Đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn Ninh Bình 2025 như thế nào? Dự kiến phương thức tuyển sinh lớp 10?

Nội dung đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn Ninh Bình năm nay như thế nào? Dự kiến phương thức tuyển sinh vào lớp 10 sắp tới ra sao?

Đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn Ninh Bình 2025 như thế nào?

Mới đây, Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình vừa công bố đề thi minh họa môn Ngữ Văn vào lớp 10 năm học 2025 - 2026.

Cụ thể, đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ văn Ninh Bình 2025 có 02 dạng đề như sau:

ĐỀ 1

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình

Đề minh họa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo chương trình GDPT 2018

Môn thi: Ngữ Văn

Thời gian làm bài: 120 phút

I. PHẦN ĐỌC HIỂU (4,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

LẼ SỐNG CỦA THANH NIÊN, SINH VIÊN

(1) Đỉnh núi cao không dành cho những người hèn nhát và lười vận động, đỉnh tri thức không có chỗ cho kẻ chỉ rong chơi. Nếu không có sự miệt mài, tìm tòi khám phá và dốc lòng cho những đam mê thì làm sao có một Edison vĩ đại và bóng đèn chiếu sáng hôm nay. Đi đến tận cùng đam mê là điều không dễ, vì có lúc tuổi trẻ nóng vội, khao khát nhanh chóng thành công nên vội vàng đốt cháy giai đoạn khiến những dự định trở thành dang dở. Giữ được lửa nhiệt huyết trong tâm hồn và kiên trì trong ý nghĩ đúng là điều rất quan trọng. Nếu cháy bùng lên rồi vụt tắt thì đó chỉ là một ánh sao băng giữa thiên hà vô tận.

(2) Đừng sợ! Nỗi sợ hãi sẽ giết chết mọi manh nha của bao ý nghĩ táo bạo, và sợ hãi sẽ là ngục tù của trí tuệ. Khi cái đầu vẫn bị đóng khung trong giới hạn thì ý tưởng có chăng cũng chỉ dừng lại những cái đã có rồi. Tự do chỉ có được khi nắm được và dự báo được quy luật, ý tưởng tốt đẹp phải được nảy mầm từ những khát khao chính đáng, mọi mơ hồ cùng lắm là ánh trăng suông. Nếu mải miết trên đất liền và lo cuồng phong, bão tố thì làm sao Chiristopher Columbus có cuộc phiêu lưu để tìm ra châu Mĩ bao la?

(3) Đất mãi mãi là đất, rừng mãi mãi là rừng, biển cả bao la vẫn quanh năm sóng vỗ, phố xá vẫn quen từng bước chân về. Ta nghĩ gì và làm gì trên đất, ta nghĩ gì để rừng mãi xanh tươi, ta nghĩ gì để biển khơi không chỉ đem về tôm cá mà cả những vần thơ làm dịu mát tâm hồn? Vẫn là đất, vẫn là rừng, vẫn là biển cả, vẫn là phố xưa nhưng no ấm đủ đầy? Phải làm sao? Các bạn hãy dành nhiều thời gian để nghĩ về điều đó và ra tay vì năm tháng chẳng đợi chờ, tuổi xuân trôi qua nhanh lắm.

(Trích Những lời chia sẻ, Nguyễn Văn Minh, NXB Đại học Sư phạm, 2023, tr.239-240)

Thực hiện yêu cầu sau:

Câu 1. (0,75 điểm) Theo tác giả, nỗi sợ hãi có tác hại gì?

Câu 2. (1,0 điểm) Để tăng sức thuyết phục cho lập luận, tác giả đã đưa ra những dẫn chứng nào?

Câu 3. (1,0 điểm) Những câu hỏi tu từ được sử dụng trong đoạn văn (3) có tác dụng gì?

Câu 4. (1,25 điểm) Theo em, thế hệ trẻ cần làm gì để tạo dựng một cuộc sống no ấm đủ đầy cho bản thân và có đóng góp cho sự phát triển của cộng đồng?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) trình bày suy nghĩ của em về sự cần thiết của suy nghĩ tích cực đối với tuổi trẻ trong cuộc sống hiện nay.

Câu 2. (4,0 điểm). Viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ), phân tích chủ đề và đặc sắc nghệ thuật của bài thơ sau:

NHÀ EM Ở LƯNG ĐỒI

(Lê Tự Minh)

Nhà em ở lưng đồi

Nơi chim rừng thánh thót

Bầu trời xanh dịu ngọt

Gió tràn về mênh mang.


Nhà em giữa nắng vàng

Con suối tràn bờ đá

Hương rừng thơm mùa hạ

Đường chiều về quanh co.


Nhà em ở nơi đó

Theo cha bẫy gà rừng

Cùng lũ bạn tới trường

Tuổi thơ xanh vời vợi


Nhà em ở lưng đồi

Mẹ cười bên nương ngô

Mừng năm nay được mùa

Theo tiếng khèn xuống phố.


Nhà em ở nơi đó

Hoa nở trắng cánh rừng

Bầy ong theo mùi hương

Về bên kia khe núi...


Nhà của em nơi đó

Chập chờn những giấc mơ

Nơi dâng trào thương nhớ

Em về nơi lưng đồi...

(trích Trở về, Lê Tự Minh, NXB Thông tin và truyền thông, 2019, tr.12-13)

Chú thích:

-Tác giả: Nhà thơ Lê Tự Minh sinh năm 1959 tại Nghệ An, quê Thừa Thiên Huế. Từng sinh sống và học tập ở Liên bang Nga. Hiện ông sinh sống và làm việc tại thành phố Hồ Chí Minh. Lê Tự Minh sáng tác thơ và dịch lời cho nhạc nước ngoài. Ông được biết đến không chỉ với những bài thơ giàu nhạc tính mà còn bởi những bài hát đậm chất thơ. Tác phẩm của ông là sự trang trải nỗi lòng, chứa đựng tình cảm đối với gia đình, bạn bè, đồng đội và rộng hơn là tình yêu Tổ quốc Việt Nam và tình yêu nước Nga.

- Bài thơ Nhà em ở lưng đồi viết năm 1980, sau đó được nhạc sĩ Đức Trịnh phổ nhạc thành bài hát cùng tên.

ĐỀ 2

Sở Giáo dục và Đào tạo Ninh Bình

Đề minh họa kỳ thi tuyển sinh lớp 10 THPT theo chương trình GDPT 2018

Môn thi: Ngữ Văn

Thời gian làm bài: 120 phút

I. ĐỌC HIỂU (3,0 điểm)

Đọc văn bản sau:

ÔNG NỘI VÀ ÔNG NGOẠI

(Lược một đoạn: Minh sống với bố mẹ và ông nội ở Hà Nội. Minh rất gần gũi và yêu ông nội, không hề biết gì về ông ngoại vì ông ngoại đi từ ngày mẹ Minh còn rất bé. Ông vào Nam làm ăn, rồi đất nước chia cắt, ông ngoại không về nữa. Bao nhiêu năm bặt tin, mãi tới khi Sài Gòn giải phóng, có người từ Nam ra, cầm thư của ông ngoại đến cho mẹ, mẹ mới biết là ông còn ở Sài Gòn. Hai mẹ con Minh sửa soạn lên đường vào Sài Gòn gặp ông ngoại. Vào đến nơi, Minh thấy ông ngoại đã già yếu và sống rất nghèo khổ. Ông rất yêu thương Minh nhưng Minh vẫn thấy xa cách với ông).

Lại nói đến cái món đồ chơi của ông ngoại cho nữa chứ! Đó là cái xe gíp bằng sắt, có hai súng máy lắp đá lửa ở trên xe, khi vặn khóa rồi thả cho xe chạy, thì hai khẩu súng bắn ra những tia lửa nhỏ xíu. Minh cũng thích chiếc xe này đấy, nhưng giả thử nó mới thì thích hơn nhiều.

Đằng này xe lại cũ quá rồi, lắm chỗ đã bong lớp mạ trắng và bắt đầu gỉ.

- Sao ông bảo yêu con mà lại cho con một cái xe cũ như thế nhỉ? - Có lần Minh hỏi mẹ như vậy với một giọng trách móc ông ngoại.

- Này, con đừng có nói thế, ông không yêu con sao ông toàn nhường thịt, cá cho con ăn thôi.

- Ông chả bảo với mẹ là ông thích ăn cà. Với lại ông bảo ông thích ăn đầu cá vì bao nhiêu mắm muối nó ngấm cả vào đó là gì.

- Con chả hiểu gì về ông cả.

(Lược một đoạn: Thấy mẹ mắng và mắt mẹ đỏ hoe, Minh dần hiểu và không dám gây chuyện nữa)

Ban đêm ông bảo Minh nằm với ông cho vui. Giường ông rộng, nhưng miếng đệm mút lại hẹp và mỏng chỉ trải vừa một người nằm. Ông gối một bọc quần áo rách. Chăn màn ông vàng khè và hôi hám. Ông để Minh nằm lên miếng đệm, còn ông nằm ra ngoài chiếu, sát trong tường.

- Sao ông không nằm đệm? - Minh rụt rè hỏi.

- À, vì ông thích nằm chiếu cho mát. Khí hậu trong này nóng bức lắm. Cháu ngủ đi.

Ông nói vậy rồi hai ông cháu im lặng. Hình như ông cũng không ngủ được…

Đã sắp hết một tháng kể từ ngày mẹ con Minh vào thăm ông ngoại. Mẹ bảo sắp hết phép, phải về, Minh cũng thấy nhơ nhớ ông ngoại.

Ông ngoại tiễn mẹ con Minh ra bến xe, trước khi mẹ con Minh lên xe, ông rút cái bút máy trong túi áo ra đưa cho Minh và nói:

- Ông chỉ còn cái bút này quý nhất ông cho cháu, cháu giữ lấy để viết thư cho ông. Ông già rồi, chả biết chết lúc nào, dùng cái bút này nó phí đi!

Đó là cái bút Pi-lôt nắp mạ vàng, bút đã cũ lắm rồi, màu nắp đã bạc và sây sát cả.

- Cái xe gíp ông cho cháu ấy, ông cũng đã để dành từ lâu rồi, từ khi nghe tin mẹ cháu đẻ con trai, ông đã mua cái xe ấy, nhưng chả biết nhờ ai gửi cho cháu được, ông vẫn để chờ cháu đấy.

Bây giờ Minh mới hiểu ra là tại sao cái xe gíp ấy nó lại cũ. Minh còn hiểu thêm là ông rất nghèo. Trước kia ông làm người giữ sách ở thư viện Sài Gòn, nhưng rồi sau ông bị ho lao, ba năm trời nằm trong bệnh viện làm phúc, chả có ai chăm sóc. Bây giờ ông già yếu quá rồi, chỉ quanh quẩn bán dần đồ đạc trong nhà để sống tạm. Ông sống có một mình, bà trẻ của ông đã bỏ khi ông ốm đau…

Khi xe sắp chạy, cả mẹ và ông đều rân rấn nước mắt. Mẹ bảo:

- Thôi ông về, trời sắp mưa rồi kìa. Sang năm con lại cho cháu vào thăm ông. Nhưng ông ngoại vẫn đứng đó. Xe bắt đầu chuyển bánh, trời đổ cơn mưa. Minh thấy ông giương cái ô đen. Ông đứng lẫn giữa bao nhiêu người và xe cộ. Xe chạy xa dần, rồi quặt vào một góc phố. Minh chỉ còn thấy chiếc ô đen giơ lên cao rồi khuất hẳn. Minh quay sang nhìn mẹ. Mẹ im lặng, nước mắt giàn dụa. Minh cũng nghẹn ngào muốn khóc. Thương ông ngoại quá đi mất! Bây giờ ông lại về một mình với căn phòng hẹp, với chăn màn cũ.

Minh thấy thương cả cái ô đen vừa khuất sau góc phố.

- Mẹ ơi, thế bây giờ ai nuôi ông?

- Bác con, bác con sắp chuyển công tác vào trong này để nuôi ông ngoại.

- Bao giờ con lớn con cũng nuôi ông ngoại. - Minh nói đến đấy rồi rúc đầu vào lòng mẹ khóc thút thít.

(Những truyện hay viết cho thiếu nhi, Xuân Quỳnh, NXB Kim Đồng, 2023, tr.35-45)

Chú thích: Xuân Quỳnh (1942 - 1988), tên đầy đủ là Nguyễn Thị Xuân Quỳnh, không chỉ là một nhà thơ nữ trữ tình nổi tiếng của thơ ca Việt Nam hiện đại, Xuân Quỳnh còn là cây bút có duyên trong những truyện ngắn cho thiếu nhi. Truyện viết cho thiếu nhi của chị vừa giản dị, gần gũi với cuộc sống, vừa sâu sắc, chan chứa tình người, vô cùng trong trẻo, thuần khiết, giàu chất nhân văn.

Truyện ngắn “Ông nội và ông ngoại” là một trong những truyện ngắn đặc sắc của Xuân Quỳnh viết cho thiếu nhi.

Trả lời các câu hỏi sau:

Câu 1. Trong văn bản trên, nhân vật ông ngoại đã có những hành động nào thể hiện sự yêu thương, quý mến Minh?

Câu 2. Trong các câu văn sau câu nào là câu rút gọn?

Minh quay sang nhìn mẹ. Mẹ im lặng, nước mắt giàn dụa. Minh cũng nghẹn ngào muốn khóc. Thương ông ngoại quá đi mất!

Câu 3. Trong văn bản trên, tại sao mẹ lại nói với Minh rằng: Con chả hiểu gì về ông cả?

Câu 4. Trong cuộc sống, có lúc em sẽ nhận được món quà từ người khác nhưng bản thân không thực sự thích thú giống như Minh nhận chiếc xe gíp, chiếc bút Pi-lôt nắp mạ vàng từ ông ngoại. Em sẽ ứng xử như thế nào trong những tình huống ấy? Vì sao?

II. PHẦN VIẾT (6,0 điểm)

Câu 1. (2,0 điểm) Viết đoạn văn nghị luận (khoảng 200 chữ) phân tích tình cảm của Minh đối với ông ngoại trong truyện Ông nội và ông ngoại (Xuân Quỳnh).

Câu 2. (4,0 điểm)

Bức hình trên cho thấy hiện tượng nở rộ các trang mạng xã hội hiện nay. Làm thế nào để sử dụng những mạng xã hội này một cách hiệu quả? Em hãy viết một bài văn nghị luận (khoảng 500 chữ) bày tỏ suy nghĩ của mình về vấn đề trên.

Đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn Ninh Bình 2025 như thế nào?

Đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn Ninh Bình 2025 như thế nào? Dự kiến phương thức tuyển sinh lớp 10? (Hình ảnh từ Internet)

Dự kiến phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 ra sao?

Căn cứ theo Điều 11 Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông...Tải về có quy định về phương thức tuyển sinh vào lớp 10 như sau:

Tuyển sinh trung học phổ thông được tổ chức theo một trong ba phương thức: xét tuyển, thi tuyển hoặc kết hợp thi tuyển với xét tuyển.

(1) Xét tuyển: căn cứ để xét tuyển là kết quả rèn luyện và kết quả học tập các năm học chương trình giáo dục phổ thông cấp trung học cơ sở hoặc chương trình 6 giáo dục thường xuyên cấp trung học cơ sở của đối tượng tuyển sinh, nếu lưu ban lớp nào thì lấy kết quả năm học lại của lớp đó.

(2)Thi tuyển: căn cứ để xét tuyển là kết quả thi tuyển theo quy định tại Điều 12 Quy chế này.

(3) Kết hợp thi tuyển với xét tuyển: căn cứ để xét tuyển là sự kết hợp quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 11 Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông

Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông...Tải về

Nguyên tắc tuyển sinh lớp 10 năm 2025 như thế nào?

Căn cứ theo Điều 2 Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông...Tải về có quy định về nguyên tắc tuyển sinh như sau:

(1) Hằng năm tổ chức 01 (một) lần tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông.

(2) Việc tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông bảo đảm an ninh, an toàn, khách quan, công bằng và nghiêm túc; bảo đảm thực hiện nhiệm vụ phổ cập giáo dục trung học cơ sở trên địa bàn tuyển sinh.

(3) Việc tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông phải bảo đảm mục tiêu giáo dục toàn diện của giai đoạn giáo dục cơ bản

Dự thảo Thông tư Ban hành Quy chế tuyển sinh trung học cơ sở và tuyển sinh trung học phổ thông...Tải về

Thi vào lớp 10
Cùng chủ đề
Hỏi đáp Pháp luật
Đối tượng nào được cộng điểm ưu tiên vào lớp 10 theo Thông tư 30?
Hỏi đáp Pháp luật
Đáp án đề thi minh họa vào lớp 10 TPHCM năm 2025 môn Ngữ văn phần đọc hiểu? Hồ sơ tuyển sinh trung học phổ thông bao gồm những gì?
Hỏi đáp Pháp luật
Đề thi minh họa vào lớp 10 môn Toán TPHCM có đáp án? Học sinh được tuyển thẳng vào lớp 10 THPT khi nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Đáp án tham khảo đề thi minh họa môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 Vĩnh Phúc 2025? Phương thức tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ Văn Ninh Bình 2025 như thế nào? Dự kiến phương thức tuyển sinh lớp 10?
Hỏi đáp Pháp luật
Giải phần đọc hiểu đề thi minh họa môn Ngữ văn tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 của tỉnh Đồng Nai?
Hỏi đáp Pháp luật
Đề thi minh họa tuyển sinh vào lớp 10 năm 2025 của tỉnh Đồng Nai như thế nào?
Hỏi đáp Pháp luật
Đã có đề thi minh họa vào lớp 10 môn Ngữ văn Vĩnh Phúc năm 2025?
Hỏi đáp Pháp luật
Học sinh khuyết tật nhẹ có được tuyển thẳng vào trung học phổ thông?
Hỏi đáp Pháp luật
Đề xuất cộng điểm khi thi tuyển vào lớp 10 cho con cán bộ cách mạng trước 1945?
Tác giả: Ngô Trung Hiếu
Lượt xem: 1562

Đăng ký tài khoản Lawnet

Đơn vị chủ quản: Công ty THƯ VIỆN PHÁP LUẬT.
Chịu trách nhiệm chính: Ông Bùi Tường Vũ - Số điện thoại liên hệ: 028 3935 2079
P.702A , Centre Point, 106 Nguyễn Văn Trỗi, P.8, Q. Phú Nhuận, TP. HCM;