Bản án 30/2018/DS-PT ngày 16/01/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH BẾN TRE

BẢN ÁN 30/2018/DS-PT NGÀY 16/01/2018 VỀ TRANH CHẤP QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT

Ngày 16 tháng 01 năm 2018 tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Bến Tre xét xử phúc thẩm công khai vụ án dân sự thụ lý số 300/2017/TLPT- DS ngày 13 tháng 11 năm 2017 về việc “Tranh chấp quyền sử dụng đất”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số 67/2017/DS–ST ngày 22 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện C bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 285/2017/QĐ - PT ngày 15 tháng 11 năm 2017 giữa các đương sự:

- Nguyên đơn:

1. Trần Tố A, sinh năm: 1976,

2. Trần Tố Q, sinh năm: 1969,

Cùng địa chỉ cư trú: đường Phạm Ngũ L, phường B, quận G, thành phố Hồ Chí Minh.

3. Trần Tố N, sinh năm: 1973,

Địa chỉ cư trú: đường Phạm Ngũ L, phường B, quận G, thành phố Hồ Chí Minh.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn:

- Luật sư Nguyễn Văn T, Văn phòng luật sư Nguyễn Văn T thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre.

- Luật sư Nguyễn Hoàng V, Văn phòng luật sư Nguyễn Hoàng V thuộc Đoàn luật sư tỉnh Bến Tre.

- Bị đơn: Giáo hội Phật giáo Việt Nam;

Đại diện: Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre.

Do ông Thích Nhựt T - Trưởng Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre làm đại diện.

Ông Thích Nhựt T ủy quyền cho ông Thích Huệ Đ - Phó Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre tham gia tố tụng.

- Người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan:

1. UBND huyện C, tỉnh Bến Tre.

Đại diện theo pháp luật: Ông Lê Quang V - Chức vụ: Chủ tịch. (Có yêu cầu xét xử vắng mặt)

2. Chùa P.

Địa chỉ: ấp P, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.

Đại diện: Ông Thích Tư A - Trụ trì Chùa P.

3. Võ Thị S, sinh năm 1946,

Địa chỉ cư trú: đường Phạm Ngũ L, phường B, quận G, thành phố Hồ ChíMinh.

Người đại diện hợp pháp của bà S: Bà Trần Tố N (Văn bản ủy quyền ngày 21/9/2017)

- Người làm chứng do bị đơn triệu tập:

1. Thích Thanh T, sinh năm 1955 – Trụ trì Chùa C, phường B, thành phố M, tỉnh Tiền Giang.

2. Hồ Công T (Thích Minh H), sinh năm 1968 – Trụ trì Chùa H, xã Q, huyện C, tỉnh Tiền Giang.

3. Hồ Thị B, sinh năm 1956,

Địa chỉ: ấp 8, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.

4. Từ Thế N, sinh năm 1936,

Địa chỉ: ấp 8, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.

5. Từ Thế N1, sinh năm 1956,

6. Trần Hưng V, sinh năm 1939,

Cùng địa chỉ: ấp T, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.

7. Đỗ Thanh P, sinh năm 1952,

Địa chỉ: ấp 1, xã Q, huyện C, tỉnh Bến Tre.

8. Nguyễn Thị Bạch Y, sinh năm 1954,

Địa chỉ: ấp P, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.

9. Nguyễn Thị P, sinh năm 1948,

Địa chỉ: ấp 8, xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre.

- Người kháng cáo: Nguyên đơn Trần Tố A, Trần Tố Q, Trần Tố N.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo án sơ thẩm, các nguyên đơn Trần Tố A, Trần Tố Q, Trần Tố N cùng trình bày:

Ông cố tổ của các đồng nguyên đơn là Trần Văn N có sở hữu phần đất có diện tích là 7.970 m2  thuộc thửa 233, bằng khoán 223. Ngày 13/3/1939 chuyển tên thừa kế lại cho ông Trần Văn T. Ngày 05/4/1939 ông T chia đất này cho các chị em là Trần Thị T, Trần Thị K, Trần Thị Đ, Trần Thị Đ1, ông T còn giữ lại diện tích là 4.310 m2. Ngày 13/02/1939, bà Đ1 bán đất lại cho ông T với giá là80 đồng. Ngày 03/7/1961, bà K bán đất lại cho ông T với giá là 15.000 đồng. Ông T có ba người con là Trần Văn T1, Trần Văn T2, Trần Văn S. Ông T có nhiều phần đất và chia cho con mỗi người một phần khác nhau. Ông nội các nguyên đơn là Trần Văn T1 (còn có tên khác là Trần Văn T3) được chia một phần đất canh tác. Đến ngày 20/8/1990, ông T1 được Nhà nước cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với diện tích là 7.900 m2, trong đó thửa 1490 diện tích là 300 m2 đất thổ cư, thửa 1632 diện tích là 7.600 m2 đất công nghiệp. Ông nội các nguyên đơn có xây dựng một căn nhà vừa thờ tổ tiên vừa thờ phật (tu tại gia). Lúc còn sống ông nội các nguyên đơn chỉ tu một mình tại căn nhà này, sau đó ông Trần Văn T2 bán đất riêng ở ấp 8, xã T và về đây sinh sống tu hành với ông T1. Ngày 15/9/1992, ông T1 chết, ông Trần Văn T2 tiếp tục ở giữ và tu hành tại đây. Ông Trần Văn K1 là con ruột của ông Trần Văn T1 chỉ tới lui, trông nom mồ mã ông bà hàng năm, không lập thủ tục kê khai di sản thừa kế để chuyển tên giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ông Trần Văn T1 sang cho ông Trần Văn K1. Năm 1996 ông Trần Văn K1 chết, mẹ của các đồng nguyên đơn và các đồng nguyên đơn cũng không kê khai di sản thừa kế mà để cho ông Trần Văn T2 quản lý sử dụng. Các đồng nguyên đơn hàng năm đều về đây theo lệ để cúng giỗ.

Năm 1995, 1996 Sư cô Trần Thị T4 đến đây xin ở cùng tu hành với ôngTrần Văn T2, sau đó có thêm nhiều tín đồ đến cùng tu hành và xây dựng thêmkhuôn viên chùa mà không hỏi ý kiến của các đồng nguyên đơn. Đầu năm 2009, ông Trần Văn T2 mất, các đồng nguyên đơn thống nhất cử bà Trần Tố A làm đại diện đến Ủy ban nhân dân xã T để lập thủ tục kê khai chuyển quyền sử dụng đất từ di sản thừa kế của ông Trần Văn T1 để lại. Trong quá trình đăng ký, kê khai di sản thừa kế, các đồng nguyên đơn phát hiện đã có hồ sơ kê khai đăng ký đất do sư cô Trần Thị T4 và Ban hộ tự Chùa P lập để đề nghị chuyển quyền sử dụng đất từ ông Trần Văn T1 sang cho Chùa P. Trước sự việc trên, các đồng nguyên đơn đã gởi đơn yêu cầu Ủy ban nhân dân xã T giải quyết. Ủy ban nhân dân xã T đã tiến hành hòa giải nhưng không thành. Ngày 13/10/2009 các đồng nguyên đơn đã khởi kiện tại Tòa án nhân dân huyện C yêu cầu những người đang quản lý tài sản tại Chùa P trả lại 7.900 m2 đất cho các đồng nguyên đơn để các nguyên đơn lập thủ tục đăng ký kê khai và đứng tên quyền sử dụng đất. Ngày 15/02/2016, các đồng nguyên đơn có đơn xin sửa đổi nội dung khởi kiện: yêu cầu Tòa án công nhận diện tích đất 7.737,1 m2  theo đo đạc thực tế hiện nay và tài sản trên đất thuộc thửa 133 tờ 26 nêu trên thuộc quyền sở hữu, sử dụng của các đồng nguyên đơn theo pháp luật thừa kế. Các đồng nguyên đơn không đồng ý yêu cầu phản tố của Giáo hội.

Riêng bà Võ Thị S là mẹ ruột của bà Tố A, bà Tố Q và bà Tố N. Bà S là vợ ông Trần Văn K1. Ông K1 và bà S có 3 người con là bà Tố A, bà Tố Q và bà Tố N. Ông K1, bà S không có người con riêng nào khác. Bà S thống nhất ý kiến của bà N về nguồn gốc đất cũng như về quá trình quản lý sử dụng phần đất của ông Trần Văn T1 để lại. Đối với phần đất của ông T1 để lại, bà S có tâm nguyện cùng các con gìn giữ làm đất hương hỏa và thờ cúng ông bà. Bà không có tranh chấp gì đối với phần đất nêu trên kể cả tài sản trên đất. Nếu được nhận một phần thừa kế đối với phần đất của ông T1 để lại, bà đồng ý cho lại các con là bà Tố A, bà Tố Q và bà Tố N quản lý sử dụng.

Trong quá trình tố tụng, bị đơn Ban trị sự Giáo hội phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre trình bày:

Hiện phần đất các nguyên đơn tranh chấp do Chùa P sử dụng làm cơ sở hoạt động tôn giáo từ 75 năm nay. Nguồn gốc đất của ông Trần Văn T (Hòa thượng Thích Kiểu S).

Chùa P do Hòa thượng Thích Kiểu S lập và làm trụ trì từ năm 1936. Hai người con của Hòa thượng là ông Trần Văn T1 (pháp danh Thích Kiểu L) và ông Trần Văn T2 (pháp danh Thích Huệ C) cùng xuất gia và tu học tại chùa.

Trước khi xuất gia ông Trần Văn T1 đã có vợ và con trai là Trần Văn K1. Ông K1 là cha của các đồng nguyên đơn và đã chết vào năm 1996.

Năm 1967, ông Trần Văn T giao chùa lại cho 2 con là Trần Văn T1 làm trụ trì và Trần Văn T2 làm phó trụ trì. Ông T đến tu tại Chùa C - Tiền Giang.

Năm 1968, do chiến tranh tàn phá, chùa đổ nát thầy T1 và thầy T2 đã cùng với tăng ni phật tử địa phương đóng góp công sức tiền bạc trùng tu lại chùa.

Khoảng năm 1980 - 1982 thực hiện chủ trương của Nhà nước về đăng ký kê khai quyền sử dụng đất, đại diện Chùa P khi đó là ông Trần Văn T2 đi đăng ký kê khai.

Theo yêu cầu của Chính quyền địa phương lúc đó không được đăng ký kê khai chung cho Chùa hay tập thể mà phải đăng ký kê khai cho một cá nhân đại diện để trực tiếp giao dịch và chịu trách nhiệm đối với Nhà nước, nên thầy T2 phải đăng ký tên người sử dụng đất Chùa P là Trần Văn T1 đang trụ trì chùa. Vì vậy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất do Ủy ban nhân dân huyện C cấp cho Chùa P năm 1990 mang tên Trần Văn T1. Thực tế từ năm 1936 đến nay là 75 năm phần đất này đã được gia đình Ông T, ông T1, ông T2 hiến cho Chùa và việc tôn tạo Chùa cũng có công sức đóng góp của rất nhiều tăng ni Phật tử.

Sau khi ông T1 qua đời năm 1992, ông Trần Văn T2 tiếp nối làm Trụ trì Chùa P, ông Trần Văn K1 là con ông T1 và là cha của các đồng nguyên đơn đã không có bất cứ đòi hỏi hay yêu cầu chia thừa kế phần đất của Chùa, vì ông K1 cũng như bất cứ tăng ni Phật tử đều biết và thừa nhận đây là đất của Chùa, là tài sản chung của bá tánh.

Năm 1998, Chùa P cũng đã tự nguyện lập thủ tục gia nhập vào Giáo hội phật giáo Việt Nam theo quy định của pháp luật.

Trong thời gian làm trụ trì, ông Trần Văn T2 (thầy Huệ C) có xin điều chỉnh tên trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất từ ông Trần Văn T1 sang Chùa P, nhưng do giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đã bị gia đình nguyên đơn cất giữ nên chưa điều chỉnh được. Năm 2006 các thành viên trong gia tộc, trụ trì Chùa P tổ chức cuộc họp và có sự tham dự của chính quyền địa phương cùng ban hộ tự chùa, tất cả đều thống nhất xác định đây là đất Chùa P, là tài sản giáo hội, chỉ có Trụ trì mới sau này mới có quyền quản lý giữ gìn tôn tạo.

Từ tháng 8 năm 2009, Trụ trì Trần Văn T2 qua đời, Chùa P vẫn chưa được giáo hội bổ nhiệm trụ trì mới.

Năm 2009, Chùa P lập thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thì các đồng nguyên đơn gửi đơn tranh chấp, ngăn cản không cho chùa đứng tên quyền sử dụng đất. Các đồng nguyên đơn tự ý thu hoạch hoa lợi can thiệp mọi hoạt động của chùa.

Như vậy xét về tính pháp lý của Chùa P thì Chùa P được kiến tạo trước ngày 07/11/1981, là cơ sở tín ngưỡng theo đúng truyền thống của Đạo Phật. Theo quy định là đơn vị cơ sở của Giáo hội phật giáo Việt Nam, có tên trong danh bạ tự viện thuộc huyện C tỉnh Bến Tre (Theo quy định tại Điều 16, 17 và18 Chương V Nội quy Ban Tăng sự trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam). Như vậy Chùa P không thuộc dạng tự viện do gia tộc quản lý mà là do các cấp giáo hội quản lý (Điều 57 Hiến chương Giáo hội phật giáo Việt Nam). Là đơn vị cơ sở của tổ chức tôn giáo được Nhà nước bảo hộ theo quy định của pháp luật Nhà nước (Điều 4 Chương I Pháp lệnh tín ngưỡng tôn giáo ngày 18/6/2004). Là đơn vị cơ sở của Giáo hội thì bất động sản, động sản của cơ sở tự viện là giáo sản (Quy định tại điều 44 chương VIII Nội quy tăng sự).

Tại Phần IV khoản 3 mục c Thông tư  số 05/2016/TT.HĐTS ngày 15/01/2016 của Ban Thường trực Hội đồng trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam quy định: Các tài sản tự viện do cá nhân Trụ trì đứng tên theo giấy khai sinh, những tài sản đó vẫn thuộc tài sản tự viện. Vì vậy, đất đai Chùa P do Hòa thượng Kiểu L tức ông Trần Văn T1 đứng tên theo giấy khai sinh trong giấy chứng nhận quyền sử dụng đất thửa 1490 tờ 2, thửa 1632 tờ 2 nay là thửa 133 tờ 26 vẫn thuộc về giáo sản.

Ngày 06/5/2016, Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - Đại diện: Ban Trị sự Giáo Hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre có đơn yêu cầu Tòa án giải quyết buộc các đồng nguyên đơn tháo dỡ phần hàng rào đã rào xung quanh chùa, yêu cầu Tòa án công nhận toàn bộ phần đất tranh chấp và tài sản trên đất thuộc thửa 133 tờ 26 nêu trên là tài sản của Chùa P do Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam - Đại diện: Ban Trị Sự Giáo Hội Phật Giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre làm chủ sở hữu quản lý định đoạt. Đề nghị Tòa án không công nhận sự thừa kế đất Chùa P của các nguyên đơn, do các cụ Trần Văn T, Trần Văn T1, Trần Văn T2 đều là những nhà tu hành trong tổ chức Giáo hội đã sử dụng đất này và đi vào hoạt động tôn giáo mang tính cộng đồng của một tổ chức tôn giáo hợp pháp ở cơ sở, chứ không chỉ đơn thuần là nhà thờ Phật và thờ ông bà. Biết bao Phật tử đã đóng góp tiền của công sức để vun bồi giữ gìn, được nhà chùa quản lý sử dụng ổn định lâu dài 80 năm qua. Phần tài sản này thuộc sở hữu chung của cộng đồng do Giáo hội Phật giáo Việt Nam đại diện làm chủ sở hữu duy nhất để quản lý định đoạt, không thể có sự thừa kế của gia đình.

Trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan Chùa P, do ông Thích Tư A – trụ trì Chùa P là đại diện trình bày:

Ông thống nhất với lời trình bày của Đại diện Ban trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam tỉnh Bến Tre. Hiện ông Thích Tư A là Trụ trì Chùa P, nơi có phần đất mà các đồng nguyên đơn đang tranh chấp với Giáo hội. Đối với đất và ngôi Chùa P có trên phần đất đang tranh chấp đề nghị Tòa án giải quyết theo quyđịnh của pháp luật.

Trong quá trình tố tụng, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan Ủy ban nhân dân huyện C trình bày:

Về quy trình cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn T1 thửa đất số 1490 và 1632 tờ bản đồ số 01 tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre là đúng quy định của pháp luật. Đại diện Ủy ban nhân dân huyện C ông Lê Quang V - Chủ tịch, có yêu cầu Tòa án xét xử vắng mặt.

Sau khi hòa giải không thành, Tòa án nhân dân huyện C đưa vụ án ra xét xử, tại Bản án số 67/2017/DSST ngày 22 tháng 9 năm 2017 đã tuyên:

Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Tố A, Trần Tố Q vàTrần Tố N về việc yêu cầu được công nhận phần đất thuộc thửa 133 tờ bản đồ số 26 (Thửa cũ là thửa 1490, 1632 tờ bản đồ số 2) tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q và bà Trần Tố N.

Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc yêu cầu được công nhận phần đất thuộc thửa 133 tờ bản đồ số 26 (Thửa cũ là thửa 1490, 1632 tờ bản đồ số 2) tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cụ thể:

- Công nhận phần đất có diện tích 3.868,6 m2 thuộc thửa 133B tờ bản đồ số 26 (Trong đó có 150 m2 đất thổ cư) tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q và bà Trần Tố N. Theo Họa đồ hiện trạng sử dụng đất số 2 được tính từ các điểm B-Đ-L-M-N-O-Ô-Ơ- P-Q-R-S-T-U-ư-V-W-X-Y-Z-C-B .

Phần đất các nguyên đơn được công nhận và được quyền quản lý sử dụng có cả hoa màu và công trình trên đất. Cụ thể là phần đất và các công trình mộ thuộc các thửa 133-16, 133-17, 133-18, 133-19, 133-20, 133-21, 133-22, 133-23, 133-24, 133-25, 133-30.

- Công nhận phần đất có diện tích 3.868,5 m2 thuộc thửa 133A tờ 26 (Trong đó có 150 m2  đất thổ cư), tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo Họa đồ hiện trạng sử dụng đất số 2 được tính từ các điểm B-C-Z-Y-F-G-H-A-B.

Phần đất Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công nhận và được quyền quản lý sử dụng có cả hoa màu và công trình trên đất. Cụ thể là phần đất và các công trình thuộc các thửa 133-2, 133-3, 133-4,133-5, 133-6, 133-7, 133-8, 133-9, 133-10, 133-11, 133-12, 133-13, 133-14, 133-15, 133-26, 133-27, 133-28,133-29.

(Có họa đồ hiện trạng sử dụng đất kèm theo).

- Buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm bồi hoàn lại cho các đồng nguyên đơn 1/2 giá trị các cây dừa và chuối mới trồng là 2.615.000 đồng (Hai triệu sáu trăm mười lăm ngàn đồng).

- Bà Võ Thị S, bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q, bà Trần Tố N và con cháu trong tộc họ Trần được quyền đến viếng các ngôi mộ trên đất mà Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý, không ai được quyền cản trở. Việc bà Võ Thị S, bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q, bà Trần Tố N và con cháu tộc họ Trần muốn sửa chữa, trùng tu, tôn tạo các ngôi mộ trên đất Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý phải có sự đồng ý của Giáo hội Phật giáo Việt Nam.

Các nguyên đơn bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q và bà Trần Tố N, bị đơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục kê khai cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được Tòa án công nhận nêu trên.

Kiến nghị UBND huyện C tỉnh Bến Tre thu hồi Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất số A 053276 được cấp ngày 20/8/1990 của ông Trần Văn T1 và xem xét để cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho các đồng nguyên đơn, bị đơn theo diện tích mà bản án đã tuyên khi án có hiệu lực pháp luật.

Công nhận sự tự nguyện bà Võ Thị S nhường phần của mình được hưởng thừa kế cho bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q và bà Trần Tố N.

Ghi nhận việc Trụ trì Chùa P - Ông Thích Tư A không tranh chấp và không có yêu cầu đối với phần đất và tài sản trên đất thuộc thửa 133 tờ bản đồ số 26.

Buộc các đồng nguyên đơn có trách nhiệm tháo dỡ và di dời hàng rào kẽm gai đã rào trên thửa đất 133A, theo Họa đồ hiện trạng sử dụng đất số 1 được tính từ các điểm A,B,C,D,E,F,G,H,I,J,K,M,N,O,P,Q,R,S có chiều dài là 3.80m+4.71m+ 5.95m+ 4.67m+ 5.34m+ 6.14m+ 5.54m+ 13.07m+ 5.26m+ 7.78m+2.04m+ 0.98m+ 3.90m+ 4.05m+ 3.35m+ 3.70m+ 3.89m là 84.17m.

Ngoài ra, bản án còn tuyên về chi phí đo đạc, định giá, trích lục hồ sơ, án phí và quyền kháng cáo bản án của các đương sự.

Ngày 04/10/2017 bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q, bà Trần Tố N có đơn kháng cáo với nội dung yêu cầu Tòa cấp phúc thẩm xét xử chấp nhận toàn bộ yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn vì Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất của ông Trần Văn T1 được cấp là đúng quy định pháp luật; không thể đánh đồng việc góp vật chất xây dựng của tăng ni phật tử và hoạt động tôn giáo với quyền sử dụng đất vì tiền thân công trình trên đất là của gia đình nguyên đơn; trên đất có mộ của dòng họ Trần mà gia đình nguyên đơn không được trực tiếp quản lý vì đây không phải là tài sản chung của cơ sở tôn giáo.

Tại phiên tòa phúc thẩm, các nguyên đơn thay đổi yêu cầu kháng cáo, chỉ yêu cầu được nhận phần đất có diện tích 5.358,2 m2, thể hiện tại các điểm A, B, Đ, L M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, ư, V, W, X, Y, F, E, D, A thuộc một phần thửa 133, tờ bản đồ số 26, tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre và phần có ngôi mộ của Ông T, ký hiện 133-12, diện tích 19,9 m2 vì trên phần đất này có các ngôi mộ của gia đình các nguyên đơn. Còn phần đất có Chùa P thì đồng ý để Ban trị sự Giáo hội phật giáo tiếp tục quản lý.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nguyên đơn trình bày: Nguồn gốc thửa đất số 133, tờ bản đồ số 26, hiện do ông Trần Văn T1 đứng tên giấy chứng nhận sử dụng đất, có nguồn gốc của ông Trần Văn T (Ông T là cha của ông T1) để lại. Về mặt pháp lý, đất được cấp cho cá nhân ông T1. Đối với phần đất này, Giáo hội không làm thủ tục đăng ký kê khai. Gia đình của ông T1, gia đình của ông K1 không có văn bản nào thể hiện việc đã hiến tặng phần đất trên cho Giáo hội Phật giáo nên đây là phần đất dòng họ Trần để lại làm đất hương hỏa. Các nguyên đơn tranh chấp quyền sử dụng đất chứ không có tranh chấp ngôi chùa cho nên từ những căn cứ phía nguyên đơn chứng minh được đất là của gia đình nguyên đơn. Gia đình nguyên đơn cũng đồng ý để lại phần đất có Chùa P cho Giáo hội quản lý, chỉ yêu cầu được quản lý mộ gia đình để chăm sóc thờ cúng. Đề nghị cấp phúc thẩm chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, buộc bị đơn phải giao lại phần đất có diện tích 5.358,2 m2, thể hiện tại các điểm A, B, Đ, L M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, ư, V, W, X, Y, F, E, D, A thuộc thửa 133, tờ bản đồ số 26, tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre và ngôi mộ của Ông T cho nguyên đơn quản lý.

Đại diện Viện kiểm sát tham gia phiên tòa phát biểu cho rằng: Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, người tiến hành tố tụng và người tham gia tố tụng đã thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Về nội dung: đề nghị không chấp nhận kháng cáo của nguyên đơn, giữ nguyên bản án sơ thẩm số 67/2017/DSST ngày 22 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện C.

Sau khi nghiên cứu các tài liệu, chứng cứ có trong hồ sơ vụ án được thẩm tra tại phiên tòa và căn cứ vào kết quả tranh tụng tại phiên tòa

NHẬN ĐỊNH CỦA HỘI ĐỒNG XÉT XỬ

[1] Hồ sơ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cho ông Trần Văn T1 tại thời điểm năm 1990 là đúng đối tượng. Tuy nhiên, tại thời điểm này Chùa P đã tồn tại mà Ủy ban nhân dân huyện C chưa xem xét đến công trình kiến trúc cótrên đất, mục đích sử dụng đất là chưa toàn diện. Xét thấy, Chùa P tồn tại trên 70 năm. Người sáng lập chùa là ông Trần Văn T - Pháp danh là Hòa thượng Thích Hiển P. Chùa P tồn tại và phát triển từ Nhà thờ của tộc hộ Trần. Từ năm 1968 đến nay, Chùa P đã nhiều làn được trùng tu với sự đóng góp của gia đình tộc họ Trần, phật tử các nơi và có sự cho phép của các trụ trì Chùa P qua từng thời kì, cụ thể là ông Trần Văn T1 (Hòa thượng Thích Kiểu L), ông Trần Văn T2 (Hòa thượng Thích Huệ C). Trên thực tế từ khi thành lập đến nay, Chùa P là nơi thờ tự tộc họ Trần, là nơi thờ Phật, là nơi hoạt động tín ngưỡng tôn giáo Phật giáo theo đúng truyền thống của Đạo Phật. Chùa P là đơn vị cơ sở của Giáo hội phật giáo Việt Nam, có tên trong danh bạ tự viện thuộc huyện C, tỉnh Bến Tre. Đây là cơ sở thờ tự văn hóa được Ủy ban nhân dân huyện C công nhận vào năm 2006. Như vậy, đã chứng minh được ông T1, ông Tuyết trước đây đã sử dụng một phần đất của mình đang quản lý để sử dụng vào hoạt động tôn giáo Phật giáo mang tính cộng đồng của một tổ chức tôn giáo, không còn đơn thuần chỉ là nhà thờ của tộc họ Trần. Theo quy định của pháp luật và trên thực tế, hoạt động tín ngưỡng tôn giáo không thể giao cho cá nhân đảm nhiệm mà cần phải giao cho một tổ chức dưới sự bảo hộ và quản lý của Nhà nước. Nên một phần đất có công trình là Chùa P của ông Trần Văn T1 phải được giao cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam quản lý là phù hợp.

[2] Xét kháng cáo của các nguyên đơn về yêu cầu được quản lý phần mộ của dòng hộ Trần. Thấy rằng, các bên đương sự đều thống nhất ông Trần Văn T1 có một người con là ông Trần Văn K1. Ông Trần Văn K1 có vợ là bà Võ Thị S và các con là chị Trần Tố A, chị Trần Tố Q và chị Trần Tố N. Ông T1 chết năm 1992, ông K1 chết năm 1996, nên người thừa kế phần di sản của ông T1 là bà Võ Thị S và các con là chị Trần Tố A, chị Trần Tố Q và chị Trần Tố N. Từ đó yêu cầu được quản lý mộ của dòng họ Trần của các nguyên đơn là có cơ sở, phù hợp với quy định pháp luật cũng như truyền thống dân tộc. Tuy nhiên, phần mộ của Ông T nằm trong khuôn viên của Chùa P, để thuận tiện cho việc quản lý cũng như thi hành án, do diện tích mộ nhỏ hơn quy định pháp luật không thể tách thửa, nên chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn, sửa bản án sơ thẩm, các nguyên đơn được quyền quản lý toàn bộ phần đất có diện tích 5.358,2m2, thể hiện tại các điểm A, B, Đ, L M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S, T, U, ư, V, W,X, Y, F, E, D, A thuộc thửa 133, tờ bản đồ số 26, tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnhBến Tre. Trên đất nêu trên có các ngôi mộ ký hiệu (theo họa đồ số 2) là các thửa133-2, 133-3, 133-4, 133-30, 133-16, 133-17, 133-18, 133-19, 133-20, 133-21,133-22, 133-23, 133-24, 133-25 và nhà vệ sinh có hồ nước ký hiệu các thửa133-14 và 133-28, nhà củi ký hiệu thửa 133-15, phần này các nguyên đơn được quyền quản lý sử dụng và hoàn trả cho bị đơn giá trị theo giá của hội đồng định giá đã định số tiền là 11.056.000 đồng. Phần diện tích 2.378,9 m2 thuộc mộtphần thửa 133, tờ 26 (trong đó có 150 m2 đất thổ cư), tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam, theo Họa đồ hiện trạng sử dụng đất số 2 thể hiện tại các điểm A, D, E, F, G, H, A, bao gồm phần mộ của ông Trần Văn T.

[3] Quan điểm của Đại diện Viện kiểm sát là không phù hợp với nhận định của Hội đồng xét xử nên không chấp nhận.

[4] Do kháng cáo được chấp nhận nên các nguyên đơn Trần Tố A, Trần TốQ, Trần Tố Nhưng không phải chịu án phí phúc thẩm theo quy định tại Điều 29 Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

Căn cứ vào khoản 2 Điều 308, Điều 309 Bộ luật Tố tụng Dân sự 2015;

Chấp nhận một phần kháng cáo của nguyên đơn Trần Tố A, Trần Tố Q, Trần Tố N.

Sửa bản án dân sự sơ thẩm số 67/2017/DS-ST ngày 22 tháng 9 năm 2017 của Tòa án nhân dân huyện C.

Cụ thể tuyên:

Áp dụng các Điều 677, 679 Bộ luật dân sự năm 1995; Điều 22 Luật đất đai năm 1987; Pháp lệnh án phí, lệ phí Tòa án; Nghị quyết số 326/2016/UBTVQH14 ngày 30 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q và bà Trần Tố N về việc yêu cầu được công nhận phần đất thuộc thửa 133 tờ bản đồ số 26 (thửa cũ là thửa 1490, 1632 tờ bản đồ số 2) tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q và bà Trần Tố N.

2. Chấp nhận một phần yêu cầu phản tố của Giáo hội Phật giáo Việt Nam về việc yêu cầu được công nhận phần đất thuộc thửa 133 tờ bản đồ số 26 (thửa cũ là thửa 1490, 1632 tờ bản đồ số 2) tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Cụ thể:

- Công nhận phần đất có diện tích 5.358,2 m2 (trong đó có 150 m2 đất thổ cư), thể hiện trên họa đồ số 2 tại các điểm A, B, Đ, L M, N, O, Ô, Ơ, P, Q, R, S,T, U, ư, V, W, X, Y, F, E, D, A thuộc một phần thửa 133, tờ bản đồ số 26, tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q và bà Trần Tố N.

Phần đất các nguyên đơn được công nhận và được quyền quản lý sử dụng có cả hoa màu và công trình trên đất. Cụ thể là phần đất và các công trình có các ngôi mộ ký hiệu (theo họa đồ số 2) là các thửa 133-2, 133-3, 133-4, 133-30,133-16, 133-17, 133-18, 133-19, 133-20, 133-21, 133-22, 133-23, 133-24, 133-25 và nhà vệ sinh có hồ nước ký hiệu các thửa 133-14 và 133-28, nhà củi ký hiệu thửa 133-15. Các nguyên đơn được quyền quản lý sử dụng và hoàn trả cho bị đơn giá trị của nhà vệ sinh có hồ nước và nhà củi là 11.056.000 đồng (mười một triệu không trăm năm mươi sáu nghìn đồng). (Có họa đồ hiện trạng sử dụng đất kèm theo).

- Công nhận phần đất có diện tích 2.378,9 m2 thuộc một phần thửa 133, tờ26 (trong đó có 150 m2 đất thổ cư), tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre thuộc quyền quản lý sử dụng của Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Theo Họa đồ hiện trạng sử dụng đất số 2 thể hiện tại các điểm A, D, E, F, G, H, A.

Phần đất Giáo hội Phật giáo Việt Nam được công nhận và được quyền quản lý sử dụng có cả hoa màu và công trình trên đất. Cụ thể là phần đất và các công trình thuộc các thửa 133-5, 133-6, 133-7, 133-8, 133-9, 133-10, 133-11,133-12, 133-13, 133-27. (Có họa đồ hiện trạng sử dụng đất kèm theo).

Buộc Giáo hội Phật giáo Việt Nam có trách nhiệm bồi hoàn lại cho các đồng nguyên đơn 1/2 giá trị các cây dừa và chuối mới trồng là 2.615.000 đồng (hai triệu sáu trăm mười lăm ngàn đồng).

Các bên đương sự được quyền đến viếng các ngôi mộ trên đất thuộc thửa133, tờ bản đồ số 26, tọa lạc tại xã T, huyện C, tỉnh Bến Tre mà không ai được quyền cản trở.

Các bên đương sự được quyền liên hệ với cơ quan có thẩm quyền để làm thủ tục kê khai đăng ký để được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất đối với phần đất được Tòa án công nhận nêu trên.

Công nhận sự tự nguyện bà Võ Thị S để lại phần của mình được hưởng thừa kế cho bà Trần Tố A, bà Trần Tố Q và bà Trần Tố N.

Ghi nhận việc Chùa P không tranh chấp và không có yêu cầu đối với phầnđất và tài sản trên đất thuộc thửa 133 tờ bản đồ số 26.

Chi phí tố tụng: Buộc Giáo hội Phật Giáo Việt Nam phải hoàn lại cho các đồng nguyên đơn chi phí thup thập chứng cứ là 6.075.700 đồng (sáu triệu không trăm bảy mươi lăm nghìn bảy trăm đồng).

Án phí dân sự sơ thẩm:

- Các nguyên đơn Trần Tố A, Trần Tố Q, Trần Tố N phải liên đới chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) nhưng được khấu trừ vào tạm ứng án phí đã nộp số tiền 20.220.000 đồng theo biên lai thu số 0001828 ngày 28/3/2014 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Các nguyên đơn được nhận lại 19.920.000 đồng (mười chín triệu chín trăm hai mươi nghìn đồng).

- Bị đơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải chịu 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) nhưng được khấu trừ vào tạm ứng án phí đã nộp số tiền 200.000 đồng (hai trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0005101 ngày 06/5/2016 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Bị đơn Giáo hội Phật giáo Việt Nam phải nộp thêm 100.000 đồng (một trăm nghìn đồng).

Án phí dân sự phúc thẩm: Các nguyên đơn Trần Tố A, Trần Tố Q, Trần Tố N không phải chịu. Hoàn tạm ứng án phí đã nộp cho bà Trần Tố A số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0012612 ngày 09/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Hoàn tạm ứng án phí đã nộp cho bà Trần Tố Q số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0012614 ngày 09/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C. Hoàn tạm ứng án phí đã nộp cho bà Trần Tố N số tiền 300.000 đồng (ba trăm nghìn đồng) theo biên lai thu số 0012613 ngày 09/10/2017 của Chi cục Thi hành án dân sự huyện C.

Trwờng hợp bản án được thi hành theo Điều 2 Luật thi hành án dân sự thìngười được thi hành án, ngwời phải thi hành án có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án, hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo qui định tại các Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo qui định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Bản án phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

1038
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 30/2018/DS-PT ngày 16/01/2018 về tranh chấp quyền sử dụng đất

Số hiệu:30/2018/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Bến Tre
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 16/01/2018
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập


  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;