Bản án 02/2020/DS-PT ngày 17/12/2020 về tranh chấp đòi lại tài sản

TÒA ÁN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

BẢN ÁN 02/2020/DS-PT NGÀY 17/12/2020 VỀ TRANH CHẤP ĐÒI LẠI TÀI SẢN

Ngày 17 tháng 12 năm 2020, tại trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên xét xử phúc thẩm công khai vụ án thụ lý số: 01/2020/TLPT-DS ngày 01 tháng 10 năm 2020 về “tranh chấp về đòi lại tài sản”.

Do bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2020/DS-ST ngày 13/08/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên bị kháng cáo.

Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số: 03/2020/QĐ-PT ngày 03/11/2020, Quyết định hoãn phiên tòa số: 03/2020/QĐ-PT ngày 24/11/2020 và Thông báo về việc mở lại phiên tòa phúc thẩm số 14/TB-TA ngày 07/12/2020 của Tòa án nhân dân tỉnh Điện Biên, giữa các đương sự:

1. Nguyên đơn: Anh Vừ A K, sinh năm 1990; trú tại: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên, có mặt.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn: Bà Lê Thị Thúy A, Trợ giúp viên pháp lý, Trung tâm trợ giúp pháp lý Nhà nước tỉnh Điện Biên, có mặt.

2. Bị đơn: Ông Cứ A D, sinh năm 1964; Trú tại: Thôn Nhè Sua H, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên, có mặt.

3. Người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan: Bà Cà Thị T, sinh năm 1991; Trú tại: Thôn T, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên, có mặt.

Ngưi kháng cáo: Bị đơn ông Cứ A D.

NỘI DUNG VỤ ÁN

Theo đơn khởi kiện và các văn bản trình bày ý kiến trong quá trình giải quyết vụ án, nguyên đơn anh Vừ A K trình bày:

Vào khoảng 6 giờ 30 phút ngày 11/8/2019, anh Vừ A K đi dự đám tang con ông Cứ A C tại thôn Nhè Sua H, xã T, huyện T; trước khi đi vợ anh K (Là chị Cà Thị T) có đưa cho anh K 01 túi nilon bên trong có đựng 01 con ngan và 01 con gà đã chết, mục đích để mang đi tiêu hủy. Trên đường đi do vướng nhiều đồ trên xe nên anh K quên chưa tiêu hủy. Khi đến thôn Nhè Sua H, do đường lên nhà ông Cứ A C dốc và khó đi nên anh K phải dừng xe chỗ gần nhà ông Cứ A D để tháo đồ, nhờ người vác lên nhà ông C để đóng góp. Những đồ vật anh K mang đến nhà ông C gồm có củi, thóc, rượu. Do sợ để ngan và gà chết treo trên xe máy có thể bị lợn, chó cắn, xé rách túi nên anh K đã treo túi đựng ngan, gà chết lên 01 cây chanh cách xe mô tô của anh khoảng 1,5 mét, cành cây chanh cao khoảng 1,5 mét, vị trí treo cách nhà ông D khoảng 20 mét. Mục đích anh K treo túi đựng ngan, gà chết ở đấy là để khi quay ra lấy xe anh K sẽ cầm ngan và gà chết mang đi tiêu hủy. Lúc về do vội vàng nên anh K đã để quên túi có đựng gà, ngan chết trên cây chanh. Đến buổi chiều vợ chồng anh K đi làm ruộng, khoảng 16 giờ anh Vừ A H là Trưởng thôn T gọi điện hỏi có phải anh K để quên đồ không, lúc đó anh K mới nhớ có để quên túi nilon treo trên cây chanh, anh có nhờ anh H cầm túi nilon trên về tiêu hủy hộ nhưng anh H nói anh K phải về bảo qua chủ nhà.

Khi vợ chồng anh K, chị T đến nhà ông Cứ A D thấy túi đựng con ngan và gà đang treo trên cây chanh, khi đó tại nhà ông D có rất nhiều người, vợ chồng anh K trình bày lý do để quên túi đựng ngan và gà chết là vô ý để quên và xin cho mang đi tiêu hủy, nhưng ông D và mọi người không nhất trí. Ông Cứ A D bắt phạt vợ chồng anh K số tiền là 10.000.000 đồng để bảo hành cho gia súc, gia cầm nhà ông D và mọi người trong bản vì anh K mang gà, ngan chết đến sẽ gây dịch bệnh, nếu không nộp 10.000.000 đồng thì vợ chồng anh K, chị T phải ăn con ngan và con gà chết đó. Khi đó có mặt Bí thư chi bộ, Công an viên, trưởng thôn Nhè Sua H, trưởng Công an xã, trưởng thôn T; anh K xin giảm bớt số tiền xuống nhưng ông D không chấp nhận. Vì lo sợ phía gia đình ông Cứ A D đông người và bị giữ đến 23 giờ đêm không cho về, nên anh K đã phải đồng ý và gọi điện thoại cho em là Vừ A R mang 10.000.000 đồng đến nhà ông D. R đã cùng vợ đến nhà trưởng thôn là ông Thào A L và các bên thực hiện việc giao tiền, lập biên bản giao nhận tiền, đến 02 giờ 30 phút sáng ngày 12/8/2019 vợ chồng anh K mới được về nhà.

Sau khi sự việc xảy ra, anh Vừ A K đã gửi đơn đề nghị Công an huyện T giải quyết. Cơ quan cảnh sát điều tra Công an huyện T đã tiến hành điều tra xác minh, kết quả xác định không đủ căn cứ khởi tố vụ án hình sự. Ngày 26/01/2020 cơ quan cảnh sát điều tra ban hành quyết định không khởi tố vụ án.

Vì vậy, anh Vừ A K khởi kiện đề nghị Tòa án nhân dân huyện T giải quyết buộc ông Cứ A D phải trả lại số tiền 10.000.000 đồng cho anh K.

Theo các văn bản ghi ý kiến, bị đơn ông Cứ A D trình bày:

Ông Cứ A D không nhất trí với yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Vừ A K vì cho rằng anh K cố ý mang gà và ngan chết đến khu vực nhà ông để làm lây lan dịch bệnh cho gia súc, gia cầm của gia đình ông nên ông đã yêu cầu anh K phải nộp tiền bảo hành cho số gia súc, gia cầm nhà ông. Khi giao tiền, anh K cũng đã nhất trí và các bên có lập biên bản giao nhận. Do đó, ông không đồng ý trả lại số tiền 10.000.000 đồng cho gia đình anh K.

Theo các văn bản ghi ý kiến người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan chị Cà Thị T trình bày:

Chị Cà Thị T là vợ của nguyên đơn anh Vừ A K, chị nhất trí với lời khai và yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Vừ A K, đề nghị Tòa án buộc bị đơn phải trả lại cho gia đình chị số tiền 10.000.000 đồng.

Tại các văn bản ghi ý kiến của những người làm chứng Vừ A C, Vừ A R, Thào A L, Cứ A T, Cứ A U, Giàng A Ư khai:

Ngày 11/8/2019, có sự việc nguyên đơn anh Vừ A K treo một túi nilon đựng ngan, gà chết trên cây canh gần nhà bị đơn ông Cứ A D và nguyên đơn anh K giao cho ông D số tiền 10.000.000 đồng, lời khai của nguyên đơn và bị đơn về sự việc là chính xác. Quá trình giải quyết vụ việc tại thôn anh K không bị đe dọa hay bị đánh đập, cũng không ai có hành vi bắt, giữ vợ chồng anh K, chị T.

Tại bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2020/DS-ST ngày 13/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên đã quyết định:

Áp dụng:

- Khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; khoản 2 Điều 229 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Các Điều 166, 584, 589 và 357 của Bộ luật Dân sự năm 2015, - Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội;

Tuyên xử: Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn Vừ A K. Buộc bị đơn Cứ A D phải trả cho nguyên đơn Vừ A K số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).

Ngoài ra bản án còn tuyên quyền yêu cầu thi hành án, lãi xuất chậm trả, quyền kháng cáo của các đương sự.

Không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm, ngày 25/8/2020 bị đơn ông Cứ A D có đơn kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét giải quyết lại toàn bộ vụ án theo đúng quy định của pháp luật bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của bị đơn.

Tại phiên tòa phúc thẩm người kháng cáo ông Cứ A D giữ nguyên nội dung kháng cáo, đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn anh Vừ A K, ông D không chấp nhận trả lại cho anh K số tiền 10.000.000 đồng và nộp 500.000 đồng án phí. Ngoài ra, ông D khai sau khi anh K mang ngan gà chết treo lên cây chanh nhà ông khoảng 10 ngày thì 05 con lợn của gia đình ông bị chết, ông đã báo chính quyền thôn đến giải quyết.

Tại phiên tòa phúc thẩm, nguyên đơn anh Vừ A K, người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Cà Thị T giữ nguyên yêu cầu khởi kiện đề nghị giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T.

Người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của nguyên đơn bà Lê Thị Thúy A phát biểu ý kiến:

Hành vi của nguyên đơn anh Vừ A K không phải cố ý, đồng thời hành vi của nguyên đơn không gây thiệt hại cho bị đơn, việc thỏa thuận bồi thường giữa nguyên đơn và bị đơn là do bị ép buộc, trái quy định của pháp luật, bị đơn chiếm giữ tài sản của nguyên đơn không có căn cứ pháp luật. Quyết định của bản án sơ thẩm là có căn cứ, đúng pháp luật. Đề nghị Hội đồng xét xử căn cứ điểm a khoản 5 Điều 314; điểm a khoản 1 Điều 38 của Bộ luật tố tụng dân sự; Điều 166 của Bộ luật dân sự không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn, giữ nguyên bản án dân sự sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên.

Đi diện Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên tham gia phiên tòa phát biểu quan điểm:

* Về việc tuân theo pháp luật tố tụng của Thẩm phán, Hội đồng xét xử:

Đi với cấp sơ thẩm: Quá trình giải quyết vụ án cấp sơ thẩm còn có một số vi phạm sau: Không tống đạt Quyết định gia hạn thời hạn giải quyết vụ án cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, vi phạm khoản 12 Điều 70 của Bộ luật tố tụng dân sự; không thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải cho chị Cà Thị T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dẫn đến chị T không có mặt tại phiên họp và không thể thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định pháp luật vi phạm Điều 208, Điều 209 của Bộ luật tố tụng dân sự. Những sai sót này Tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

Đi với cấp phúc thẩm: Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Thư ký đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật tố tụng dân sự, đảm bảo cho các đương sự thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ.

* Về hình thức: đơn kháng cáo của bị đơn làm trong hạn luật định được coi là hợp lệ.

* Về nội dung kháng cáo: Kháng cáo của bị đơn là không có sơ sở chấp nhận, bởi vì: Theo tài liệu có trong hồ sơ vụ án, ông Cứ A D cho rằng hành vi treo con ngan, con gà chết trên cây chanh của gia đình ông vào ngày 11/8/2019 của anh K là do anh K cố ý. Đồng thời, hành vi của anh K sẽ làm ảnh hưởng đến đàn gia súc, gia cầm của gia đình ông. Tại phiên tòa, ông D khai sau khi anh K mang ngan gà chết treo lên cây chanh nhà ông khoảng 10 ngày thì 05 con lợn của gia đình ông bị chết, ông đã báo chính quyền thôn đến giải quyết. Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên tòa, ngoài lời trình bày ra ông D không có tài liệu, chứng cứ chứng minh. Theo quy định pháp luật ông D không có quyền phạt tiền anh K, thẩm quyền xử phạt phải do Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thực hiện. Việc ông D yêu cầu anh K đưa 10.000.000 đồng cho ông thông qua Biên bản thỏa thuận ngày 11/8/2019 ký kết giữa anh K và ông D là vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội, trái với quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản theo quy định tại các Điều 123, Điều 131 và Điều 584 của Bộ luật dân sự, do đó giao dịch giữa ông D và anh K là vô hiệu.

Tuy nhiên, Tòa án nhân dân huyện T mới chỉ buộc ông D trả lại cho anh K 10.000.000 đồng là chưa đầy đủ mà phải đồng thời tuyên Biên bản thỏa thuận ngày 11/8/2019 giữa anh K và ông D vô hiệu. Do đó, cần sửa một phần bản án số 03/2020/SD-ST ngày 13/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện T theo hướng: Tuyên Biên bản thỏa thuận ngày 11/8/2019 giữa anh K và ông D vô hiệu.

Từ những phân tích nêu trên: Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Điện Biên đề nghị hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận kháng cáo của ông Cứ A D và áp dụng khoản 2 Điều 308 và khoản 2 Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự sửa một phần bản án số 03/2020/DS-ST ngày 13/08/2020, của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên theo hướng: Tuyên Biên bản thỏa thuận ngày 11/8/2019, giữa anh K và ông D vô hiệu; giữ nguyên các quyết định khác của bản án sơ thẩm.

NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN

Căn cứ vào tài liệu, chứng cứ đã được kiểm tra, xem xét tại phiên tòa, kết quả việc tranh tụng tại phiên tòa, ý kiến của Kiểm sát viên, các quy định của pháp luật, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng:

[1] Về hình thức:

Ngày 25/8/2020, bị đơn ông Cứ A D có đơn kháng cáo bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2020/DS-ST ngày 13/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên. Căn cứ Điều 273 của Bộ luật tố tụng dân sự, đơn kháng cáo của bị đơn làm trong thời hạn luật định nên được xem xét giải quyết theo thủ tục phúc thẩm.

Trong quá trình giải quyết vụ án tại cấp sơ thẩm, Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên đã có một số vi phạm tố tụng như sau: Không tống đạt Quyết định gia hạn thời hạn giải quyết vụ án số 01/2020/QĐ-DSST ngày 06/7/2020 cho người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan chị Cà Thị T vi phạm khoản 12 Điều 70 của Bộ luật tố tụng dân sự; không thông báo về phiên họp kiểm tra việc giao nộp, tiếp cận công khai chứng cứ và hòa giải cho chị Cà Thị T là người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan trong vụ án dẫn đến chị T không có mặt tại phiên họp và không thể thực hiện quyền, nghĩa vụ theo quy định pháp luật vi phạm Điều 208, Điều 209 của Bộ luật tố tụng dân sự. Tuy nhiên, các đương sự không khiếu nại đồng thời những vi phạm trên không ảnh hưởng đến nội dung vụ án, do đó tòa án cấp sơ thẩm cần rút kinh nghiệm.

[2] Về nội dung kháng cáo của bị đơn:

[2.1] Giữa nguyên đơn và bị đơn từ trước đến khi xảy ra tranh chấp đều không có mâu thuẫn. Ngày 11/8/2019, nguyên đơn có đi dự đám tang người thân của ông D tại thôn Nhè Sua H, xã T, huyện T, tỉnh Điện Biên. Khi đi nguyên đơn có mang theo một túi nilon bên trong có đựng 01 con ngan và 01 con gà đã chết để tiêu hủy, tuy nhiên sau đi đám tang về, nguyên đơn đã để quên túi nilon đó trên cây chanh, gần nhà của bị đơn. Bị đơn cho rằng nguyên đơn cố ý để gia cầm chết nhằm lây lan dịch bệnh nên đã nhờ người lập biên bản, nội dung biên bản thể hiện: “Ông Vừ A K bồi thường cho ông Cứ A D số tiền 10.000.000 đồng, ngoài ra không có ý kiến gì thêm. Ngoài ra, hai bên sau này không gây mâu thuẫn với nhau và không có khiếu kiện, khiếu nại đến vụ việc trên và nếu sau này bên nào tái phạm bên đó sẽ chịu trách nhiệm hoàn toàn và không nhờ đến chính quyền giải quyết”. Theo nội dung thỏa thuận bị đơn buộc nguyên đơn phải bảo hành toàn bộ số gia súc gia cầm nhà bị đơn với số tiền 10.000.000 đồng, số tiền này bị đơn đã nhận và giữ một mình. Do lúc đó vào ban đêm phía gia đình bị đơn đông người và cố ý ép buộc nên nguyên đơn đã nhờ em trai mình là ông Vừ A R về lấy tiền, ký kết biên bản thỏa thuận với nội dung như trên và đưa cho bị đơn 10.000.000 đồng.

Xét thấy việc nguyên đơn để quên túi nilon bên trong có đựng 01 con ngan và 01 con gà chết trên cây chanh là do vô ý, không nhằm mục đích để lây lan dịch bệnh và cũng không có căn cứ cho rằng con gà, con ngan chết là do dịch bệnh. Tại phiên tòa, bị đơn khai sau khi sự việc xảy ra, gia đình bị đơn bị chết 05 con lợn, bị đơn đã yêu cầu chính quyền giải quyết. Tuy nhiên, tại phiên tòa bị đơn không có căn cứ chứng minh việc gia súc, gia cầm nhà mình chết là do nguyên đơn treo gia cầm chết trên cây chanh gần nhà bị đơn. Vì vậy, việc bị đơn buộc nguyên đơn phải bồi thường cho toàn bộ gia súc, gia cầm nhà bị đơn Cứ A D nếu bị dịch bệnh là có tính chất ép buộc. Đồng thời, nội dung của bản thỏa thuận ký kết giữa nguyên đơn và bị đơn không phải là ý chí tự nguyện của nguyên đơn và sự thoả thuận đó là trái quy định của Bộ luật dân sự.

Xét yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại của bị đơn ông Cứ A D đối với nguyên đơn không phù hợp với quy định về bồi thường thiệt hại về tài sản được quy định tại các Điều 584 và Điều 589 của Bộ luật dân sự.

Do đó, Tòa án cấp sơ thẩm đã chấp nhận yêu cầu của nguyên đơn về việc yêu cầu bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 10.000.000 đồng là có căn cứ, đúng quy định của pháp luật. Tại phiên tòa, người kháng cáo không cung cấp thêm tại liệu chứng cứ gì mới, Kiểm sát viên tham gia phiên tòa đề nghị Hội đồng xét xử phúc thẩm không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của bị đơn, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền 10.000.000 đồng là có căn cứ để chấp nhận. Do vậy, Hội đồng xét xử phúc thẩm thấy rằng không có căn cứ chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn.

[2.2] Trong quá trình ép buộc nguyên đơn phải trả số tiền 10.000.000 đồng, các bên đã tiến hành lập Biên bản thỏa thuận ngày 11/8/2019, nhưng nội dung trong biên bản thỏa thuận này là trái pháp luật nên căn cứ vào Điều 122, Điều 127 và Điều 166 của Bộ luật dân sự cần phải tuyên bố giao dịch này là vô hiệu. Tuy nhiên, Tòa án cấp sơ thẩm chưa tuyên bố giao dịch trên vô hiệu nên cần phải áp dụng khoản 2 Điều 308 và Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự sửa một phần bản án sơ thẩm, tuyên bố giao dịch giữa nguyên đơn và bị đơn lập ngày 11/8/2019 là vô hiệu, buộc bị đơn phải trả cho nguyên đơn số tiền là 10.000.000 đồng.

[2.3] Yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn là có căn cứ, nên Tòa án nhân dân huyện T đã chấp nhận, đồng thời buộc bị đơn ông Cứ A D phải chịu 500.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm là đúng quy định tại Điều 147 của Bộ luật tố tụng dân sự và khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án.

[3] Về án phí:

* Về án phí dân sự sơ thẩm: Do yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn được chấp nhận nên nguyên đơn không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, trả lại cho nguyên đơn anh Vừ A K 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2010/00709 ngày 10/3/2020 tại chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Điện Biên. Bị đơn ông Cứ A D phải chịu 500.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm.

* Về án phí dân sự phúc thẩm: Do bản án sơ thẩm bị sửa, ngoài ra bị đơn là người dân tộc thiểu số sinh sống ở vùng có điều kiện kinh tế khó khăn, Tòa án nhân dân huyện T đã miễn nộp tiền tạm ứng án phí phúc thẩm cho bị đơn, căn cứ khoản 2 Điều 148 của bộ luật tố tụng dân sự; điểm đ khoản 1 Điều 12 của Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí, lệ phí Tòa án bị đơn không phải chịu án phí phúc thẩm.

Vì các lẽ trên,

QUYẾT ĐỊNH

1. Căn cứ Điều 308 của Bộ luật tố tụng dân sự, không chấp nhận nội dung kháng cáo của bị đơn ông Cứ A D.

2. Căn cứ khoản 2 Điều 308, Điều 309 của Bộ luật tố tụng dân sự, sửa một phần bản án dân sự sơ thẩm số: 03/2020/DS-ST ngày 13/8/2020 của Tòa án nhân dân huyện T, tỉnh Điện Biên, như sau:

* Áp dụng:

- Khoản 3 Điều 26; điểm a khoản 1 Điều 35; điểm a khoản 1 Điều 39; Điều 147; khoản 2 Điều 229 của Bộ luật tố tụng dân sự;

- Các Điều 122; Điều 127; Điều 131; Điều 166; Điều 584; Điều 589 và Điều 357 của Bộ luật dân sự, - Khoản 2 Điều 26 Nghị quyết 326/2016/UBTVQH14 ngày 30/12/2016 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định về mức thu, miễn, giảm, thu, nộp, quản lý và sử dụng án phí và lệ phí Tòa án;

* Tuyên xử:

- Chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn anh Vừ A K. Tuyên bố giao dịch giữa nguyên đơn anh Vừ A K và bị đơn ông Cứ A D lập ngày 11/8/2019 là vô hiệu. Buộc bị đơn Cứ A D phải trả cho nguyên đơn Vừ A K số tiền 10.000.000 đồng (Mười triệu đồng).

Kê tư ngay ông Vừ A K có đơn yêu cầu thi hành án cho đến khi thi hành xong khoản tiền phải trả, nếu ông Cứ A D chậm thực hiện nghĩa vụ trả tiền thì hàng tháng ông D còn phải trả cho ông K khoản tiền lãi của số tiền còn phải thi hành án theo quy định tại Điều 357 và khoản 2 Điều 468 của Bộ luật dân sự.

- Về án phí:

Án phí dân sự sơ thẩm: Nguyên đơn anh Vừ A K không phải chịu án phí dân sự sơ thẩm, trả lại cho nguyên đơn anh Vừ A K 300.000 đồng án phí dân sự sơ thẩm đã nộp theo Biên lai thu tạm ứng án phí, lệ phí Tòa án số AA/2010/00709 ngày 10/3/2020 tại chi cục thi hành án dân sự huyện T, tỉnh Điện Biên.

Bị đơn ông Cứ A D phải chịu 500.000 đồng (năm trăm nghìn đồng) án phí dân sự sơ thẩm.

Án phí dân sự phúc thẩm: Bị đơn ông Cứ A D không phải chịu án phí dân sự phúc thẩm.

3. Các phần khác của bản án không có kháng cáo, kháng nghị có hiệu lực kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị.

4. Bản án dân sự phúc thẩm có hiệu lực kể từ ngày tuyên án.

Trường hợp bản án được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật thi hành án dân sự thì người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thoả thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại Điều 6, 7 và 9 Luật thi hành án dân sự; thời hiệu yêu cầu thi hành án được thực hiện tại Điều 30 Luật thi hành án dân sự.

Nguồn: https://congbobanan.toaan.gov.vn

347
Bản án/Nghị quyết được xét lại
Văn bản được dẫn chiếu
Văn bản được căn cứ
Bản án/Nghị quyết đang xem

Bản án 02/2020/DS-PT ngày 17/12/2020 về tranh chấp đòi lại tài sản

Số hiệu:02/2020/DS-PT
Cấp xét xử:Phúc thẩm
Cơ quan ban hành: Tòa án nhân dân Điện Biên
Lĩnh vực:Dân sự
Ngày ban hành: 17/12/2020
Là nguồn của án lệ
Bản án/Nghị quyết Sơ thẩm
Án lệ được căn cứ
Bản án/Nghị quyết Liên quan đến cùng nội dung
Bản án/Nghị quyết Phúc thẩm
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về
Đăng nhập
Đăng ký



  • Địa chỉ: 17 Nguyễn Gia Thiều, Phường Võ Thị Sáu, Quận 3, TP Hồ Chí Minh
    Điện thoại: (028) 7302 2286 (6 lines)
    E-mail: info@lawnet.vn
Chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: (028) 7302 2286
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;