Mẫu phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh môn Ngữ văn lớp 8? Học sinh lớp 8 được học những kiến thức văn học nào?
Mẫu phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh môn Ngữ văn lớp 8?
Các bạn học sinh tham khảo các mẫu phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh môn Ngữ văn lớp 8 dưới đây:
Phân tích bài thơ Ngắm trăng - mẫu 1
Uống rượu ngắm trăng vốn là thú vui tao nhã của các tao nhân, mặc khách. Nguyễn Trãi đã từng viết: “Đêm thanh hớp nguyệt nghiêng chén” để nói lên thú vui trong lúc thanh nhàn này. Còn Hồ Chí Minh trong một hoàn cảnh trái ngược hoàn toàn, bằng tâm hồn rộng mở và tình yêu thiên nhiên tha thiết đã viết:
Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đôi thử lương tiêu nại nhược hà
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia
Sau quá trình bôn ba vất vả, tìm con đường cứu nước cho dân tộc, vào tháng 8 năm 1942 Bác bí mật từ Cao Bằng sang Trung Quốc để tìm sự viện trợ của quốc tế. Không may trong hành trình đó Bác đã bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giam, và giải qua hơn 30 nhà giam của 13 huyện thuộc Quảng Tây.
Cuộc sống tù nhân tuy bị đày ải về mặt thể xác nhưng không thể mài mòn ý chí chiến đấu, lòng yêu thiên nhiên của Người. Bài thơ Ngắm trăng chính là minh chứng tiêu biểu nhất cho tinh thần thép ấy của Bác.
Tình yêu thiên nhiên của Bác trước hết được bộc lộ qua hoàn cảnh hết sức đặc biệt. Mặc dù trong hoàn cảnh ngục tù, nhưng không vì thế mà Bác đánh mất đi tình yêu với người bạn hiền – ánh trăng:
Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Một tâm thế ung dung, tự tại Bác đã có, nhưng để thưởng trăng cần phải có rượu và hoa. Nhưng trong tù thiếu thốn trăm bề, ăn không đủ no thì lấy đâu ra những rượu và hoa để ngắm cảnh cho trọn vẹn. Nhưng ngược lại với thực tại thiếu thốn ấy là lời cảm thán, là sự băn khoăn, cảnh đẹp đêm nay biết làm thế nào.
Nếu như trong nguyên tác, câu thơ sử dụng từ nghi vấn – hà, bộc lộ sự băn khoăn, không biết phải làm thế nào; thì trong bản dịch thơ lại đánh mất đi ý nghĩa đó, câu thơ mang sắc thái khẳng định, không biết làm thế nào. Trước khung cảnh đêm trăng tuyệt diệu, huyền ảo, tấm lòng của một con người yêu thiên nhiên không thể bỏ lỡ, bởi vậy mà:
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ
Hai câu của bản dịch thơ chưa thật sát nên đã đánh mất đi vẻ đẹp đăng đối, nhịp nhàng của hai câu thơ. Trong hai câu thơ này, Hồ Chí Minh đã vận dụng nghệ thuật đối rất tài hoa. Trong nội bộ câu, nhân đối với minh nguyệt; nguyệt đối với thi gia; trong hai câu với nhau nhân đối với nguyệt và minh nguyệt đối với thi gia. Tính chất đối hài hòa, hoàn chỉnh như vậy cho thấy mối quan hệ gần gũi, bình đẳng giữa hai đối tượng, giữa con người và thiên nhiên.
Ánh trăng và con người không màng đến hoàn cảnh vượt qua song sắt lạnh giá, vượt qua hoàn cảnh ngục tù để tìm đến với nhau, để giao hòa và tri âm với nhau. Và cũng để từ đó làm nổi bật lên vẻ đẹp tâm hồn: ung dung tự tại và lòng yêu thiên nhiên tha thiết của Bác.
Trước ánh sáng lung linh, huyền ảo của ánh trăng, người đọc có thể cảm nhận đầy đủ vẻ đẹp tâm hồn, nhân cách của Người cũng như vẻ đẹp của biết bao nhà thơ xưa: Nguyễn Trãi, Lí Bạch,… Không chỉ vậy, ta còn thấy vẻ đẹp sức sống trong Bác.
Dù phải sống trong hoàn cảnh ngục tù, phải liên tục di chuyển từ nhà lao này, đến nhà lao khác với biết bao khó khăn, thiếu thốn nhưng Bác vẫn mở rộng tấm lòng mình, say sưa cảm biết vẻ đẹp của trăng, và có một cuộc vượt thoát ngoạn mục để đến với thiên nhiên. Kết hợp với ngôn ngữ và âm điệu của tác phẩm đã cho thấy một tinh thần khỏe khoắn, một sức sống tràn trề, và tinh thần lạc quan trong con người Bác.
Thể thơ tứ tuyệt hàm súc, cô đọng nhưng giàu ý nghĩa đã giúp Bác truyền tải, thể hiện những thông điệp ý nghĩa. Đó chính là tình yêu thiên nhiên đắm say, phong thái ung dung, lạc quan trong hoàn cảnh tù đày. Bài thơ không gân guốc mà nhẹ nhàng nhưng ngời lên chất thép của người tù cộng sản Hồ Chí Minh.
Phân tích bài thơ Ngắm trăng - mẫu 2
Hồ Chủ tịch, vị cha già kính yêu của dân tộc, một con người vĩ đại của đất nước và dân tộc Việt Nam. Một con người đã dành cả cuộc đời mình làm nên những điều phi thường và kì tích cho dân tộc, cho đất nước. Tấm lòng của Bác cả dân tộc Việt Nam đều thấu hiểu, con dân Việt Nam đời đời nhớ công ơn Bác.
Cuộc đời Bác vì nghĩa lớn mà bao phen khốn khổ vì phải chịu cảnh đọa đầy, thê lương trong ngục tù. Trong khoảng thời gian từ năm 1942 đến năm 1943, Bác Hồ bị chính quyền Tưởng Giới Thạch bắt giữ, đọa đầy trong chốn ngục tù. Đây là khoảng thời gian Bác cho ra đời những bài thơ ghi lại cảnh sinh hoạt trong tù của Bác. Tuy nhiên, những bài thơ đó không phải là những bài thơ đơn thuần. Vì thực chất, nó có ý nghĩa tố cáo chế độ nhà tù khắc nghiệt của chính quyền Tưởng Giới Thạch một cách sâu sắc và ghê gớm vô cùng. Ngắm trăng cũng là một trong những bài thơ tiêu biểu của tập thơ:
“Ngục trung vô tửu diệc vô hoa
Đối thử lương tiêu nại nhược hà?
Nhân hướng song tiền khán minh nguyệt
Nguyệt tòng song khích khán thi gia"
(Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ
Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ"
Trăng trong tâm tưởng của các bậc thi nhân ngày xưa vốn là người bạn tri âm tri kỉ của họ. Những nỗi lòng khó giãi bày cũng đặc biệt được giãi bày cùng trăng. Các thi nhân xưa ngắm trăng cũng là lấy làm một thú vui tao nhã. Uống rượu, ngắm trăng, vịnh thơ, còn cái gì tuyệt vời hơn thế. Với khung cảnh của cuộc chơi trăng là những đêm trăng trong trẻo thanh tịnh, được hòa cùng thiên nhiên, cũng là hòa cùng những giai điệu của cuộc sống, của cuộc đời. Nhưng đêm nay, cũng là ngắm trăng, cũng là tức cảnh sinh tình đó nhưng lại ở trong một hoàn cảnh quá ư đặc biệt khi Bác ngắm trăng trong tù, ngắm trăng trong cảnh tù đày, bị hành hạ, áp bức, lại ở nơi đất khách quê người. Trong hoàn cảnh như thế, tâm hồn con người sẽ có quá ư những mối tơ lòng.
“Trong tù không rượu cũng không hoa
Cảnh đẹp đêm nay khó hững hờ”
Vốn là người có tâm hồn nghệ sĩ, Bác Hồ là người có tâm hồn rất dễ rung cảm với những biến động của thiên nhiên, của cuộc đời. Hôm nay, trong một ngày của cuộc sống lao tù vất vả, cũng không rõ là trong ngày hôm nay đã xảy ra chuyện gì, nhưng có thể thấy rõ rệt rằng hôm nay, Bác rất có tâm tình, tâm tình muốn được giải tỏa. Những điều Bác muốn bây giờ là được thoát khỏi cái tù túng nơi buồng giam này, không thì chỉ cần thấy được sự tự do của bên ngoài một chút thôi cũng được. Vậy mà, muốn rượu không có rượu tiêu sầu, muốn ngắm hoa cho lòng thanh thản nhưng xung quanh chỉ là bóng tối. Nhưng hôm nay, thiên nhiên nhìn qua song sắt nhà đề lao này trong mắt người thi sĩ, người chiến sĩ đồng người tù này lại nên thơ và hữu tình vô cùng:
"Người ngắm trăng soi ngoài cửa sổ
Trăng nhòm khe cửa ngắm nhà thơ”
Trong điều kiện thiếu thốn của nhà tù, việc ngắm trăng của Bác cũng thành bữa tiệc thiếu thốn rất nhiều những quy chuẩn của việc chơi trăng, ngắm trăng vốn có. Đó là phải có rượu, có bạn tri âm và được ngồi tự do phóng thoáng trong khung cảnh thiên nhiên mây gió. Nhưng giờ đây, trong hoàn cảnh này Bác thiếu thốn tất. Tuy nhiên, tâm hồn Bác vẫn thấy rõ rệt sự cảm khái thanh thản đến từ tận sâu cõi lòng vì Bác biết, trăng – người bạn tri kỉ đang trên cao kia cũng thấu hiểu tâm tình của Bác lắm. Bác hướng đôi mắt của mình ra cửa sổ để trông trăng và cũng nhìn nhận được vầng trăng trong trẻo, hiền từ cũng đang đáp lại tấm lòng của Bác. Ánh trăng trong sáng và tròn đầy soi rọi vào tâm hồn Bác, giúp Bác xóa tan những mệt mỏi, u sầu. Có thể thấy được phong thái ung dung của Bác trong cảnh đọa đầy, phong thái này không phải dễ có được, phải là người có chí hướng lớn, luôn lạc quan mới có thể giữ cho mình tấm lòng thanh thuần kể cả trong chốn lao tù như thế.
Bài thơ Ngắm trăng không phải đơn thuần chỉ miêu tả cảnh thiên nhiên mà đó còn là những lời thơ thể hiện tinh thần, tấm lòng của Bác. Một con người với nhân cách lớn, trong cuộc sống tù đầy vẫn ung dung, lạc quan, hướng về phía trước.
Lưu ý: Thông tin chỉ mang tính chất tham khảo!
Mẫu phân tích bài thơ Ngắm trăng của Hồ Chí Minh môn Ngữ văn lớp 8? Học sinh lớp 8 được học những kiến thức văn học nào? (Hình ảnh từ Internet)
Học sinh lớp 8 được học những kiến thức văn học nào trong môn Ngữ văn?
Căn cứ Mục 5 Chương trình giáo dục phổ thông môn Ngữ văn ban hành kèm theo Thông tư 32/2018/TT-BGDĐT thì trong môn Ngữ văn, học sinh lớp 8 được học những kiến thức văn học sau:
- Tưởng tượng trong tác phẩm văn học
- Nhan đề và cách đặt nhan đề văn bản
- Đề tài và chủ đề, cách xác định chủ đề; kết cấu
- Cốt truyện, bối cảnh, nhân vật, ngôn ngữ trong truyện cười, truyện lịch sử
- Cốt truyện đơn tuyến và cốt truyện đa tuyến
- Các thủ pháp nghệ thuật chính của thơ trào phúng
- Một số yếu tố thi luật của thơ thất ngôn bát cú và thơ tứ tuyệt luật Đường: bố cục, niêm, luật, vần, nhịp, đối
- Một số yếu tố hình thức của một bài thơ: từ ngữ, hình ảnh, bố cục, mạch cảm xúc
- Xung đột, hành động, nhân vật, lời thoại, thủ pháp trào phúng trong kịch bản văn học (hài kịch)
- Một số yếu tố hình thức của thơ tự do (sáu, bảy chữ): số lượng câu, chữ, vần, nhịp
- Người đọc và cách tiếp nhận riêng đối với một văn bản văn học
- Nội dung phản ánh và cách nhìn cuộc sống, con người của tác giả
Học sinh lớp 8 là bao nhiêu tuổi?
Tại khoản 1 Điều 28 Luật Giáo dục 2019 quy định về tuổi của giáo dục phổ thông như sau:
Cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông
1. Các cấp học và độ tuổi của giáo dục phổ thông được quy định như sau:
a) Giáo dục tiểu học được thực hiện trong 05 năm học, từ lớp một đến hết lớp năm. Tuổi của học sinh vào học lớp một là 06 tuổi và được tính theo năm;
b) Giáo dục trung học cơ sở được thực hiện trong 04 năm học, từ lớp sáu đến hết lớp chín. Học sinh vào học lớp sáu phải hoàn thành chương trình tiểu học. Tuổi của học sinh vào học lớp sáu là 11 tuổi và được tính theo năm;
c) Giáo dục trung học phổ thông được thực hiện trong 03 năm học, từ lớp mười đến hết lớp mười hai. Học sinh vào học lớp mười phải có bằng tốt nghiệp trung học cơ sở. Tuổi của học sinh vào học lớp mười là 15 tuổi và được tính theo năm.
...
Như vậy, học sinh lớp 8 là 13 tuổi trừ trường hợp học sinh lưu ban hoặc nhập học sớm hoặc muộn hơn độ tuổi quy định
- Mẫu viết đoạn văn kể lại một cuộc nói chuyện điện thoại của em lớp 3? Học sinh lớp 3 là bao nhiêu tuổi?
- Hướng dẫn viết mở bài gián tiếp tả cây phượng? Mở bài gián tiếp sẽ được học ở chương trình môn Tiếng Việt lớp mấy?
- Công thức thì hiện tại đơn lớp 6 là gì? Các hình thức kỉ luật học sinh lớp 6 là gì?
- Top các mẫu văn cảm nhận về nhân vật Tràng trong tác phẩm Vợ nhặt lớp 12 hay nhất?
- Lời chúc thầy cô giáo nhân ngày 20 tháng 11 ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa? Giáo viên có bao nhiêu ngày phép năm?
- Hướng dẫn viết bản kiểm điểm mẫu 02B dành cho giáo viên năm 2024?
- Mẫu bài văn kể về trải nghiệm buồn của em lớp 6? Ai quy định hình thức rèn luyện trong kì nghỉ hè của học sinh lớp 6?
- Soạn văn bài Đi lấy mật ngắn nhất? Lựa chọn thơ và ca dao tục ngữ trong chương trình môn Ngữ Văn lớp 7 ra sao?
- Mẫu bài văn nghị luận về văn hóa ngoại lai trong văn hóa Việt lớp 12? Các mức đánh giá kết quả học tập của học sinh lớp 12?
- Bản kiểm điểm 2024 dành cho giáo viên là mẫu nào? Hướng viết bản kiểm điểm mẫu 02A chi tiết dành cho giáo viên?