Bản án 05/2019/DS-PT ngày 29/03/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu tháo dỡ công trình trên đất

TOÀ ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 05/2019/DS-PT NGÀY 29/03/2019 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT VÀ YÊU CẦU THÁO DỠ CÔNG TRÌNH TRÊN ĐẤT

Trong ngày 29 tháng 3 năm 2019, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số: 01/2018/TLPT-DS ngày 03 tháng 12 năm 2018 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu tháo dỡ công trình trên đất”.

Do bản án sơ thẩm số: 05/2018/DS-ST ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện TG, tỉnh Điện Biên bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số: 06/2019/QĐ-PT ngày 28 tháng 01 năm 2019; Quyết định hoãn phiên tòa số: 03/2019/QĐ-PT ngày 22/02/2019; Quyết định hoãn phiên tòa số: 05/2019/QĐ-PT ngày 22/3/2019 giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Bà Lò Thị H - Sinh năm: 1966; Địa chỉ: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của bà Lò Thị H: Ông Lò Văn T - Sinh năm:1986; Địa chỉ: Bản B, xã A, huyện M, tỉnh Điện Biên (theo giấy ủy quyền đề ngày 15/02/2019) (Có mặt).

2. Bị đơn: Ông Lò Văn N - Sinh năm: 1975; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyệnTG, tỉnh Điện Biên (Có mặt).

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lò Văn N:

- Ông Trần Ngọc T - Sinh năm 1963; Địa chỉ: Số nhà 55, tổ dân phố 27, phường M, thành phố Đ, tỉnh Điện Biên (theo đơn mời người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trong vụ án dân sự của ông Lò Văn N đề ngày 19/02/2019; Đơn đề nghị đăng ký người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn trong vụ án dân sự của ông Trần Ngọc T đề ngày 19/02/2019) (Có mặt).

- Bà Nguyễn Thị Minh C - Sinh năm 1958; Địa chỉ: Số 521, đường T,phường TM, quận H, Hà Nội. Luật sư thuộc Văn phòng Luật sư B - Đoàn Luật sư thành phố Hà Nội (theo giấy yêu cầu mời luật sư của ông Lò Văn N đề ngày22/3/2019 và Giấy giới thiệu Văn phòng Luật sư B đề ngày 22/3/2019) (Có mặt).

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

- Ông Lò Văn T1 - Sinh năm: 1963; Địa chỉ: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnhĐiện Biên (Có mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của ông Lò Văn T1: Ông Lò Văn T - Sinh năm: 1986; Địa chỉ: Bản B, xã A, huyện M, tỉnh Điện Biên (theo giấy ủy quyền đề ngày 15/02/2019) (Có mặt).

- Ông Lò Văn C - Sinh năm: 1923; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Vắng mặt).

Người đại diện theo ủy quyền của ông Lò Văn C: Ông Lò Văn S - Sinh năm: 1961; Địa chỉ: Bản P, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (theo giấy ủy quyền không đề ngày, tháng, năm nộp cho Tòa án theo biên bản giao nhận ngày 19/3/2019) (Có mặt).

- Anh Lò Văn T2 - Sinh năm: 1986; Địa chỉ: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Có mặt).

4. Người làm chứng:

- Ông Lò Văn T3 - Sinh năm 1956; Địa chỉ: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Có mặt).

- Ông Cà Văn N - Sinh năm 1935; Địa chỉ: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnhĐiện Biên (Vắng mặt).

- Ông Quàng Văn N - Sinh năm 1933; Địa chỉ: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Vắng mặt).

- Ông Lò Văn T4 - Sinh năm 1963; Địa chỉ: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnhĐiện Biên (Vắng mặt).

- Ông Quàng Văn H - Sinh năm 1986; Địa chỉ: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Vắng mặt).

- Bà Lò Thị N - Sinh năm 1978; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyện TG, tỉnh ĐiệnBiên (Vắng mặt).

- Ông Lò Văn D - Sinh năm: 1965; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyện TG, tỉnhĐiện Biên (Có mặt).

- Ông Lò Văn L - Sinh năm: 1968; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Có mặt).

- Ông Lò Văn S1 - Sinh năm: 1950; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Vắng mặt).

- Ông Lò Văn T5 - Sinh năm: 1947; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Vắng mặt).

- Ông Lò Văn I - Sinh năm: 1948; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Vắng mặt).

- Ông Lò Văn L1; Địa chỉ: Bản V, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Vắng mặt).

5. Người kháng cáo: Ông Lò Văn N - bị đơn trong vụ án.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo bản án sơ thẩm, nội dung vụ án được tóm tắt như sau:

1. Theo đơn khởi kiện ngày 09/5/2018, biên bản lấy lời khai và tại phiên tòa sơ thẩm nguyên đơn bà Lò Thị H trình bày:

Năm 1990, do thấy Hợp tác xã bỏ hoang đất, gia đình bà H đã khai hoang cải tạo đất để trồng bông. Đến năm 1992, gia đình bà H có dựng hai gian nhà tre trên đất đang tranh chấp. Khi vào khai hoang ban đầu trồng bông, trồng tràm, sau đó trồng thêm cây nhãn, cây chuối. Từ năm 2003 đến năm 2016 bà H, ông T1 đã chuyển nhượng một phần đất cho một số hộ gia đình khác và những hộ này đã xây dựng nhà ở ổn định, phần đất còn lại bà H, ông T1 tiếp tục quản lý sử dụng.

Đến năm 2014, ông Lò Văn N đến tranh chấp phần đất giáp với đất bà Lò Thị N kéo sang phía giáp đất ông Tòng Văn S (rộng 7m x dài là 22m). Tuy nhiên, sau đó không thấy ông N tiếp tục yêu cầu giải quyết, nên gia đình bà H vẫn tiếp tục sử dụng và quản lý đất. Đến tháng 4/2018, ông N đến phá cây chuối và xây dựng nhà trên phần đất đang tranh chấp hiện nay. Khi đó, bà H đã báo và được chính quyền địa phương can thiệp nhưng ông N vẫn tiếp tục xây dựng công trình trên phần đất đang tranh chấp. Tổng diện tích đất tranh chấp là326,8m2 có tứ cận tiếp giáp: Phía Bắc: giáp đất ông Lò Văn B, dài 31,19m; PhíaĐông; giáp hành lang giao thông Quốc lộ 279, dài 9,97m; Phía Nam: giáp với đất ông Tòng Văn S, dài 34,02m; Phía Tây: giáp đất bà Lò Thị T, dài 10,85m; Giá trị diện tích đất: 274.512.000đ (Hai trăm bảy mươi tư triệu năm trăm mười hai nghìn đồng). Đến nay, bà H yêu cầu ông N trả lại toàn bộ diện tích đất và tháo dỡ toàn bộ công trình trên đất để trả lại đất cho bà H, ông T1.

Tại phiên tòa sơ thẩm, do ông N cho rằng ông không tranh chấp toàn bộ diện tích đất như ban đầu bà H yêu cầu giải quyết, nên bà H đã rút một phần yêucầu, chỉ yêu cầu xem xét giải quyết đối với phần đất cụ thể: Chiều rộng: 8,3m (tính từ mép giáp nhà ông Tòng Văn S kéo dài theo mép đất quy hoạch hành lang giao thông Quốc lộ 279 sang giáp đất bà H); Chiều dài: 23,0m (tính từ mép đất quy hoạch hành lang giao thông quốc lộ 279 có hai cạnh, một cạnh giáp với đất ông Tòng Văn S, một cạnh giáp với đất nhà bà Lò Thị H); Tổng diện tích 190,6m2; Địa chỉ: bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên; Trị giá đất: 160.104.000đ (Một trăm sáu mươi triệu, một trăm linh tư nghìn đồng).

2. Bị đơn ông Lò Văn N trình bày: Nguồn gốc đất tranh chấp là của bố ông N (ông Lò Văn C) khai phá từ năm 1985. Thời điểm khai hoang có 6 hộ cùng khai hoang ở khu đất này gồm: Hộ ông Lường Văn T; hộ ông Lò Văn I; hộ ông Lò Văn M; hộ ông Lò Văn S1; hộ ông Lò Văn P; hộ ông Lò Văn C. Từ năm 1985 đến năm 1993 gia đình ông C sử dụng trồng lúa. Từ sau năm 1993 đến năm 1996 do không có nước tưới tiêu nên ông C cho bà Lò Thị N (con gái ông C) sử dụng một phần đất để trồng bông và trồng tràm. Từ năm 1997, gia đình bà N, ông N, ông C không còn sử dụng và quản lý đất mà bỏ hoang. Năm 2012, do bà N (con ông C) có mua một phần diện tích đất của bà H, ông N cho rằng phần đất đó là đất của ông C cho ông N từ năm 2012 nên ông N không đồng ý. Năm 2014, ông N có đến dựng lán làm nhà trên phần đất đang tranh chấp, nhưng chính quyền xã đã yêu cầu ông N phải tháo dỡ nên ông N không tiếp tục xây dựng và ông N đã yêu cầu UBND xã giải quyết, hòa giải nhưng không có kết quả. Ngày 21/4/2018, ông N lại tiếp tục đến xây dựng nhà trên phần diện tích đất đang tranh chấp, UBND xã đã có thông báo về việc đình chỉ yêu cầu ông N không được xây dựng nhà, tuy nhiên ông N vẫn tiếp tục xây dựng nhà.

Trong quá trình giải quyết vụ án, ông N cho rằng toàn bộ khu đất có diện tích 326,8m2; Các cạnh tiếp giáp: Phía Bắc: giáp đất ông Lò Văn B, chiều dài 31,19m; Phía Đông: giáp hành lang giao thông Quốc lộ 279, chiều dài 9,97m; Phía Nam: giáp đất ông Tòng Văn S, dài 34,02m; Phía Tây: giáp đất bà Lò Thị T, dài 10,85m; Giá trị diện tích đất: 274.512.000đ (Hai trăm bảy mươi tư triệu năm trăm mười hai nghìn đồng). Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm, ông N trình bày trước đây gia đình ông yêu cầu giải quyết tranh chấp đối với phần đất có chiều rộng 22m (giáp đường Quốc lộ 279), chiều dài 23m. Nay ông N chỉ yêu cầu bà H trả cho ông phần diện tích đất là 190,6m2, chiều rộng 8,3m (tính từ mép giáp nhà ông Tòng Văn S kéo dài theo mép đất quy hoạch hành lang giao thông Quốc lộ 279 sang giáp đất bà H); Chiều dài 23,0m (tính từ mép đất quy hoạch hành lang giao thông quốc lộ 279 có hai cạnh, một cạnh giáp với đất ông Tòng Văn S, một cạnh giáp với đất nhà bà Lò Thị H). Trị giá 190,6m2 đất: 160.104.000đ (Một trăm sáu mươi triệu, một trăm linh tư nghìn đồng). Việc bà H yêu cầu ông trả lại phần diện tích đất là 190,6m2 và tháo dỡ công trình ông N đã xây dựng trên đất nên ông không đồng ý.

3. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Lò Văn C trình bày: Diện tích đất đang tranh chấp do ông C khai phá từ năm 1985 để sử dụng trồng lúa từ năm 1985 đến năm 1995. Sau năm 1995, do thiếu nước tưới tiêu nên chuyển sang trồng bông, trồng tràm, đến năm 1997 thì bỏ hoang không sử dụng và quản lý. Năm 2012, bà Lò Thị N (con gái ông C) có mua đất của bà H (phần đất giáp với đất đang tranh chấp hiện nay), ông C cho rằng đó là đất của ông nhưng ông C vẫn đồng ý cho bà N mua đất của bà H, nếu có gì thì để giải quyết sau. Đồng thời, ông C cũng cho rằng phần đất đang tranh chấp hiện nay là đất của ông đã cho ông N làm nhà ở từ năm 2012. Nay ông không đồng ý việc bà H yêu cầu ông N phải tháo dỡ, di dời nhà, công trình trên đất đang tranh chấp để trả đất cho bà H.

4. Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan ông Lò Văn T1 và anh Lò Văn T2 trình bày: Đất đang tranh chấp có nguồn gốc là đất do tập thể Hợp tác xã khai hoang, nhưng do không có nước sản xuất nên bỏ hoang. Năm 1990, vợ chồng ông T1, bà H làm nương trồng bông, đến năm 1992 bà H, ông T1 có dựng hai gian nhà tre trên khu đất đang tranh chấp. Năm 2003, ông T1, bà H chuyển nhượng một phần diện tích đất cho ông Lò Văn H (15m mặt đường Quốc lộ 279). Năm 2007, ông T1 đi chấp hành án tại trại giam NK, trong quá trình sử dụng đất không có ai tranh chấp. Đến năm 2014, ông N (con ông C) đến tranh chấp là không đúng, nay đề nghị Tòa án giải quyết buộc ông N phải trả lại phần diện tích đất đang tranh chấp cho gia đình bà H, ông T1.

Ngày 02/8/2018, Cơ quan chuyên môn đã tiến hành xem xét và định giá đối với diện tích đất và tài sản trên đất. Kết quả xác định: Tổng diện tích đất tranh chấp là 326,8m2; Tứ cận tiếp giáp: Phía Bắc: giáp đất ông Lò Văn B, dài 31,19m; Phía Đông: giáp hành lang giao thông Quốc lộ 279, dài 9,97m; Phía Nam: giáp đất ông Tòng Văn S, dài 34,02m; Phía Tây: giáp đất bà Lò Thị T, dài 10,85m. Trên diện tích đất ông N có xây dựng ngôi nhà và bếp có diện tích: 70,3m2, xây bằng gạch ba vanh, tường 11cm, bổ trụ 22cm, mái lợp tôn xốp, cửa gỗ, nền nhà xi măng, nhà xây vào tháng 4/2018, bếp xây dựng tháng 6/2018; nhà xây liền với bếp. Giá trị diện tích đất là 274.512.000đ (Hai trăm bảy mươi tư triệu năm trăm mười hai nghìn đồng); giá trị ngôi nhà và bếp trên đất là 140.441.572đ (Một trăm bốn mươi triệu, bốn trăm bốn mươi mốt nghìn năm trăm bảy mươi hai đồng).

Tại phiên tòa sơ thẩm, do các bên đương sự thay đổi yêu cầu nên đã được cơ quan chuyên môn trích đo lại sơ đồ khu đất đang tranh chấp và tính lại giá trị tài sản đất và công trình trên đất, các bên đương sự đều nhất trí. Trong quá trình giải quyết, Tòa án đã tiến hành lấy lời khai của một số hộ dân sinh sống tại khu vực đất đang tranh chấp và những người có thời gian công tác tại UBND xã C1 (nay là xã C) và các cơ quan có chức năng quản lý đất đai.

5. Người làm chứng ông Lò Văn T3 trình bày: Khoảng năm 1989 - 1991, khi đó ông T1, bà H cùng sống chung với ông Lò Văn U (bố của ông T3). Do ông U bán nhà ở bản đi và ra ở cùng ông T3, nên bà H, ông T1 mới phải tách hộ và xuống khu vực đất đang tranh chấp để làm 2 gian lán tre ở tạm, sau đó phần đất đã bán cho bà Lò Thị N. Năm 1995, do làm đường Quốc lộ 279, phần đất ông T1, bà H ở cao hơn so với mặt đường nên nhà ông T1 đã nhờ máy xúc đất cả khu vực này và làm lại nhà ở trên diện tích đất đã bán cho ông Lò Văn Đ. Do hoàn cảnh khó khăn nên gia đình bà H, ông T1 đã chuyển nhượng đất cho nhiều hộ nên đến nay hiện trạng ban đầu của khu đất không còn. Đối với đất gia đình bà H vẫn sử dụng để trồng chuối, đến khi ông N đến dựng nhà mới phá cây chuối đi. Việc ông C cho rằng đó là đất của ông C là không đúng.

6. Người làm chứng bà Lò Thị N trình bày: Năm 1994 đến năm 1996 bà N có trồng bông trên phần diện tích đất của bà N đã mua của bà H và phần diện tích đất đang tranh chấp hiện nay. Đến năm 1997, bà N không còn tiếp tục trồng bông và cũng không quản lý đất. Bà N cho rằng phần đất bà N mua của bà H năm 1992 giáp với phần đất bên cạnh đất tranh chấp (hiện nay là của ông C đã cho ông N). Khi bà N mua đất của bà H thì bà N có nói với ông C, nhưng ông C nói việc mua cứ mua, sau này giải quyết sau, bà N đã thanh toán tiền cho bà H. Nay bà N cho rằng phần đất đang tranh chấp là của ông C đã cho ông N, đề nghị bà H trả lại đất cho ông N.

7. Người làm chứng ông Lò Văn D trình bày: Năm 2012, ông Lò Văn C đã cho ông Lò Văn N số đất đang tranh chấp, nay đề nghị bà H trả lại diện tích đất này cho ông Lò Văn N.

* Bản án sơ thẩm số: 05/2018/DS-ST ngày 17/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện TG, Quyết định:

Căn cứ vào Điều 179, Điều 189 Bộ luật Dân sự năm 2015; Điều 688, Điều 192; Điều 255, Điều 265 Bộ luật Dân sự năm 2005; Điều 5, Điều 12 Luật đất đai năm 2003; Điều 9, Điều 12, Điều 101, Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điều 20, Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ hướng dẫn thi hành Luật đất đai; khoản 1 Điều 147; khoản 1, khoản 5 Điều 157; Điều 158; khoản 1, khoản 4 Điều 165; Điều 122; Điều 218; khoản 2 Điều 244; Điều 271; Điều 273 Bộ luật tố tụng dân sự năm 2015; Điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án. Tuyên xử:

1. Chấp nhận đơn khởi kiện của bà Lò Thị H:

- Buộc ông Lò Văn N, ông Lò Văn C phải trả lại cho bà Lò Thị H, ông Lò Văn T1, anh Lò Văn T2, diện tích đất là 190,6m2, tứ cận tiếp giáp như sau: Phía Bắc: giáp phần đất bà Lò Thị H, dài 23,0 m; Phía Đông: giáp hành lang giaothông Quốc lộ 279, dài 8,3m; Phía Nam: giáp đất ông Tòng Văn S, dài 23,0m; Phía Tây: giáp đất bà Lò Thị H, dài 8,3m; Địa chỉ thửa đất: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên; Trị giá đất: 160.104.000đ (Một trăm sáu mươi triệu, một trăm linh tư nghìn đồng) (Kèm theo sơ đồ).

- Tạm giao cho bà Lò Thị H, ông Lò Văn T1, anh Lò Văn T2 quản lý và sử dụng đối với diện tích 190,6m2 đất trên (Kèm theo sơ đồ); Bà H, ông T1, anh T2 có nghĩa vụ hoàn thiện thủ tục hành chính về quyền sử dụng đất theo Luật đất đai.

- Buộc ông Lò Văn N phải tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình xây dựng trên đất được xác định gồm: 01 ngôi nhà xây và bếp có diện tích 70,3m2; xây bằng gạch ba vanh, tường 11cm, bổ trụ 22cm, mái lợp tôn xốp, cửa gỗ, nền nhà xi măng, nhà xây vào tháng 4/2018, bếp xây tháng 6/2018; nhà xây liền với bếp có trị giá 140.441.572đ (Một trăm bốn mươi triệu, bốn trăm bốn mươi mốt nghìn, năm trăm bảy mươi hai đồng); Địa chỉ: bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên.

- Đình chỉ việc yêu cầu giải quyết đối với phần diện tích 136,2m2 đất tại bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên (Sơ đồ kèm theo). Đương sự có quyền khởi kiện lại đối với phần yêu cầu đã rút theo quy định của pháp luật.

2. Về chi phí tố tụng:

- Bà Lò Thị H phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 1.134.000đ

(Một triệu một trăm ba mươi tư nghìn đồng) và chi phí định giá tài sản là840.000đ (Tám trăm bốn mươi nghìn đồng). Trả lại cho bà H 1.300.000đ (Một triệu ba trăm nghìn đồng) chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ đã nộp tạm ứng còn thừa.

- Buộc ông Lò Văn N phải chịu 1.566.000đ (Một triệu năm trăm sáu mươi sáu nghìn đồng) chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và 1.160.000đ (Một triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng) chi phí định giá tài sản; Ông Lò Văn N có nghĩa vụ hoàn trả lại số tiền chi phí tố tụng cho bà H do bà H đã nộp trước bao gồm: Chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 1.566.000đ (Một triệu năm trăm sáu mươi sáu nghìn đồng) và chi phí định giá tài sản là 1.160.000đ (Một triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng).

Ngoài ra, bản án sơ thẩm có tuyên về án phí và quyền kháng cáo của cácđương sự theo quy định của pháp luật.

Ngày 22/10/2018, ông Lò Văn N kháng cáo bản án sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 17 tháng 10 năm 2018 của Tòa án nhân dân huyện TG với nội dung: Không nhất trí việc tháo dỡ nhà, công trình trên đất để trả lại phần diện tích 190,6m2 đất cho gia đình bà Lò Thị H, ông Lò Văn T1 và không nhất trí việc bản án sơ thẩm buộc ông N phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản, ông cho rằng do bà Lò Thị H khởi kiện nên bà H phải chịu các khoản chi phí này.

Tại phiên tòa phúc thẩm, ông Lò Văn N và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông N thay đổi yêu cầu kháng cáo: Yêu cầu Tòa án cấp phúc thẩm hủy Bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án với lý do bản án sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng.

* Ý kiến của đại diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện biên tại phiên tòa phúc thẩm:

Việc chấp hành pháp luật của Thẩm phán, Hội đồng xét xử: Thẩm phán, Hội đồng xét xử đã chấp hành đúng theo quy định tại Điều 48 và Điều 64 BLTTDS; Các thành viên Hội đồng xét xử có mặt tại phiên tòa và không thuộc trường hợp phải từ chối hoặc bị thay đổi theo Điều 52 BLTTDS; Chuẩn bị khai mạc phiên tòa phúc thẩm và thủ tục bắt đầu phiên tòa được thực hiện đúng theo quy định tại Điều 297 BLTTDS.

Việc chấp hành pháp luật của người tham gia tố tụng: Từ khi thụ lý vụ án và tại phiên tòa phúc thẩm các đương sự đã thực hiện đúng theo quy định tại các Điều 70, 71, 72, 73 và Điều 234 BLTTDS.

Về quan điểm giải quyết vụ án: Đơn kháng cáo của ông Lò Văn N nộp trong hạn luật định.

Về nội dung kháng cáo: Ông Lò Văn N và ông Lò Văn C cho rằng nguồn gốc đất đang tranh chấp là do gia đình ông C khai phá từ 1985 để trồng lúa, sau đó không có nước tưới tiêu nên đã chuyển sang trồng bông, trồng tràm. Từ năm 1997, gia đình không sử dụng mà bỏ hoang. Xét về thời gian sử dụng đất, gia đình ông C đã bỏ hoang không quản lý sử dụng sản xuất trong thời gian dài. Ông C không chứng minh được vị trí, ranh giới liền kề, diện tích đất cụ thể do mình khai phá. Năm 2012, bà Lò Thị N (con gái ông C) đã mua đất của bà H, trong đó có một phần đất mà ông N đang tranh chấp nhưng ông C không có ý kiến gì.

Quá trình sử dụng đất của gia đình bà Lò Thị H: Gia đình bà H đã quản lý sử dụng đất từ năm 1990, đã trồng cây hàng năm và cây lâu năm, đã xây dựng nhà ở. Năm 1995, khi có dự án nâng cấp đường quốc lộ 279 thì khu vực đường thấp hơn nhà bà H, gia đình bà H đã thuê người xúc san đất thấp xuống như hiện trạng đất đang tranh chấp. Đặc biệt, từ năm 2003 đến năm 2006, gia đình bà H đã chuyển nhượng đất cho một số hộ gia đình khác và những hộ này đã xây dựng nhà ở ổn định, không có tranh chấp và được chính quyền địa phương xác nhận, gia đình ông C không có ý kiến gì. Việc gia đình bà H sử dụng đất ổn định, liên tục, công khai phù hợp với quy định tại khoản 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Điều 20, 21 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật đất đai.

Về chi phí tố tụng: Do bà H được chấp nhận một phần yêu cầu nên ông N phải chịu 1.566.000đ (Một triệu năm trăm sáu mươi sáu nghìn đồng) chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và 1.160.000đ (Một triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng) chi phí định giá tài sản theo quy định tại khoản 1 Điều 157 và khoản 1 Điều 165 BLTTDS. Buộc ông N phải hoàn trả lại cho bà H số tiền chi phí tố tụng trên do bà H nộp tạm ứng trước theo quy định tại khoản 1 Điều 158 BLTTDS. Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn đề nghị Hội đồng xét xử hủy bản án sơ thẩm và đình chỉ việc giải quyết vụ án vì Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng. Xét thấy, yêu cầu này của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn vượt quá phạm vi kháng cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTDS. Đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên áp dụng khoản 1 Điều 308 BLTTDS: Bác đơn kháng cáo, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 05/2018/DS-ST ngày 17/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện TG, tỉnh Điện Biên.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án đã được kiểm tra tại phiên tòa, căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến phát biểu của Kiểm sát viên, Hội đồng xét xử nhận định:

[1]. Về tố tụng: Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp phúc thẩm, Tòa án đã tống đạt hợp lệ các văn bản tố tụng cho các đương sự và người tham gia tố tụng khác đảm bảo cho họ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình theo quy định của pháp luật.

Ngày 22/02/2019, Tòa án đã tiến hành mở phiên tòa phúc thẩm nhưng người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn có đơn xin hoãn phiên tòa, bị đơn và những người làm chứng bên phía bị đơn đều vắng mặt không có lý do. Căn cứ khoản 2 Điều 296 BLTTDS, Hội đồng xét xử ra Quyết định hoãn phiên tòa và ấn định thời gian mở lại phiên tòa vào ngày 22/3/2019.

Tại phiên tòa ngày 22/3/2019, có mặt ông Lò Văn T - người đại diện theo ủy quyền bà Lò Thị H và ông Lò Văn T1; anh Lò Văn T2 - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; ông Lò Văn T3 - người làm chứng; ông Trần Ngọc T -người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông Lò Văn N; Vắng mặt bị đơn ông Lò Văn N (có đơn xin hoãn phiên tòa - do điều kiện về sức khỏe); ông Lò Văn C - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan và một số người làm chứng về phía bị đơn (vắng mặt không có lý do). Căn cứ khoản 3 Điều 296 BLTTDS năm 2015, Hội đồng xét xử quyết định hoãn phiên tòa lần thứ hai và ấn định phiên tòa lần thứ ba được mở hồi 8 giờ 00 phút ngày 29/3/2019.

Tại phiên tòa ngày 29/3/2019, có mặt ông Lò Văn T - người đại diện theo ủy quyền của bà Lò Thị H và ông Lò Văn T1; bị đơn ông Lò Văn N; ông Trần Ngọc T, bà Nguyễn Thị Minh C - người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lò Văn N; anh Lò Văn T2 - người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan; ông Lò Văn S - người đại diện theo ủy quyền của ông Lò Văn C; ông Lò Văn T3, ông Lò Văn D, ông Lò Văn L - người làm chứng. Vắng mặt một số người làm chứng khác. Về việc vắng mặt một số người làm chứng, Hội đồng xét xử xét thấy những người làm chứng này đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ 3 nhưng vẫn vắng mặt không có lý do. Căn cứ vào khoản 3 Điều 296 BLTTDS, phiên tòa được tiến hành xét xử.

 [2]. Về ý kiến thay đổi yêu cầu kháng cáo của ông Lò Văn N và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông N đã yêu cầu Tòa án hủy Bản án sơ thẩm, đình chỉ giải quyết vụ án với lý do Tòa án cấp sơ thẩm vi phạm thủ tục tố tụng. Hội đồng xét xử nhận thấy, nội dung thay đổi yêu cầu kháng cáo của ông N và người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho ông N đã vượt quá phạm vi nội dung kháng cáo theo quy định tại khoản 3 Điều 298 BLTTDS. Do đó, Hội đồng xét xử không xem xét chấp nhận.

[3]. Xét nội dung kháng cáo của ông Lò Văn N: Không nhất trí về việc Bản án sơ thẩm buộc ông N phải tháo dỡ nhà, công trình trên đất để trả lại phần diện tích đất đang tranh chấp 190,6m2 (rộng 8,3m; dài 23m) cho bà Lò Thị H.

[3.1]. Xét phần diện tích đất tranh chấp:

- Theo đơn khởi kiện ngày 09/5/2018 của bà Lò Thị H, yêu cầu ông N phải trả lại cho bà H, ông T1 phần diện tích 220m2 đất. Tứ cận tiếp giáp: Phía bắc: giáp hành lang giao thông quốc lộ 279, rộng 10m; Phía Nam: giáp đất bà Lò Thị T, rộng 10 m; Phía đông: giáp đất ông Lò Văn B, dài 22m; Phía tây: giáp đất ông Tòng Văn S, dài 22m.

Tuy nhiên, trong phần nội dung của bản án sơ thẩm không thể hiện phần diện tích 220m2 theo đơn khởi kiện của bà H. Nhưng qua xem xét các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, thấy rằng: Sau khi thụ lý vụ án, bà H có đơn yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản (Bút lục 100, 110) và được Tòa án cấp sơ thẩm ra Quyết định xem xét, thẩm dịnh tại chỗ số: 30/2018/QĐ-XXTC ngày 25/7/2018. Tại biên bản xem xét, thẩm định tại chỗ ngày 02/8/2018 đã xác định: Tổng diện tích đất tranh chấp là 326,8m2, có các cạnh tiếp giáp: Phía bắc: giáp đất ông Lò Văn B, dài 31,19m; Phía Đông: giáp hành lang giao thông quốc lộ 279, dài 9,97m; Phía Nam: giáp đất ông Tòng Văn S, dài 34,02m; Phía Tây: giáp đất bà Lò Thị T, dài 10,85m. Như vậy, sau khi xem xét, thẩm định tại chỗ, phía gia đình bà H và ông N đều nhất trí xác định phần diện tích đang tranh chấp tại thời điểm xem xét, thẩm định tại chỗ là 326,8m2. Do đó, gia đình bà H, ông T1 yêu cầu Tòa án giải quyết toàn bộ diện tích 326,8m2.

Nhưng tại phiên tòa sơ thẩm ngày 17/10/2018, do ông N không tranh chấp toàn bộ diện tích 326,8m2, ông N chỉ yêu cầu Tòa án chấp nhận phần diện tích đất của gia đình ông là 190,6m2. Các cạnh tiếp giáp: Chiều rộng: 8,3m (tính từ mép giáp nhà ông Tòng Văn S, kéo dài theo mép đất quy hoạch hành lang giao thông Quốc lộ 279 sang giáp đất bà H); Chiều dài: 23,0m (tính từ mép đất quy hoạch hành lang giao thông quốc lộ 279 có hai cạnh, một cạnh giáp với đất ông Tòng Văn S, một cạnh giáp với đất nhà bà Lò Thị H. Phần diện tích 190,6m2 đãđược Hội đồng xét xử cùng cơ quan chuyên môn và hai bên đương sự đo đạc xác định diện tích, các cạnh tiếp giáp theo sơ đồ phần diện tích tranh chấp của thửa trích đo ngày 02/8/2018, diễn ra tại phiên tòa ngày 17/10/2018 (Có sơ đồ đất kèm theo - Bút lục 259). Do đó, gia đình bà H, ông T1 đã rút phần yêu cầu giải quyết đối với phần diện tích còn lại 136,2m2. Như vậy, xét thấy việc Tòa án cấp sơ thẩm đã đình chỉ việc giải quyết đối phần diện tích 136,2m2 là có căn cứ.

[3.2]. Xét phần diện tích 190,6m2 đt hiện đang tranh chấp:

Phần diện tích 190,6m2 đất đã được xác định đo đạc theo Sơ đồ phần diện tích tranh chấp của thửa trích đo ngày 02/8/2018 nêu trên.

- Về phía bà Lò Thị H, ông Lò Văn T1:

Theo đơn khởi kiện, lời khai của bà H, ông T1 và ông Lò Văn T - người đại diện theo ủy quyền của bà H, ông T1; Theo báo cáo số: 236b/2018/BC-UBND ngày 18/9/2018 của UBND xã C về việc báo cáo kết quả xác minh lại mảnh đất đang tranh chấp giữa bà Lò Thị H với ông Lò Văn N (Bút lục 171, 172, 173) đã xác định: Diện tích đất đang tranh chấp giữa bà H với ông N là đất vườn của bà H đang quản lý sử dụng, thuộc đất quy hoạch khu dân cư. Trong quá trình quản lý quỹ đất, đất đó không thuộc vào đất quy hoạch của xã.

Xem xét quá trình quản lý, sử dụng đất của các hộ đối với đất tranh chấp thì thấy gia đình bà Lò Thị H đã sử dụng ổn đinh từ năm 1990 cho đến năm 2014 thì xảy ra tranh chấp, nhưng sau đó gia đình ông N không tiếp tục yêu cầu giải quyết, gia đình bà H tiếp tục sử dụng đất ổn định từ năm 2014 cho đến nay. Trong quá trình quản lý từ khi tách xã C từ năm 2013 xây dựng trụ sở xã ở đây thì không thấy hộ gia đình nào trồng bông trên diện tích đất này, toàn bộ khu vực đất từ bờ suối kéo dài theo quốc lộ 279 đến khu vực nhà trường đã có nhiều thay đổi, các hộ đã xây dựng ổn định không có tranh chấp. Diện tích đất tranh chấp chưa được kê khai, chưa đứng tên ai trong sổ địa chính. Qua lời khai ông Lò Văn C cho biết, ông có khai hoang hố bom để cải tạo thành diện tích đất sản xuất. Sau khi thông qua những người có thời gian sinh sống và làm việc tại UBND xã thì UBND xã đã xác định: Vị trí hố bom cũ là nối liền đằng sau đất đang tranh chấp giữa hai gia đình. Với vai trò là cơ quan quản lý đất đai theo thẩm quyền, UBND xã thấy rằng: Hộ gia đình ông Lò Văn C, ông Lò Văn N đã bỏ hoang không sử dụng đất nhiều năm, cũng không đăng ký quyền sử dụng đất, đồng thời do thời gian kéo dài nên hiện trạng đất đã có nhiều thay đổi. Việc gia đình bà H sử dụng đất từ năm 1990 là công khai, qua lời khai thì bà H cũng đã xin Chủ nhiệm hợp tác xã thời trước mới vào sử dụng. Quá trình sử dụng không xảy ra tranh chấp, nên gia đình bà H có chuyển nhượng đất cho nhiều hộ gia đình khác, sau khi chuyểnnhượng đất thì các hộ có xây dựng nhà ở, việc xây dựng của các hộ là công khai.

Tại công văn số: 26/CV-TNMT ngày 30/8/2018 của Phòng Tài nguyên - Môi trường huyện TG (Bút lục150) về việc trả lời Tòa án nhân dân huyện TG như sau: Đối chiếu với quy hoạch sử dụng đất năm 2020 của xã C, huyện TG, quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 khu trung tâm xã C và Báo cáo số 216/BC-UBND ngày 21/8/2018 của UBND xã C. Kết quả xác minh hiện trạng sử dụng phần đất tranh chấp 326,8m2 giữa bà Lò Thị H, ông Lò Văn T1 với ông Lò Văn N, thửa đất tọa lạc tại bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên: Vị trí đất đang tranh chấp không nằm trong quy hoạch đất công của Nhà nước, không vi phạm đất xây dựng công trình công cộng của Nhà nước. Toàn bộ diện tích đất hiện nay đang trong quy hoạch đất ở nông thôn và được xem xét cấp giấy CNQSD đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất đối với trường hợp không có tranh chấp.

Từ các căn cứ nêu trên, xét thấy gia đình bà H, ông T1 tuy chưa có giấy tờ gì về quyền sử dụng đối với phần diện tích 190,6m2 đất đang tranh chấp theo quy định của pháp luật về đất đai, nhưng bà H, ông T1 đã có quá trình quản lý sử dụng phần diện tích đất đang tranh chấp ổn định, liên tục từ năm 1990 đến nay.Trong quá trình quản lý, sử dụng đất ngoài phần diện tích 190,6m2 đất hiện đang tranh chấp còn có phần diện tích đất khác liền kề với phần diện tích 190,6m2 mà gia đình bà H, ông T1 đã chuyển nhượng cho nhiều hộ gia đình khác và các hộ gia đình này đã xây dựng nhà ở ổn định, không có tranh chấp và được UBND xã C, huyện TG xác nhận. Trong các hộ gia đình bà H đã chuyển nhượng đất còn có hộ gia đình bà Lò Thị N (Con gái ông C), việc bà N nhận chuyển nhượng đất của bà H, ông C có biết nhưng ông không phản đối (Lời khai của ông C và lời khai của ông Lò Văn S - người đại diện theo ủy quyền của ông C tại phiên tòa phúc thẩm đều thừa nhận).

Như vậy, căn cứ khoản 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Khoản 2 Điều 101, khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013; điểm d, e, i khoản 2, khoản 4 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai. Nhận thấy, việc Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H, buộc ông N phải tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà, công trình xây dựng trên đất đang tranh chấp để trả lại mặt bằng đất cho bà H, ông T1 phần diện tích đất đang tranh chấp 190,6m2, tạm giao cho bà H, ông T1, quản lý đối với diện tích 190,6m2 đất và có trách nhiệm làm các thủ tục hành chính với cơ quan Nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật là có căn cứ.

- Về phía ông Lò Văn N và ông Lò Văn C:

Theo lời khai của ông N, ông C và một số nhân chứng phía bị đơn chorằng: Nguồn gốc đất đang tranh chấp trước đây do ông C khai phá từ năm 1985 để trồng lúa đến năm 1993. Từ sau năm 1993 đến năm 1996 do không có nướctưới tiêu nên không trồng lúa được, trong thời gian này bà Lò Thị N (Con gái ông C) có sử dụng một phần đất để trồng bông, trồng tràm. Từ năm 1997 trở về sau bà N, ông C, ông N đã bỏ hoang không còn quản lý sử dụng đất. Như vậy từ năm 1997 trở về đây ông C, ông N, bà N không còn quản lý sử dụng phần diện tích 190,6m2 đất đang tranh chấp.

Tranh chấp đất xảy ra giữa gia đình ông N với gia đình bà H năm 2012 do thời gian giải quyết kéo dài nên ông N không tiếp tục yêu cầu giải quyết. Đến năm 2014, việc ông N đến dựng nhà tại phần đất đang tranh chấp đã được chính quyền UBND xã C yêu cầu ông N tháo dỡ nhà và không được tiếp tục xây dựng. UBND xã đã tiến hành hòa giải tranh chấp giữa hai gia đình nhưng không có kết quả. Ngày 21/4/2018, ông N lại tiếp tục đến dựng nhà trên phần đất đang tranh chấp, UBND xã C đã đình chỉ việc ông N xây dựng nhà nhưng ông N vẫn xây dựng nhà, công trình trên phần đất đang tranh chấp.

Như vậy, xét thấy quá trình sử dụng đất của ông C, ông N không ổn định, liên tục. Tuy ông C có một thời gian khai hoang và canh tác một phần diện tích đất ở gần khu vực đất đang tranh chấp từ thời điểm năm 1985 đến năm 1993. Từ sau năm 1993 đến năm 1996, bà Lò Thị N sử dụng đất để trồng bông, trồng tràm. Từ năm 1997 đến nay bà N, ông C, ông N đã bỏ hoang đất không còn quản lý sử dụng. Từ khi sử dụng đất vào năm 1985 đến nay gia đình ông C, ông N không kê khai việc sử dụng đất với cơ quan chức năng và cũng không có văn bản giấy tờ gì chứng minh về quyền sử dụng phần diện tích đất tranh chấp theo quy định của pháp luật về đất đai. Ông C cũng không chứng minh được vị trí, ranh giới thửa đất giáp ranh, diện tích đất cụ thể do ông khai phá là bao nhiêu. Việc ông C cho đất ông N không có văn bản tặng cho quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật, đồng thời ông C chưa phải là người được Nhà nước giao quyền sử dụng đất đối với phần diện tích đất đang tranh chấp theo quy định của Luật đất đai.

- Về lời khai của một số người làm chứng: Ông Cà Văn N, ông Lò Văn T5, ông Lò Văn S1, ông Lò Văn I do người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của ông Lò Văn N đưa ra và cho rằng đây là tình tiết mới phát sinh tại phiên tòa phúc thẩm. Hội đồng xét xử nhận thấy, những lời khai sau của các nhân chứng này đã khác so với lời khai trước của họ do Tòa án cấp sơ thẩm thu thập. Theo các lời khai mới được công bố tại phiên tòa cấp phúc thẩm thì những người làm chứng trên chỉ khai nhận rằng họ có cùng ông C khai hoang sử dụng đất gần khu vực đang tranh chấp nhưng không xác định được vị trí, ranh giới liền kề, diện tích đất cụ thể của ông C đã khai hoang như lời khai của ông C nên không có căn cứ chấp nhận.

 [4]. Xét yêu cầu kháng cáo của ông ông Lò Văn N đối với số tiền chi phí tố tụng:

Trong quá trình giải quyết vụ án ở cấp sơ thẩm, bà H có đơn yêu cầu Tòa án xem xét, thẩm định tại chỗ và định giá tài sản đang tranh chấp. Số tiền bà H nộp tạm ứng chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 4.000.000đ (Bốn triệu đồng) và số tiền tạm ứng chi phí định giá tài sản là 2.000.000đ (Hai triệu đồng) đối với tổng diện tích đất tranh chấp. Kết quả xem xét, thẩm định tại chỗ xác định tổng diện tích đất thực tế là 326,8m2 đã được gia đình ông N và gia đình bà H cùng thống nhất.

Tại phiên tòa sơ thẩm, do ông N thay đổi chỉ tranh chấp phần diện tích190,6m2 nên bà H đã rút một phần yêu cầu giải quyết đối với phần diện tích 136,2m2 đất và chỉ yêu cầu ông N phải trả cho gia đình bà phần diện tích190,6m2 đất, buộc ông N phải tháo dỡ, di dời nhà, công trình trên đất. Do vậy, Tòa án cấp sơ thẩm đã căn cứ vào khoản 1 điều 157; khoản 1 điều 165BLTTDS, buộc ông N phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản tranh chấp như quyết định của bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ pháp luật.

[5]. Từ những nhận xét trên, nhận thấy ý kiến đề nghị của Kiểm sát viên là phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử. Căn cứ khoản 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Khoản 2 Điều 101, khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điểm d, e, i khoản 2, khoản 4 Điều 21 Nghị định số: 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai; khoản 1 Điều 157; khoản 1 Điều 165 BLTTDS. Xét thấy, việc Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà H, buộc ông N phải tháo dỡ, di dời toàn bộ nhà, công trình trên đất đang tranh chấp để trả lại mặt bằng đất cho bà H, ông T1 phần diện tích đất đang tranh chấp là 190,6m2; Tạm giao cho bà H, ông T1 quản lý đối với diện tích đất 190,6m2 và có trách nhiệm làm các thủ tục hành chính đối với cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật; Buộc ông N phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ và chi phí định giá tài sản như bản án sơ thẩm đã tuyên là có căn cứ. Do đó, xét thấy yêu cầu kháng cáo của ông Lò Văn N không có căn cứ chấp nhận.

[6]. Về án phí:

Căn cứ khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 BLTTDS; điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Về án phí dân sự sơ thẩm: Bà Lò Thị H và ông Lò Văn N thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí, do là người dân tộc thiếu số sống ở xã có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn. Xét thấy, cần miễn nộp tiền án phí dân sự sơ thẩm cho bà H và ông N.

- Về án phí dân sự phúc thẩm: Ông Lò Văn N phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận. Nhưng ông N thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí. Cần miễn nộp tiền án phí dân sự phúc thẩm ông Lò Văn N.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ khoản 1 Điều 308 BLTTDS.

Không chấp nhận nội dung yêu cầu kháng cáo của ông Lò Văn N. Giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm số: 05/2018/DS-ST ngày 17/10/2018 của Tòa án nhân dân huyện TG.

2. Căn cứ khoản 4 Điều 50 Luật đất đai năm 2003; Khoản 2 Điều 101, khoản 2 Điều 203 Luật đất đai năm 2013; Điểm d, e, i khoản 2, khoản 4 Điều 21 Nghị định 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai.

Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của bà Lò Thị H:

- Buộc ông Lò Văn N, ông Lò Văn C phải trả lại cho bà Lò Thị H, ông Lò Văn T1, anh Lò Văn T2, diện tích đất là 190,6m2; Tứ cạnh thửa đất như sau: Phía Bắc: Giáp phần đất nhà bà Lò Thị H, dài 23,0 m; Phía Đông: giáp hành lang giao thông Quốc lộ 279, dài 8,3m; Phía Nam: giáp đất ông Tòng Văn S, dài 23,0m; Phía Tây: giáp đất bà Lò Thị H, dài 8,3m; Địa chỉ thửa đất: Bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên; Giá trị đất là: 160.104.000đ (Một trăm sáu mươi triệu, một trăm linh tư nghìn đồng).

- Tạm giao cho bà Lò Thị H, ông Lò Văn T1, anh Lò Văn T2 quản lý và sử dụng đối với diện tích 190,6m2; Địa chỉ: bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên và có nghĩa vụ hoàn thiện thủ tục hành chính về quyền sử dụng đất theo Luật đất đai (Có sơ đồ đất kèm theo).

- Buộc ông Lò Văn N phải tháo dỡ, di dời toàn bộ công trình xây dựng trên đất được xác định cụ thể như sau: 01 ngôi nhà và bếp có diện tích 70,3m2; xây bằng gạch ba vanh, tường 11cm, bổ trụ 22cm, mái lợp tôn xốp, cửa gỗ, nền nhà xi măng, nhà xây vào tháng 4/2018, bếp xây tháng 6/2018; nhà xây liền với bếp có trị giá 140.441.572đ (Một trăm bốn mươi triệu, bốn trăm bốn mươi mốt nghìn, năm trăm bảy mươi hai đồng); Địa chỉ: bản B, xã C, huyện TG, tỉnh Điện Biên.

3. Về chi phí tố tụng: Căn cứ vào khoản 1 điều 157, khoản 1 điều 165 BLTTDS.

- Buộc bà Lò Thi H phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 1.134.000đ (Một triệu một trăm ba mươi tư nghìn đồng) và chi phí định giá tài sản là 840.000đ (Tám trăm bốn mươi nghìn đồng). Tổng số chi phí tố tụng, bà H phải chịu là 1.974.000đ (Một triệu chín trăm bảy mươi tư nghìn đồng). Trả lại cho bà H 1.300.000đ (Một triệu ba trăm nghìn đồng) chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ đã nộp tạm ứng thừa (đã trả lại).

- Buộc ông Lò Văn N phải chịu chi phí xem xét, thẩm định tại chỗ là 1.566.000đ (Một triệu năm trăm sáu mươi sáu nghìn đồng) và chi phí định giá tài sản là 1.160.000đ (Một triệu một trăm sáu mươi nghìn đồng). Tổng số chi phí tố tụng ông Lò Văn N phải có nghĩa vụ hoàn trả lại cho bà Lò Thị H do bà H đã nộp tạm ứng trước là 2.726.000đ (Hai triệu bảy trăm hai mươi sáu nghìn đồng).

4. Về án phí: Căn cứ khoản 1 Điều 147, khoản 1 Điều 148 BLTTDS và điểm đ khoản 1 Điều 12 Nghị quyết số: 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc Hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

- Án phí sơ thẩm: Miễn nộp án phí dân sự sơ thẩm cho bà Lò Thị H và ông Lò Văn N.

- Án phí phúc thẩm: Ông Lò Văn N phải chịu 300.000đ (Ba trăm nghìn đồng) tiền án phí dân sự phúc thẩm do yêu cầu kháng cáo không được chấp nhận. Nhưng ông N thuộc trường hợp được miễn nộp tiền án phí. Do đó, miễn án phí dân sự phúc thẩm cho ông Lò Văn N.

5. Các phần khác trong quyết định của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực pháp luật.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại khoản 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện tại điều 30 Luật thi hành án dân sự

Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án (ngày 29/3/2019).

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

581
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 05/2019/DS-PT ngày 29/03/2019 về tranh chấp quyền sử dụng đất và yêu cầu tháo dỡ công trình trên đất

Số hiệu:05/2019/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 29/03/2019
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;