.
- Ghi nhận sự thỏa thuận của các đương L đối với phần mồ mã của bà Trần Thị Ch và ông Nguyễn Văn Ng, giữ nguyên hiện trạng ngang 4,5m, dài 4,5m = 20,25m2 phần mồ mã này nằm trong hành lang an toàn thủy giới, phần này không chia cho ai. Phần mã của ông Nguyễn Văn M chiều ngang 2m, dài 4m và đường đi từ mồ mã ra lộ nông thôn chiều ngang dài 2m dài ra tới lộ nông thôn 38m không chia cho ai.
- Buộc bà Huỳnh Thị T (Xẻn) và các con gồm Nguyễn Văn M1, Nguyễn Thị Li, Nguyễn Văn Te, Nguyễn Thị Di có trách nhiệm giao lại cho ông Nguyễn Văn L phần đất có diện tích 3.198,9m2.. Giao lại cho bà Nguyễn Thị D phần đất có diện tích 3.163,9m2. Giao lại cho ông Nguyễn Văn C phần đất có diện tích 3.128,8m2. Giao lại cho bà Nguyễn Thị S phần đất có diện tích 3.093,7m2. Giao lại cho bà Nguyễn Thị N phần đất có diện tích 3.003,2m2. Tất cả các phần đất tọa lạc tại ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG (Theo quyết định đã tuyên chia cho ông L, bà D, bà S, ông C, bà N ở phần trên).
Kiến nghị Phòng Tài nguyên và Môi trường, UBND huyện Hòn Đất cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đương L theo Quyết định bản án đã tuyên.
Ngoài ra bản án sơ thẩm còn tuyên về chi phí tố tụng (chi phí đo đạc và chi phí định giá), án phí và báo quyền kháng cáo theo luật định.
Ngày 12 tháng 9 năm 2017, bị đơn bà Huỳnh Thị T (Xẻn) và anh Nguyễn Văn M có đơn kháng cáo với nội dung: Yêu cầu cấp phúc thẩm hủy một phần bản án sơ thẩm theo hướng hủy bỏ phần chia đều tài sản thừa kế cho 6 anh em, mà chỉ chia đều phần đất còn lại cho 3 anh em chưa được chia tài sản theo lời dặn của bà Trần Thị Chính lúc còn sống như sau:
1. Nguyễn Văn Mãi, chiều ngang 25,5m x dài 315m, diện tích là: 8.032,5m2;
2. Nguyễn Thị S, chiều ngang là 19,5m x dài 315m, diện tích là 6.032,5m2;
3. Nguyễn Thị D, chiều ngang là 19,5m x dài 315m, diện tích là 6.032,5m2.
Tại phiên tòa, bị đơn là bà T, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là ông M1 vẫn giữ nguyên kháng cáo. Anh M1 trình bày trong phần đất tranh chấp có cây cối do gia đình anh trồng nên yêu cầu xem xét để bồi thường thành quả cho gia đình anh.
Nguyên đơn là bà Nguyễn Thị D vẫn giữ nguyên yêu cầu khởi kiện và yêu cầu xác định cây trồng trên đất, bà đồng ý bồi thường thành quả cây trồng trên phần đất mình được chia.
Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có yêu cầu độc lập là ông L, ông C, bà N, bà S cũng yêu cầu xác định rõ ai là người trồng các loại cây trên đất và đồng ý bồi hoàn thành quả trên phần đất được chia thừa kế.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang có ý kiến phát biểu quan điểm:
- Việc tuân theo pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử và việc chấp hành pháp luật của các đương sự tham gia tố tụng ở giai đoạn phúc thẩm đã chấp hành đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự.
- Về nội dung kháng cáo: Phần đất tranh chấp theo đo đạc thực tế có diện tích 20.401,4m2 tọa lạc tại ấp GG, xã SB, huyện HĐ có nguốc gốc do cụ Nguyễn Văn Ng (chết năm 1968) và cụ Trần Thị Ch (chết năm 1998) khai khẩn. Đến năm 1995 cụ Chính được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (bìa xanh), đến năm 2003 đổi sang bìa đỏ. Cụ Ng và cụ Ch có 06 người con: ông Nguyễn Văn L, ông Nguyễn Văn C, bà Nguyễn Thị N, ông Nguyễn Văn M, bà Nguyễn Thị S, bà Nguyễn Thị D
Cụ Ng chết không để lại di chúc, cụ Ch có di chúc miệng nhưng không hợp pháp nên di sản để lại sẽ được chia thừa kế theo pháp luật. Do đó, cấp sơ thẩm chia di sản của cụ Ngữ và cụ Chính cho tất cả 06 người con là đúng quy định của pháp luật. Đối với ông Mãi khi còn sống là người có công chăm sóc, nuôi dưỡng và quản lý di sản cụ Ch để lại, do đó bà T và các con ông M được hưởng thêm ½ suất của mỗi thừa kế ngoài phần thừa kế của ông M là phù hợp, có căn cứ theo quy định tại Điều 618 BLDS năm 2015.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm có nhiều sai sót về tố tụng và nội dung, cụ thể:
Ông M là người được hưởng di sản của cụ Ch và cụ Ng và khi ông M chết thì vợ ông M là bà T và các con ông M phải là những đồng thừa kế được hưởng di sản từ ông M nhưng bản án sơ thẩm không giao cho bà T được thừa kế là thiếu sót.
Theo kết quả định giá, trị giá cây trồng trên đất là 103.000.000 đồng nhưng cấp sơ thẩm chưa làm rõ ai là người trồng số cây trên nên không xử lý phần cây trồng dẫn đến cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Cấp sơ thẩm không đưa chị Nguyễn Thị Trúc Ph là vợ anh Nguyễn Văn M1 vào tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là có thiếu sót nghiêm trọng khi anh M1 cho rằng trên phần đất tranh chấp có nhà anh M1 và chị Ph đang ở, vợ chồng anh chị có trồng cây ăn trái. Ngoài ra, phần mộ ông M và lối đi tổng diện tích 84m2 cấp sơ thẩm tuyên không chia cho ai nhưng không khấu trừ diện tích mồ mã này là không phù hợp.
Về án phí, một số đương sự được chia di sản chênh lệch nhau gần 200m2 nhưng lại buộc án phí bằng nhau là 7.388.600 đồng là không phù hợp. Mặt khác, các đương sự đủ điều kiện được xét miễn án phí (con liệt sĩ, người cao tuổi) theo Nghị quyết 326/2016/UBTVQH quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án nhưng cấp sơ thẩm không xem xét là thiếu sót.
Vì vậy, đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm áp dụng khoản 3 Điều 308, Điều 310 Bộ luật tố tụng dân sự 2015, chấp nhận kháng cáo của bà T, anh M1. Hủy bản án dân sự sơ thẩm số 75/2017/DS-ST ngày 30/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang giao hồ sơ vụ án cho Tòa án cấp sơ thẩm giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
Sau khi nghiên cứu các tài liệu có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa, ý kiến tranh luận của các đương sự, ý kiến của đại diện Viện kiểm sát
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Xét kháng cáo của bà Huỳnh Thị T và anh Nguyễn Văn M1, Hội đồng xét xử thấy:
Nguồn gốc phần đất có diện tích theo đo đạc thực tế 20.401,4m2 tọa lạc tại ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG mà các đương sự yêu cầu chia thừa kế do cụ Nguyễn Văn Ng và cụ Trần Thị Ch khai phá từ năm 1945. Cụ Ng tham gia cách mạng và hy sinh năm 1968, năm 1995, cụ Ch được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích 19.567m2. Năm 1998, cụ Ch qua đời, phần đất này do con cụ Ch là ông Nguyễn Văn M quản lý, sử dụng. Phần đất này không có tranh chấp với người khác và các đương sự không có ý kiến gì khác về di sản nên cấp sơ thẩm xác định phần đất có diện tích theo đo đạc thực tế 20.401,4m2 tọa lạc tại ấp GG, xã SB, huyện HĐ, tỉnh KG là di sản của cụ Chính là có căn cứ, đúng pháp luật.
[2]. Trong quá trình giải quyết vụ án cũng như tại phiên tòa bà T, anh M1, bà D, bà S cho rằng khi còn sống cụ Ch có nói chia phần đất trên cho 03 người con là ông M, bà D, bà S nhưng chỉ nói miệng và không có người làm chứng. Ngoài ra, các đương sự cũng xác định cụ Ch chết không để lại di chúc. Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm xác định chia thừa kế di sản của cụ Ch theo pháp luật là đúng với quy định của pháp luật và thời hiệu chia thừa kế vẫn đảm bảo theo quy định tại Điều 688 Bộ luật dân sự năm 2015.
[3]. Tòa án cấp sơ thẩm xác định cụ Ng và cụ Ch có 06 người con là Nguyễn Văn L, Nguyễn Văn C, Nguyễn Thị N, Nguyễn Văn M (chồng bà Huỳnh Thị T), Nguyễn Thị S và Nguyễn Thị D và chia thừa kế di sản cho 06 người con cụ Ng, cụ Ch là đúng theo quy định. Tuy nhiên, cấp sơ thẩm xác định các con ông M là thừa kế thế vị theo quy định tại Điều 652 Bộ luật dân sự là không đúng. Các con ông M thừa kế thế vị khi ông M chết trước hoặc chết cùng thời điểm với cụ Ch, trong khi đó cụ Ch chết năm 1998, ông M chết năm 2004. Do đó, ông M là người thừa kế của cụ Ch nên khi ông M chết thì vợ và các con ông M là người thừa kế. Cấp sơ thẩm không xác định bà T là người thừa kế để chia di sản là có thiếu sót.
[4]. Tòa án cấp sơ thẩm xác định kỷ phần để chia thừa kế cho các con cụ Ch được nhận bằng quyền sử dụng đất và xác định chia cho vợ và các con ông M được hưởng thêm ½ kỷ phần của mỗi người thừa kế do ông M khi còn sống có công chăm sóc, nuôi dưỡng cụ Ch và quản lý di sản là có căn cứ, đúng pháp luật.
Tuy nhiên, cấp sơ thẩm xác định kỷ phần chia thừa kế bằng quyền sử dụng đất để giao đất cho ông L, ông C, bà D, bà S, bà N, vợ và các con ông M nhưng không xem xét chia đối với cây trồng và các tài sản khác trên đất là chưa giải quyết hết toàn diện vụ án. Theo biên bản xem xét thẩm định tại chỗ và chứng thư định giá giá trị tài sản thì trên đất tranh chấp chia thừa kế có các loại cây trồng có giá trị là 103.670.000 đồng. Cấp sơ thẩm chưa xác định cây trồng trên đất là do ai trồng, khi chia đất cho những người thừa kế thì trên đất có bao nhiêu cây trồng, phía bà T và các con có yêu cầu bồi thường cây trồng trên đất hay không vì gia đình ông M quản lý, sử dụng đất từ khi cụ Ch chết. Trong khi, tại phiên tòa phúc thẩm bà T, anh M1 cho rằng cây trồng trên đất là do bà T, ông M, anh M1 trồng; còn ông L, ông C cũng cho rằng các ông cũng có trồng khi còn sống chung với cụ Chính. Bà D thừa nhận bà không có trồng cây trên đất và đồng ý bồi thường nhưng phải xác định rõ bao nhiêu cây trồng và giá trị bao nhiêu. Vấn đề này cấp sơ thẩm chưa làm rõ và cấp phúc thẩm không thể khắc phục được.
Ngoài ra đối với phần đất mộ của ông M và lối đi có diện tích 84 m2 cấp sơ thẩm không chia cho ai nhưng không khấu trừ diện tích đất mộ trong diện tích đất để chia là không phù hợp. Bên cạnh đó, theo trình bày của anh M thì anh và vợ anh là chị Nguyễn Thị Trúc Ph cùng sinh sống trên phần đất tranh chấp và trồng cây trên đất nhưng cấp sơ thẩm không đưa chị Ph tham gia tố tụng với tư cách là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là thiếu sót nghiêm trọng đồng thời không xác định vị trí căn nhà của anh M1 được chia là chưa toàn diện.
[5]. Bản án sơ thẩm chia cho ông L diện tích đất 3.198,9m2, chia cho ông C 3.128,8m2 đất, chia cho bà S 3.093,7m2, chia cho bà D 3.163,9m2 nhưng tính án phí bằng nhau là 7.388.600 đồng là không phù hợp. Mặt khác, các đương sự thuộc trường hợp được xem xét miễn án phí theo quy định tại Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí tòa án nhưng cấp sơ thẩm không xem xét hướng dẫn đương sự làm thủ tục theo quy định là thiếu sót.
Những thiếu sót nêu trên của cấp sơ thẩm mà cấp phúc thẩm không thể khắc phục được nên Hội đồng xét xử chấp nhận kháng cáo của bà T và anh M1, chấp nhận đề nghị của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Kiên Giang hủy bản án sơ thẩm giao hồ sơ về cho Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất giải quyết lại theo thủ tục sơ thẩm.
[6]. Án phí phúc thẩm bà T và anh M1 không phải chịu nên hoàn lại cho bà T và anh M tiền tạm ứng án phí đã nộp.
Vì các lẽ trên;
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 3 Điều 308, Điều 310 của Bộ luật tố tụng dân sự
1. Hủy bản án sơ thẩm số 75/2017/DS-ST ngày 30/8/2017 của Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên giang. Giao hồ sơ vụ án về cho Tòa án nhân dân huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang giải quyết lại theo quy định của pháp luật.
2. Về án phí : áp dụng Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.
Bà T và anh M1 không phải chịu án phí phúc thẩm. Hoàn lại cho bà Huỳnh Thị T và anh Nguyễn Văn M1 300.000 đồng tiền tạm ứng án phí phúc thẩm đã nộp theo biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009174 ngày 13/09/2017 và biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số 0009175 ngày 13/09/2017 của Chi cục Thi án huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang.
Nghĩa vụ chịu án phí sơ thẩm sẽ được xem xét khi giải quyết sơ thẩm lại vụ án. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án./.
Bản án 208/2017/DS-PT ngày 13/12/2017 về tranh chấp chia thừa kế
Số hiệu: | 208/2017/DS-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Kiên Giang |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 13/12/2017 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về