TOÀ ÁN NHÂN DÂN HUYỆN U MINH, TỈNH CÀ MAU
BẢN ÁN 03/2018/DS-ST NGÀY 07/03/2018 VỀ TRANH CHẤP CHIA THỪA KẾ QUYỀN SỬ DỤNG ĐẤT
Trong ngày 07 tháng 3 năm 2018 tại trụ sở, Toà án nhân dân huyện U Minh xét xử sơ thẩm công khai vụ án thụ lý số: 78/2009/TLST - DS ngày 03 tháng 8 năm 2009 về việc chia thừa kế quyền sử dụng đất và tranh chấp quyền sử dụng đất theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử số 249/2017/QĐXXST - DS ngày 22 tháng 12 năm 2017 giữa các đương sự:
1. Nguyên đơn: Chị T;
Địa chỉ cư trú: Phường 6, thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; có mặt.
2. Bị đơn: Bà N;
Địa chỉ cư trú: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; có mặt.
Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị đơn: Ông Đ; thường trú: huyện Cái Nước, tỉnh Cà Mau; có mặt.
3. Người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan:
3.1. Anh K; chết tháng 01 – 2012;
Người kế thừa quyền, nghĩa vụ tố tụng của anh K: Bà N, là mẹ đẻ của anh K; chị P là vợ của anh K. Bà N có mặt; chị P vắng mặt.
3.2. Anh L;
Địa chỉ cư trú: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
Người đại diện theo uỷ quyền của anh L: Bà Tạ Thị N; Văn bản ủy quyền ngày 18/4/2013; có mặt.
3.3. Ông H;
Địa chỉ cư trú: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
3.4. Ông V;
Địa chỉ cư trú: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
3.5. Chị Tu;
Địa chỉ cư trú: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
3.6. Anh Tư;
Địa chỉ cư trú: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
3.7. Chị Tuy;
Địa chỉ cư trú: huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
3.8. Ông Vi;
Địa chỉ cư trú: Tp.Cà Mau, tỉnh Cà Mau; có mặt.
3.9. Bà Y;
Địa chỉ cư trú: huyện U Minh, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
3.10. Bà M
Địa chỉ cư trú: thành phố Cà Mau, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
Người đại diện theo uỷ quyền của bà M: Ông Vi; Văn bản ủy quyền ngày 19/6/2013; có mặt.
3.11. Bà Th;
Địa chỉ cư trú: huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau; vắng mặt.
Người đại diện theo uỷ quyền của bà Th: Ông Vi; Văn bản ủy quyền ngày 11/8/2011; có mặt.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Ông A và bà H có chung 06 người con tên H, V, Tuy, T, Tu, Tư; năm 1983 ông A và bà H ly hôn. Năm 1984 ông A và bà N sống chung như vợ chồng nhưng không đăng ký kết hôn. Ông A và bà N có chung 02 người con tên K, L. Ngày 12 – 9 – 2007 A chết không để lại di chúc. Ngày 27 – 01 – 2012 K chết.
Đơn Khởi kiện ngày 13 – 7 – 2009 chị T khởi kiện bà N yêu cầu chia thừa kế theo pháp luật đối với phần di sản của ông A gồm: 4.046m2 đất tại các thửa 576,622,624,576 tờ bản đồ số 6 năm 2002 nhưng sau đó chị xác định lại là diện tích 3.189,3m2 đất tại thửa 623 và 624 tờ bản đồ số 6 năm 2002 (đo đạc ngày 06 – 11 –2009) và tài sản gắn liền trên đất là nhà ở và cây trồng; di sản thừa kế tọa lạc huyện U Minh, tỉnh Cà Mau hiện bà N đang quản lý sử dụng. Toàn bộ phần đất 3.189,3m2 chưa được cấp quyền sử dụng đất.
Tuy, V, H, Tu, Tư, L, K yêu cầu hưởng thừa kế phần di sản của ông A theo quy định của pháp luật.
Tại phiên tòa chị T rút một phần yêu cầu, chỉ yêu cầu thừa kế theo pháp luật đối với phần đất, còn nhà ở và cây trồng thì giao cho bà N hưởng toàn bộ. Bà N đồng ý theo yêu cầu của chị T.
Ngày 28 – 6 – 2010 bà Th, Y, M và ông Vi khởi kiện chị T và N với nội dung: Cụ Q và cụ Ph có với nhau 06 người con gồm: Th, Y, M, Vi, A (chết năm 2007), Tha (chết năm 2005). Năm 1993 cụ Q, không để lại di chúc; năm 1994 cụ Ph chết, không để lại di chúc. Khi còn sống các cụ đã chia đất cho các con và lập tờ phân chia vào năm 1989. Trong tờ phân chia đất có ghi: 2.600m2 đất vườn là phần đất hương hỏa các con luân phiên nhau sử dụng để thờ cúng. Do đó, trong phần đất 3.189,3m2 chị T yêu cầu thì có phần đất thuộc di sản thừa kế của cụ Q và cụ Ph để lại. Tại phiên tòa ông Vi xác định phần đất mà ông cùng Th, Y, M yêu cầu là 793m2 thửa 624 tờ bản đồ số 6 năm 2002.
Ông Tha chết năm 2005 có vợ là Ho và hai con là Au và Tun. Đương sự Ho, Au và Tun không yêu cầu gì về thừa kế phần đất cụ Q và cụ Ph để lại; các đương sự này có văn bản từ chối tham gia tố tụng trong vụ án.
Ý kiến của Viện kiểm sát:
Về tố tụng: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, đương sự đã tuân thủ đúng các quy định thủ tục tố tụng về giải quyết vụ án. Song quá trình giải quyết vụ án, Tòa án đã để vụ án quá hạn luật định.
Về nội dung: Đề nghị Hội đồng xét xử chấp nhận yêu cầu của Th, Y, M, Vi. Công nhận sự thỏa thuận phân chia di sản thừa kế giữa nguyên đơn và bị đơn đối với phần di sản của ông A. Các đương sự phải chịu án phí theo quy định của pháp luật.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1] Việc vắng mặt đương sự: H, V, Tu, Tư, Tuy, P, Y là người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan trong vụ án đã có đơn từ chối tham gia hòa giải, xét xử; theo quy định tại khoản 1 khoản 2 Điều 227 Bộ luật tố tụng dân sự Tòa án tiến hành xét xử vắng mặt các đương sự.
[2] Về quan hệ tranh chấp: Chị T kiện bà N yêu cầu chia di sản thừa kế quyền sử dụng 3.189,3m2 đất, nhà ở và cây trồng, yêu cầu này được xác định là chia thừa kế quyền sử dụng đất và tài sản gắn liền trên đất.
Bà Th, Y, M, Vi có yêu cầu độc lập cho rằng: Trong 3.189,3m2 đất mà chị T và bà N yêu cầu chia thì có 793m2 đất vườn và thổ cư thuộc di sản của cụ Q và cụ Ph để lại; tranh chấp giữa bà Th, bà Y, bà M, ông Vi với chị T và bà N được xác định là tranh chấp quyền sử dụng đất.
Đất tranh chấp tọa lạc tại huyện U Minh; các tranh chấp trên thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân huyện U Minh, được quy định tại khoản 5, 9 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm c khoản 1 Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự.
[3] Xét yêu cầu của Th, Y, M, Vi : Các đương sự này cho rằng trong 3.189,3m2 đất mà chị T yêu cầu chia thừa kế thì có 793m2 đất vườn và thổ cư không phải là di sản thừa kế của ông A mà đó là di sản của cụ Q và cụ Ph để lại. Chứng cứ để chứng minh cho yêu cầu này là “Tờ phân chia cho các con ruộng và vườn” do cụ Q và cụ Ph lập năm 1989 (viết tắt “Tờ chia đất”) có xác nhận của Ủy ban nhân dân phường 7, thị xã Cà Mau (nay là thành phố Cà Mau). Chị T và bà N cho rằng 793m2 đất này là của ông A, ông A đã đứng tên trên Sổ mục kê địa chính và làm thủ tục đăng ký kê khai cấp quyền sử dụng đất được chính quyền địa phương xác nhận đồng ý. Đồng thời ông A là người quản lý sử dụng xuyên suốt từ khi còn trẻ ở chung với cụ Q và cụ Ph cho đến lúc ông A qua đời.
Tòa án thấy rằng, vào năm 2002 bà M kiện ông A đòi 1.500m2 đất do được cụ Q và cụ Ph phân chia. Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền giải quyết và ông A đã đồng ý giao trả lại bà M 1.500m2. Đồng thời chị T có Đơn khởi kiện bà N yêu cầu chia thừa kế cũng căn cứ vào “Tờ chia đất” làm cơ sở đất ông A được chia. Và Tờ chia đất này tại phiên tòa bà N xác định ông A có cất giữ bản phô tô. Như vậy “Tờ chia đất” này là chứng cứ để chứng minh nguồn gốc đất là của cụ Q và cụ Ph và phần đất ông A, bà Y, bà M có được là do các cụ phân chia. Tờ chia đất có ghi rỏ, diện tích, vị trí đất chia cho từng người con và phần đất sử dụng vào việc thờ cúng, trong đó phần ông A được cho đất vườn và thổ cư chỉ có 0,15ha.
Tờ phân chia ghi rỏ diện tích đất dùng để thờ cúng là 0,26ha có vị trí: Mặt tiền tiếp giáp lộ, mặt hậu giáp đất Ti, cạnh bên giáp đất của A (diện tích 0,15ha), cạnh bên tiếp giáp đất M (diện tích 0,15ha). Nhưng năm 2002 ông A đã giao 1.500m2 cho bà M tại phần đất bà Y được chia còn phần bà Y nhận ngay phần đất ông A được chia, phần đất bà M thì ông A quản lý nên tại biên bản thẩm định tại chổ ngày 06/11/2009 và ngày 02/11/2017 đất tranh chấp 793m2 có vị trí như sau: Cạnh mặt tiền giáp lộ bê tông, cạnh mặt hậu giáp đất Y, cạnh bên giáp đất Y, cạnh bên giáp đất A nay là bà N quản lý.
Tại phiên tòa người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho rằng, Tờ phân chia đất không hợp pháp vì đất ở huyện U Minh nhưng Ủy ban nhân dân phường 7, thành phố Cà Mau xác nhận. Tòa án thấy rằng, việc xác nhận của Ủy ban nhân dân phường 7 là việc cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận một văn bản có thật. Văn bản này là chứng cứ để chứng minh vào thời điểm năm 1989 cụ Q và cụ Ph tiến hành định đoạt quyền sử dụng đất của hai cụ chứ không phải là bản di chúc.
Tại phiên tòa người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho rằng, phần đất này ông A và bà N quản lý sử dụng từ lâu qua các thời kỳ Luật đất đai 1987, Luật đất đai 1993 nhưng không có tranh chấp và hiện nay theo quy định của Điều 236 Bộ Luật dân sự thì phần đất này ông A đã sử dụng trên 30 năm nên thuộc quyền sử dụng của ông A.
Tòa án thấy rằng, Ông A là người có sản xuất và sử dụng phần đất này một thời gian dài nhưng trong thời gian này không phải chỉ có mình ông A mà có cả cụ Q và cụ Ph quản lý sử dụng. Năm 1989 cụ Q và cụ Ph tiến hành phân chia đất cho các con, năm 1993 cụ Q chết, năm 1994 cụ Ph chết; nếu tính từ ngày cụ Q và cụ Ph chết cho đến ngày ông A chết thì thời gian ông A quản lý, sử dụng chỉ có 14 năm. Do đó lời trình bày này của người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bà N không có căn cứ chấp nhận.
Ngoài ra, trên đất có nền nhà củ của cụ Q và cụ Ph, trên đất còn có khu mộ (04 ngôi mộ: cụ Q, cụ Ph, ông A, anh K). Phần đất thờ cúng được thể hiện theo tài liệu quản lý đất đai tại Tờ bản đồ số 6 là thửa số 624, với diện tích ghi 727m2 vào năm 2002. Với thực trạng này đúng với Tờ phân chia đất do cụ Q và cụ Ph lập năm 1989. Như vậy có đủ chứng cứ để kết luận: Phần đất hiện nay ông Vi, bà Y, bà M, bà Th tranh chấp với bà N và chị T là phần đất thuộc di sản của cụ Q và cụ Ph để lại làm nơi thờ cúng chứ không phải phần đất thuộc di sản của ông A. Do đó yêu cầu của ông Vi, bà M, bà Y, bà Th được chấp nhận.
Về diện tích đất tranh chấp: Tờ chia đất xác định 0,26ha, Đơn khởi kiện, cũng như lời trình bày tại các phiên hòa giải ông Vi, bà M, bà Y, bà Th yêu cầu 2.600m2, nhưng khi đo đạc thẩm định tại chổ ngày 06/11/2009 thì các đương sự này xác định vị trí đất có 689.3m2 (cạnh mặt tiền và hậu mỗi cạnh 11,3m, hai cạnh bên mỗi cạnh
61m); tại buổi thẩm định ngày 02/11/2017 thì các đương sự này xác định 793m2 (cạnh mặt tiền và hậu mỗi cạnh 13m, hai cạnh bên mỗi cạnh 61m). Tại phiên tòa ông Vi xác định do tại buổi thẩm định ngày 06/11/2009 không có ông tham gia các chị của ông chỉ vị trí không chính xác nên buổi thẩm định ngày 02/11/2017 ông xác định lại cho đúng; lời trình bày này của ông Vi có cơ sở chấp nhận. Và nay ông Vi cùng bà Th, bà Y, bà M chỉ yêu cầu xác định di sản của cụ Q và cụ Ph để lại là 793m2 tại thửa 624 tờ bản đồ số 6. Phần đất 793m2 hiện nay bà N đang quản lý, sử dụng; tại Tòa án các đương sự chỉ yêu cầu khởi kiện, xác định 793m2 là di sản thừa kế của cụ Q và cụ Ph để lại chứ chưa yêu cầu bà N giao trả lại. Khi nào giữa các đương sự và bà N không thỏa thuận được việc giao trả lại đất thì các đương sự sẽ khởi kiện đòi lại đất ở một vụ án khác.
[4] Xét yêu cầu chia thừa kế của T: Chị T yêu cầu chia thừa kế 3.189,3m2 đất và tài sản gắn liền trên đất. Song trong 3.189,3m2 thì có 793m2 là đất thuộc di sản của cụ Q và cụ Ph còn lại 2.396.3m2 nguyên đơn, bị đơn, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan đều thống nhất đây là di sản của ông A để lại. Phần đất này có vị trí mặt tiền tiếp giáp lộ bê tông; cạnh mặt hậu giáp đất C; cạnh bên giáp đất M, cạnh bên giáp đất hưởng hỏa và đất Y. Phần đất được thể hiện theo tài liệu quản lý đất đai tại Tờ bản đồ số 6, thửa số 623, với diện tích ghi 1.548m2 vào năm 2002.
Tại phiên tòa chị T và bà N đã thống nhất được các vấn đề như sau:
- Phần di sản Nhà và cây trồng đã định giá theo biên bản ngày 23/6/2010 có giá trị thành tiền là 25.335.275đ nên không định giá lại. Đây là tài sản chung của ông A và bà N nên trong đó phần di sản của ông A là ½ tài sản có giá trị thành tiền là 12.667.000đ, chị T đồng ý giao cho bà N hưởng toàn bộ. Tại phiên tòa chị T cũng không yêu cầu bà N di dời các cây trồng, vấn đề di dời cây trồng sau này nếu chị T và bà N có tranh chấp chị sẽ khởi kiện ở một vụ án án khác.
- Đối với 2.396.3m2 là di sản của ông A, do ông A không để lại di chúc nên di sản của ông A được chia theo trường hợp thừa kế theo pháp luật. Bà N chung sống như vợ chồng với ông A nhưng không đăng ký kết hôn. Song ông A và bà N chung sống từ năm 1984 do đó theo Luật hôn nhân gia đình quy định thì mối quan hệ giữa ông A và bà N được chấp nhận là vợ chồng. Do đó, hàng thừa kế thứ nhất gồm: N, T, Tuy, V, H, Tu, Tư, L, K và chia bằng hiện vật để mỗi người đều hưởng phần bằng nhau để làm kỷ niệm. Như vậy, phần di sản 2.396,3m2 phân chia cho 09 đồng thừa kế mỗi thừa kế được phân chia 266,2m2.
Tại phiên tòa chị T và bà N thống nhất phần của L, K, N được phân chia giao chung sau đó các đương sự tự cắm mốc giới phân định vị trí phân chia với nhau. Phần của T, Tuy, V, H, Tu, Tư được phân chia giao chung sau đó các đương sự tự cắm mốc giới phân định vị trí phân chia với nhau. Phần đất của T, Tuy, V, H, Tu, Tư được phân chia có vị trí: cạnh mặt tiền tiếp giáp lộ bê tông dài 10,6 mét; cạnh mặt hậu giáp đất C dài 36 mét; cạnh bên giáp đất M dài 115 mét, cạnh bên giáp đất bà N, K, L được phân chia. Phần đất của bà N, K, L được phân chia có vị trí: cạnh mặt tiền tiếp giáp lộ bê tông dài 5,4 mét; cạnh mặt hậu giáp đất C dài 18 mét; cạnh bên giáp đất của T, Tuy, V, H, Tu, Tư được phân chia; cạnh bên giáp đất cụ Q và cụ Ph để lại.
[5] Về án phí: Tại khoản 1 Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 1 Điều 27 Pháp lệnh Án phí, Lệ phí Tòa án năm 2009 quy định: Đương sự phải chịu án phí sơ thẩm nếu yêu cầu của họ không được Tòa án chấp nhận, trừ trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm. Đối với bà N và chị T không thuộc trường hợp được miễn hoặc không phải chịu án phí sơ thẩm nên bà N, chị T phải chịu án phí dân sự 793m2 đất. Theo Nghị quyết số 15/2014 ngày 10 – 12 – 2014 của Hội đồng nhân dân tỉnh Cà Mau Ban hành Bảng giá các loại đất trên địa bàn tỉnh Cà Mau, giá 1m2 đất trồng cây lâu năm = 30.000đ; 793m2 thành tiền là 23.790.000đ. Án phí dân sự sơ thẩm có giá ngạch chị T và bà N phải chịu là 1.189.500đ = (23.790.000đ x 5%); mỗi người chịu ½ số tiền án phí là 594.000đ.
Khoản 7 Điều 27 Pháp lệnh Án phí, Lệ phí Tòa án năm 2009 quy định: Mỗi bên đương sự phải chịu án phí dân sự sơ thẩm theo mức tương ứng với giá trị phần tài sản, phần di sản mà họ được hưởng, được chia trong trường hợp các bên đương sự không tự xác định được phần tài sản của mình trong khối tài sản chung, phần di sản mà mình được hưởng trong khối di sản thừa kế. Do đó, chị T, bà N, chị Tuy, anh V, anh H, chị T, anh Tư, anh L mỗi người phải chịu án phí có giá ngạch đối với phần di sản được chia, mỗi người hưởng 266m2 tính thành tiền là 7.980.000đ, án phí mỗi người phải chịu là 399.000đ = (7.980.000đ x 5%).
Đối với K, do hiện nay K đã chết, phần của K bà N tiếp tục quản lý nên không buộc chịu án phí.
Ngoài ra bà N còn phải chịu phần án phí đối phần di sản trên đất là cây trồng và nhà mà bà được hưởng. Phần di sản của ông A tính thành tiền 12.667.000đ nên án phí bà N phải chịu là 633.000đ = (12.667.000đ x 5%).
Đối với chi phí xem xét thẩm định tại chổ và chi phí định giá ông Vi đã chi trả xong.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ khoản 24 Điều 3, điểm b khoản 2 Điều 203 của Luật Đất đai 2013;
Căn cứ Điều 649, điểm a khoản 1 Điều 650; điểm a khoản 1 Điều 651, Điều 660 của Bộ luật dân sự 2015;
Căn cứ khoản 1 Điều 33 của Luật Hôn nhân và Gia đình 2014; khoản 3 Nghị quyết 35/2000/QH10 ngày 9/6/2000 của Quốc Hội hướng dẫn thi hành Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000;
Căn cứ Điều 5, khoản 1 Điều 74, khoản 2 Điều 244, khoản 1 và 2 Điều 147, khoản 1 và 2 Điều 227 của Bộ luật Tố tụng dân sự;
Căn cứ khoản 2 Điều 27 - Pháp lệnh về Án phí, Lệ phí Tòa án năm 2009.
Tuyên xử:
[1] 793m2 đất tại huyện U Minh tờ bản đồ số 6, thửa số 624 (diện tích theo kê khai 727m2) mà ông A đứng tên Sổ mục kê địa chính là thuộc quyền sử dụng của cụ Q và cụ Ph; đây là di sản thừa kế của cụ Q và cụ Ph để lại. Đất có vị trí:
Mặt tiền tiếp giáp lộ bê tông, cạnh dài 13 mét (M1 – M2); Mặt hậu tiếp giáp đất Y, cạnh dài 13 mét (M4 – M3);
Mặt bên tiếp giáp đất Y, cạnh dài 61 mét (M1 – M4);
Mặt bên tiếp giáp đất N, L, K được chia, cạnh dài 61 mét (M2 – M3);
(Có sơ đồ bản vẽ ngày tháng 11/2017. BL-434).
[2] - Đồng thừa kế di sản của ông A là: T, Tuy, V, H, Tu, Tư, L, K, N.
- Di sản thừa kế của ông A là 2.396,3m2 (tại tờ bản đồ số 6, thửa số 623), ½ cây trồng trên 2.396,3m2 đất, ½ kiến trúc ngôi nhà bà N đang ở.
- Chia di sản thừa kế của A cho các đồng thừa kế hưởng như sau:
+ Phần đất: T, Tuy, V, H, Tu, Tư được phân chia hưởng có vị trí: cạnh mặt tiền tiếp giáp lộ bê tông dài 10,6 mét; cạnh mặt hậu giáp đất C dài 36 mét; cạnh bên giáp đất M dài 115 mét, cạnh bên giáp đất bà N, anh K, anh L được phân chia; đất tại huyện U Minh tờ bản đồ số 6, thửa 623.
(Có sơ đồ bản vẽ ngày 10/11/2009. BL-139).
+ Phần đất: N, K, L được phân chia hưởng có vị trí như sau: cạnh mặt tiền tiếp giáp lộ bê tông dài 5,4 mét; cạnh mặt hậu giáp đất C dài 18 mét; cạnh bên giáp đất T và Tuy, V, H, Tu, Tư được phân chia; cạnh bên giáp đất cụ Q và cụ Ph để lại; đất tại huyện U Minh tờ bản đồ số 6, thửa 623.
(Có sơ đồ bản vẽ ngày 10/11/2009. BL-139).
+ Bà N sở hữu toàn bộ phần kiến trúc ngôi nhà (ngôi nhà tọa lạc trên phần đất của cụ Q và cụ Ph) và toàn bộ các cây trồng trên phần đất 2.396,3m2.
[3] Án phí dân sự: - Bà N phải chịu tổng số tiền án phí dân sự có giá ngạch là 1.626.000đ.
- Chị Tuy phải chịu 399.000đ tiền án phí dân sự có giá ngạch.
- Anh V phải chịu 399.000đ tiền án phí dân sự có giá ngạch.
- Anh H phải chịu 399.000đ tiền án phí dân sự có giá ngạch.
- Chị Tu phải chịu 399.000đ tiền án phí dân sự có giá ngạch.
- Anh Tư phải chịu 399.000đ tiền án phí dân sự có giá ngạch.
- Anh L phải chịu 399.000đ tiền án phí dân sự có giá ngạch.
- Chị T phải chịu tổng số tiền án phí dân sự có giá ngạch là 993.000đ, nhưng được trừ vào số tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã dự nộp 1.520.000đ theo biên lai số: 002892 ngày 03 tháng 8 năm 2009 tại Chi cục Thi hành án dân sự huyện U Minh; chị T được hoản trả lại số tiền chênh lệch là 527.000đ.
- Bà Th, bà Y, bà M, ông Vi không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm; hoàn trả lại cho bà Th, bà Y, bà M, ông Vi mỗi người 487.500đ tiền tạm ứng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo biên lai số 007689, biên lai số 007687, biên lai số 007688 ngày 02 tháng 8 năm 2011 và biên lai số 007678 ngày 26 tháng 7 năm 2011 của Chi cục thi hành án dân sự huyện U Minh.
Bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các điều 6,7 và 9 Luật Thi hành án dân sự; thời hiệu thi hành án được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.
[4] Nguyên đơn, bị đơn, có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày tuyên án. H, V, Tuy, Tu, Tư, M, P có quyền kháng cáo bản án trong hạn 15 ngày kể từ ngày nhận được bản án hoặc kể từ ngày tống đạt hợp lệ bản án.
Bản án 03/2018/DS-ST ngày 07/03/2018 về tranh chấp chia thừa kế quyền sử đụng đất
Số hiệu: | 03/2018/DS-ST |
Cấp xét xử: | Sơ thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Huyện U Minh - Cà Mau |
Lĩnh vực: | Dân sự |
Ngày ban hành: | 07/03/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về