TOÀ ÁN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HẢI PHÒNG
BẢN ÁN 01/2018/LĐ-PT NGÀY 24/01/2018 VỀ TRANH CHẤP TIỀN LƯƠNG, TRỢ CẤP THÔI VIỆC KHI CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG
Ngày 24 tháng 01 năm 2018, tại trụ sở Toà án nhân dân thành phố Hải Phòng tiến hành xét xử phúc thẩm công khai vụ án lao động thụ lý số 07/2017/TLPT-LĐ ngày 22 tháng 11 năm 2017 về việc tranh chấp tiền lương, trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động.
Do Bản án sơ thẩm số 03/2017/LĐ-ST ngày 21/9/2017 của Tòa án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng bị kháng cáo.
Theo Quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm số 27/2018/QĐ-PT ngày 05 tháng 01 năm 2018 của Tòa án nhân dân thành phố Hải Phòng, giữa các đương sự:
- Nguyên đơn: Ông Nguyễn Đức T, sinh năm 1952, trú tại: Số 12/27/94 đường L, phường G, quận N, thành phố Hải Phòng; có mặt tại phiên tòa.
- Bị đơn: Công ty cổ phần C, trụ sở: Số 83 (số cũ 30), đường T, phường L, quận N, thành phố Hải Phòng.
Người đại diện hợp pháp của Công ty cổ phần C: Bà Nguyễn Thị TH, sinh năm 1973 - Luật sư Công ty Luật TNHH MTV K thuộc Đoàn Luật sư thành phố Hải Phòng (đại diện theo Giấy ủy quyền ngày 16/8/2017 của Tổng giám đốc Công ty cổ phần C); có mặt tại phiên tòa.
3. Người kháng cáo: Ông Nguyễn Đức T.
NỘI DUNG VỤ ÁN
Theo đơn khởi kiện đề ngày 01 tháng 11 năm 2010, các bản giải trình, bổ sung đơn khởi kiện đề ngày 03/11/2011, các bản tự khai trong quá trình giải quyết vụ án và tại phiên hòa giải cũng như tại phiên tòa sơ thẩm của ông Nguyễn Đức T thì:
Ông là cán bộ thuộc Công ty Cung ứng TB – doanh nghiệp Nhà nước tiền thân của Công ty cổ phần C hiện nay.
Năm 1972, ông tham gia quân đội, năm 1976 ông xuất ngũ chuyển về học Đại học sư phạm, năm 1979 ông ra trường được phân về làm việc tại Công ty cổ phần C cho đến nay. Ông đã qua nhiều chức vụ: Cán bộ phiên dịch, phó phòng, trưởng phòng, phó giám đốc công ty.
Năm 1996, ông được bổ nhiệm làm Phó giám đốc Công ty cổ phần C, đến tháng 11/2003 được Công ty chuyển sang kiêm các chức danh ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc thứ nhất nhiệm kỳ 05 năm tại Công ty liên doanh sản xuất dụng cụ điện V (sau đây gọi tắt là Công ty LD) do Công ty là một bên liên doan; tháng 04/2004, ông được Công ty tiếp tục giao thêm nhiệm vụ trực tiếp quản lý phần vốn góp của Công ty (phần vốn Nhà nước) tại Công ty LD theo Nghị định số 73/2000/NĐ-CP ngày 16/12/2000 của Chính phủ và Thông tư số 64/2001/TT- BTC ngày 10/8/2001 của Bộ Tài chính hướng dẫn thực hiện quản lý phần vốn Nhà nước tại doanh nghiệp khác; tháng 12/2005 Công ty chính thức được cổ phần hóa và đổi tên thành Công ty cổ phần C. Sau khi cổ phần hóa, ông thôi giữ chức vụ phó giám đốc công ty và đại diện quản lý vốn Nhà nước.
Tuy nhiên, ông vẫn tiếp tục là người lao động thuộc diện hợp đồng không xác định thời hạn (cán bộ, nhân viên doanh nghiệp Nhà nước chuyển sang) có tên trong danh sách thường xuyên tại thời điểm cổ phần hóa chuyển sang Công ty cổ phần C tiếp nhận và kế thừa theo Nghị định số 187/2004/NĐ-CP của Chính Phủ, được mua cổ phần ưu đãi và tiếp tục công việc tham gia quản lý Công ty LD với tư cách là người lao động của Công ty cổ phần C cử sang. Ngoài ra, do được tín nhiệm của các cổ đông Công ty cổ phần, ông còn được bầu tham gia Hội đồng quản trị Công ty đến ngày 15/7/2010 hết nhiệm kỳ (với chức danh này ông không phải ký hợp đồng lao động).
Ngày 16/9/2008, Công ty cổ phần C và phía đối tác Nga đã quyết định giải thể Công ty LD; tuyên bố ngừng hoạt động và chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ công nhân viên từ ngày 31/8/2008. Tại thời điểm này, các chức danh quản lý của ông tại Công ty LD cũng đồng thời chấm dứt do hết nhiệm kỳ 05 năm theo Điều lệ Công ty LD. Công ty cổ phần C có quyết định tiếp tục cử ông làm đại diện bên liên doanh. Công ty LD còn nợ lương năm 2006 của ông là 32.839.574 đồng.
Tại biên bản bàn giao công nợ ngày 22/8/2008 giữa Công ty LD và Công ty cổ phần C, Công ty cổ phần C đã nhận trách nhiệm chi trả khoản tiền trên cho ông.
Ngày 05/12/2008, Công ty cổ phần C đã ra Quyết định số 02/QĐ-CWTB điều động và tiếp nhận ông trở lại Công ty, ông được bảo lưu mức lương: Bậc 2/2, hệ số 5,65, ông tiếp tục nhận nhiệm vụ tham gia Ban thanh lý tài sản của Công ty tại Công ty LD (thời hạn hoạt động của Ban thanh lý tối đa 12 tháng kể từ ngày thành lập).
Sau khi tiếp nhận ông trở lại làm việc, ngày 23/02/2009 Công ty bổ nhiệm ông làm Giám đốc Ban quản lý dự án với mức lương được điều chỉnh theo hệ số 4,51, phụ cấp chức vụ là 0,4.
Mặc dù, ông không vi phạm kỷ luật và luôn hoàn thành công việc được giao nhưng ngày 27/01/2010 Tổng Giám đốc Công ty cổ phần C đã có Quyết định số 18/QĐ-CUTB miễn nhiệm chức vụ Giám đốc Ban quản lý dự án đối với ông kể từ ngày 01/2/2010, yêu cầu ông nghỉ việc 02 tháng và chủ động liên hệ công việc trong các đơn vị trực thuộc hoặc chuyển công tác ra ngoài Công ty, ông không được hưởng lương mà chỉ được Công ty hỗ trợ 70% mức lương cơ bản.
Công ty không thỏa thuận bàn bạc với ông, không báo trước cho ông mà chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông như vậy là không đúng quy định của pháp luật. Ông đã kiến nghị nhiều lần tới Tổng Giám đốc công ty nhưng không được xem xét giải quyết, bố trí công việc, vì vậy ngày 26/7/2010 ông đã đề nghị được chấm dứt hợp đồng lao động đối với Công ty. Sau khi gửi đơn, ông nhận được văn bản trả lời của phía Công ty với nội dung ông không còn là người lao động do công ty quản lý vì ngày 06/7/2010 Công ty đã trả ông về Công ty LD là đơn vị đã làm thủ tục giải thể (Công văn số 48/CV-CVTB đề ngày 15/8/2010 do Tổng Giám đốc Công ty ký và Thông báo lần thứ nhất ngày 29/9/2010 của Phòng Tổ chức hành chính Công ty).
Đến nay, ông chưa hề nhận được bất cứ quyền lợi và chế độ nào khi chấm dứt hợp đồng lao động nên ông khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần C phải thanh toán các khoản tiền sau:
1. Trả tiền lương năm 2006 mà Công ty LD còn nợ ông 32.839.574 đồng (theo báo cáo tài chính, cân đối tài khoản do Phòng kế toán và Tổng giám đốc Công ty lập đến ngày 31/10/2008).
2. Trả cho ông tiền lương, trong thời gian ông làm việc tại Công ty cổ phần C năm 2010 với số tiền 10.040.950 đồng; cụ thể là:
+ Lương tháng 2, tháng 3, tháng 4 năm 2010 chưa nhận 30% là 30% x650.000 đồng x 4.91 x 3 tháng = 2.872.350 đồng. (trong đó 650.000 đồng là mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 01/5/2009 đến 01/5/2010 theo Nghị định 33/2009/NĐ-CP ngày 06/4/2009 của Chính phủ; 4,91 là hệ số lương và phụ cấp chức vụ ông đang hiện hưởng).
+ Lương tháng 5 và tháng 6 năm 2010 chưa nhận 100% là 730.000 đồng x 4,91 x 02 tháng = 7.168.600 đồng (trong đó 730.000 đồng là mức lương tối thiểu chung áp dụng từ ngày 01/5/2010 theo Nghị định số 28/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/3/2010; 4,91 là hệ số lương và phụ cấp chức vụ ông đang hiện hưởng theo quyết định bổ nhiệm Giám đốc Ban dự án).
3. Trả tiền trợ cấp thôi việc và khoản tiền bồi thường do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật:
+ Tiền trợ cấp thôi việc là 65.098.411 đồng (tiền lương làm căn cứ tính trợ cấp thôi việc tính theo Thông tư số 17/2009/TT-BLĐTBXH ngày 26/5/2009 của Bộ Lao động thương binh và xã hội là lương bình quân 06 tháng liền kề [(01 tháng x 650.000 đồng) = (05 tháng x 730.000 đồng)] x 4,91:6 = 3.518.833 đồng (trong đó 650.000 đồng là mức lương tối thiểu chung thực hiện từ ngày 01/5/2009 đến ngày 01/5/2010 theo Nghị định số 33/2009/NĐ-CP ngày 06/4/2009 của Chính phủ; 730.000 đồng là mức lương tối thiểu chung áp dụng từ ngày 1/5/2010 theo Nghị định số 28/2010/NĐ-CP của Chính phủ ngày 25/3/2010; 4,91 là hệ số lương và phụ cấp chức vụ ông hiện đang hưởng theo quyết định của Công ty). Ông đã công tác liên tục từ tháng 05/1972 đến 30/9/2010 là 38 năm 04 tháng; từ 01/1/2009 đến 30/6/2010 (18 tháng), ông đóng bảo hiểm thất nghiệp. Thời gian để tính trợ cấp thôi việc sau khi trừ thời gian đóng bảo hiểm thất nghiệp 36 năm 10 tháng (làm tròn 37 năm) là (37 năm x 3.518.833 đồng x ½ = 65.098.411 đồng).
+ Tiền bồi thường bao gồm tiền lương cho những ngày không được làm việc
+ 02 tháng tiền lương do bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 17.921.500 đồng (tính từ ngày 06/7/2010 ngày Công ty có quyết định trả ông về Công ty LD đến ngày 01/10/2010 là ngày ông xin chấm dứt hợp đồng lao động là 03 tháng và bồi thường 02 tháng tiền lương, tổng cộng là 05 tháng; 730.000 đồng x 4,91 x 5 tháng = 17.921.500 đồng).
Tổng số tiền ông yêu cầu Công ty cổ phần C phải trả là: 125.900.435 đồng (gồm: 32.839.574 đồng + 10.040.950 đồng + 17.921.500 đồng + 65.098.411 đồng = 125.900.435 đồng).
Quá trình giải quyết vụ án, qua nhiều lần hòa giải với công ty để Công ty làm thủ tục giải thể Công ty LD, đến ngày 02/7/2011 tại Tòa án nhân dân quận H, hai bên đã thống nhất Công ty phải thanh toán cho ông:
- Tiền trợ cấp thôi việc là 65.098.411 đồng;
- Tiền lương các tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2010 là 20.793.850 đồng.
Tổng hai khoản lương và trợ cấp thôi việc là 85.900.000 đồng (làm tròn);
- Công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông kể từ ngày 01/10/2010 và trả sổ bảo hiểm và hồ sơ cá nhân cho ông;
- Công ty sẽ thanh toán các khoản tiền nêu trên trước ngày 18/8/2011, ông rút đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận N, đồng thời ông phải cam kết không thắc mắc khiếu nại gì về khoản tiền lương năm 2006 khi ông làm việc tại Công ty LD tới các cơ quan chức năng.
Sau đó, phía Công ty cổ phần C đã không thực hiện nội dung đã cam kết nêu trên, vì vậy ông đã khởi kiện đề nghị Tòa án giải quyết toàn bộ yêu cầu của ông như đơn khởi kiện và bản tự khai của ông đã nộp cho Tòa.
Theo Công ty cổ phần C thì: Ông Nguyễn Đức T có quá trình làm việc và được hưởng mức lương như ông T đã nêu là đúng.
Năm 1996, ông Nguyễn Đức T được bổ nhiệm làm Phó Giám đốc Công ty Cung ứng TB. Ngày 25/11/2003, Công ty có Quyết định số 121/QĐ-TC-CUTB cử ông T làm Phó giám đốc công ty kiêm giữ chức Phó Tổng giám đốc thứ nhất tại Công ty LD, tiền lương ông T được hưởng tại Công ty LD theo Luật đầu tư nước ngoài tại Việt Nam.
Cùng ngày, Công ty LD ra quyết định số 41/QĐ-TC bổ nhiệm ông T giữ chức vụ Phó giám đốc công ty kiêm giữ chức Phó Tổng giám đốc thứ nhất tại Công ty liên doanh, mọi chế độ quyền lợi được hưởng theo Luật Đầu tư nước ngoài tại Việt Nam và các quy định tại Điều lệ Công ty liên doanh. Ngày 11/11/2005, Ủy ban nhân dân thành phố Hải Phòng ra Quyết định số 2607/QĐ- UBND về việc chuyển Công ty Cung ứng TB thành Công ty cổ phần C, tính từ thời điểm này ông T không còn giữ chức vụ Phó giám đốc Công ty cổ phần C, từ tháng 01/2005 đến tháng 10/2008 ông T làm việc tại Công ty liên doanh nên tiền lương cũng như các chế độ khác đều do Công ty liên doanh trả (theo sổ BHXH số 0396071677 ngày 07/10/1996 của ông Nguyễn Đức T).
Đến tháng 11/2008, Công ty cổ phần C tiếp nhận ông T về Công ty để làm việc. Theo Biên bản thỏa thuận về việc giải thể Công ty liên doanh giữa Công ty Liên doanh LD và Công ty cổ phần C lập ngày 22/12/2008 thì các khoản công nợ của Công ty liên doanh sẽ bàn giao cho Công ty cổ phần C. Trong đó, có bàn giao lại cho Công ty cổ phần C chịu trách nhiệm thanh toán tiền lương cho người lao động tháng 12/2008 (đây là biên bản duy nhất về việc bàn giao công nợ giữa hai bên, có bảng lương đính kèm).
Theo nội dung các quyết định nêu trên thì thời điểm 2006, ông T là người lao động của Công ty liên doanh nên tiền lương và chế độ khác do Công ty liên doanh chi trả.
Khi về làm việc, ông T có yêu cầu Công ty cổ phần C thanh toán khoản tiền lương của ông năm 2006 mà Công ty liên doanh còn nợ. Công ty đã xem xét đề nghị của ông T, đối chiếu với biên bản bàn giao lập ngày 22/12/2008 song không thấy có khoản tiền lương của ông T năm 2006 mà Công ty Liên doanh nợ. Tại cuộc họp Hội đồng quản trị ngày 07/01/2010, Công ty đã thống nhất để giải quyết việc giải thể Công ty liên doanh, để đảm bảo quyền lợi cho ông T, Công ty đã yêu cầu ông T đưa ra căn cứ về việc Công ty liên doanh còn nợ lương năm 2006, ông T đã cung cấp Bản chi tiết công nợ phải thu phải trả đến ngày 27/10/2008 của Công ty liên doanh trong đó có khoản tiền nợ lương của ông T là 32.839.547 đồng nhưng không có dấu và xác nhận của Công ty liên doanh, vì thế không có căn cứ để Công ty giải quyết cho ông T. Nay ông T yêu cầu Công ty cổ phần C phải trả cho ông 32.839.547 đồng là khoản tiền lương năm 2006 mà Công ty LD còn nợ ông T, Công ty không đồng ý.
Sau khi có Quyết định tiếp nhận ông T về làm việc tại Công ty cổ phần C với nhiệm vụ tại Ban giải thể Công ty LD thì ngày 23/02/2009, Công ty đã ra Quyết định số 28/QĐ-CUTB về việc thành lập Ban dự án đầu tư xây dựng khách sạn C thuộc Công ty với cơ cấu tổ chức gồm có: 01 giám đốc phụ trách chung, 01 phó giám đốc phụ trách công tác hành chính và quản lý hồ sơ của dự án, 01 phó giám đốc phụ trách tài chính. Xét năng lực chuyên môn của cán bộ, ngày 23/02/2009 Công ty đã ra Quyết định số 29/QĐ-CUTB về việc bổ nhiệm ông Nguyễn Đức T giữ chức vụ Giám đốc Ban dự án từ ngày 01/03/2009: Bậc lương 8/8, hệ số: 4,51, phụ cấp chức vụ: 0,4.
Trong quá trình thực hiện nhiệm vụ được giao, theo quy chế Ban quản lý dự án số 78 ngày 04/05/2009 thì chức năng nhiệm vụ của Ban dự án gồm: Triển khai dự án xây dựng khách sạn C và tham gia giải quyết các vấn đề tồn động tại Công ty Liên doanh LD. Tuy nhiên, với nhiệm vụ cụ thể nêu trên thì kể từ ngày01/03/2009 ông T cùng với tập thể Ban dự án đã không hoàn thành bất cứ một nhiệm vụ nào, các thành viên của Ban dự án không có năng lực trình độ chuyên môn để đảm đương công việc được giao, thiếu ý thức và tinh thần trách nhiệm trong công việc, thể hiện Tổng giám đốc đã có các văn bản nhắc nhở, phê bình Ban dự án như Thông báo số 142/TB-CUTB ngày 07/12/2009 và Thông báo số 17/TB- CUTB ngày 22/01/2010.
Tại cuộc họp Hội đồng quản trị của Công ty ngày 07/01/2010 với đầy đủ các thành viên, có cả ông Nguyễn Đức T, ủy viên Hội đồng quản trị – Giám đốc Ban dự án đã bàn bạc xem xét việc triển khai các công việc của Ban dự án và đánh giá các thành viên của Ban dự án đã không đủ năng lực, trình độ để tiếp tục đảm đương nhiệm vụ được giao và từ đó đã ra Nghị quyết thay 03 nhân sự trong Ban quản lý dự án và giao cho Tổng giám đốc bố trí, giải quyết các vấn đề nhân sự trong Ban quản lý dự án, các nội dung trên đều được các thành viên Hội đồng quản trị thống nhất cao trong đó có cả ông T.
Căn cứ nghị quyết nêu trên, ngày 27/01/2010 Tổng giám đốc Công ty đã ban hành Quyết định số 18/QĐ-CUTB về việc miễn nhiệm chức danh Giám đốc Ban quản lý dự án đối với ông T đồng thời cho tạm nghỉ 02 tháng hỗ trợ 70% lương, Công ty đã thông báo và giao Quyết định nêu trên cho ông T để thực hiện. Tuy nhiên, khi nhận được Quyết định số 18 thì ngay trong ngày 27/01/2010, ông T đã có văn bản gửi Tổng giám đốc không đồng ý với Quyết định miễn nhiệm chức vụ.
Sau khi hết thời hạn được tạm nghỉ, ông T không đến công ty để lãnh đạo giao nhiệm vụ mới, tự ý nghỉ việc không có lý do, kể từ ngày 01/04/2010 đến ngày 19/08/2010 ông T không làm việc tại Công ty nên ông T sẽ không được hưởng lương.
Công ty cổ phần C không có bất kỳ một Quyết định nào cho ông T nghỉ việc mà chỉ ra các Quyết định điều động đối với ông T. Ông T có đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động nhưng căn cứ vào tình hình thực tế tại Công ty liên doanh khi đó chưa giải thể, việc tổn thất phần vốn góp của Công ty cổ phần Cung ứng tại Công ty liên doanh trách nhiệm thuộc về ông T hiện chưa được xác định, vì vậy Công ty cổ phần C không đồng ý cho ông T đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động.
Công ty không ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông T nên chưa giải quyết trợ cấp thôi việc cho ông T, ông T cho rằng Công ty chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông là trái pháp luật nên ông T yêu cầu Công ty phải bồi thường 02 tháng tiền lương, Công ty không đồng ý.
Sau khi ông T khởi kiện, ngày 02/7/2011 tại Tòa án nhân dân quận N hai bên đã thống nhất: Công ty sẽ thanh toán cho ông T 65.098.411 đồng tiền trợ cấp thôi việc, 20.793.850 đồng tiền lương chưa trả của các tháng 2, tháng 3, tháng 4, tháng 5, tháng 6, tháng 7, tháng 8 và tháng 9 năm 2010, tổng hai khoản là 85.900.000 đồng (làm tròn), Công ty ra quyết định chấm dứt hợp đồng lao động với ông T kể từ ngày 01/10/2010 và trả sổ bảo hiểm và hồ sơ cá nhân cho ông T, ông T cam kết không khiếu nại gì đối với khoản tiền lương làm việc tại Công ty LD vào năm 2006 đến các cơ quan chức năng, Công ty sẽ thanh toán các khoản tiền nêu trên trước ngày 18/8/2011, ông T rút đơn khởi kiện tại Tòa án nhân dân quận N. Sau đó, ông T không thực hiện những thỏa thuận nêu trên nên Công ty cũng không thanh toán tiền cho ông T.
Với nội dung nêu trên, Bản án số 03/2017/LĐ-ST ngày 21/9/2017 của Toà án nhân dân quận N, thành phố Hải Phòng đã:
Căn cứ khoản 1 điểm b Điều 32, điểm c khoản 1 Điều 35, điểm a khoản 1 Điều 39, Điều 147, Điều 184 Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ khoản 3 Điều 37, khoản 1 Điều 41, khoản 1 Điều 42, điểm a, b khoản 2 Điều 166, Điều 167 Bộ luật Lao động 1994 sửa đổi bổ sung năm 2007;
Căn cứ khoản 2 Điều 11, khoản 4 Điều 27 Pháp lệnh lệ phí án phí năm 2009.
Xử:
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức T đối với Công ty cổ phần C:
Buộc Công ty cổ phần C phải thanh toán tiền nợ lương cho ông Nguyễn Đức T trong thời gian từ tháng 02/2010 đến tháng 06/2010, tiền lương trong những ngày ông T không được làm việc và tiền bồi thường do việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật, tiền trợ cấp thôi việc. Tổng số tiền bị đơn phải trả cho nguyên đơn là 93.051.861 đồng.
2. Không chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức T về việc yêu cầu Công ty cổ phần C phải trả cho ông 32.839.574 đồng là khoản tiền mà ông T cho rằng Công ty LD còn nợ lương năm 2006 của ông.
Ngoài ra, bản án còn tuyên nghĩa vụ chịu án phí và quyền kháng cáo cho các đương sự theo quy định của pháp luật.
Ngày 06/10/2017, ông Nguyễn Đức T đã kháng cáo: Đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm xem xét chấp nhận yêu cầu khởi kiện của nguyên đơn về việc yêu cầu Công ty cổ phần C phải trả khoản tiền lương làm việc tại Công ty LD năm 2006 với số tiền là 32.839.574 đồng.
Tại phiên tòa hôm nay, ông Nguyễn Đức T trình bày: Sau khi Tòa án nhân dân quận N xét xử sơ thẩm, do không đồng ý với quyết định của bản án sơ thẩm nên ngày 06/10/2017 ông đã kháng cáo, tại phiên tòa hôm nay ông vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo vì: Ông là người lao động, làm việc tại Công ty Cung ứng TB (sau này cổ phần hóa đổi tên là Công ty cổ phần C) là một bên liên doanh thành lập ra Công ty LD. Tháng 11 năm 2003, ông được Công ty Cung ứng TB cử sang kiêm các chức danh ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc thứ nhất nhiệm kỳ 05 năm tại Công ty LD. Thời gian ông làm việc tại Công ty LD, tiền lương và các chế độ của ông đều do Công ty LD trả.
Công ty LD còn nợ tiền lương năm 2006 của ông là 32.839.574 đồng, khoản nợ đó được thể hiện tại bản chi tiết công nợ phải thu phải trả đến ngày 27/10/2008 của Công ty LDvà bản xác nhận của Tổng giám đốc của Công ty LD khi đó là ông Pimenov vào ngày 11 tháng 3 năm 2006.
Ngày 16/9/2008, Công ty cổ phần C và phía đối tác Nga đã quyết định giải thể Công ty LD, tuyên bố ngừng hoạt động và chấm dứt hợp đồng lao động với cán bộ công nhân viên từ ngày 31/8/2008. Theo Biên bản thỏa thuận về việc giải thể Công ty LD được lập ngày 22/12/2008 thì các khoản công nợ của Công ty LD, được bàn giao cho Công ty cổ phần C có trách nhiệm chi trả.
Ông đã nhiều lần yêu cầu, nhưng Công ty cổ phần C chưa trả cho ông khoản tiền lương năm 2006 mà Công ty LD còn nợ ông. Ông đã khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần C phải trả cho ông khoản tiền trên nhưng Tòa án sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu đó của ông, vì vậy ông đã kháng cáo đề nghị Tòa án cấp phúc thẩm chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông: Buộc Công ty cổ phần C phải trả cho ông 32.839.574 đồng là khoản tiền lương năm 2006 mà Công ty LDcòn nợ ông.
Đại diện của Công ty cổ phần C trình bày: Sau khi Tòa án nhân dân quận N xét xử sơ thẩm, Công ty cổ phần C không kháng cáo, ông Nguyễn Đức T kháng cáo đề nghị Tòa án buộc Công ty cổ phần C trả 32.839.574 đồng là khoản tiền mà ông T cho rằng Công ty LD còn nợ tiền lương năm 2006 của ông T, Công ty không chấp nhận vì:
Thời gian ông T làm việc tại Công ty LD thì tiền lương cũng như các chế độ khác của ông T đều do Công ty liên doanh trả. Bản chi tiết công nợ phải thu phải trả tính đến ngày 27/10/2008 của Công ty LD do ông T cung cấp, không có dấu và xác nhận của Công ty LD nên không có căn cứ để xác định Công ty LD còn nợ tiền lương của của ông T năm 2006 là 32.839.547 đồng. Hơn thế nữa, những thỏa thuận về việc giải thể Công ty LD đã được lập thành biên bản. Theo biên bản thỏa thuận được lập ngày 22/12/2008 thì Công ty LD chỉ bàn giao lại cho Công ty cổ phần C chịu trách nhiệm thanh toán tiền lương cho người lao động tháng 12/2008 với số tiền là 23.000.000 đồng (có bảng lương đính kèm), Công ty cổ phần C không được Công ty LD bàn giao nghĩa vụ thanh toán cho ông T khoản khoản tiền lương của ông T năm 2006 (32.839.547 đồng) mà Công ty LD nợ ông, vì thế Công ty cổ phần C không có nghĩa vụ phải thanh toán cho ông T khoản tiền trên theo yêu cầu của ông T.
Đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Đại diện Viện kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng phát biểu ý kiến: Từ khi thụ lý vụ án ở giai đoạn phúc thẩm đến nay, Thẩm phán được phân công giải quyết vụ án cũng như Hội đồng xét xử đã tuân thủ đúng các quy định của pháp luật về việc chuyển hồ sơ cho Viện Kiểm sát, thời hạn chuẩn bị xét xử, quyết định đưa vụ án ra xét xử, khai mạc phiên tòa, xét hỏi, tranh tụng … tại phiên tòa, các đương sự và người đại diện của các đương sự thực hiện đúng, đầy đủ quyền và nghĩa vụ của mình, chấp hành nghiêm chỉnh nội quy phiên tòa và sự điều khiển của Hội đồng xét xử tại phiên tòa.
Ngày 06/10/2017, ông Nguyễn Đức T đã kháng cáo, tại phiên tòa hôm nay ông T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, kháng cáo của ông T trong hạn luật định đề nghị Hội đồng xét xử xem xét.
Ông T là người lao động làm việc tại Công ty Cung ứng TB (nay là Công ty cổ phần C). Tháng 11 năm 2003, ông T được Công ty Cung ứng TB cử sang kiêm các chức danh ủy viên Hội đồng quản trị, Phó Tổng giám đốc thứ nhất nhiệm kỳ 05 năm tại Công ty LD. Theo quy định của pháp luật cũng như ông T đã xác nhận: Thời gian ông T làm việc tại Công ty LD thì tiền lương cũng như các chế độ khác của ông T đều do Công ty LD trả. Bản chi tiết công nợ phải thu phải trả tính đến ngày 27/10/2008 của Công ty LD (trong đó có khoản tiền nợ lương của ông T là 32.839.547 đồng) do ông T cung cấp không có dấu và xác nhận của Công ty LD, do đó không phải là chứng cứ để xác định: Công ty LD còn nợ tiền lương năm 2006 của ông T là 32.839.547 đồng.
Theo biên bản thỏa thuận về việc giải thể Công ty liên doanh giữa Công ty LD và Công ty cổ phần C được lập ngày 22/12/2008 thì: Công ty Liên doanh Lepse Việt Nam chỉ bàn giao Công ty cổ phần C có trách nhiệm thanh toán tiền lương cho người lao động tháng 12/2008 (có bảng lương đính kèm), không bàn giao khoản tiền mà Công ty LD còn nợ lương năm 2006 của ông T (là 32.839.547 đồng).
Ông T khởi kiện yêu cầu Công ty cổ phần C có trách nhiệm phải thanh toán cho ông khoản tiền 32.839.547 đồng là không có căn cứ, Tòa án cấp sơ thẩm không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của ông T là đúng. Tại phiên tòa hôm nay, ông T không đưa ra được chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình, đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông T.
Những quyết định khác của án sơ thẩm không có kháng cáo, đề nghị Hội đồng xét xử không xét.
Căn cứ những phân tích nêu trên; căn cứ khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự đề nghị Hội đồng xét xử không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Đức T, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
Qua các tài liệu có trong hồ sơ vụ án, lời trình bày của đương sự, người đại diện của đương sự, ý kiến phát biểu của đại diện Viện Kiểm sát nhân dân thành phố Hải Phòng tham gia phiên tòa.
NHẬN ĐỊNH CỦA TÒA ÁN
[1]. Về quan hệ pháp luật tranh chấp: Đây là vụ án lao động tranh chấp về tiền lương, trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động được quy định tại Điều 32 của Bộ luật Tố tụng dân sự, theo quy định tại Điều 35, Điều 39 của Bộ luật Tố tụng dân sự thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án nhân dân.
Sau khi Tòa án nhân dân quận N xét xử sơ thẩm, ngày 06/10/2017 ông Nguyễn Đức T đã kháng cáo, tại phiên tòa hôm nay ông T vẫn giữ nguyên yêu cầu kháng cáo, kháng cáo của ông T trong hạn luật định nên Hội đồng xét xử được xem xét.
[2]. Về nội dung: Xét kháng cáo của ông Nguyễn Đức T thấy: Ông là người lao động làm việc tại Công ty cổ phần C. Theo quy định của Luật Đầu đầu tư nước ngoài cũng như ông đã xác nhận thì: Thời gian ông làm việc tại Công ty LD, tiền lương cũng như các chế độ khác của ông đều do Công ty LD trả.
Bản chi tiết công nợ phải thu phải trả tính đến ngày 27/10/2008 của Công ty LD (trong đó có khoản tiền nợ lương của ông là 32.839.547 đồng) do ông cung cấp không có dấu và xác nhận của Công ty LD do đó không phải là chứng cứ để để xác định: Công ty LD còn nợ ông tiền lương năm 2006 (32.839.547 đồng).
Theo biên bản thỏa thuận về việc giải thể Công ty liên doanh giữa Công ty LD và Công ty cổ phần C được lập ngày 22/12/2008 thì: Công ty LD chỉ bàn giao và Công ty cổ phần C chỉ có trách nhiệm thanh toán tiền lương cho người lao động tháng 12/2008 với số tiền 23.000.000 đồng (có bảng lương đính kèm), Công ty LD không bàn giao cho Công ty cổ phần C nghĩa vụ thanh toán cho ông khoản tiền lương năm 2006 mà Công ty LD còn nợ ông (32.839.547 đồng), vì vậy Tòa án cấp sơ thẩm đã không chấp nhận yêu cầu khởi kiện này của ông là đúng. Tại phiên tòa hôm nay, ông không đưa ra được chứng cứ nào khác để chứng minh cho yêu cầu kháng cáo của mình nên không có căn cứ để chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông.
[3]. Về án phí: Ông Nguyễn Đức T không phải chịu án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm.
Các quyết định khác của bản án sơ thẩm không có kháng cáo, kháng nghị nên không xét.
Vì các lẽ trên,
QUYẾT ĐỊNH
Căn cứ vào khoản 1 Điều Điều 147, khoản 1 Điều 148 và khoản 1 Điều 308 của Bộ luật Tố tụng dân sự năm 2015;
Căn cứ vào khoản 3 Điều 37, khoản 1 Điều 41, khoản 1 Điều 42 của Bộ luật Lao động 1994 sửa đổi bổ sung năm 2002 và năm 2007;
Căn cứ vào Điều 11, Điều 27, khoản 1 Điều 30 Pháp lệnh án phí lệ phí Tòa án số 10/2009/UBTVQH10-PL ngày 27/02/2009 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về án phí, lệ phí Tòa án.
Xử:
Không chấp nhận yêu cầu kháng cáo của ông Nguyễn Đức T, giữ nguyên quyết định của bản án sơ thẩm.
1. Chấp nhận một phần yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức T:
- Buộc Công ty cổ phần C phải thanh toán khoản tiền lương cho ông Nguyễn Đức T là 93.051.861 đồng (trong đó: Tiền lương chưa trả trong thời gian từ tháng 02 năm 2010 đến tháng 06 năm 2010 là 10.040.950 đồng, tiền lương trong những ngày ông T không được làm việc và tiền bồi thường do việc bị đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật là 17.921.500 đồng, tiền trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động là 65.098.411 đồng).
- Không chấp nhận yêu cầu khởi kiện của ông Nguyễn Đức T yêu cầu Công ty cổ phần C phải trả cho ông số tiền 32.839.574 đồng (là khoản tiền mà ông T cho rằng Công ty LD còn nợ tiền lương năm 2006 của ông).
2. Về án phí:
- Ông Nguyễn Đức T không phải chịu án phí lao động sơ thẩm và án phí lao động phúc thẩm;
- Công ty cổ phần C phải chịu 2.792.000 đồng án phí lao động sơ thẩm.
Sau khi bản án có hiệu lực pháp luật, kể từ ngày ông Nguyễn Đức T có đơn yêu cầu thi hành án, số tiền mà Công ty cổ phần C phải trả chưa thi hành thì hàng tháng Công ty cổ phần C còn phải chịu khoản tiền lãi của số tiền phải trả theo lãi suất được quy định tại khoản 2 Điều 357 của Bộ luật dân sự tương ứng với số tiền phải trả tại thời điểm thanh toán.
Trong trường hợp bản án, quyết định được thi hành theo quy định tại Điều 2 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014, người được thi hành án dân sự, người phải thi hành án dân sự có quyền thỏa thuận thi hành án, quyền yêu cầu thi hành án, tự nguyện thi hành án hoặc bị cưỡng chế thi hành án theo quy định tại các Điều 6, Điều 7, Điều 7a và Điều 9 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Thời hiệu thi hành án dân sự được thực hiện theo quy định tại Điều 30 Luật Thi hành án dân sự được sửa đổi, bổ sung năm 2014. Bản án phúc thẩm có hiệu lực pháp luật kể từ ngày tuyên án.
Bản án 01/2018/LĐ-PT ngày 24/01/2018 về tranh chấp tiền lương, trợ cấp thôi việc khi chấm dứt hợp đồng lao động
Số hiệu: | 01/2018/LĐ-PT |
Cấp xét xử: | Phúc thẩm |
Cơ quan ban hành: | Tòa án nhân dân Hải Phòng |
Lĩnh vực: | Lao động |
Ngày ban hành: | 24/01/2018 |
Vui lòng Đăng nhập để có thể tải về